Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Một kỷ niệm về sự DẠY và HỌC ở vùng cao


Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ tham gia thực hiện một dự án để hỗ trợ các em bé dân tộc ít người ở miền núi, tôi có dịp được tới khá nhiều trường lớp của trẻ em miền núi (nói chính xác là tới những ngôi nơi được gọi là lớp học).

Một lần chúng tôi tới thăm một trường của học sinh dân tộc H’Mông (tức dân gian hay gọi là dân tộc Mèo) ở xã Sủng Thày, huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang. “Sủng” tiếng H’Mông là “kéo” còn “Thày” có nghĩa là “đẩy”. Xã có tên là Sủng Thày có nghĩa là để lên đến đó thì cứ phải người sau đẩy lưng cho người trước trèo lên, xong người đó lại quay lại kéo người trèo sau. Nói như vậy để mọi người tưởng tượng ra việc lên được trường đó khó như thế nào. Chúng tôi có hai người từ Hà Nội đi nhưng phải kèm theo 3-4 dân địa phương vừa trèo vừa kéo và đẩy giúp thì chúng tôi mới lên được tới nơi.

Để kịp đến được lóp họp đó khi các em còn đang ở trong giờ học, chúng tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng và bắt đầu trèo. Cũng không còn nhớ là sau bao lâu chúng tôi trèo lên được đến đỉnh núi nơi có lớp học nữa.

Khoảng cách thì không xa, nhưng do đi lại khó như vậy nên Sủng Thày trở thành như một ốc đảo và cuộc sống ở đây được vận hành theo cách mà tôi tin là bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng:

Xã có một quỹ đặc biệt. Quỹ này do dân trong bản đóng góp, nhưng đóng góp không phải bằng tiền mà bằng ngô vì nhà nào cũng trồng ngô. Tất cả các hộ dân trong bản không phụ thuộc vào việc có hay không có con đi học đều phải đóng góp vào Quỹ này. Toàn bộ số ngô này được cất trong một nhà kho, và được gọi là Quỹ Khuyến học của xã.

Quỹ này được sử dụng như sau: Xã thuê 2-3 cô gái H’Mông trong bản hàng ngày đến xay ngô, xay xong thì nấu một nồi như cháo ngô (rất tiếc là lâu quá tôi quên tiếng H’Mông gọi món này là gì rồi). Và đến bữa cơm thì tất cả các trẻ em nào đến lớp học thì được ăn một bữa ở trường bằng món ngô bung này. Bữa ăn chỉ có ngô, nghĩa là “ngô chấm ngô” chứ không có thức ăn gì đi kèm cả. Nghe có vẻ đạm bạc, nhưng trong thực tế, bữa ăn đó đã là động lực rất lớn cho các gia đình cho con đến trường học (vì nếu đi học thì được ăn một bữa miễn phí).

Các cô gái cũng được trả tiền công bằng ngô lấy ra từ Quỹ này. Tóm lại là tất tần tân đều được tính bằng ngô cả.

Đó là ăn. Còn ở thì cũng đặc biệt không kém. Nơi đây quá cao và quá khó để có thể đưa xi măng,sắt thép hay gạch ngói gì lên đây. Thế nên nhà được làm bằng đất, gọi là “chình tường”, nghĩa là hoàn toàn bằng đất đắp lên thôi. Đắp xong mà tường nó nứt đến 5,7 phân thì là tốt lắm rồi, miễn là không đổ.

Còn mặc thì cũng đơn giản không kém: trẻ lớn đi học thì có áo và có quần, còn trẻ em chưa đến tuổi đi học thì trên người có mỗi cái áo thôi. Lúc chúng tôi lên thăm thì đúng vào tiết đông, nhiệt độ trên đỉnh núi hôm đó chỉ khoảng 10 độ C, nhưng quần áo các em cũng chỉ có vậy. Đó là điều tại sao ta thấy hai tay các em luôn khoanh ôm lấy ngực và nhảy lò cò để tự sưởi ấm cho mình.

Đấy, cuộc sống rất đơn giản – nó đơn giản đến nỗi nguyên sơ. Còn gọi xã hội này là xã hội gì thì tôi không dám đặt tên.

Và, ở giữa một cộng đồng nguyên sơ như vậy, tôi lại gặp mấy cô giáo người Kinh, tất cả còn rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi. Hỏi chuyện các cô, mới biết các cô quê ở Phú Thọ tự nguyện lên đây dạy học. Còn hỏi chuyện các cán bộ ở xã thì mới biết thêm rằng việc các cô giáo trẻ người Kinh lên đây dạy học là theo yêu cầu của người dân ở đây. Cái lý sự của ngườ H’Mông rất đơn giản: họ nói rằng họ chỉ cho con họ đi học nếu giáo viên là người Kinh (vì họ quan niệm là như vậy thì con họ mới học được cái “văn minh”), mà lại phải là cô giáo chứ không được là thầy giáo vì thầy giáo đến các bản vùng cao là hay uống rượu say.

Ngồi hỏi chuyện các cô thấy các cô đều rất hồn nhiên, yêu đời, không một chút kêu ca phàn nàn. Dân bản và trẻ em trong bản thì cũng hết mực yêu quý các cô vì đối với họ, các cô không chỉ là cô giáo, mà còn là một ai đó quan trọng hơn nhiều đối với cuộc sống của họ.

Đã gần 20 năm, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm Sủng Thày, tôi là thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cơ duyên đến được miền đất đặc biệt này. Nó đã làm cho tôi ngộ ra rất nhiều.

Không có gì cao siêu, to tát cả. Tất cả những gì nguyên sơ tôi nhìn thấy được ở Sủng Thày đã định nghĩa cho tôi rõ nhất về ý nghĩa của hai từ HỌC và DẠY ở trên đời này.

Mạnh Cường Lotus

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét