Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Phải chăng dân tộc ta là một dân tộc "Du kích"?


Thuở sinh viên bên Liên Xô, trường tôi học có rất nhiều sinh viên nước ngoài, đến từ khoảng hơn 40 quốc gia trên thế giới. Giờ ra chơi, sinh viên các nước thường túm năm tụm ba buôn chuyện. Và, trong khi buôn chuyện thì không thể không nói đến sinh viên nước nọ, nước kia - thói đời là như vậy. Để tiện cho việc nói về sinh viên nước khác ngay trước mặt họ mà họ không biết thì người ta thường lấy một đặc trưng nào đó dùng làm từ lóng bằng ngôn ngữ của nước mình để ám chỉ nhóm sinh viên nước nọ, nước kia, ví dụ như “Đen” để chỉ sinh viên châu Phi, “Nhọ” để chỉ sinh viên A rập, “Ngố” để chỉ sinh viên Nga,…

Một lần tôi có hỏi một người bạn cùng lớp người châu Phi: “Thế khi các bạn nói về sinh viên Việt Nam thì thường dùng từ lóng gì?”. Câu trả lời: “Du kích”.

Lúc đó, tôi cũng chỉ nghĩ là mấy anh bạn đó chắc là biết về chiến tranh Việt Nam nên muốn ví những sinh viên Việt Nam chúng tôi như những du kích của Việt Cộng trong chiến tranh. Thế nhưng được một thời gian thì tôi bắt đầu ngờ ngợ và hiểu ra rằng người ta gọi mình như vậy là có hàm ý sâu xa hơn nhiều.

“Du kích” nếu hiểu theo một cách tích cực thì đó là cách đánh sáng tạo trong chiến tranh để lấy ít chọi nhiều, lấy yếu chọi mạnh. Còn nếu hiểu theo cách tiêu cực thì đấy người ta gọi là đánh lén, đánh trộm.

Trong chiến tranh thì nó có nghĩa như vậy, còn trong thời bình thì cái từ “du kích” có lẽ nó mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Nếu nhẹ thì nó gợi cho người ta một cái gì đó mang tính khôn vặt, khôn lỏi, còn nếu nặng hơn thì nó có nghĩa một hành động không đàng hoàng, vụng trộm.

Từ ngày đó đến nay, quan sát và chiêm nghiệm, tôi thầm thốt lên “Ái chà, mấy thằng cha ‘Đen” ngày xưa thế mà thâm, nó gọi mình thế mà đúng thật!”.

Này nhé, mọi người cứ thử chiêm nghiệm ở Việt Nam bây giờ mà xem:

Về thu nhập, tôi đố ai bây giờ biết được cơ cấu thu nhập thực sự của người dân Việt Nam là như thế nào, kể từ thu nhập của những đại gia chủ những tập đoàn, của những chính trị gia và quan chức to ơi là to đến mấy viên chức quèn, của những bà bán hàng rong, cho đến tận người ăn xin ăn mày. Thu nhập của tất cả họ đều là con số mập mờ và hầu như không ăn nhập gì với con số người ta công bố cả. Thế thì có phải là thu nhập ở Việt nam bây giờ hoàn toàn mang tính “du kích” không?

Về thương mại, nhìn vào hàng hóa từ siêu thị đàng hoàng cho đến các mẹt hàng bán rong bán lẻ, tôi đồ rằng phải có đến trên 90% hàng hóa là không rõ xuất xứ, hoặc nếu có công bố thì cũng chỉ “hơi hơi rõ” thôi. Thế thì có phải là thương mại của Việt Nam mang đậm tính “du kích” không?

Về kinh doanh, khu vực không chính thức (informal sector) thì đích thị là “du kích” rồi, còn khu vực chính thức, tức là các doanh nghiệp lớn làm ăn có vẻ đàng hoàng ấy thì cũng “du kích” nốt. Không tin cứ thử kiểm tra sổ sách, hồ sơ các doanh nghiệp lớn nhỏ, kể cả doanh nghiệp nhà nước mà xem thì sẽ phải đánh dấu hỏi vào rất nhiều ô. Ví dụ rõ nhất có lẽ lại là ở cái ngành mà cần sự minh bạch nhất, đó là ngân hàng. Không “du kích” thì làm sao có thể xảy ra Vinashin, Vinalines, làm sao có thể có những “bầu Kiên” được, làm sao có thể có được sai phạm về ngân hàng mang tính “cả cụm” được.

Nói rộng ra các lĩnh vực khác thì đều như vậy cả, từ giáo dục, y tế, khoa học, thể thao thấy hình như tất thảy những lĩnh vực này đều vận hành theo kiểu “du kích” cả. Rồi ngay cả đến công tác bổ nhiệm cán bộ, phong học hàm học vị, danh hiệu này nọ cũng theo kiểu “du kích” nốt.

Và, quan trọng hơn (hay đáng ngại hơn) là để có thể sống một cách "đàng hoàng" (theo cái nghĩa là sống hòa đồng, đừng để ai nhìn bạn như người ngoài hành tinh) trong cái xã hội "du kích" đó thì bạn lại buộc phải trở thành "du kích" và ứng xử một cách cũng rất "du kích".

Ôi, thế hóa ra tất cả các lĩnh vực của đời sống của đất nước chúng mình bây giờ đều bị “du kích hóa” hết rồi à? Chẳng nhẽ “Du kích” đã trở thành một thương hiệu của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam chúng ta à? Và liệu "du kích" có là con đường mà dân tộc này đi đến tương lai không?

Bây giờ suốt ngày thấy nói Việt Nam hội nhập quốc tế. Ấy nhưng cái quốc tế mà Việt Nam đang muốn hội nhập ấy thì nó lại đang ngày càng hướng tới minh bạch hóa (đàng hoàng hóa!). Thế thì liệu một đất nước “du kích” có đủ sức (tôi không dám dùng từ đủ tư cách) để tham gia vào cái cộng đồng minh bạch kia không?

