Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Những bông hoa ngày sinh nhật


Năm nào cũng vậy, cứ đúng vào ngày sinh nhật của tôi là công ty điện thoại di động mà tôi đang sử dụng dịch vụ thế nào cũng gửi hoa đến gọi là mừng sinh nhật của khách hàng.

Trước kia, năm nào tôi cũng từ chối khéo, thường thì bảo là đang công tác xa không ở Hà Nội và nói rằng tôi cám ơn sự chúc mừng đó và coi như tôi đã nhận hoa rồi.

Tại sao tôi lại làm như vậy? Vì tôi nghĩ rằng đã là tặng hoa thì bó hoa hay bông hoa đó là vật để thể hiện hay truyền tải tình cảm từ người tặng cho người được tặng. Thế còn bó hoa mà công ty điện thoại gửi đến cho tôi thì sao? Người gửi tặng chẳng biết tôi là ai, ngoài cái tên trong hồ sơ của họ. Còn tôi, tôi cũng chẳng biết họ là ai ngoài cái dịch vụ a-lô tôi đang dùng. Còn người mà mang hoa đến nhà tôi thì cũng là người của công ty hoa, họ chỉ biết đưa hoa đến nhà tôi như đưa thư thôi chứ có biết tôi là ai đâu. Như vậy giữa người tặng và người được tặng chẳng mảy may có một sợi dây tình cảm nào cả chứ chưa nói đến tình yêu thương hay trân trọng.

Nhưng rồi sau này tôi nghĩ lại nếu tôi cứ không nhận như vậy thì cũng làm khổ người khác. Thứ nhất là làm khổ người nào làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty điện thoại: có thể họ sẽ bị phê bình vì đã không thực hiện được một việc theo yêu cầu. Thứ hai là làm buồn người cung cấp hoa: họ đã không bán được một bó hoa. Và thứ ba là làm buồn người đi đưa hoa: họ lại bị hụt mất một cái gạch đầu dòng trong danh sách những người họ đến đưa hoa trong ngày đó và có thể ảnh hưởng đến thu nhập ít ỏi của họ trong ngày đó.

Nghĩ vậy nên mấy năm gần đây tôi lại đồng ý nhận. Mình nghĩ làm như vậy thì ít nhất là mình cũng đem đến một niềm vui nho nhỏ cho ba bạn nói trên.

Tuy nhiên, những bông hoa đó tôi thường đặt ở ngoài sân, bên cạnh những chậu hoa cảnh mà tôi vẫn mua ngoài chợ. Đó là nơi để dành cho những bông hoa đẹp tự nhiên, vô tư và chỉ có thế.

Còn trong nhà là nơi dành để cắm những bông hoa tôi nhận được từ vợ con, bạn bè, đồng nghiệp, bởi khi ngắm những bông hoa đó, tôi không chỉ thấy cái đẹp của hoa mà tôi còn cảm nhận được cả tình cảm mà mọi người gửi gắm trong đó.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Lại vẫn là mong muốn được là hạt cát


Trong post trước, tôi có tâm sự rằng tôi chỉ muốn mọi người coi tôi như một hạt cát. Đó là một cảm giác rất tự nhiên, rất thật trong tôi.

Trước kia, tôi cũng đã viết bài “Sinh ra, mỗi người mộtsứ mệnh”. Khi ghép hai staus này lại với nhau thì có thể diễn giải trọn vẹn cái tôi nghĩ thế này: trên đời này thì ai cũng như ai, nghĩa là chỉ như hạt cát cả thôi. Thế nhưng khi đã sinh ra là một con người thì mỗi người sẽ có một sứ mệnh nào đó. Để thực hiện cái sứ mệnh đó thì Tạo hóa sẽ ban cho một người nào đó nhiều trí tuệ hơn, nhiều tiền hơn hay nhiều quyền hơn để thực hiện một sứ mệnh nào đó.

Bởi vậy mà trong đời có những hạt cát giỏi hơn hạt cát khác, giàu hơn hạt cát khác, chức vụ to hơn hạt cát khác, và có thể còn nhiều thứ hơn khác.

Thế nhưng đời người là hữu hạn. Khi cái sứ mệnh của một người chấm dứt thì cái hạt cát ban đầu lại trở lại hạt cát, đúng theo cái nghĩa “cát bụi lại trở về cát bụi”, hay trở về “thân tứ đại” (đất, nước, gió và lửa) như những lời dạy của tiền nhân. Còn cái sứ mệnh kia lại được chuyển cho “hạt cát” khác gánh vác. Và tất nhiên, những trí tuệ, của cải, quyền lực cũng lại được chuyển cho “hạt cát” khác. Đó là cái quy luật của muôn đời.

Thế nên trong quãng thời gian ngắn ngủi của đời người, nếu ai đó đang được giỏi hơn, giàu hơn, to hơn hay là cái gì đó hơn thì hãy nghĩ rằng tất cả những cái “hơn” đó không phải của riêng mình, mà mình chỉ là người tạm giữ để thực hiện một sứ mệnh nào đó thôi.

Còn cái thực sự của riêng mình có lẽ chỉ là hạt cát thôi.

Nghĩ như vậy để bất cứ lúc nào trong mình mã trỗi dậy cái cảm giác là mình giỏi hơn người, giàu hơn người, quyền lực hơn người thì phải mau chóng dẹp nó đi. Dẹp đi để hiểu thực sự mình là ai. Dẹp đi để thấy cái tự do, cái sung sướng của một hạt cát trong cái biển cát mênh mông của đời người.

Tôi ngẫm như vậy, tôi tin như vậy và tôi luôn tự răn mình như vậy.

Mạnh Cường Lotus


Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Hãy cho tôi được làm một Hạt cát


Tự nhiên rùng mình chợt nghĩ có một ngày nào đó tự nhiên có ai đó cứ tin rằng tất cả những điều mình nói ra là đúng. Thế thì chết mất. Thảm họa, thảm họa.

Cũng phải tự nhận mình là người thích nghe, thích đọc, thích quan sát và thích suy nghĩ. Và khi nghĩ thì cũng có thể nghĩ ra cái gì đó, rồi nói ra hay viết ra. Tất nhiên khi mình đã nói ra cái gì thì mình luôn nghĩ rằng nó đúng, nó phải thì mình mới nói. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là những thứ mình nói ra nhất nhất đều là đúng.

Thế nên chỉ mong mọi người nếu có ai đó đọc những thứ tôi viết, nghe những điều tôi nói thì đừng để ý đến người nói hay người viết, mà hãy để ý đến điều được viết hay nói ra. Nghĩa là phải tách điều nghe được, đọc được ra khỏi người đã nói hay viết ra điều đó, đừng để cái tên của ai đó tác động đến sự suy nghĩ độc lập của riêng bạn.

Để làm gì ư? Để tránh việc xa vào một thứ mà người ta gọi là Mê tín, nghĩa là đã tin ai, (hoặc cũng có thể vì người đó có một cái danh gì đó, ví dụ như mang danh “thầy” chẳng hạn) thì nhất nhất cái gì người ấy nói ra cũng đúng. Như thế là không nên. Tôi cũng như các bạn, là người thì ai cũng có thể có lúc sai cả.

Tôi chỉ mong là những lời của tôi nói và viết ra thì các bạn hãy coi đó như là lời của gió và hãy suy ngẫm về những điều đó xem nó có phải không, có hợp lý không chứ đừng đi để ý đến việc ai đã nói hay viết ra nó. Nếu những lời nói đó mà các bạn thấy nó sai, nó vô bổ thì hãy quên nó đi hoặc phản bác lại nó (nếu có cảm hứng). Còn nếu thấy có lời nào đó có ích, dùng được thì đó là của các bạn rồi, không phải của tôi nữa đâu.

Thế nhé, hãy cho tôi được làm một hạt cát trong đời và đừng gắn cái gì vào hạt cát đó cũng như đừng gắn hạt cát đó vào cái gì cả. Như vậy tôi được tự do và các bạn cũng luôn được tự do, trong đó có cả cái tự do không sợ sai.

Mạnh Cường Lotus 

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Một kỷ niệm về sự DẠY và HỌC ở vùng cao


Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ tham gia thực hiện một dự án để hỗ trợ các em bé dân tộc ít người ở miền núi, tôi có dịp được tới khá nhiều trường lớp của trẻ em miền núi (nói chính xác là tới những ngôi nơi được gọi là lớp học).

Một lần chúng tôi tới thăm một trường của học sinh dân tộc H’Mông (tức dân gian hay gọi là dân tộc Mèo) ở xã Sủng Thày, huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang. “Sủng” tiếng H’Mông là “kéo” còn “Thày” có nghĩa là “đẩy”. Xã có tên là Sủng Thày có nghĩa là để lên đến đó thì cứ phải người sau đẩy lưng cho người trước trèo lên, xong người đó lại quay lại kéo người trèo sau. Nói như vậy để mọi người tưởng tượng ra việc lên được trường đó khó như thế nào. Chúng tôi có hai người từ Hà Nội đi nhưng phải kèm theo 3-4 dân địa phương vừa trèo vừa kéo và đẩy giúp thì chúng tôi mới lên được tới nơi.

Để kịp đến được lóp họp đó khi các em còn đang ở trong giờ học, chúng tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng và bắt đầu trèo. Cũng không còn nhớ là sau bao lâu chúng tôi trèo lên được đến đỉnh núi nơi có lớp học nữa.

Khoảng cách thì không xa, nhưng do đi lại khó như vậy nên Sủng Thày trở thành như một ốc đảo và cuộc sống ở đây được vận hành theo cách mà tôi tin là bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng:

Xã có một quỹ đặc biệt. Quỹ này do dân trong bản đóng góp, nhưng đóng góp không phải bằng tiền mà bằng ngô vì nhà nào cũng trồng ngô. Tất cả các hộ dân trong bản không phụ thuộc vào việc có hay không có con đi học đều phải đóng góp vào Quỹ này. Toàn bộ số ngô này được cất trong một nhà kho, và được gọi là Quỹ Khuyến học của xã.

Quỹ này được sử dụng như sau: Xã thuê 2-3 cô gái H’Mông trong bản hàng ngày đến xay ngô, xay xong thì nấu một nồi như cháo ngô (rất tiếc là lâu quá tôi quên tiếng H’Mông gọi món này là gì rồi). Và đến bữa cơm thì tất cả các trẻ em nào đến lớp học thì được ăn một bữa ở trường bằng món ngô bung này. Bữa ăn chỉ có ngô, nghĩa là “ngô chấm ngô” chứ không có thức ăn gì đi kèm cả. Nghe có vẻ đạm bạc, nhưng trong thực tế, bữa ăn đó đã là động lực rất lớn cho các gia đình cho con đến trường học (vì nếu đi học thì được ăn một bữa miễn phí).

Các cô gái cũng được trả tiền công bằng ngô lấy ra từ Quỹ này. Tóm lại là tất tần tân đều được tính bằng ngô cả.

Đó là ăn. Còn ở thì cũng đặc biệt không kém. Nơi đây quá cao và quá khó để có thể đưa xi măng,sắt thép hay gạch ngói gì lên đây. Thế nên nhà được làm bằng đất, gọi là “chình tường”, nghĩa là hoàn toàn bằng đất đắp lên thôi. Đắp xong mà tường nó nứt đến 5,7 phân thì là tốt lắm rồi, miễn là không đổ.

Còn mặc thì cũng đơn giản không kém: trẻ lớn đi học thì có áo và có quần, còn trẻ em chưa đến tuổi đi học thì trên người có mỗi cái áo thôi. Lúc chúng tôi lên thăm thì đúng vào tiết đông, nhiệt độ trên đỉnh núi hôm đó chỉ khoảng 10 độ C, nhưng quần áo các em cũng chỉ có vậy. Đó là điều tại sao ta thấy hai tay các em luôn khoanh ôm lấy ngực và nhảy lò cò để tự sưởi ấm cho mình.

Đấy, cuộc sống rất đơn giản – nó đơn giản đến nỗi nguyên sơ. Còn gọi xã hội này là xã hội gì thì tôi không dám đặt tên.

Và, ở giữa một cộng đồng nguyên sơ như vậy, tôi lại gặp mấy cô giáo người Kinh, tất cả còn rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi. Hỏi chuyện các cô, mới biết các cô quê ở Phú Thọ tự nguyện lên đây dạy học. Còn hỏi chuyện các cán bộ ở xã thì mới biết thêm rằng việc các cô giáo trẻ người Kinh lên đây dạy học là theo yêu cầu của người dân ở đây. Cái lý sự của ngườ H’Mông rất đơn giản: họ nói rằng họ chỉ cho con họ đi học nếu giáo viên là người Kinh (vì họ quan niệm là như vậy thì con họ mới học được cái “văn minh”), mà lại phải là cô giáo chứ không được là thầy giáo vì thầy giáo đến các bản vùng cao là hay uống rượu say.

Ngồi hỏi chuyện các cô thấy các cô đều rất hồn nhiên, yêu đời, không một chút kêu ca phàn nàn. Dân bản và trẻ em trong bản thì cũng hết mực yêu quý các cô vì đối với họ, các cô không chỉ là cô giáo, mà còn là một ai đó quan trọng hơn nhiều đối với cuộc sống của họ.

Đã gần 20 năm, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm Sủng Thày, tôi là thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cơ duyên đến được miền đất đặc biệt này. Nó đã làm cho tôi ngộ ra rất nhiều.

Không có gì cao siêu, to tát cả. Tất cả những gì nguyên sơ tôi nhìn thấy được ở Sủng Thày đã định nghĩa cho tôi rõ nhất về ý nghĩa của hai từ HỌC và DẠY ở trên đời này.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Ba đại vấn đề của đất nước

Tôi sinh ra vốn không có khả năng làm việc nước, nhưng vì không biết làm việc nhà nên đành phải tìm chốn nương thân ở việc Nhà-Nước (tức trong giờ làm việc nước thì vẫn tranh thủ làm việc nhà như chạy đi đón con ở trường và đôi khi ở nhà vẫn tranh thủ làm việc nước như thức đêm viết bài). Hôm nay ngồi ở nhà mon men viết mấy dòng lạm bàn về việc nước.

An bình - đó là hai chữ mà ai cũng mong: Mong cho đất nước được bình an, mong cho gia đình được an bình, mong cho tâm mình luôn được an. Nhưng, tình hình đất nước như hiện nay thì khó có thể nói hai chữ bình an được. Chữ "lâm nguy" thì tôi chưa dám dùng, mà chỉ dám dùng chữ "đại vấn đề" thôi.

Tôi thấy đất nước mình đang đứng trước ba Đại vấn đề:

Một là Tàu khựa đang ngày càng hung hăng, quyết tâm chiếm, và thực sự đã và đang chiếm Biển Đông (tôi nói Biển Đông chứ không chỉ là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa);

Hai là nợ xấu của ngân hàng, cộng với sự đổ vỡ và nguy cơ đổ vỡ của một loạt các công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như phi nhà nước.

Ba là vấn đề tham nhũng và lợi ích nhóm.

Cái mà tôi, với tư cách là một người dân, lo không phải vì vấn đề nó quá lớn, quá quan trọng, mà lo là vì mình chưa tưởng tượng ra cách giải quyết 3 đại vấn đề kia như thế nào. Nôm na là nếu nói theo cách của Chính phủ Cụ Hồ ngày xưa gọi là các "giặc" thì không biết dùng cách gì để đánh "giặc chiếm Biển Đông", "giặc nợ xấu" và "giặc tham nhũng" đây.

Này nhé:

-         Đối phó với giặc chiếm Biển Đông: Đã là đánh nhau trên biển thì tối thiểu phải có tàu biển rồi. Phía bên kia thì suốt ngày thấy báo chí mình đưa tin là họ hạ thủy tàu hải giám "khủng", rồi tàu sân bay, rồi tàu tuần ngư, rồi siêu giàn khoan trên biển, rồi đoàn tàu đánh cá 30 chiếc đến Trường Sa như đi vào chỗ không người. Còn phía bên ta thì đã có Vinashin và Vinalines!

