Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Biết mình để là mình - Là mình để hạnh phúc


(Tiếp bài SINH RA, TA LÀ AI?)

Có bạn hỏi tôi: vậy làm thế nào để nhận ra gien trội của mình? Tôi thấy để nhận ra được cái gien trội của mình thì mình hãy tự mình Nhìn vào trong và Nhìn ra ngoài.

Nhìn Vào Trong nghĩa là như thế nào?

Bạn hãy nhắm mắt lại, hướng suy nghĩ vào bên trong mình để lắng nghe bản thân mình. Hãy đừng để những yếu tố bên ngoài tác động vào. Khi đó bạn sẽ cảm nhận rất rõ 2 thứ: một là mình thực sự muốn gì và hai là mình thực sự làm được gì. Tôi tin hai cái yếu tố này chính là TIẾNG NÓI của cái gien trội trong mỗi người. Hãy lắng nghe nó.

Cái lỗi mà chúng ta hay mắc phải là ít để ý đến việc Nghe mình, mà lại hay nhìn ra xung quanh và nghe người khác. Điều đó dẫn đến việc nhiều khi mình bị "lây" cái muốn, cái thích của người khác, đồng thời tưởng tượng ra việc mình sở hữu cả cái khả năng của người khác nữa. Từ đó dẫn đến việc mình hành động như người khác. Cái đó người ta gọi là Hội chứng bầy đàn. Hội chứng này dễ đưa người ta đi xa khỏi cái con người thực của họ lắm.

Thế còn Nhìn Ra Ngoài là gì?

Đó là hãy tự nhìn lại (review) quá khứ của mình để thấy kiểm nghiệm thực tế để nhận ra là mình mạnh ở cái gì và yếu ở cái gì, thành công ở cái gì và thất bại ở cái gì, hạnh phúc thực sự ở cái gì và bất hạnh (hay không hạnh phúc) ở cái gì. Cái sự review lại quá khứ của bản thân mình như một phép thử để khẳng định (confirm) cái con người mà mình nhận ra khi mình nhìn vào bên trong ấy.

Tôi tin là nếu mình Nhìn vào trong và Nhìn ra ngoài một cách thực sự thì sẽ nhận thấy hai con người đó là một. Và, đó chính là Mình đấy - Mình với cái gien trội đấy.

Biết mình để Là mình,
Là mình để Hạnh phúc.

Vài lời chia sẻ. Chúc các bạn luôn được Là Mình.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Bức xúc ơi, mi từ đâu tới?


"Bức xúc" có lẽ là từ mà tần suất sử dụng có xu hướng gia tăng trong mấy năm gần đây. Hình như cuộc sống càng hiện đại, thông tin càng tự do thì độ bức xúc của xã hội càng tăng chăng?

"Bức xúc" là gì? Thôi thì tôi cứ mạo muội đưa ra một cái định nghĩa thế này: là cái cảm giác được bộc phát ra ngoài bằng hành động hay lời nói để thể hiện việc người ta không hài lòng về một cái gì đó với một ai đó.

Vậy thì người ta thường không hài lòng hay bức xúc về cái gì? Trên đời này có ngàn lẻ một lý do để người ta không hài lòng, nhưng tựu chung lại tôi thấy có 3 cái thứ sau:

Thứ nhất là không hài lòng vì những thứ không phải con người gây ra, ví dụ như bức xúc vì trời oi bức quá hay lạnh quá, hay đang vội đi làm mà trời mưa to quá.

Thứ hai là không hài lòng về những thứ do người khác gây ra, ví dụ như than vãn về sự kém cỏi của ông Bộ trưởng nọ, bà thị trưởng kia, buộc lỗi ông huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia về sự thất bại của đội tuyển, hay bức xúc về việc ông chủ trả lương cho mình thấp, hay buồn bực vì con cái không chịu nghe lời,..

Thứ ba là không hài lòng về những thứ mà bản thân mình gây ra, ví dụ như tại sao mình lại đoảng quá đánh rơi làm hỏng cái điện thoại, hay mình học thế nào mà lại phải thi lại,..

Cũng có lúc cả 3 thứ trộn vào nhau, nhưng nếu tách ra thì vẫn là 3 cái thứ đó. Mà cũng lạ, có lẽ là bản năng chăng, đó là con người thường có xu hướng đi tìm cái nguyên nhân của sự không hài lòng ở cái thứ nhất và cái thứ hai chứ ít khi dám tự nhận là nguyên nhân nó nằm ở cái thứ ba, tức ở trong chính con người mình. Và cũng như một phản xạ, bắt đầu "xả" cái sự bức xúc đó vào những nguyên nhân nằm ở ngoài bản thân ta, tức là nằm ở cái thứ nhất và cái thứ hai ấy.

Chẳng lẽ đời người lại cứ phải sống với một núi các bức xúc đó hay sao? Hãy vứt bỏ bớt nó đi chừng nào có thể cho cuộc đời nhẹ nhàng hơn. "Quẳng" nó đi như thế nào?

Đối với loại bức xúc thứ nhất, đừng đứng đó mà kêu Trời mà hãy chấp nhận thực tế để rồi tìm cách giải quyết. Đừng cố hỏi tại sao trời lại mưa mà hãy tự hỏi trời mưa thì phải làm gì. Hãy như người Nhật ấy, họ sẽ không kêu Trời rằng tại sao lại có động đất, sóng thần mà chỉ tập trung vào việc động đất, sóng thần song thì phải làm gì thôi.

Đối với loại thứ hai, đừng cố gắng trách móc mà cố gắng hiểu người khác để có phép ứng xử thích hợp. Đừng đứng đó mà đồng thanh kêu người nọ kém, cái kia yếu mãi. Dạo qua các blog, các báo mạng, các mạng xã hội thấy hình như người nào càng "kêu" khỏe thì càng "đắt khách" tới thăm hay sao ấy? Hay là tụ tập "ảo" để "xả" cũng là một nhu cầu? Nếu "xả" như vậy mà thấy lòng mình thanh thản hơn, xã hội yên bình hơn thì cũng tốt, còn nếu ngược lại thì không nên.

Còn đối với cái thứ ba, hãy cố gắng biết mình, hiểu mình để biết mình muốn gì là làm được gì như tôi đã nói ở status trước.

Đã làm kiếp người không thể không bức xúc, nhưng có lẽ chỉ nên giữ cái nỗi bức xúc ở một mức độ vừa đủ để tạo động lực hành động thôi. Không nên biền mình thành một cái bồ đựng bức xúc hay gieo bức xúc vào người khác. Còn phải để dành chỗ cho yêu thương, cho sự bao dung và cho những niềm vui sống nữa chứ nhỉ.

Cầu mong cho mọi người một cuộc sống an vui.

Mạnh Cường Lotus 

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Những chuyển động không đồng tốc


Quan sát, chiêm nghiệm những gì đang diễn ra trong cuộc sống tôi thấy:

-         Để lóe lên một ý tưởng hay, có thể chỉ cần một vài phút;
-         Để trình bày mạch lạc ý tưởng đó, có thể chỉ cần một vài giờ;
-         Để có thể hiểu được ý tưởng đó, có thể cần một vài ngày;
-         Để chuyển hóa những ý tưởng đó vào văn bản, có thể cần một vài tuần;

Nhưng, để đưa các ý tưởng đó vào cuộc sống, được cuộc sống chấp nhận, có thể phải mất một vài năm, một vài thập kỷ, thậm chí là không bao giờ.

Người xưa đã dạy rồi: Ý tưởng có thể nhảy nhót và bay nhanh như Tôn Ngộ Không với phép Cân đẩu vân, nhưng cuộc sống thật thì lại như thầy trò Đường tăng cứ tằng tằng tiến từng bước một, với sự cần cù nhẫn nại của Sa tăng và với bao sự níu kéo của những niềm vui và ham hố đời thường của Chư Bát Giới.

