Tôi chỉ nghĩ đơn
giản thế này: một người sống trên thế gian này cũng giống như một hành khách đi
tàu vậy: Anh lên tàu để đi đến một nơi nào đó, và khi đến nơi thì anh xuống và
mang theo hành lý của anh. Hành lý đó là của anh, còn con tàu mà anh vừa đi là
phương tiện để anh đi và nó không phải của anh.
Trong một status
trước, tôi có nói là sinh ra mỗi người có một sứ mệnh, và bởi vậy, cuộc sống thế
nào cũng sẽ trang bị cho anh phương tiện để anh thực hiện sứ mệnh đó, cũng
tương tự con tàu để đưa anh đến nơi cần đến.
Ví dụ như sinh
ra, nếu sứ mệnh của anh là làm quản lý doanh nghiệp chẳng hạn thì cuộc sống sẽ
trao cho anh cái chức Tổng giám đốc một công ty cùng với quyền quản lý và điều
hành một khối tài sản lớn đến hàng ngàn hay chục ngàn tỷ đồng. Hay nếu sứ mệnh
của anh là quản lý hành chính (xưa gọi là cai trị) thì anh sẽ được trao cho một
chức quan nào đó, với những cái quyền mặc nhiên được gắn với chức quan đó. Khi
đó, nên hiểu là cái quyền hay cái tiền gắn với chức vụ của anh không hề là sở
hữu của riêng anh, mà xin nhắc lại, nó chỉ là phương tiện để anh thực hiện sứ
mệnh của anh. Tóm lại, mặc dù anh có thể tạm giữ nó, nhưng nó không phải là của
anh.
Ấy vậy mà cái xan
tham và cái si mê trong con người nhiều khi khiến anh không nhận ra cái điều
đơn giản đó. Khi người ta đã ngồi vào cái ghế giám đốc hay ghế quan rồi thì rất
ít người nghĩ cái ghế đó là phương tiện mà đa phần người ta cứ nghĩ là Trời ban
cho họ cái ghế đó, nghĩa là họ sở hữu cái ghế đó và họ ứng xử với quyền và với
tiền - tức những thứ gắn với cái ghế đó - cứ như là của riêng họ vậy.
Cái sự "nhận
vơ" đó chính là nguồn gốc của bao nhiêu thứ trớ trêu, bao nhiêu bi kịch
trong đời mà tôi đã quan sát và chiêm nghiệm thấy. Chỉ kể ra đôi ba việc nho
nhỏ:
Khi đã ngồi vào
cái ghế "sếp" thì có thể anh được khối người "ạ". Có nhiều
nguyên nhân và nguyên cớ để mà người ta "ạ" anh, mà trong đó những
cái "ạ" để xu nịnh thì cũng nhiều lắm. Người anh minh là người phải
phân biệt được khi nào người ta "ạ" anh, khi nào người ta
"ạ" cái ghế của anh. Ấy nhưng trong đời, phần đông các ngài quan cứ
mặc nhiên coi rằng thiên hạ đang "ạ" mình, rồi tưởng tượng ra mình là
đại nhân, là vĩ nhân, là bề trên của thiên hạ.
Có người lại được
ngồi vào cái ghế "đặc biệt" - nó đặc biệt đến nỗi mà những người ngồi
trên đó cứ mỗi khi đi đến đâu nói cái gì cũng được người khác coi đấy là những
lời "chỉ đạo" sáng suốt và rồi người ta mở sổ ra chép lấy chép để. Thế
là anh cứ ảo tưởng rằng anh giỏi thật, giỏi đến mức những lời anh nói là chân
lý, là lời của núi sông.
Đến khi anh phải
bước xuống khỏi các ghế đó thì chẳng còn thấy người ta "ạ" anh nữa,
thậm chí có thể có người còn chửi rủa anh nếu trong thời gian ngồi ghế đó anh
làm điều gì đó không phải với người khác. Lời anh nói ra cũng chẳng ai thèm để
ý nữa. Thế là anh bị sốc nặng.
Ô hay, tại sao
con người lại phải sốc, lại phải khổ đau vì cái cảm giác mất đi một thứ không
phải của mình nhỉ?
Hay một dạng bi
kịch phổ biến khác, đó là khi ngồi ở cái ghế "sếp", khối người mặc
sức "khai thác" cái quyền và cái tiền gắn với cái ghế đó để tư lợi
cho mình mà từ ngữ hiện đại người ta gọi là "tham nhũng", là
"lạm dụng chức quyền" ấy.
Quy luật cuộc đời
là sòng phẳng: có vay có trả. Cái gì không phải của anh mà anh giữ thì sớm muộn
anh sẽ phải trả. Không trả bằng hình thức này thì anh cũng phải trả bằng hình
thức khác. Anh không trả hôm nay thì anh cũng phải trả ngày mai. Đời nay không
trả hết thì đời sau trả tiếp.
Xã hội dạo này
đang rúng động, ồn ào về việc "đại gia" nọ, "bầu" kia xộ
khám, rồi tham quan nọ tham quan kia bị sờ gáy. Nghe mà thấy kinh! Nghĩ cho
cùng, tất cả cũng vì cái sự ngộ nhận, không phân biệt được đâu là cái của mình
và đâu là cái không phải của mình của những vị đó.
Thế nên, trong
muôn vàn thứ cần Biết trên đời thì việc biết cái gì là của ta và cái gì không
phải của ta cũng là một thứ cần biết lắm thay. Sống ở đời, hãy vui hưởng những
gì của ta. Còn những gì không phải của ta thì hãy ứng xử cho phải lẽ, đừng có
tham lấy nó rồi dính nợ, tạo khổ. Biết được điều đó để sống thanh thản, biết
được điều đó để sống cho phải đạo.
Mạnh Cường Lotus
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét