Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Niềm vui nằm ở Quá trình hay Kết quả?


(Tiếp câu chuyện "Cuộc sống - Cuộcchơi")

Cái điều thứ tư tôi muốn nói về Cuộc sống - Cuộc chơi là: Nếu đã coi cuộc sống là một cuộc chơi lớn thì niềm vui của nó nằm ở quá trình chơi hay nằm ở kết quả chơi?

Theo tôi, cái đẹp, cái thú vị của cuộc chơi là nằm ở quá trình chứ không phải là kết quả của cuộc chơi. Cái hay của bóng đá là ở 90 phút của trận đấu hay ở kết quả trận đấu? Nếu ai nói rằng bóng đá chỉ hay ở kết quả trận đấu thì tôi có thể đoán rằng người đó chơi cuộc chơi cá độ chứ không phải chơi (hay xem) cuộc chơi bóng đá nữa.

Có lẽ tôi còn quá bé nhỏ để hiểu hết câu "Khôn dại cùng chung ba tấc đất. Giàu sang chưa chín một nồi kê". Ý nghĩa câu này có thể là khuyên con người đừng quá ham hố, đừng quá tranh giành nhau trong cuộc sống vì cuối cùng tất cả đều trở về cát bụi, trở về với thân tứ đại thôi chứ nó không miêu tả niềm vui của cuộc sống trần gian của con người.

Mục đích của mỗi cuộc chơi thường chỉ tạo cho người ta động lực chơi, tạo ra sự "máu lửa" trong mỗi cuộc chơi. Còn cuộc sống đích thực của mỗi con người lại nằm ở quá trình chơi với đầy đủ những sắc thái cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố -  ai - lạc - dục (cụ). Khi cuộc chơi over thì các cảm xúc đó cũng over với một độ trễ nào đó thôi.

Không tin các bạn cứ hỏi các bạn sinh viên là các bạn ấy thấy vui hơn khi đang học hay khi đã tốt nghiệp rồi? Rồi lại hỏi các bác về hưu là thấy vui hơn khi đang đi làm hay là lúc đã về hưu? Chi tiết hơn, cứ thử hỏi các bác đã từng chạy đua một chức vụ nào đó rằng họ cảm thấy hồi hộp (và những người xung quanh thì tò mò) khi đang chạy đua, đang lobby, đang bầu bán hay khi "ván đã đóng thuyền"?

Mấy lời tản mạn. Chúc các bạn tận hưởng niềm vui sống.

Mạnh Cường Lotus



Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Life is games? Cuộc đời - cuôc chơi?


Trên võ đài đấm bốc, khi vào cuộc đấu thì có cảm giác hai võ sỹ coi nhau như kẻ thù, mặc sức mà đấm cho đối thủ đến bất tỉnh thì thôi (knock-out). Đến ngày hôm sau, tức là khi mà cái game ấy đã over thì có thể người ta lại thấy hai đối thủ ấy ngồi uống bia với nhau, thậm chí lại có thể đang bàn một phi vụ làm ăn cùng với nhau, nghĩa là lại có thể là partner của nhau rồi. Tại sao vậy? Vì cái đấm bốc hôm qua chỉ là một game. Cái game ấy over rồi. Hôm nay họ ngồi uống bia với nhau cũng là một cái game. Rồi họ lại cùng nhau tham gia vào một phi vụ làm ăn nào đó thì đó cũng lại là một cái game nữa.

Suy rộng ra, phải chăng cuộc sống của mỗi chúng ta là một chuỗi các games? Và khi cộng các games của mỗi cá nhân lại thì ta lại có một tổng (sum) các games của toàn xã hội?

Một cách mặc định, chúng ta thường cứ hay chia mọi việc trên đời này thành những việc có nghĩa và những việc vô nghĩa và thường thì hay cho rằng những việc vô nghĩa hay vô thưởng vô phạt mới gọi là game, còn những cái mà mình cho là ý nghĩa, là nghiêm túc thì không phải là game. Thế nếu không gọi là game thì gọi những thứ "nghiêm túc" kia là cái gì?

Tôi thấy ai cũng đang CHƠI cả thôi. Những cái thứ mà ta hay cho đó là nghiêm túc hay có ý nghĩa ấy phải chăng đó chính là những cuộc chơi chính trị, cuộc chơi kinh doanh, cuộc chơi nghệ thuật, cuộc chơi công nghệ,..Ý tôi nói cái nghĩa CHƠI ở đây là cái cảm giác của người trong cuộc ấy và ở cách mà mỗi thứ nó được run ấy (sorry chỗ này dùng từ run vì chưa kịp nghĩ từ tiếng Việt cho nó thoát được ý).

Nếu xét theo cái lý sự đó thì dường như là ai cũng đang chơi. Đang sống tức là đang chơi - đang chơi tức là đang sống. Khi mà mọi cuộc chơi đều đã over thì cuộc sống này cũng over!

Thế cho nên:

- Điều 1: Ở đời, hãy cố gắng chọn những cuộc chơi mà chơi. Nếu may mắn mà chọn được cuộc chơi mà nó gắn với niềm đam mê trong mình và khả năng của mình thì đó là cuộc chơi làm cho mình SỐNG nhất rồi, tức là sướng nhất rồi.

- Điều 2: Vì là chơi nên đã chơi thì phải chơi hết mình thì nó mới vui. Nhưng khi cuộc chơi đã over rồi thì dù thắng cũng đừng vui lâu quá và thua cũng đừng buồn lâu quá vì tất cả lúc đó là over rồi. Dù thắng hay thua thì cũng đừng sống với quá khứ nữa mà hãy mau mau chơi một cuộc chơi mới. Hãy luôn làm mới cuộc sống của mình, đừng sống quá nhiều bằng quá khứ.

- Điều 3: Đã là chơi thì luôn có luật chơi và luôn có người phá luật chơi (mà mình hay gọi là ăn gian). Thế nên hãy nhìn cuộc sống một cách bình thản khi ta phải làm cái này làm cái nọ vì nên hiểu rằng đó là luật chơi của game cuộc đời. Còn khi nhìn thấy những điều chướng tai gai mắt thì cũng phải coi đó là chuyện bình thường vì đó là những hiện tượng ăn gian trong cuộc chơi thôi mà. Cứ tập trung vào chơi cho nó vui.

Điều 4....Điều 5....Điều 6...: thôi không nói nữa.

Today's game is over here.

Phải về nhà thôi. Game Gia đình is the best one!

Mạnh Cường Lotus

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Sung sướng biết bao khi được làm người bình thường



Từ khi ngộ ra rằng mình là một người hết sức bình thường trên đời này, tự nhiên thấy cuộc đời an vui hơn, trong lòng luôn cảm thấy nhẹ nhõm, hân hoan hơn.

Tại sao ư? Vì khi ý thức được rằng mình là người bình thường thì tự nhiên mình được hưởng nhiều cảm giác sung sướng:

-         Cái sướng thứ nhất là được hưởng niềm vui học hỏi, tu rèn: Vì ý thức được rằng mình là người bình thường nên luôn tự nhủ rằng mình phải thường xuyên học hỏi, tu rèn để vươn lên. Mà học hỏi, khám phá luôn là một niềm vui bất tận.

-         Cái sướng thứ hai là cái cảm giác được miễn nhiễm với ham hố danh lợi: Vì ý thức được rằng mình là người bình thường nên trong công việc không tồn tại ý nghĩ như: tại sao mình làm thế này mà chỉ được hưởng thế này hay tại sao mình như thế này mà lại không được cái chức này chức nọ. Chỉ nghĩ đơn giản xã hội cho mình cái gì thì mình nhận với sự trân trọng và biết ơn, thế thôi. Nghĩ thế tự nhiên thấy mình được miễn nhiễm với những ham hố về danh và lợi - những thứ vốn khiến ối người đau khổ.

-         Cái sướng thứ ba là được sống trong thế giới đông vui: Vì biết mình là người bình thường nên tự nhiên thấy mình đứng cạnh nhiều người lắm, chứ chẳng đứng trên ai cả, hay nói đúng hơn chẳng có ai phải đứng dưới chân mình cả. Nghĩ thế thì tự nhiên cảm thấy một thế giới thân thiện, đông vui quanh mình.

-         Cái sướng thứ tư là không bị vương vào cái cảm giác "chấp": Vì biết mình là người bình thường chứ không phải thánh nhân nên chẳng bao giờ nghĩ là mọi thứ mình làm hay mình nói ra đều là đúng. Cảm thấy thật nhẹ nhõm khi ai đó nói mình sai. Và kể cả khi mình tin là mình đúng mà người ta không nghe thì cũng thấy nó nhẹ nhõm vì nghĩ tại sao họ lại phải nghe một người bình thường.

-         Cái sướng thứ năm là được hưởng trọn vẹn những niềm vui giản dị của người bình thường: ăn mặc casual ra đường cũng được, ngồi vỉa hè ăn bát phở dân dã cũng chẳng sao. Tóm lại là ra đường chẳng có ai "soi" mình.

-         Cái sướng thứ sáu là được hưởng sự an nhàn (cái này thì nghe có vẻ hơi lười nhác, ích kỷ đây!): vì là người bình thường nên mình không phải (bị) gánh vác những trọng trách to, thế là tha hồ ăn ngon ngủ yên, vui thú với gia đình và dành thời gian làm những việc...bình thường.

-         Cái sướng thứ bảy là nhanh thoát ra khỏi buồn bực, khổ đau: Vì biết thân phận mình là người bình thường nên nếu ở đời có ai định làm mình đau (theo nhiều nghĩa) thì tự nhiên có cảm giác mình chỉ như hạt cát thôi. Nghĩ vậy thì tự nhiên nỗi đau nó trôi tuột đi không đọng lại hoặc không ngấm sâu, ngấm lâu vào mình.

Có lẽ một con người bình thường còn được hưởng nhiều cảm giác sung sướng nữa mà mình cũng chưa kịp thống kê ra hết. Ôi, thật là may mắn biết bao khi có được thân phận là người bình thường trên cõi đời này.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Có nên tin tuyệt đối rằng "Yes, I can"?

Có một lý luận cho rằng phải luôn tự tin rằng mình sẽ làm được bất cứ điều gì "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí sẽ làm nên". Hay trong tiếng Anh thì người ta hay rót vào tai rằng "Yes, I can". Tôi thì tôi không tin lắm vào cái này và cũng không khuyên ai như vậy cả.

Mỗi người sinh ra trên thế gian này được tạo hóa ban cho một hay một số khả năng nào đó và đồng thời tạo hóa cũng không ban cho hoặc chỉ ban cho ở mức...dưới trung bình một số khả năng nào đó.

Khi người ta làm những việc mà họ có khả năng thì họ làm được và khi đó họ vui, họ hạnh phúc. Còn một số việc họ không có khả năng, nhưng họ lại muốn làm. Đến khi cố mãi mà vẫn không thành công thì họ buồn, thậm chí đau khổ.

Thế nên nếu sống mà cứ tin rằng cái gì mình cũng làm được, miễn là có quyết tâm thì cũng đáng khen lắm, nhưng mà khen bởi vì người ta muốn khen thôi, chứ còn tốt với nhau thì phải biết cái gì khích lệ và cái gì can ngăn chứ đừng tự rót vào tai mình "Yes, I can" và tai người khác rằng "Yes, you can".

Những người nào tự huyễn hoặc về khả năng của mình thì họ chỉ mắc lỗi với họ thôi, lại còn có những người đi huyễn hoặc người khác về một khả năng mà người ta không có thì theo tôi là có tội rồi. Một bà mẹ mà cứ gieo vào đầu đứa con gái yêu bé bỏng rằng cô bé đó là con Sơn Ca của thế gian này để rồi con bé tự coi mình là con sơn ca cho đến khi nhân gian bảo là em chỉ là con chim Ca chứ không phải là Sơn Ca thì em đau khổ lắm.

"Sống trên đời phải biết mình là ai" - Đức Khuê bảo thế. Và người ta cũng bảo rằng con người ta hạnh phúc là khi họ được là chính mình. Vậy thì tại sao mình lại cứ đi chạy trốn chính mình để tưởng tượng mình là một ai đó cao siêu, tài ba, xinh đẹp, thành công, vân vân và vân vân và rằng mình sẽ làm được cái nọ cái kia hoành tráng, vĩ đại lắm, "kêu" lắm,..

Thôi thì mình cứ nghĩ mình là bé nhỏ, bình thường, chỉ sở hữu một vài khả năng nho nhỏ và rồi cứ làm thật tốt những cái khả năng nho nhỏ đó. Còn những thứ biết mười mươi là không làm được thì thôi đừng có cố làm. Như vậy thì bên ngoài dù mình có sang hay hèn, giàu hay nghèo, giỏi hay kém thì mình vẫn luôn được là mình và khi đó mình được hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc được là mình rồi.

Nếu ai cũng nghĩ và làm như vậy thì từ những bậc siêu nhân, đại nhân cho tới những kẻ ăn mày ai cũng có thể hưởng một kiếp sống an lạc trên cõi đời này.

Bởi vậy, tôi chẳng bao giờ đi khuyên ai rằng "Yes, you can" và bảo họ làm cái này cái nọ, mà tôi chỉ luôn khuyên mọi người rằng hãy tĩnh tâm lắng nghe để biết bạn là ai, bạn muốn gì, bạn làm được cái gì và hành động.

Khi đó niềm hạnh phúc, sự an lạc sẽ đến với bạn.
Mạnh Cường Lotus

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Những ông bố đường lối

Các con nghe ý kiến chỉ đạo đây..

Đầu năm học, Uẩn tổ chức cuộc họp gia đình để quán triệt tinh thần học tập cho các con. Uẩn "nổ" rất to: "Bố chỉ đạo các con là phải ngoan, phải học thật tốt vào nhé". Các con cũng "nổ" lại: "Dạ, vâng, chúng con xin hứa! chúng con quyết tâm!".

Quán triệt xong, hứa quyết tâm xong thì cả nhà tổ chức liên hoan ăn mừng linh đình kèm theo "dzô, dzô" vang cả nhà. Ai cũng hể hả: bố thì hể hả là đã quán triệt con tới nơi tới chốn; con thì hể hả vì đã được bố khen là hứa to, quyết tâm lớn. Vui quá, thành công quá, thế là lại "dzô, dzô".

Đến cuối năm, các con Uẩn đứa thì bị đúp, đứa thì bị kỷ luật. Bố Uẩn (tức ông của các cháu học sinh) gọi Uẩn đến, mắng Uẩn là không biết chăm sóc dạy dỗ con nên để ra nông nỗi này.

Uẩn ấm ức báo cáo với ông: "Dạ, ngay từ đầu năm con đã tổ chức hội nghị gia đình để quán triệt chủ trương là phải học tốt rồi đấy ạ. Bố thấy đấy, chủ trương là đúng quá rồi. Lỗi đấy là phần thực hiện, là do mấy đứa nó không chịu thực hiện sự chỉ đạo của con là phải ngoan, phải học giỏi đấy ạ!".

Mấy đứa con nghe thấy bấm nhau: "Lo gì, mấy năm nữa chúng mình lại lên chức bố tới nơi rồi, lại sắp được chỉ đạo, quán triệt người khác về chủ trương tới nơi rồi!"

Còn ông thì quay sang Uẩn hạ giọng: "Khá lắm, mày giống y hệt bố ngày xưa".

Mạnh Cường Lotus 

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Thanh quan


Nguyên Thủ tướng Trung quốc Chu Dung Cơ được biết đến như một "thanh quan" - một Thủ tướng liêm khiết, công tâm và luôn vì công việc. Khi còn tại chức, ông thường nhắc đến một câu châm ngôn được khắc trên tấm bia đá ở Tây An từ thời nhà Thanh để tự răn mình và cộng sự.

Nguyên văn câu châm ngôn ấy là:
"Lại bất úy ngô nghiêm, nhi úy ngô liêm;
Dân bất phục ngô năng, nhi phục ngô công;
Công bất tắc bất cảm mạn, liêm tắc lại bất cảm khi.
Công sinh minh, liêm sinh uy”.


Tạm dịch là:
"Quan lại không sợ ta nghiêm mà sợ ta liêm khiết;
Dân không phục ta vì có năng lực mà phục ta công tâm.
Công tâm dân sẽ không dám chậm chạp lười nhác, liêm khiết thì quan lại không dám ức hiếp dân.
Công tâm sẽ sinh ra sáng suốt, liêm chính sẽ sinh ra uy nghiêm"

Xin chép ra đây để mọi người tự luận.

Mạnh Cường Lotus