Thứ Ba, 17 tháng 3, 2020

Trong cơn đại dịch Corona bỗng thấy một Việt Nam như thế


Tính đến ngày hôm nay (17/3/2020) trên lãnh thổ Việt Nam đã có 61 trường hợp bệnh nhân dương tính với virus Corona, trong  đó có 21 bệnh nhân là người nước ngoài, tất cả đều là du khách. 21/61, tức là trên 34% bệnh nhân đã và đang được hệ thống y tế của Việt Nam chăm sóc là người nước ngoài.

Tôi trộm nghĩ thế này: trong thời đại mở cửa giao lưu, hội nhập quốc tế ngày nay, số khách nước ngoài vào Việt Nam và số người Việt Nam ra nước ngoài ở một thời điểm có lẽ cũng phải xấp xỉ nhau, bao gồm những người làm ăn, sinh sống, học tập và du lịch,..Vậy mà sao trong số hơn 180 ngàn ca mắc virus Corona ở nước ngoài (tính đến hôm nay) không thấy thông tin có bao nhiêu trường hợp là công dân Việt Nam? Qua báo chí trong nước, tôi mới chỉ nghe thấy có một trường hợp đã từng được điều trị ở Trung quốc và (hình như) có một trường hợp được điều trị ở Hàn quốc. Chẳng nhẽ chỉ có 2 (hoặc cùng lắm là thêm vài ba) trong tổng số 180 ngàn trường hợp ư? Trong khi tỷ lệ đó tại Việt Nam là 21/61. Hai tỷ lệ này chênh lệch nhau có thể nói là mộ trời –một vực khiến ta phải đưa ra hai giả định:

Giả định thứ nhất là người Việt chúng mình ở nước ngoài hầu như không bị dính virus Corona? Tại sao? Là do người Việt mình ở nước ngoài có sức đề kháng cao hơn dân bản địa nên không bị dình Corona? Hay do tính cẩn thận (có chút lo sợ) nên người Việt phòng tránh được tốt, không bị “dính”? Hay là có nhưng do tôi (và các bạn) không có thông tin nên không biết?

Giả định thứ hai là người Việt Nam, nhất là những người thuộc diện du khách, không thể hoặc khó tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế ở nước sở tại. Vừa qua, cả nước từng rúng động với trường hợp một công dân Việt Nam bị dính Corona ở một nước Châu Âu, buộc phải thuê cả một máy bay riêng để bay về Việt Nam điều trị?! Tôi lại trộm nghĩ: trường hợp bạn đó còn may mắn là nhà “có điều kiện” cả về tài chính và mối quan hệ, chứ còn nếu rơi vào tôi, vào bạn, hay vào bất kể ai trong số đông chúng ta thì kết quả sẽ là như thế nào nhỉ? (Tôi không dám nghĩ đến tình huống xấu nhất, mặc dù là hoàn toàn có thể).

Tôi không biết khi một người Việt Nam chẳng may bị mắc Corona mà phải vào bệnh viện ở nước ngoài được chăm sóc, điều trị như thế nào, chứ còn ở Việt Nam, theo như thông tin chính thống thì có đến 20 bác sỹ, ytá và điều dưỡng chia làm 3 ca để chăm sóc bệnh nhân 24/24 trong suốt thời gian nằm viện. Có nơi đích thân Trưởng khoa, Phó khoa của bệnh viện phải thay nhau túc trực chăm sóc. Hay như trường hợp một người nước ngoài cao tuổi, lại có bệnh nền về huyết áp và tiểu đường, hiện đang nằm viện ở Việt Nam có biểu hiện nặng khiến đích thânThứ trưởng và Cục trưởng của Bộ Ytế và cả một số giáo sư, bác sỹ đầu ngành  phải tham gia hội chẩn đề đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất có thể để cứu người.

Trong một biển thông tin dồn dập cập nhật về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân dương tính virus Conora người Việt Nam cũng như người nước ngoài đang được điều trị tích cực, ta hãy để một phút trầm lại để nhận ra một triết lý rất mộc mạc, giản dị của dân tộc này: "Thương người như thể thương thân", “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”.

Tôi cũng mong tất cả đồng bào ta, nếu chẳng may dính phải Corona mà phải vào bệnh viện ở nước ngoài thì cũng nhận được sự chăm sóc chu đáo, chuyên nghiệp, tận tâm như chúng ta đang dành cho các bạn nước ngoài. Tôi tin rằng nhân đạo là một giá trị phổ quát của toàn nhân loại, và rằng bất cứ người nào mắc hoạn nạn dưới gầm trời này cũng sẽ được che chở bởi những giá trị nhân đạo đó.

Việt Nam chưa phải là nước giàu. Việt Nam chưa phải là nước có nền y học tiên tiến với những thiết bị y tế hiện đại. Nhưng những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm, và làm một cách vô tư, thiện tâm để cứu từng mạng người trong cơn hoạn nạn của dịch Covid bất kể họ là ai - không phân biệt quốc tịch, màu da, giàu nghèo - chắc chắn sẽ làm cho thế giới, nhất là những nước giàu có, những nước có nền y học hiện đại cũng phải ngẫm suy.

Cách ứng xử đó thấm đượm triết lý của Đạo Phật: Vô Ngã – Vị Tha (không đong đếm cái tôi – luôn sống vì người khác).

Hình như trong cơn hoạn nạn này, người ta mới nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, nó không đo bằng độ giàu nghèo của quốc gia. Nó đo bằng tình thương yêu con người, đo bằng trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại.

Có một Việt Nam như thế, có một dân tộc như thế, có một nền văn hóa như thế: mộc mạc, khiêm nhường, chịu khó và nhân hậu – đó chính là tính cách sẽ đưa dân tộc này vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách của đại dịch toàn cầu Covid này.

Tôi tin như vậy, và tôi chắc rằng các bạn cũng tin như vậy.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Hiệp định FTA thế hệ mới là gì?

Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe tới một thuật ngữ mới là “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”. Vậy FTA thế hệ mới là FTA như thế nào?

Khá nhiều người bị nhầm lẫn khái niệm “mới” và “thế hệ mới”. “Thế hệ mới” thì chắc là phải là “mới” rồi, nhưng “mới” chưa chắc đã là “thế hệ mới”. Ví dụ, xe ô tô Toyota Camry mới sản xuất năm 2018 có đôi chút thay đổi về mẫu mã hay cải tiến một vài chi tiết so với Camry sản xuất năm 2015 nhưng đó chỉ là phiên bản mới (phiên bản 2018) của một Camry truyền thống chứ không phải là ô tô thế hệ mới. Còn một chiếc xe ô tô được sản xuất năm 2018 mà là loại tự điều khiển không có người lái thì đó đích thị là xe ô tô thế hệ mới.

Đối với các FTA thì tiêu chí đánh giá cũng tương tự như vậy.

Theo tôi thì FTA thế hệ mới có 4 đặc trưng cơ bản sau: thứ nhất là mức độ cam kết rộng nhất, bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ mà không có loại trừ; thứ hai là mức độ cam kết sâu nhất, cắt giảm thuế gần như về 0% hết mà không có loại trừ (tất nhiên có thể có lộ trình); thứ ba là cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ; và thứ tư là nó bao gồm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh ghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa,..Trong 4 đặc trưng trên thì 3 đặc trưng 1,2 và 3 chỉ là việc “nâng cấp” các FTA truyền thống, còn riêng đặc trưng thứ tư thì đúng là cái mà nó làm nên sự khác biệt của một thế hệ FTA (cũng tương tự như chuyển từ thế hệ ô tô có người lái sang ô tô không có người lái vậy).