Ý tưởng và cuộc sống thực luôn là như vậy, chúng luôn chuyển động không đồng tốc. Một cái thì bay trên mây, còn một cái thì đi dưới đất.

Đứng từ ý tưởng mà nhìn xuống cuộc sống thì rất dễ có cảm giác hẫng hụt, bức xúc. Nhưng nếu đứng từ cuộc sống thực để ngước lên "soi" ý tưởng thì tự nhiên thấy cuộc đời tươi vui hơn.

Mạnh Cường Lotus 

Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Lời khuyên


Thời đại thông tin ngày nay, loại thông tin gì cũng nhiều. Trong những cái nhiều thì lời khuyên cũng rất nhiều. Nào là những câu trích cú từ những sách cổ tới kim, những câu nói hay bài học của những người thành công, những sách chuyên dạy cái nọ cái kia,... Chỉ cần sơ sơ dạo qua vài trang facebook thôi thì mỗi ngày cũng có thể thu về một rổ các lời khuyên để mà nghiền ngẫm rồi. Kể ra thì những lời khuyên đó đại đa số đều là tốt cả.

Khi ta đọc một lời khuyên thì ta còn thì giờ để suy nghĩ, để nghiền ngẫm, và quan trọng là để còn thử áp dụng, thử chiêm nghiệm. Thế nhưng nếu nạp vào người 2, rồi 3, rồi nhiêu lời khuyên khác nữa thì lúc đó chắc chắn ta sẽ ở vào tình trạng bội thực lời khuyên. Lúc đó có thể ta sẽ có cảm giác dường như mình là kém cỏi quá, thế giới bên ngoài nó thế kia cơ mà, còn mình thì biết vậy mà chẳng làm được gì hay chẳng làm được mấy. Lúc đó là cảm giác bất lực chứ không phải là cảm giác tích cực khi đón nhận lời khuyên nữa.

Nói nôm na là nếu coi mỗi lời khuyên tốt là một viên thuốc bổ hay một liều thuốc bổ thì khi cần thiết mà uống một viên hay một liều thì tốt, chứ nếu ngày nào cũng uống một vốc thuốc bổ đủ các loại thì tôi nghi ngờ về hiệu quả của nó lắm.

Bây giờ xuất hiện một xu hướng sống chậm, sống đơn giản ("Sống đơn giản cho đời thanh thản!") thì tôi cho rằng có lẽ cũng phải uống thuốc bổ...chầm chậm thôi, nghĩa là những lời khuyên nạp vào người cũng từ từ thôi. Lúc nào cần cái gì thì nạp cái đó. Còn mỗi người cứ sống cuộc sống của mình một cách hồn nhiên đi. Thế nên nhiều khi cũng phải biết bịt tai, bịt mắt trước những lời khuyên mà mình biết là về nguyên tắc là rất tốt, nhưng chưa phải lúc cần nạp. Nghe như vậy có vẻ là tiêu cực, nhưng tôi thì lại cho rằng đó là tích cực.

Nếu bạn tin tôi thì đọc xong cái này thì quyên ngay cái lời khuyên này đi nếu bạn chưa cần tới nó. Còn nếu ai mà dùng lời khuyên này của tôi vào ngày hôm nay thì "Like" một cái cho đời thêm vui.