Tôi cứ lan man nghĩ đến khi con tôi, cháu tôi mà có đi ra nước ngoài học thì không biết mấy đứa bạn của chúng nó có gọi chúng nó là “du kích” như gọi thế hệ cha ông chúng nó không?

Mạnh Cường Lotus

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Ôi kìa - Chơi luôn - Biết thế - Vô thường


Từ khi sinh ra, lớn lên và cho tới khi về với tổ tiên, thế giới trong mắt của một con người có những thay đổi. Cái thay đổi tôi nói đến ở đây không phải là sự thay đổi của bản thân thế giới, mà là sự thay đổi trong cách nhìn và cảm nhận thế giới của một con người.

Tôi tạm chia đời người làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất tính từ khi sinh ra đến trước khi bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành - cái tuổi mà ta cứ gọi là trẻ con ấy. Cái tuổi này là cái tuổi vô lo vô nghĩ. Mỗi ngày, cô hay cậu bé lại khám phá ra một điều mới lạ trong cái thế giới quanh mình, từ cái xúc xắc tại sao nó lại phát ra tiếng kêu, đến con chó tại sao lại đi bằng bốn chân; từ việc học một cộng một bằng hai cho tới việc tìm hiểu tại sao Bắc cực tại sao lại đóng băng quanh năm; từ chỗ thấy thế giới trên đời này chỉ có mẹ, đến lúc bắt đầu thấy có cả cô bạn cùng lớp hay mặc cái váy đỏ;...Ôi, thế giới là bao la, con người là thú vị, bao nhiêu thứ để khám phá, bao nhiêu thứ để tò mò.

Cái tầm tuổi này, tôi gọi là tầm tuổi “ Ôi, kìa!".

Giai đoạn thứ hai là khi con người bắt đầu ý thức được về cái suy nghĩ và hành động độc lập của mình. Bắt đầu xuất hiện những ước mơ, những ham muốn, đam mê cũng như những suy nghĩ tìm cách để đạt được ước mơ, ham muốn đó. Cuộc đời là phơi phới. Đây cũng là thời kỳ con người thường hay thích dùng cái món doping của thời đại, đó là "Yes, I can" - cái gì tôi cũng có thể làm được. Đây là lúc con người thấy thế giới là nhỏ bé, sức người là vô địch. Họ dám nghĩ, dám làm, và dám liều, dám cả điên.

Cái tầm tuổi này tôi gọi là tầm tuổi "Chơi luôn!".

Giai đoạn thứ ba là khi con người đã nếm trải cả quả ngọt và trái đắng của đời. Họ bắt đầu ngẫm về những ước mơ ngày hôm qua của mình. Trong họ có những tiếng cười sâu lắng xen vào là những nốt lặng và những tiếng thở dài. Họ bắt đầu nhận thấy chữ "hữu hạn" trong đời: vũ trụ là bao la, nhưng sức người là hữu hạn, đời người là hữu hạn. Con người đã Biết thêm nhiều thứ trong đời, trong đó có cả những thứ mà nếu được sống lại quá khứ thì họ sẽ làm hoặc không làm.

Cái tuổi này tôi gọi là tuổi "Biết thế!".

Giai đoạn thứ tư là khi con người bắt đầu bước vào tuổi xế chiều. Ở cái tuổi này, con người đi tìm sự bình yên chứ không phải sự náo nhiệt. Họ có xu hướng nhìn vào trong hơn là hướng ra ngoài. Những chủ đề về cao huyết áp, đường trong máu, men gan cao, xương khớp đau,... chiếm tỷ trọng khá lớn trong câu chuyện hàng ngày của họ. Và, điều đặc biệt là ở cái tuổi này, con người bắt đầu ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống. Có rất nhiều ước mơ, khát vọng, rồi kể cả những đấu đá xưa kia đối với họ bây giờ sao mà nó vô nghĩa thế. Họ bắt đầu nghĩ nhiều về sự kết thúc, về cõi hư vô.

Cái tuổi này tôi gọi là tuổi "Vô thường".

Bốn thời kỳ “Ôi, kìa – Chơi luôn – Biết thế - Vô thường” không chỉ thể hiện sự thay đổi suy nghĩ và hành vi của một con người trong cuộc đời của họ, mà tôi thấy nó còn vận vào một khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến khi tàn cuộc của một công việc hay một sự nghiệp của một con người nữa.

Thường thì trước khi bắt tay vào làm một việc gì mới, ta thấy hào hứng, khám phá như một đứa trẻ, cái gì cũng mới, cũng thú vị và luôn thấy “Ôi, kìa.

Những ngày đầu bắt tay vào việc thì thường máu lắm và nghĩ mình làm được rất nhiều việc và thường cũng vẽ ra rất nhiều việc, thậm chí nhiều người còn liên tục chém gió nữa. Đó là lúc mà con người hừng hực một cơn say “Chơi luôn”.

Sau một hồi thử sức, và nhất là sau khi đã nếm mùi thất bại, thấy những điều mình nói ra, mình hứa không thành hiện thực thì mới thấy ngậm ngùi mà than “Biết thế”.

Và cuối cùng, khi tất cả mọi việc lại đâu vào đấy như một sự sắp xếp tự nhiên, người ta sẽ lặng lẽ đi vào cõi “Vô thường”, để lại đằng sau những lời khen-chê của thiên hạ.

Cứ quan sát, chiêm nghiệm một loạt các vị đăng đàn “chém gió” vừa qua thì thấy cái này đúng lắm. Không tin các bạn cứ thử kiểm lại mà xem.

Mạnh Cường Lotus