Nếu căn cứ vào những đặc trưng trên để xác định một FTA thế hệ mới thì trong số 17 FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia (10 cái đã phê chuẩn và đang thực hiện, 4 cái đã kết thúc đàm phán đang đợi ký và phê chuẩn và 3 cái đang đàm phán) thì chỉ có 3 FTA được coi là thế hệ mới là TPP, CPTPP và FTA với EU (EVFTA). Có FTA có vẻ cũng cực kỳ “đồ sộ”, “hoành tráng” như Hiệp định RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) gồm 16 nước (10 nước ASEAN và 6 nước đối tác) nhưng nếu căn cứ vào nội hàm của nó thì FTA này mặc dù là sẽ được “sinh ra” sau TPP và EVFTA nhưng cũng chưa được coi là FTA “thế hệ mới”, thậm chí nếu hiệp định này đạt được mức độ “tiên tiến” của FTA thế hệ cũ thì cũng đã là một tham vọng lớn rồi.

Về mặt học thuật, nếu ta đã nói “thế hệ mới” thì sẽ có người hỏi vậy thế hệ mới này là thế hệ thứ mấy và trước đó là những thế hệ nào?

Tôi thì chưa thấy ai đưa ra một định nghĩa phân định rạch ròi về các thế hệ FTA, nhưng tôi chỉ đề cập ở đây sự phát triển của FTA qua các thời kỳ.

FTA nguyên thủy ban đầu chỉ là cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa (thương mại hàng hóa). Sau đó nâng lên là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Rồi sau đó các FTA lại được nâng cấp lên tiếp bằng cách bổ sung thêm cấu phần bảo hộ đầu tư và sau này thì bổ sung thêm sở hữu trí tuệ. Mô hình FTA gồm 3 - 4 cấu phần như trên được coi là khá phổ biến cho tới khi xuất hiện FTA thế hệ mới như đã nói ở phần trên.

Cũng có thể có một cách định nghĩa khác đơn giản hơn, đó là những FTA nào mà cao hơn và rộng hơn hẳn WTO (tôi nhấn mạnh là hơn hẳn chứ không chỉ là hơn một chút) thì đó là FTA thế hệ mới.

Tóm lại, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, khi chúng ta nói tới FTA thế hệ mới thì đó chính là nói tới 2 FTA là CPTPP (mà tiền thân của nó là TPP) và FTA với EU.

Nói như vậy thì chúng ta mới cảm nhận được việc Quốc hội sắp bấm nút thông qua CPTPP nó có ý nghĩa lớn như thế nào.


Mạnh Cường

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Ý nghĩa của ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực: 30-12-2018

Có người thắc mắc là tại sao ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực lại là ngày 30-12-2018 mà không phải là ngày 1-1-2019 vì ngày 30-12 nghe nó cứ "lửng lơ" thế nào ấy. Sao không tính toán để nó có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 thì có vẻ "đẹp" hơn không.

Đồng ý là theo thỏa thuận thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày tính từ ngày mà nước thứ sáu thông báo việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn với nước được phân công đăng ký lưu chiểu là New Zealand. Thế nên Australia thông báo với New Zealand vào ngày 31/10 thì cứ cộng 60 ngày thì ra 30/12/2018. Nhưng về nguyên tắc thì Australia hoàn toàn có thể thông báo với NZ chậm hơn 2 ngày, tức thông báo vào ngày 2/11 thì khi đó CPTPP sẽ có hiệu lực chính xác là vào ngày 1-1-2019.

Thực ra vấn đề ở đây không phải là chọn ngày "đẹp" theo nghĩa của con số, mà Australia (cũng như New Zealand và Ca na da trước đó) đã chọn ngày 31-10-2018 là ngày quá "đẹp"

Lý do là thế này:

Việc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa trong CPTPP sẽ được thực hiện theo lộ trình từng năm, mà lộ trình này được tính theo năm của lịch, bắt đầu từ 1/1 hàng năm và kết thúc vào 31/12 hàng năm.

Thế nên bằng việc có hiệu lực vào ngày 30/12/2018, Hiệp định CPTPP đã chính thức thực hiện gói giảm thuế đầu tiên vào năm 2018 và gói giảm thuế này sẽ được thực hiện trong đúng một ngày, đó là ngày 31/12/2018.

Ngay ngày tiếp theo, tức ngày 1/1/2019 thì Hiệp định CPTPP sẽ bước sang năm thứ hai và từ ngày 1/1/2019 gói giảm thuế thứ hai chính thức có hiệu lực.

Như vậy là nếu Australia thông báo với New Zealand muôn hơn chỉ 2 ngày thôi thì lộ trình cắt giảm thuế của toàn bộ CPTPP sẽ bị chậm hơn 1 năm.

Với ý nghĩa như vậy thì mới thấy là ngày Australia thông báo với New Zealnd vừa qua là ngày "quá đẹp" xét từ góc độ thúc đẩy tự do thương mại.

Nhân đây thì nói rõ thêm chuyện có liên quan: không phải nội dung nào cũng áp dụng cách tính năm là theo năm của lịch, mà có những nội dung cam kết lại được tính theo năm chính xác đến ngày. Ví dụ: ngày có hiệu lực đối với nước A là ngày 15/11/2018 thì phải đến 15/11/2019 thì mới được tính là hết năm thứ nhất. Trong trường hợp đó, lời văn của Hiệp định sẽ dùng là "kê từ ngày kỷ niệm tròn năm ngày có HĐ có hiệu lực lần thứ nhất đến ngày kỷ niệm tròn năm lần thứ hai..." (after the first anniversary....).

Nôm na cách tính năm cắt gảim thuế tương tự như cách tính tuổi để trẻ đi học. Còn cách tính năm để áp dụng cho một số cam kết cụ thể thì tính theo năm để mừng sinh nhật nếu trong cam kết nói rõ cách tính như vậy. Nói vậy cho dễ hiểu.

Đôi lời phục vụ bạn nào quan tâm.

Chúc các bạn một ngày vui và cũng nhau đón chờ ngày Quốc hội bấm nút phê chuẩn CPTP


Mạnh Cường

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

Bao giờ Hiệp định TPP có hiệu lực?

Cách đây đúng 1 năm, ngày 5/10/2015, tại thành phố Atlanta, Hoa Kỳ, 12 quốc gia đã tuyên bố kết thúc đàm phán thành công Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, sau một chặng đường kéo dài hơn 5 năm với khoảng trên 25 phiên đàm phán đa phương và hội nghị bộ trưởng, cùng với vài chục cuộc đàm phán và gặp gỡ cấp cao song phương con thoi giữa các nước. Sau đó đúng 3 tháng, vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand, bản Hiệp định đã được 12 nước chính thức ký.

Câu hỏi mà nhiều người hiện nay quan tâm là vậy thì bao giờ TPP sẽ có hiệu lực?

Xin nói ngay là sẽ không có một câu trả lời ngắn, kiểu như là đến ngày- tháng-năm nào đó thì TPP sẽ có hiệu lực, mà câu trả lời sẽ là các điều kiện để TPP có hiệu lực là gì và khi nào hội tụ đủ các điều kiện đó thì TPP sẽ có hiệu lực

Theo điều 30.5, Chương 30 của TPP thì thời điểm có hiệu lực của TPP có thể xảy ra theo 1 trong 3 kịch bản sau:

Kịch bản 1: TPP có hiệu lực trước ngày 4/2/2018 (tức tính đến thời điểm 2 năm sau ngày ký). Theo kịch bản này thì nếu Quốc hội của cả 12 nước tham gia ký kết TPP đều phê chuẩn Hiệp định trước ngày 4/2/2018 thì tính từ ngày mà nước thứ 12 thông báo cho New Zealand  (là nước được phân công đóng vai trò lưu chiểu Hiệp định) về việc nước đó đã hoàn thành thủ tục pháp lý phê chuẩn trong nước thì lấy mốc là ngày thông báo đó cộng với 60 ngày thì sẽ ra ngày TPP có hiệu lực. Ví dụ: Quốc hội 11 nước đã phê chuẩn TPP, chỉ còn Chi lê chưa phê chuẩn. Đến ngày 10/7/2017 Chi lê thông báo cho New Zealand rằng Quốc hội Chi lê đã phê chuẩn xong TPP thì ta sẽ cộng thêm 60 ngày, tức đến ngày 10/9/2017 thì TPP sẽ có hiệu lực.

Kịch bản 2: Nếu đến trước ngày 4/2/2018 mà kịch bản 1 không xảy ra, tức vẫn chưa đủ 12 nước hoàn thành thủ tục phê chuẩn trong nước thì đến ngày đó (tức 4/2/2018) chỉ cần có ít nhất 6 nước TPP mà GDP cộng gộp của  những nước này chiếm ít nhất 85% GDP của toàn bộ khối 12 nước (tính theo số liệu công bố của IMF năm 2013) thì Hiệp định cũng sẽ có hiệu lực đối với những nước này. Thời điểm có hiệu lực cũng theo công thức cộng thêm 60 ngày, tức đến ngày 4/4/2018 sẽ chính thức có hiệu lực đối với  các quốc gia đã phê chuẩn.

Kịch bản 3: Nếu đến 4/2/2018 mà điều kiện ở kịch bản 2 vẫn chưa xảy ra thì TPP sẽ bị “treo” cho đến khi điều kiện đó xảy ra ở một thời điểm nào đó sau ngày 4/2/2018. Ví dụ: đến sau ngày 4/2/2018 đã có 6 nước phê chuẩn TPP, nhưng GDP của 6 nước ngày cộng lại vẫn chưa đạt được 85% GDP của toàn khối 12 nước; đến ngày 20/9/2019 thì thêm một nước thông báo cho New Zealand rằng Quốc hội nước đó đã phê chuẩn TPP và khi đó nếu tính thêm cả GDP của nước đó thì GDP của những nước phê chuẩn đã vượt qua mốc 85% GDP của toàn khối thì khi đó TPP sẽ có hiệu lực đối với những nước đã phê chuẩn sau 60 ngày kể từ ngày nước cuối cùng thông báo, tức vào ngày 20/11/2019. Ở thời điểm đó thì TPP chưa có hiệu lực đối với những nước chưa phê chuẩn.

Với kịch bản 1 thì khi có hiệu lực thì sẽ là TPP-12, còn nếu xảy ra kịch bản 2 hay 3 thì có thể sẽ chỉ có TPP-6, hay TPP-7,…(tức khi đó mới chỉ có 6 hay 7 nước tham gia)

Trên đây là sự diễn giải Điều 30.5 của Hiệp định TPP. Tuy nhiên, nếu chỉ đọc lời văn của điều này trong Hiệp định thì vẫn chưa rõ hết sư chặt chẽ của Hiệp định, mà cần hiểu thêm năm điểm sau:

Điều thứ nhất mọi người nên biết là về công thức “6 nước và 85% GDP” trong thực tế là như thế nào. Trong trường hợp xảy ra Phương án 2 và Phương án 3 thì hết sức lưu ý đến điều kiện là những nước phê chuẩn đó phải có GDP cộng gộp bằng ít nhất 85% GDP của toàn bộ 12 quốc gia TPP. Cần biết rằng tính theo số liệu 2013 của IMF thì GDP của Hoa kỳ chiếm trên 61% và GDP của Nhật  chiếm khoảng 17% GDP của toàn khối 12 nước TPP. Vậy nên, nếu Hoa kỳ không phê chuẩn thì dù 11 nước còn lại, kể cả Nhật bản, có phê chuẩn thì tổng GDP cộng lại của 11 nước này (trừ Hoa kỳ) cũng chỉ chiếm 39% của toàn khối TPP, thấp hơn rất nhiều tỷ lệ tối thiểu 85% theo quy định của Hiệp định nên TPP vẫn không có hiệu lực. Tương tự, nếu Nhật bản không phê chuẩn thì dù 11 nước còn lại, bao gồm cả Hoa Kỳ có phê chuẩn  thì tổng GDP cộng lại của 11 nước này (trừ Nhật) cũng mới chỉ đủ 83% GDP của toàn khối 12 nước. Vậy nên có thể diễn giải ra rõ hơn là nếu xảy ra Kịch bản 2 và Kịch bản 3 thì sẽ là kịch bản khi mà Hoa kỳ VÀ Nhật bản VÀ ít nhất 4 nước khác phê chuẩn. 

Ngoài ra còn một kịch bản có thể chỉ tồn tại trên lý thuyết mà khó có thể xảy ra trong thực tế, đó là nếu cả 3 nước Canada, Úc và Mehico (đứng thứ 3, thứ 4 và thứ 5 về độ lớn GDP trong số 12 nước) cùng rủ nhau không phê chuẩn thì TPP cũng sẽ không thể có hiệu lực do tổng GDP của 3 nước này cộng lại bằng 16,5% tổng GDP của toàn khối. Như vậy, nếu Hoa kỳ cùng Nhật bản và 7 nước kia phê chuẩn mà 3 nước này “rủ nhau” không phê chuẩn thì TPP sẽ không có hiệu lực. Tất nhiên, như trên đã nói, khả năng này chỉ tồn tại trên lý thuyết (để cho có vẻ là TPP có tính đến quyền của tất cả các nước) chứ khó có khả năng xảy ra trong thực tế. Bởi vậy, người ta hầu như không nói đến khả năng này.

Điều thứ hai mọi người nên biết là trong trường hợp xảy ra Kịch bản 2 và Kịch bản 3, tức có một nhóm các nước phê chuẩn trước và TPP sẽ chỉ có hiệu lực đối với nhóm những nước này. Khi đó các nước TPP phê chuẩn sau sẽ nghiễm nhiên (bị) trở thành “công dân hạng hai” tức là nước đó phải “xin” các nước đã phê chuẩn trước cho gia nhập TPP – tức gia nhập cái Hiệp định mà bản thân nước đó đã tham gia đàm phán và ký kết ngay từ đầu. (Đây phải chăng sẽ là một cái “giá” của việc chậm chân trong phê chuẩn. Nó tạo sức ép để các nước không nên lừng khừng trong việc phê chuẩn nếu đã quyết là tham gia). Theo quy định này thì các nước phê chuẩn trước sẽ xem xét đơn “xin” gia nhập TPP của nước phê chuẩn sau trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được đơn “xin gia nhập” này. Sau khi các nước này OK thì TPP sẽ có hiệu lực đối với nước phê chuẩn sau sau 30 ngày kể từ ngày nhận được trả lời “OK” của các nước phê chuẩn trước.

Điều thứ ba mọi người cần biết, đó là riêng đối với Hoa kỳ thì kể cả khi Quốc hội Hoa kỳ đã phê chuẩn và Quốc hội các nước đối tác đã phê chuẩn thì TPP vẫn chưa mặc nhiên có hiệu lực giữa Hoa Kỳ và các nước đối tác. Theo luật pháp của Hoa Kỳ thì sau khi Quốc hội Hoa kỳ phê chuẩn song thì Tổng thống Hoa kỳ phải thực hiện thêm một bước nữa gọi là bước chứng thực (certification process), nghĩa là Tổng thống Hoa Kỳ phải chứng thực là nước đối tác đã hoàn thành việc sửa đổi luật pháp quốc gia cho tương thích với cam kết của Hiệp định và đã có bộ máy, thiết chế để sẵn sang thực thi các cam kết một cách có hiệu lực và hiệu quả. Chỉ sau khi Tổng thống Hoa kỳ hoàn thành bước chứng thực này thì TPP mới có hiệu lực giữa Hoa Kỳ và từng nước đối tác mà Hoa Kỳ đã chứng thực. Với yêu cầu chứng thực này của Hoa Kỳ thì sẽ xảy ra kịch bản là tuy Quốc hội 12 nước đã phê chuẩn thì TPP không mặc nhiên có hiệu lực với cả 12 nước mà nó chỉ có hiệu lực đối với những nước mà Tổng thống Hoa kỳ (khi đó) chứng thực là luât pháp và thiết chế của nước đó đã tương thích với cam kết TPP. Nghe qua điều này có vẻ là khó chịu, nhưng nó sẽ loại trừ được tình huống "nói vậy mà không phải vậy" tức là sẽ cố gắng loại trừ được trường hợp một nước cam kết thì cam kết nhưng không thực hiện.