Mạnh Cường Lotus 

Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

Đồng tiền sạch - Đồng tiền bẩn


Đồng tiền sạch

Trước cửa cơ quan tôi có một anh đánh giầy. Tôi gọi là "anh" bởi anh ấy không phải là "trẻ đánh giầy" như ta thường thấy ở ngoài đường. Điều đó cũng nói lên một điều là anh đã có "thâm niên" ngồi đánh giầy ở đây lâu lắm rồi. Anh đánh đôi này tới đôi khác, đánh ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Vậy mà mỗi khi ngắm nhìn anh đánh giầy, tôi vẫn có cảm giác là anh đang đánh đôi đầu tiên và duy nhất vậy, vì anh đánh một cách chăm chú, đầy trách nhiệm. Nó gợi lại trong tôi câu chuyện "Hạnh phúc từ sự tận tâm" về anh vá săm ô tô mà tôi đã từng kể cho các bạn nghe trong status trước.

Anh đánh cẩn thận, 'chất lượng cao" như vậy nhưng giá thì rất bình dân. Thế nên không biết mọi người thế nào chứ cứ mỗi lần rút tiền ra trả công cho anh, tôi luôn có cảm giác là tôi trả anh thiếu một cái gì đó. Trả thêm tiền thì anh không lấy. Thôi thì chỉ biết bù vào cái sự "thiêu thiếu" ấy một lời cảm ơn - cảm ơn một cách chân thành - để mong cho nó đầy đặn. Tôi tin là nếu không quá vô tâm thì ai mà được anh đánh giầy cho thì cũng có cảm giác như vậy.

Anh đánh giầy ơi, những đồng tiền anh mang về nhà để nuôi các cháu ăn học không chỉ là tiền đâu, mà nó còn mang theo cả những lời cảm ơn - những năng lượng tốt mà mọi người dành cho anh, dành cho các cháu đó. Tiền đó là Phúc đấy anh ạ.

Đồng tiền bẩn

Hàng ngày đi làm tôi vẫn thấy mấy anh CSGT đứng ở ngã tư điều khiển giao thông. Mọi người tham gia giao thông biết ơn các anh lắm vì các anh phải đội nắng đội mưa, chịu bụi chịu khói để giúp giao thông được an toàn, thông suốt.

Thế mà ở một ngã tư khác, có cái anh cũng có cái còi như các anh. Thỉnh thoảng anh lại "tít" một người (mà không hiểu sao đến phân nửa là xe biển ngoại tỉnh). Người nào được anh "tít" thì được anh tận tình đưa vào một góc để "nói chuyện". Khi "nói chuyện", người ta thấy mặt một người thì nghiêm lắm, còn mặt người kia thì cứ nghệt ra, pha chút sợ sệt, bất lực. Chẳng biết cái còi của anh ta có thần lực gì mà có những bác ở cái tuổi trung niên rồi vẫn gọi anh ấy (người có lẽ chỉ bằng tuổi con bác ấy) là "anh" và xưng là "em". Sau mấy phút "nói chuyện" ngắn gọn thì một vài tờ polyme được kín đáo chuyển từ túi người này sang túi người khác. Sau cái "giao dịch" đó thì tự nhiên người ta thấy mặt một người nở dãn ra, đầy vẻ thỏa mãn còn mặt người kia teo lại thêm một chút, đầy vẻ đau khổ pha chút oán hận và khinh bỉ.

Cái anh cầm còi kia ơi, hi vọng anh chỉ là con sâu trong nồi canh thôi. Cái lý đúng - sai, phải - trái phải có thêm chút tình nữa chứ, với cái đích là giáo dục chứ đừng phũ phàng quá. Đặc biệt là đừng lấy cái còi ấy ra để bắt nạt người khác kiếm lợi. Biết đâu trong những tờ polyme người ta phải cắn răng đưa cho anh có cả những đồng tiền mà một ông bố vừa bán đàn gà ở quê để vội đưa con ra Hà Nội chữa bệnh đấy. Bởi vậy cũng nên biết là nếu anh mang những đồng polyme kia ra quán để nhậu nhẹt thì anh sẽ nuốt vào cả những lời oán hận của người đời đấy, tức nạp vào người cái năng lượng xấu đấy. Tiền đó là Họa đấy anh ạ.