-         Đối phó với giặc Nợ xấu: Đối với nợ xấu và đổ vỡ của những tập đoàn lớn thì về lý thuyết phải có "tay to" là Nhà nước đứng ra để đỡ, ít nhất là trong giai đoạn critical cho nó không xảy ra đổ vỡ dây chuyền kiểu domino. Không dám bình luận thêm là cái "tay to" Nhà nước hiện nay đủ lực để đỡ không nhưng tôi chỉ muốn nói rằng kịch bản sẽ rất xấu khi phải dùng đến "tay to" khác từ bên ngoài như một số nước thời khủng hoảng 97-98 và khủng hoảng đợt vừa rồi phải nhờ đến. Mà trên thế giới bây giờ có một "tay" cực to, đang dư thừa rất nhiều tiền, to đến mức các "đại quốc gia" cũng đang phải nhờ tới. Việt Nam mình mà phải nhờ tới cái "tay to" này để giải cứu nợ xấu thì sẽ là đại hạn!

-         Đối phó với giặc tham nhũng: Đã có người dùng từ "quốc nạn" để nói tới tham nhũng. Sao bây giờ tham nhũng nó nhiều thế, nó có mặt ở khắp mọi nơi, ở mọi cấp, ở mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tham nhũng bây giờ lại gắn liền với các nhóm lợi ích, hình thành nên một cái thế bùng nhùng, càng khó gỡ. Nói vậy để thấy lực lượng tham nhũng thì thật là hùng hậu, còn lực lượng chống tham nhũng là ai? Cũng vừa thay đổi Ban chỉ đạo chống tham nhũng TW đấy. Liệu đó có phải là lực lượng chống tham nhũng hữu hiệu? (Thôi, không dám bàn thêm).

Nghĩ đến 3 đại vấn đề này mà hãi. Không phải là mình vô cảm trước những đại vấn đề của đất nước, mà chỉ đơn giản là thấy mình quá bé nhỏ, chẳng làm được gì cả nên tốt nhất là không nghĩ nhiều cho tâm nó an.

Hàng ngày, con vẫn vui đến trường, chim vẫn hót líu lo trên hàng cây ngoài ngõ, bà bán xôi đầu phố tay vẫn thoăn thoắt gói xôi cho khách, anh đánh giày cửa cơ quan tay vẫn đánh đều từ sáng đến chiều,...Thôi, hãy cứ ngắm cuộc đời như vậy để hưởng sự an bình.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Tiền có quan trọng không?


Tôi viết status này không phải để đặt câu hỏi rằng tiền có quan trọng không, mà là để nói rằng tại sao tôi không bao giờ muốn hỏi hay trả lời câu hỏi này.

Lý do là vì tôi thấy không thể có MỘT câu trả lời duy nhất cho nó. Trong cuộc đời, tôi thấy rất nhiều tình huống (hay hoàn cảnh) khác nhau và thấy mức độ quan trọng của đồng tiền đối với từng con người trong từng hoàn cảnh cụ thể là khác nhau. Này nhé:

-         Giữa không có tiền (chết đói) và có chút tiền đủ sống là một khoảng cách Vô cùng lớn;

-         Giữa có ít tiền (thiếu thốn) và có nhiều tiền hơn (tạm đủ sống) là một khoảng cách Rất lớn;

-         Giữa có tiền tạm đủ sống và có nhiều tiền hơn để có cuộc sống đàng hoàng hơn là một khoảng cách Lớn.

-         Giữa có nhiều tiền và có nhiều tiền hơn nữa là một khoảng cách Nhỏ.

-         Giữa có rất nhiều tiền và có rất rất nhiều tiền thì khoảng cách Vô cùng nhỏ.

Thêm một đồng đối với người đang có rất nhiều tiền sẽ chẳng có ý nghĩa gì (xét về mặt vật chất), nhưng có lẽ là một cái gì đó rất quý đối với một người nghèo đói.

Thế nên, theo tôi, không nên tồn tại câu hỏi “Tiền có quan trọng không?”.

Nhưng, mỗi người lại phải luôn tự hỏi: “Nhân cách của mình có bị tác động bởi đồng tiền không?”. Đó mới là câu hỏi mà mỗi người nên luôn tự hỏi để tự răn mình.

Mạnh Cường Lotus