Điều thứ tư mọi người nên biết – điều này liên quan tới điều thứ ba bên trên – đó là để Tổng thống Hoa kỳ có thể chứng thực là Việt Nam đã sẵn sàng để tham gia TPP thì Việt Nam phải hoàn thành việc sửa đổi bố sung một số văn bản pháp luật cho tương thích với cam kết TPP và sẵn sàng cho việc thực thi, trong đó quan trọng nhất là việc sửa đổi pháp luật lao động và công đoàn. Theo bản Kế hoạch song phương Việt Nam – Hoa Kỳ về lao động (tức bản phụ lục đi kèm Hiệp định TPP) thì Việt Nam phải hoàn thành việc sửa đổi pháp luật lao động và công đoàn và thành lập xong bộ máy, thiết chế về quan hệ lao động phù hợp với cam kết TPP mà đã được cụ thể hóa trong bản Kế hoạch song phương Việt Nam – Hoa Kỳ trước khi TPP có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa Kỳ. Nghĩa là, chỉ khi Việt Nam hoàn thành hai việc này thì Tổng thống Hoa Kỳ mới có đủ căn cứ để chứng thực là Việt Nam đã sẵn sàng thực thi TPP. Sau bước chứng thực này thì TPP mới có hiệu lực đối với Việt Nam và Hoa kỳ.

Điều thứ năm mọi người nên hiểu, đó là sẽ không thể tồn tại phương án TPP sẽ có hiệu lực giữa Việt Nam và các nước khác, trừ Hoa Kỳ, bởi vì có người sẽ hỏi là nếu Tổng thống Hoa Kỳ không chứng thực Việt Nam đã sẵn sàng thực thi TPP thì Việt Nam “quên” Hoa Kỳ đi và “chơi” TPP với những nước còn lại thôi! Điều đó không thể xảy ra, vì như trên đã nói, nếu không có sự tham gia của Hoa Kỳ hay Nhật bản thì sẽ không có TPP. Thế nên Việt Nam có thể “chơi” với các nước khác ngoài Hoa Kỳ, nhưng đó sẽ không phải là TPP mà sẽ là một dạng thỏa thuận hay hiệp định song phương với một cái tên khác, không phải TPP.

Tóm lại, toàn bộ phần giải thích trên có thể gói gọn lại một câu: nếu Hoa Kỳ không phê chuẩn thì trên đời này sẽ không có TPP. Đây là điều giải thích tại sao Quốc hội nhiều nước TPP đã “sẵn sàng phê chuẩn” nhưng lại chưa chính thức phê chuẩn bởi họ không muốn phê chuẩn một hiệp định rồi để đấy. Cá nhân tôi nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ phê chuẩn thì các nước khác sẽ phê chuẩn rất nhanh, thậm chí không cần phải đợi đến đầu 2018. Còn nếu Hoa Kỳ không (hoặc chưa) phê chuẩn thì mọi thứ vẫn cứ “treo” đó. Đợi và đợi!

Hiều được toàn bộ câu chuyện TPP có hiệu lực như vậy thì bây giờ mọi người mới hiểu hết ý nghĩa của việc tại sao Tổng thống Obama vẫn quyết tâm dành những ngày cuối cùng của mình trên cương vị Tổng thống Hoa Kỳ để trình TPP ra Quốc Hội Mỹ. Theo những gì mà chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố thì thời gian trình dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian sau bầu cử Tổng thống (8/11/2016) và trước khi Tổng thống Obama chính thức bàn giao chức Tổng thống cho người kế nhiệm (ngày 20/1/2017). Mọi người hãy chờ xem điều kỳ diệu có xảy ra trong khoảng thời gian hơn 70 ngày này không. 

Nếu Quốc hội Hoa Kỳ không phê chuẩn TPP trong thời gian này thì có thể TPP sẽ bị “treo” vô thời hạn, thậm chí “chết” hẳn nếu như ông Trump lên làm Tổng thống như ông ta tuyên bố. Hãy chờ xem!

Phần trên là sự giải thích cả cá nhân tôi, mọi người có thể tham khảo. Đây không phải là sự diễn giải chính thức



Mạnh Cường

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Cây đa đại thụ chùa Trấn Quốc đã hóa thân về với đất trời cùng với Đại tướng


Một buổi sáng sớm cách đây khoảng 20 ngày (vào thời gian có cơn bão số 8), khi mình đạp xe qua cổng chùa Trấn Quốc thì thấy toàn bộ phần trên của một cây đa đại thụ trước chùa đổ ụp xuống từ đêm trước, vắt ngang đường. Lá trên cây không còn nhiều nhưng vẫn xanh, còn lõi cây thì đã khô kiệt.

Mình xuống xe dắt bộ qua, rồi chỉ nghĩ thầm: lạ thật, đa là loại cây ít khi chết thế này lắm.

Thế rồi hôm nay ngồi tự nhiên nhớ lại, bỗng thốt lên: “Thôi đúng rồi, phải chăng đây là…!”.

Chùa Trấn Quốc, nguyên trước đây gọi là chùa Khai Quốc được dựng lên từ thời Tiền Lý, tức đời vua Lý Nam Đế cách đây 1500 năm (541-547)  là một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên chùa được đặt tên là Khai Quốc, rồi sau này là Trấn Quốc. Chùa nằm trên một hòn đảo nhỏ, phía Đông Hồ Tây, là nơi được coi là mạch linh khí của quốc gia Đại Việt. Bởi vậy, người ta tin rằng sự an hay nguy của quốc gia Đại Việt là gắn liền với linh mạch ở đây. Vua của các triều đại Lê – Lý - Trần, mà gần đây nhất là các vua Minh Mạng, Thiệu Trị của nhà Nguyễn đều đến đây công đức tu sửa và làm lễ với nguyện cầu bảo vệ sơn hà xã tắc khỏi ngoại xâm.  

Trải qua năm tháng, chùa nay đã được nối với đất liền bằng một dải đất, với nơi tiếp giáp là đường Cổ Ngư, nay gọi là đường Thanh Niên.

Ở đúng vị trí cửa chùa Trấn Quốc, trên đường Cổ Ngư vào một chiều tháng 5/1940, chàng trai Võ Nguyên Giáp đã chia tay người vợ trẻ Quang Thái và con gái đầu lòng Hồng Anh khi đó chưa đầy 1 tuổi để lên đường sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh, bắt đầu những năm tháng thoát ly hoạt động cách mạng. Chàng trai Võ Nguyên Giáp cũng không ngờ rằng buổi chia tay hôm đó lại là buổi chia tay vĩnh biệt người vợ yêu, bởi Quang Thái sau đó bị quân Pháp bắt, giam ở Hỏa Lò và mất năm 1944 mà Võ Nguyên Giáp mãi sau này mới được tin.

Và ngày hôm nay, cây đa cổ thụ ở cửa chùa Trấn Quốc - ở chính nơi diễn ra cuộc chia tay biệt ly đó đã hóa thân.

Cây đa đại thụ chùa Trấn Quốc đã hóa thân về với đất trời. Cây đa đại thụ của quân đội Việt Nam cũng đã hoàn thành sứ mệnh Khai quốc và Trấn quốc để về với liệt vị tổ tiên, về với những người thân yêu sau bao năm cách biệt.

Kính cầu cho Ông yên giấc ngàn thu vĩnh hằng.

Lotus

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Hãy tiễn biệt Đại tướng bằng bản Đại hùng ca đoàn kết dân tộc

Hôm nay, 10/10, hàng chục ngàn người vẫn tiếp tục đổ về Hà Nội và hướng đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu.

Ngày hôm qua chỉ khoảng 25 ngàn người có may mắn vào được ngôi nhà đó để tiễn biệt Ông. Nhưng ngày hôm nay, tôi đồ rằng phải đến trên trăm ngàn người sẽ đổ về đây. Sáng sớm nay, lúc 5.30 đạp xe qua đã thấy mọi người xếp hàng đến đường Độc Lập, trước cửa Lăng Bác rồi. Trong số những người đứng đó, thấy rất nhiều bà con từ các tỉnh về. Nếu như vậy thì đến chiều tối nay, khi mà cánh cổng 30 Hoàng Diệu sẽ chính thức khép lại để chuẩn bị cho Quốc Tang thì sẽ có hàng vài chục ngàn người thổn thức đứng bên ngoài để vái vọng Ông.

Lúc đạp xe về đến nhà thì thấy ngôi chùa trước cửa nhà tổ chức Đại lễ cầu siêu cho Đại tướng. Ừ nhỉ, một sáng kiến rất hay, rất Nhân dân. Như vậy là bao người không đến được ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để tiễn biệt Ông sẽ có cơ hội để kính dâng lên hương hồn Ông tấm lòng thành kính của mình.

Và tôi xin có lời thỉnh cầu gửi tới các vị chức sắc tôn giáo rằng: vào ngày Chủ nhật, 13/10 này, khi 21 phát đại bác sẽ vang lên tiễn biệt Ông theo nghi thức Quốc Tang thì cũng vào thời khắc đó chuông từ hàng vạn ngôi chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và các đến thờ của các tôn giáo khác trên khắp mọi miền của đất nước sẽ cùng đồng thanh vang lên, hòa âm để tạo nên một bản đại hùng ca của đất nước - một bản đại hùng ca đầy tính nhân văn và tâm linh sâu sắc.

Nếu được như vậy, tôi tưởng tượng ra rằng đó sẽ không chỉ là tiếng pháo hay tiếng chuông tang tiễn biệt Đại tướng, mà sẽ là âm hưởng của non sông gắn kết dân tộc này như nguyện ước của Ông.

Lotus

Nhân dân Tang

Không phòng bì, không vòng hoa, không chen lấn xô đẩy, chỉ có dòng người tự giác xếp hàng lặng lẽ vào viếng trước di ảnh của người đi xa. Tôi xin gọi một lễ tang như vậy là Nhân dân Tang.

Quốc Tang là do Nhà nước tổ chức theo nghi lễ chính thức, còn Nhân dân Tang là do nhân dân tự tổ chức theo những nghi lễ mà tâm họ mách bảo.

Nhìn vào Quốc tang, người ta biết được người mất đi là ai trong bộ máy nhà nước. Còn nhìn vào Nhân dân Tang, người ta biết được người mất đi là ai trong lòng người dân.

Ông Trời đã khéo sắp đặt để Nhân dân Tang đi trước (6-11/10), còn Quốc tang sẽ đi sau (12-13/10) để Ông được tiếp đón các cụ già, các em nhỏ, các cháu thanh thiếu niên, các chiến sỹ và đồng đội của Ông ở nhà trước, rồi Ông đón tiếp các vị lãnh đạo chức sắc ở “công đường” sau. 

Tấm lòng của Ông bao giờ cũng vậy mà, Ông nhỉ.

Lotus

Không chỉ là sự ra đi của một con người

Sự ra đi của Đại tướng đã làm hàng triệu con tim thổn thức, khóc thương. Khi mình khóc thương thì trong tâm mình cứ nghĩ là mình đang dâng lên hương hồn người đi xa tình cảm tiếc thương, kính trọng của mình, nhưng thực ra Đại tướng đã không còn nhìn thấy những đóa hoa, những giọt lệ, không còn nghe thấy những tiếng thút thít, không còn cảm nhận được những tình cảm thương kính của triệu người dành cho Ông nữa, mà chính hàng triệu người còn sống đang hướng về Ông mới là người đang cảm nhận được những tình cảm đang trào dâng trong mình.

Cái chết của Đại tướng đang chạm tới trái tim của hàng triệu người, đang làm thức tỉnh trong họ một cái gì đó rất thiêng liêng, rất con người, rất nhân văn và rất dân tộc.

Tôi đồ rằng có đến 99% những người đến viếng Đại tướng chưa một lần được gặp Ông ở ngoài đời. Bởi vậy, tôi không nghĩ rằng họ đến đây để viếng một người thân quen. Tôi cũng đồ rằng có đến 80% những người đến viếng Đại tướng là những người không có mối liên hệ trực tiếp nào đối với quân đội hay quân sự . Bởi vậy, tôi cũng nghĩ rằng họ đến đây trước hết không phải để viếng Ông như một vị Đại tướng tài ba, mà là để cúi đầu bày tỏ lòng thành kính trước một Nhân cách lớn.

Và, phải chăng có rất nhiều người đến viếng Đại tướng như một hành động để nói rằng: Ông ơi, Ông là biểu tượng cuối cùng của một thế hệ mà chúng con còn có thể gửi gắm niềm tin của mình.

Đối với hàng triệu người, sự ra đi của Ông không chỉ là sự ra đi của một con người.

Lotus

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Singapore - đất nước của các thiết chế ba bên (Phần 2)

Tiếp theo phần 1: "Singapore - đất nước không có đình công", hôm nay tôi xin chia sẻ tiếp với các bạn phần 2 bài về quan hệ lao động của Singapore

3.     Các thiết chế ba bên về quan hệ lao động

Để thực hiện cơ chế ba bên, Singapore đã thành lập các thiết chế mang tính chất ba bên quan trọng. Trước hết phải kể đến Tòa án trọng tài lao động (Industrial Arbitration Court). Các bạn chú ý đến tên gọi, không phải là tòa án mà cũng không phải chỉ là trọng tài, mà là tòa án trọng tài. Đây là một thiết chế với chức năng rất đặc biệt trong hệ thống quan hệ lao động của Singapore). Tiếp theo là Uỷ ban năng suất quốc gia (National Productivity Board), Hội đồng quốc gia về tiền lương (National Wages Council). Các cơ quan này có chức năng giải quyết, xây dựng và thực hiện các chính sách được xem xét theo quan điểm và sự quan tâm của ba bên. Trên cơ sở sự tham gia và nhất trí của ba bên, các biện pháp và chính sách được hình thành bởi những bên liên quan sẽ nhận được sự chấp nhận cao hơn và như vậy có thể được thực hịên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngòai các cơ chế “cứng” nói trên, nguyên tắc ba bên còn được áp dụng trong việc hình thành một loạt các Uỷ ban (hội đồng) hay nhóm làm việc theo cơ chế “mềm”. Có thể nói, Singapore là nước dẫn đầu thế giới về số lượng các hội đồng, ủy ban, nhóm công tác theo cơ chế ba bên.