Thế nên nhà thơ dân gian Bảo Sinh mới có thơ rằng:

"Khi mê tiền chỉ là tiền;
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm"

Mọi người ơi, mỗi khi nhận đồng tiền từ ai thì hãy để tâm mình soi xét nhé. Đồng tiền cũng có đồng tiền Phúc - đồng tiền Họa đấy. Biết nói không với những đồng tiền Họa thì cũng là một cách làm Phúc đấy.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Một lời sám hối gửi những người khuyết tật


Hôm nay, 3/12 – Ngày Người khuyết tật quốc tế, tôi có đôi dòng tâm sự với các bạn về một kỷ niệm mà khiến tôi mỗi khi nhớ đến lại muốn gửi lời xin lỗi tới những người khuyết tật.

Cách đây đúng 10 năm, tôi tham gia đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị quốc tế được tổ chức ở một nước lớn trong khu vực để tổng kết Thập kỷ Châu á - Thái bình dương vì người tàn tật.

Do số lượng đại biểu rất đông, đến cả mấy ngàn người nên BTC buộc phải tổ chức ăn uống kiểu đơn giản, gọn nhẹ: buổi trưa mỗi người được phát một hộp cơm hộp kiểu Nhật. Nhiều đại biểu không ăn được do không quen.

Thế nên đến tối, khi Ban tổ chức tổ chức reception thì ai nấy đều mệt rũ ra và đói, khát. Khi thức ăn vừa được bày ra (ăn kiểu buffet) thì cả đám đông lao tới tranh giành nhau. Các cán bộ đi theo đoàn – những người lành lặn có nhiệm vụ đi để giúp người khuyết tật, cũng lao vào lấy thức ăn. Thế nhưng, họ lấy không phải để phục vụ những người khuyết tật vốn không đủ sức để chen, mà như một thói quen (hay bản năng?), họ lấy thức ăn để phục vụ bản thân mình và phục vụ những VIP, những người đi để “lãnh đạo” và “chỉ đạo” đoàn.

Tối hôm đó, khi tiệc đã tàn, thức ăn đã hết, tôi chợt nhận ra hàng đoàn xe lăn hối hả lăn dọc theo các bàn bày thức ăn đã sạch bong để mong kiếm được một cái gì đó còn sót lại. Tôi bỗng nhìn thấy một người tàn tật đã không thể kìm được cơn đói, phóng đến một bàn mà mọi người đã ăn xong, lặng lẽ với lấy một đĩa thức ăn ai đó không ăn hết.

Chao ôi, đó là moment mà cả đời tôi không thể nào quên! Tôi thực sự bị sốc nặng.

Đâu rồi những lời lẽ bóng bẩy “tất cả vì người khuyết tật”, đâu rồi những “chính sách, giải pháp nâng cao vị thế người khuyết tật” mà tôi đã nghe ra rả cả ngày hôm đó? Tối hôm đó, tôi đã được chứng kiến cảnh người lành lặn tranh cái ăn của người khuyết tật theo đúng nghĩa đen của nó. Có lẽ chỉ khi cái đói bản năng trỗi dậy thì người ta mới đo được cái tâm của một con người chăng?

Đêm đó về khách sạn tôi đã không ngủ được. Cảm giác vừa xót xa, vừa xấu hổ. Tôi đã ngồi dậy viết ra mấy dòng để giải tỏa lòng mình. Gọi đây là một truyện ngắn cũng được, hay gọi là mấy dòng ghi chép cũng được. Tôi viết ra mấy dòng này như một tiếng thở dài cho sự trớ trêu của cuộc đời, như một giọt lệ cho những cuộc đời kém may mắn, và, đối với riêng tôi, đây như một lời sám hối gửi tới những người khuyết tật.

Có lẽ, cuộc sống cần một sự cảm thông. Còn tôi cần một sự tha thứ.

--------------

Đây là truyện ngắn tôi đã viết ra đêm đó như một lời sám hối.

SỰ TÀN TẬT CỦA CUỘC SỐNG
(The disability of the life)

1.     Sáng: Lễ khai mạc
Sân khấu trang hoàng rực rỡ với đủ các khẩu hiệu xanh - đỏ – tím – vàng với chủ đề “Cả xã hội vì người tàn tật”. Các VIP – từ những nhà chính trị đến những đại diện của các tổ chức quốc tế, các chính phủ, rồi đại diện các tổ chức của người tàn tật và vì người tàn tật lần lượt phát biểu. Tất cả đều hùng hồn kêu gọi bảo vệ quyền của người tàn tật. Nhiều VIP phê phán gay gắt các chính phủ, các tổ chức quốc tế, và cả xã hội nữa là còn phân biệt, kỳ thị người tàn tật. Họ kêu gọi phải thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người tàn tật vào cuộc sống chung của xã hội.

Trên sân khấu, các VIP hùng hồn, hể hả.

Dưới hội trường, những chiếc xe lăn ngồi im phăng phắc, rồi thỉnh thoảng lại ào lên vỗ tay. Trông họ rạo rực, rưng rưng.

2.     Chiều: Tiệc chiêu đãi

Lại thêm một bài phát biểu hùng hồn của nước chủ nhà. Nhưng hình như không ai nghe. Mà nghe thì cũng không hiểu vì các cái bụng đói cồn cào đều đang hướng vào hai dãy bàn dài đầy ắp thức ăn xanh - đỏ – tím – vàng. Bài phát biểu vừa kết thúc, những VIP còn lành lặn đã phát huy ngay lợi thế của mình lao ngay tới dãy bàn ăn và tranh nhau gắp đầy đĩa thức ăn. Khổ, họ đói!. Sao lại để cho VIP đói đến thế bao giờ.

Chỉ một loáng, quanh những chiếc bàn đầy vỏ bia, khuôn mặt của các VIP đã hồng hào trở lại và đầy ắp một sự thoả thê.

Còn ở đằng kia, những chiếc xe lăn vẫn lăn đi lăn lại dọc theo những khay thức ăn trống trơn, sạch bong. Trên xe là những khuôn mặt buồn. Không biết họ buồn vì đói, hay là…?

3.     Tối: Biểu diễn văn nghệ của người tàn tật

Trên sân khấu, người tàn tật thuộc các dân tộc khác nhau, các loại hình tàn tật khác nhau trong những bộ quần áo xanh - đỏ – tím – vàng đang nắm tay nhau hát bài hát của người câm và nhảy điệu nhảy của người què. Trong số họ, không biết có bao nhiêu người may mắn vét được một mẩu thức ăn gì đó cho vào bụng. Nhưng có một điều chắc chắn là tất cả họ, tâm hồn đều đầy ắp niềm hân hoan, hạnh phúc.

Dưới hội trường là những khuôn mặt dài thượt của các VIP. Khổ, họ mệt! Thật là vớ vẩn, tại sao lại bắt các VIP phải ở lại nghe những bài hát ọ ẹ và xem những điệu nhảy vẹo xiên? Họ cần được nghỉ ngơi để còn chuẩn bị cho những bài phát biểu quan trọng vì người tàn tật vào ngày mai!

4.     Đêm: Sám hối

Một mình tôi trong căn phòng khách sạn. Không có màu xanh - đỏ – tím – vàng nào cả. Tất cả chỉ còn lại một màu đen của màn đêm.

Ngày hôm nay tôi đã được xem một cuốn phim của cuộc đời - được xem những sắc màu của cuộc sống: đó là cái màu mè của sự giả dối, sự phong phú của cuộc sống đời thường và sự rực rỡ của những khát vọng sống.

À không, hình như tôi cũng là một diễn viên trong cuốn phim này với những sắc màu…

Osaka, đêm 22/10/2002.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Những bông hoa ngày sinh nhật


Năm nào cũng vậy, cứ đúng vào ngày sinh nhật của tôi là công ty điện thoại di động mà tôi đang sử dụng dịch vụ thế nào cũng gửi hoa đến gọi là mừng sinh nhật của khách hàng.