Có thể kể ra các thiết chế mang tính ba bên như: Uỷ ban ba bên về cải cách tiền lương (Wage Reform) thành lập năm 1986 để nghiên cứu làm thế nào để hệ thống tiền lương của Singapore trở nên linh họat hơn; Uỷ ban ba bên về xem xét lại hệ thống lương linh họat, năm 1993; Uỷ ban ba bên về đánh giá đạo luật việc làm (Employment Act Review) thành lập năm 1995 để đánh giá các điều khỏan của luật về việc làm để đưa ra những khuyến nghị về chính sách việc làm đáp ứng được những thay đổi của nền kinh tế và của lực lượng lao động; Uỷ ban ba bên về tăng tuổi hưu (Extension of Retirement Age) thành lập năm 1996 để giúp giải quyết các vấn đề về lực lựơng lao động cao tuổi; Nhóm ba bên về về giãn công (Panel On Retrenchment) được thành lập cuối 1997 trong bối cảnh khủng hỏang kinh tế tài chính trong khu vực để giúp các công ty và người lao động hợp tác vượt qua khủng hỏang; Uỷ ban ba bên về tính đại dịên trong Hội đồng quản trị, thành lập năm 2000; Uỷ ban ba bên về tái cơ cấu lương, thành lập năm 2003; Uỷ ban ba bên về cân bằng công việc và cụôc sống, thành lập năm 2004; Uỷ ban ba bên về Trách nhiệm xã hội của doanh nghịêp, thành lập năm 2004; Uỷ ban ba bên về việc làm cho người lao động lớn tuổi, thành lập năm 2005 để đưa ra những khuyến nghị về chính sách thu hút và sử dụng lại lao động đã đến tuổi nghỉ hưu; Uỷ ban ba bên về thực thi việc làm công bằng, thành lập năm 2006; Nhóm làm việc ba bên về khuyến khích sự lựa chọn việc làm cho phụ nữ, thành lập năm 2007.

Ngòai ra, còn có các cơ chế ba bên được thành lập để giải quyết các vấn đề cụ thể khác như  Uỷ ban ba bên về các quảng cáo việc làm không phân biệt, Uỷ ban ba bên thúc đẩy vấn đề bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc (Workplace Health Promotion), Uỷ ban ba bên về tính cạnh tranh của Singapore (Singapre’s Competitiveness), Uỷ ban ba bên về các chế độ bảo hiểm y tế linh hoạt (Portable Medical Benefits),..

Các bạn có thể thấy là hầu như cứ động đến vấn đề gì liên quan tới quyền lợi của hai bên và của đất nước là Singapore có ngay một hình thức thiết chế ba bên nào đó (thiết chế “cứng” hoặc thiết chế “mềm”) để xử lý, tức ra quyết định. Những quyết định của các thiết chế này được coi là kết quả của sự đồng thuận xã hội, và như vậy được mặc nhiên thừa nhận là đừng có ai, đừng có doanh nghiệp nào, đừng có tổ chức nào “cãi” nữa mà chỉ có thực hiện thôi.

Một điều cần biết là tuy hình thức là ba bên, nhưng hai bên chủ và thợ phải luôn “thấm nhuần” một nguyên tắc là lợi ích của quốc gia là tối thượng và không lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp hay của nhóm quyền lợi nào được đặt cao hơn lợi ích quốc gia. Đó là nguyên tắc cao nhất để các thiết chế ba bên làm căn cứ để đưa ra quyết định hay khuyến nghị.

4.     Vai trò của Hội đồng tiền lương quốc gia trong quá trình tạo dựng quan hệ lao động ổn định ở Singapore

Trong các thiết chế ba bên của Singapore, Hội đồng tiền lương quốc gia là một trong những thiết chế họat động hữu hiệu nhất. Sau những năm tháng đối mặt với khó khăn về kinh tế và những bất ổn trên thị trường lao động, Chính phủ Singapore nhận thấy việc các doanh nghiệp tự thu xếp về lương có thể dẫn đến việc tăng lương bừa bãi, không kiểm sóat được và có thể dẫn đến tranh chấp lao động gia tăng. Năm 1972, Chính phủ đã lập ra Hội đồng quốc gia về lương (NWC) như một cơ quan tư vấn cho Chính phủ về lương và các vấn đề liên quan tới tiền lương. Hội đồng bao gồm 30 thành viên đại diện đều cho ba bên. Hội đồng này sẽ xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô như mức độ và triển vọng tăng trưởng kinh tế quốc nội và năng suất, yếu tố cạnh tranh quốc tế của Singapore, tình hình việc làm trong nước, lạm phát, triển vọng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới, tỷ giá hối đóai và tỷ lệ tiết kiệm dân cư,…và trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn (định hướng) về việc thực hiện lương hàng năm, đặc biệt là mức tăng tiền lương. Những hướng dẫn về tiền lương của NWC được áp dụng cho cả doanh nghịêp có công đòan hoặc không có công đòan, cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, áp dụng cho mọi người lao động, bao gồm cả lao động quản lý và điều hành. Mặc dù việc thực hiện những hướng dẫn này là không bắt buộc, nhưng những hướng dẫn này đều được áp dụng một cách rộng rãi. Chính tính chất không ràng bụôc về mặt pháp lý của những hướng dẫn này sẽ tạo điều kịên cho hai bên trong quan hệ lao động tại doanh nghịêp thương lựơng, điều chỉnh mức lương ở doanh nghịêp mình một cách linh họat, phù hợp với hòan cảnh riêng của họ, nhưng cũng không tách rời mặt bằng hay xu hướng tiền lương chung của thị trường. Việc điều chỉnh tiền lương có thời hạn, dựa trên những hướng dẫn về tiền lương của NWC hàng năm đã làm giảm một cách đáng kể những tranh chấp về tiền lương. Thực tế là từ năm 1978 đến nay, ở Singapore không còn xảy ra đình công có nguyên nhân tranh chấp về tiền lương. Tính lôgích của hướng dẫn lương của NWC ở chỗ nó đảm bảo tính khoa học và bền vững của việc điều chỉnh tiền lương, đó là luôn gắn với tình hình kinh tế vĩ mô và năng suất lao động nên việc tăng lương không làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Singapore. Do mức tăng lương có thể được thỏa thuận hợp lý giữa công đòan và người sử dụng lao động và những bất đồng có thể giải quyết hòa bình với sự hỗ trợ của cơ quan hòa giải và trọng tài nên quan hệ lao động của Singapore đã đạt được mức độ ổn định trong hơn 3 thập kỷ qua.

Thông qua những nỗ lực chung của ba bên, đặc biệt là với vai trò tích cực, chủ động của Chính phủ, Sigapore đã chuyển đổi thành công quan hệ lao động từ trạng thái đối nghịch vốn rất phổ biến trong những thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ trước, trở thành một quan hệ hài hòa và hợp tác. Từ năm 1978 đến nay, Singapore đã không còn đình công, trừ một cuộc diến ra trong 2 ngày vào năm 1986, có 62 người tham gia.

Nhân tố chủ đạo xây dựng nên quan hệ lao động hài hòa, ổn định ngày nay ở Singapore là sự nhận thức về sự hợp tác ba bên và cùng nhau hành động vì lợi ích của các bên và lợi ích quốc gia. Đây là một trong những yếu tố làm cho Singapore, một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong một thời gian dài, biến nền kinh tế nước này thành một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh vào hàng đầu thế giới, trong khi vẫn tạo đựơc nhiều cơ hội việc làm tốt và quyền lợi của người lao động đựơc bảo đảm.

Trên đây là toàn bộ những hiểu biết hạn hẹp của tôi về hệ thống quan hệ lao động của quốc đảo Singapore – một quốc đảo hình như đang “miễn nhiễm” với mưa bão, gió mùa?

Nguyễn Mạnh Cường

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Singapore - đất nước không có đình công (phần 1)

PHẦN 1: Triết lý (hay cách tiếp cận) và luật pháp về quan hệ lao động của Singapore

Tôi nghe thấy nhiều người nói rằng đình công là hiện tượng tất nhiên của kinh tế thị trường, nói cách khác, đã có kinh tế thị trường thì khó tránh khỏi đình công. Lý luận này nó có lẽ cũng na ná như phàm đã là nước ở vùng nhiệt đới, gió mùa như Việt Nam thì mưa bão, rồi gió mùa đông bắc là chuyện tất nhiên. Cũng theo lý lẽ đó thì người ta bảo rằng đừng có quá để ý đến việc tại sao trong những năm gần đây đình công xảy ra nhiều ở Việt Nam mà hãy nhìn nhận đình công như một hiện tượng tất yếu khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang vận hành theo nguyên tắc thị trường - nó cũng tất yếu như những cơn bão hay gió mùa đông bắc vậy, dù ta không muốn.
Nghe vậy thì biết vậy, nhưng tôi lại cứ tự hỏi: ơ thế tại sao ở bên Singapre, từ năm 1978 đến nay, đã 33 năm rồi không có đình công (nói chính xác ra thì năm 1986 có xảy ra một cuộc đình công nhỏ có 62 người tham gia nhưng ngay lập tức bị Tòa tuyên là đình công bất hợp pháp). Thế chẳng nhẽ bên Singapore không có kinh tế thị trường à? Rồi lại tự trả lời rằng: đâu phải, nền kinh tế Singapore là nền kinh tế thị trường chính cống đấy chứ, bằng chứng là họ là một trong những thành viên đầu tiên của WTO cơ mà, rồi còn là "con rồng", "con hổ" về kinh tế nữa.

Vậy đâu là "bí quyết Singapore" trong việc giải quyết tốt đẹp giữa kinh tế thị trường với đình công? Đó là câu hỏi tôi tự đặt ra để thử đi tìm lời giải. Đến nay, chưa dám nói là đã giải mã được "bí quyết" này, mà chỉ dám nói là biết được một chút xíu xin chia sẻ với các bạn.

Tôi sẽ trình bày vấn đề thành 4 phần: đầu tiên phải hiểu được là Singapore xây dựng hệ thống quan hệ lao động của họ dựa trên một triết lý nào; tiếp theo là dựa trên triết lý đó thì họ xây dựng một hệ thống luật pháp như thế nào về quan hệ lao động; thứ ba là họ xây dựng một hệ thống các thiết chế về quan hệ lao động như thế nào để quản lý và vận hành hệ thống quan hệ lao động trong quốc gia này và cuối cùng là đánh giá, nhìn nhận thực tiễn quan hệ lao động tại quốc đảo này và xu hướng phát triển của nó.

1.     Cách tiếp cận của Singapore về quan hệ lao động

Nếu tìm hiểu ngược lại lịch sử phát triển quan hệ lao động của Singapore thì thấy trong những năm thập kỷ 50 và đầu 60 của thế kỷ trước, các công đòan của Singapore đã tham gia nhiều vào các phong trào chống thực dân (đặc điểm này chúng ta có thể thấy là có nét gì đó hơi tương đồng với lịch sử phát triển của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong những năm đầu cách mạng). Vào giai đoạn đó, quan hệ chủ - thợ tại Singapore mang tính chất đối đầu, đình công và bế xưởng diễn ra thường xuyên dẫn đến tình trạng bất ổn định về chính trị và xã hội, kinh tế bị trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn sau khi Singapore tách khỏi Malaysia năm 1965 và sau khi Anh rút khỏi Singapore năm 1968 thì nền kinh tế gặp khó khăn nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Chính phủ Singapore đã đưa ra chương trình công nghiệp hóa để thu hút đầu tư nước ngòai, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Singapore ý thức được rằng phải tạo đựơc một môi trường đầu tư thuận lợi, đặc biệt là phải xây dựng được quan hệ lao động lành mạnh, ổn định, đưa quan hệ chủ thợ từ đối đầu sang hợp tác.

Quan hệ lao động ở Singapore đựơc vận hành dựa trên quan nịêm rằng 3 bên cần phải hợp tác với nhau để nâng cao năng suất lao động, tăng cường khả năng cạnh tranh và đạt mức tăng trưởng kinh tế và kinh doanh mà họ cho rằng sẽ có lợi cho tất cả các bên có liên quan. Triết lý phát triển được các bên có liên quan thống nhất là để đạt được sự tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, ba bên phải hợp tác và hình thành mối quan hệ giữa quản lý và lao động một cách chặt chẽ để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn đầu tư nước ngòai. Với triết lý này, công đòan và người lao động được khuyến khích cùng phối hợp với nhau với hình thức quản lý theo nhóm ở cấp công ty, rồi xuống tói cấp công ty.

Nghiên cứu chúng ta có thể thấy là cách tiếp cận của Singapore đối với quan hệ lao động có khác biệt nhiều so với các nước khác. Trong khi chính phủ nhiều nước chỉ hạn chế vai trò của mình trong quan hệ lao động là đưa ra khuôn khổ pháp lý cơ bản và áp dụng nguyên tắc “không can thiệp” vào quan hệ giữa hai bên trong quan hệ lao động thì Chính phủ Singapore lại chọn cách tiếp cận là Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ lao động, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự hợp tác ba bên giữa người lao động, người sử dụng lao động và Chính phủ.

2.     Về khuôn khổ luật pháp về quan hệ lao động

Ba văn bản luật pháp quan trọng liên quan tới quan hệ lao động tại Singapore là Luật việc làm, Luật Quan hệ lao động và Luật công đòan.

Thứ nhất là Luật về Việc làm quy định những điều kiện cơ bản về việc làm và nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Luật này cũng loại bỏ những điều khỏan lỗi thời trong các sắc lệnh về lao động trước đó, vốn vô tình khuyến khích phúc lợi quá mức và sự vô kỷ luật của người lao động và thay vào đó bằng các điều khỏan nhằm hạn chế sự lạm dụng của các bên trong quan hệ lao động và hướng tới việc tạo ra năng suất cao hơn. Luật việc làm cũng quy định quyền của người lao động được gia nhập tổ chức công đòan.

Thứ hai là Luật về Quan hệ lao động xây dựng một nền tảng hợp lý cho quan hệ lao động bằng cách đưa ra sự khác biệt giữa chức năng của người quản lý và công đòan, trong khi cân bằng quyền lợi của hai bên. Điều tôi thấy cần quan tâm trong luật này là quy định về những nội dung có thể đưa vào thương lượng tập thể. Theo quy định của Luật, tất cả các vấn đề như thăng tiến, chuyển công tác, thuê nhân công hay giãn công, đuổi việc và phân công công tác là những nội dung không thể thương lượng. Việc loại bỏ những nội dung này ra khỏi phạm vi thương lượng tập thể chủ yếu là do những vấn đề này thường là nguồn gốc của các tranh chấp là dẫn đến xung đột giữa quản lý và lao động tại doanh nghịêp. Nếu bạn nào làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế thì có thể quen với thuật ngữ "chọn bỏ" và "chọn cho" trong đàm phán thương mại quốc tế: nếu theo phương án "chọn bỏ" thì có nghĩa là một nước đồng ý mở cửa thị trường đối với tất cả các mặt hàng, trừ những mặt hàng a,b,c...; còn "chọn cho" thì có nghĩa là nước đó đóng cửa thị trường và chỉ đồng ý cho nước ngoài tiếp cận thị trường đối với một số mặt hàng x,y,z trong danh mục.

Khi nghiên cứu phần này, tôi luôn so sánh với luật hiện tại của Việt Nam (khoản 2, điều 46, Bộ luật Lao động 1994) quy định nội dung chủ yếu của thỏa ước tập thể gồm những cam kết về sáu nội dung gồm: việc làm và bảo đảm việc làm; thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương; định mức lao động; an toàn và vệ sinh lao động; và bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu chiểu theo ngôn ngữ thương mại thì luật pháp Việt Nam quy định theo nguyên tắc "chọn cho", còn của Singapore thì theo nguyên tắc "chọn bỏ". Theo nguyên tắc của Singapre thì hai bên có thể thỏa thuận bất cứ nội dung gì, trừ những điểm luật quy định không bên nào được yêu cầu đưa ra thương lượng. Quy định như vậy là khẳng định một số quyền "bất khả bàn" của riêng người sử dụng lao động.

Luật Quan hệ lao động cũng bao gồm những điều khỏan quan trọng là cấm người sử dụng lao động có những hành động cố tình cản trở người lao động tham gia công đoàn. Luật cũng quy định thủ tục đại dịên cho người lao động của tổ chức công đòan. Các điều khỏan bao gồm việc thông báo cho người sử dụng lao động và tiến hành bỏ phiếu kín của người lao động để khẳng định rằng công đòan thực sự đựơc lựa chọn và bầu ra để đại diện cho người lao động trong doanh nghịêp. Đây là nội dung tôi đặc biệt quan tâm khi nghiệm vào thực tiễn của Việt Nam.

Thứ ba là Luật về Công đòan của Singapore thể hịên triết lý về tính tương đồng trong mục đích và tính tương hỗ trong quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Luật này đưa ra những điều khỏan xác định phương thức tương tác công khai, minh bạch giữa hai bên trong quan hệ lao động để hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động, cải thiện điều kiện lao động, công nhận và tăng cường vị thế kinh tế – xã hội của người lao động, người lao động ủng hộ việc tăng năng suất lao động vì lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và vì lợi ích của nền kinh tế Singapore.

Tôi xin tạm dừng ở đây, xin hẹn các bạn ở Phần 2 với nội dung về hệ thống thiết chế và thực tiễn quan hệ lao động của Singapore.

Nguyễn Mạnh Cường

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bàn thờ Tổ quốc

Hôm nay, 25/8 là ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một vị tưởng huyền thoại, nhưng không biết mọi người có biết lễ phong tướng cho Đại tướng diễn ra như thế nào không?

Theo ông Vũ Kỳ kể lại trong cuốn “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” thì buổi lễ thiêng liêng đó diễn ra ngày 28.5.1948 trong một căn nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Sát vách gian giữa là Bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên Bàn thờ, còn toàn thể thành viên Chính phủ đứng xếp hàng trước bàn thờ. 

Ông Vũ Kỳ kể:

“Không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước Bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng sao chẳng thấy Bác nói gì mà chỉ thấy Bác cầm khăn mùi soa lau nước mắt, cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào. Ai nấy đều vô cùng xúc động. Một số đồng chí cũng rơm rớm nước mắt. Bên ngoài tiếng suối vẫn réo như tiếng vọng từ ngàn xưa dội về.

Những giây phút im lặng thiêng liêng.

Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm trầm: "Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thoả lòng những người đã mất". 

Tiếp đó, Bác giao bản sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: "Nhân danh Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho".

Đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến lên một bước, nhận tờ sắc lệnh trong tay Bác”

Đọc những điều ông Vũ Kỳ kể lại về buổi lễ, mình cảm thấy thật ấn tượng với những lời lẽ mộc mạc mà sao ý nghĩa thế, nó khác hẳn những gì mà chúng ta thường thấy ngày hôm nay đối với những buổi lễ tương tự: nào là diễn văn dài lê thê với những lời lẽ đao to búa lớn, nào là hoa chúc mừng, nào là khẩu hiệu lớn khẩu hiệu nhỏ.

Điều mình ấn tượng nhất là mọi việc diễn ra trước Bàn thờ Tổ quốc. Mình cũng không hiểu tại sao bây giờ không còn khái niệm Bàn thờ Tổ quốc nữa. Trong ký ức, mình vẫn còn nhớ ngày xưa trong những buổi lễ long trọng, người ta vẫn bày Bàn thờ Tổ quốc, chứ không phải một số thứ khác như bây giờ.

Phải chăng hình thức và nội dung của một buổi lễ ngày xưa nó khác, nên cũng góp phần tạo nên những con người khác chăng?

Lotus

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

YOUNGMO

Tôi vẫn luôn tin rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều mang một hay một vài sứ mệnh nào đó. Có sứ mệnh đến với ta và đi suốt cuộc đời ta, có sứ mệnh chỉ đến với ta trong một không gian và thời gian nhất định.

Bởi vậy, tôi tin là 4 năm qua, Sứ mệnh của anh là hỗ trợ quan hệ lao động ở Việt Nam. Sứ mệnh đó đã đưa anh đến đất nước này, đưa anh đến với chúng tôi, hòa vào chúng tôi để thành chúng ta, thành cái nhóm nhỏ gồm những người mang trong mình tâm huyết làm một cái gì đó cho việc phát triển quan hệ lao động ở một đất nước, nơi mà bản thân khái niệm quan hệ lao động còn được coi là một khái niệm mới – mới đến nỗi đối với nhiều người nó dường như chỉ mới xuất hiện trên thế gian này như cái iphone vậy.

Cách đây 4 năm anh đến Việt Nam bắt đầu làm việc và cũng là để bắt đầu Dự án. Ít người biết rằng đó là thời điểm khó khăn như thế nào đối với công việc chung cũng như đối với công việc của cá nhân tôi. Nhưng thôi, tôi sẽ không kể lại những khó khăn thuở đó, mà chỉ muốn nói rằng cái sự đến của anh cũng như của Dự án nó có ý nghĩa như thế nào.

Tôi cũng sẽ không kể ra đây rằng anh đã làm những gì trong 4 năm ở Việt Nam, bởi tôi không muốn biến mấy dòng tâm sự này thành một bản báo cáo thành tích của anh, mà tôi chỉ muốn nói rằng với tư cách là một người làm việc gần gũi với anh, tôi luôn cảm nhận được một cái Hồn trong những việc anh làm. Cái Hồn đó là cái gì tôi cũng không cắt nghĩa  được, có thể đó là sự đam mê, có thể đó là sự cống hiến, có thể đó là chút “máu” chuyên môn nghề nghiệp, có thể đó là tình cảm của anh dành cho những bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những người lao động Việt Nam mà tôi biết anh luôn có xu hướng muốn bênh vực cho họ. Chỉ biết rằng tất cả những cái đó đã làm nên một tác phong làm việc rất “Youngmo” trong con mắt bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam.

Chính cái Hồn mà anh thể hiện trong công việc cũng như trong ứng xử hàng ngày đã xóa đi mọi ranh giới hữu hình cũng như vô hình để làm cho anh trở thành một người bạn gần gũi với tất cả mọi người, từ những vị quan chức đáng kính cho đến những nhân viên bình thường nhất.

Youngmo ơi, nếu như 4 năm qua, cái Hồn mà anh thổi vào công việc đã cuốn hút tất cả chúng tôi đắm mình vào công việc bao nhiêu thì hôm nay, chính cái Hồn đó sẽ làm cho tất cả chúng tôi cảm thấy khó khăn bấy nhiêu khi phải nói lời chia tay với anh. Mặc dù anh vẫn chưa rời Việt Nam, nhưng tôi đã cảm thấy một sự hẫng hụt – hẫng hụt trong công việc chung cũng như trong tình cảm riêng tư.

Nhưng, sự đến rồi đi có lẽ đó là quy luật của Tạo hóa. Sứ mệnh đã mang anh đến đây và nay có thể anh lại phải đến miền đất mới với một sứ mệnh mới. Tôi tin rằng với “Youngmo Style”, anh sẽ thành công trên cương vị mới.

Mãi mãi trân trọng và quý mến anh – một người bạn, một người đồng nghiệp nghĩa tình. Luôn cầu mong cho anh và gia đình được hạnh phúc, an lành.


Cường IR