Trước kia, năm nào tôi cũng từ chối khéo, thường thì bảo là đang công tác xa không ở Hà Nội và nói rằng tôi cám ơn sự chúc mừng đó và coi như tôi đã nhận hoa rồi.

Tại sao tôi lại làm như vậy? Vì tôi nghĩ rằng đã là tặng hoa thì bó hoa hay bông hoa đó là vật để thể hiện hay truyền tải tình cảm từ người tặng cho người được tặng. Thế còn bó hoa mà công ty điện thoại gửi đến cho tôi thì sao? Người gửi tặng chẳng biết tôi là ai, ngoài cái tên trong hồ sơ của họ. Còn tôi, tôi cũng chẳng biết họ là ai ngoài cái dịch vụ a-lô tôi đang dùng. Còn người mà mang hoa đến nhà tôi thì cũng là người của công ty hoa, họ chỉ biết đưa hoa đến nhà tôi như đưa thư thôi chứ có biết tôi là ai đâu. Như vậy giữa người tặng và người được tặng chẳng mảy may có một sợi dây tình cảm nào cả chứ chưa nói đến tình yêu thương hay trân trọng.

Nhưng rồi sau này tôi nghĩ lại nếu tôi cứ không nhận như vậy thì cũng làm khổ người khác. Thứ nhất là làm khổ người nào làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty điện thoại: có thể họ sẽ bị phê bình vì đã không thực hiện được một việc theo yêu cầu. Thứ hai là làm buồn người cung cấp hoa: họ đã không bán được một bó hoa. Và thứ ba là làm buồn người đi đưa hoa: họ lại bị hụt mất một cái gạch đầu dòng trong danh sách những người họ đến đưa hoa trong ngày đó và có thể ảnh hưởng đến thu nhập ít ỏi của họ trong ngày đó.

Nghĩ vậy nên mấy năm gần đây tôi lại đồng ý nhận. Mình nghĩ làm như vậy thì ít nhất là mình cũng đem đến một niềm vui nho nhỏ cho ba bạn nói trên.

Tuy nhiên, những bông hoa đó tôi thường đặt ở ngoài sân, bên cạnh những chậu hoa cảnh mà tôi vẫn mua ngoài chợ. Đó là nơi để dành cho những bông hoa đẹp tự nhiên, vô tư và chỉ có thế.

Còn trong nhà là nơi dành để cắm những bông hoa tôi nhận được từ vợ con, bạn bè, đồng nghiệp, bởi khi ngắm những bông hoa đó, tôi không chỉ thấy cái đẹp của hoa mà tôi còn cảm nhận được cả tình cảm mà mọi người gửi gắm trong đó.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Lại vẫn là mong muốn được là hạt cát


Trong post trước, tôi có tâm sự rằng tôi chỉ muốn mọi người coi tôi như một hạt cát. Đó là một cảm giác rất tự nhiên, rất thật trong tôi.

Trước kia, tôi cũng đã viết bài “Sinh ra, mỗi người mộtsứ mệnh”. Khi ghép hai staus này lại với nhau thì có thể diễn giải trọn vẹn cái tôi nghĩ thế này: trên đời này thì ai cũng như ai, nghĩa là chỉ như hạt cát cả thôi. Thế nhưng khi đã sinh ra là một con người thì mỗi người sẽ có một sứ mệnh nào đó. Để thực hiện cái sứ mệnh đó thì Tạo hóa sẽ ban cho một người nào đó nhiều trí tuệ hơn, nhiều tiền hơn hay nhiều quyền hơn để thực hiện một sứ mệnh nào đó.

Bởi vậy mà trong đời có những hạt cát giỏi hơn hạt cát khác, giàu hơn hạt cát khác, chức vụ to hơn hạt cát khác, và có thể còn nhiều thứ hơn khác.

Thế nhưng đời người là hữu hạn. Khi cái sứ mệnh của một người chấm dứt thì cái hạt cát ban đầu lại trở lại hạt cát, đúng theo cái nghĩa “cát bụi lại trở về cát bụi”, hay trở về “thân tứ đại” (đất, nước, gió và lửa) như những lời dạy của tiền nhân. Còn cái sứ mệnh kia lại được chuyển cho “hạt cát” khác gánh vác. Và tất nhiên, những trí tuệ, của cải, quyền lực cũng lại được chuyển cho “hạt cát” khác. Đó là cái quy luật của muôn đời.

Thế nên trong quãng thời gian ngắn ngủi của đời người, nếu ai đó đang được giỏi hơn, giàu hơn, to hơn hay là cái gì đó hơn thì hãy nghĩ rằng tất cả những cái “hơn” đó không phải của riêng mình, mà mình chỉ là người tạm giữ để thực hiện một sứ mệnh nào đó thôi.

Còn cái thực sự của riêng mình có lẽ chỉ là hạt cát thôi.

Nghĩ như vậy để bất cứ lúc nào trong mình mã trỗi dậy cái cảm giác là mình giỏi hơn người, giàu hơn người, quyền lực hơn người thì phải mau chóng dẹp nó đi. Dẹp đi để hiểu thực sự mình là ai. Dẹp đi để thấy cái tự do, cái sung sướng của một hạt cát trong cái biển cát mênh mông của đời người.

Tôi ngẫm như vậy, tôi tin như vậy và tôi luôn tự răn mình như vậy.

Mạnh Cường Lotus


Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Hãy cho tôi được làm một Hạt cát


Tự nhiên rùng mình chợt nghĩ có một ngày nào đó tự nhiên có ai đó cứ tin rằng tất cả những điều mình nói ra là đúng. Thế thì chết mất. Thảm họa, thảm họa.

Cũng phải tự nhận mình là người thích nghe, thích đọc, thích quan sát và thích suy nghĩ. Và khi nghĩ thì cũng có thể nghĩ ra cái gì đó, rồi nói ra hay viết ra. Tất nhiên khi mình đã nói ra cái gì thì mình luôn nghĩ rằng nó đúng, nó phải thì mình mới nói. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là những thứ mình nói ra nhất nhất đều là đúng.

Thế nên chỉ mong mọi người nếu có ai đó đọc những thứ tôi viết, nghe những điều tôi nói thì đừng để ý đến người nói hay người viết, mà hãy để ý đến điều được viết hay nói ra. Nghĩa là phải tách điều nghe được, đọc được ra khỏi người đã nói hay viết ra điều đó, đừng để cái tên của ai đó tác động đến sự suy nghĩ độc lập của riêng bạn.

Để làm gì ư? Để tránh việc xa vào một thứ mà người ta gọi là Mê tín, nghĩa là đã tin ai, (hoặc cũng có thể vì người đó có một cái danh gì đó, ví dụ như mang danh “thầy” chẳng hạn) thì nhất nhất cái gì người ấy nói ra cũng đúng. Như thế là không nên. Tôi cũng như các bạn, là người thì ai cũng có thể có lúc sai cả.

Tôi chỉ mong là những lời của tôi nói và viết ra thì các bạn hãy coi đó như là lời của gió và hãy suy ngẫm về những điều đó xem nó có phải không, có hợp lý không chứ đừng đi để ý đến việc ai đã nói hay viết ra nó. Nếu những lời nói đó mà các bạn thấy nó sai, nó vô bổ thì hãy quên nó đi hoặc phản bác lại nó (nếu có cảm hứng). Còn nếu thấy có lời nào đó có ích, dùng được thì đó là của các bạn rồi, không phải của tôi nữa đâu.

Thế nhé, hãy cho tôi được làm một hạt cát trong đời và đừng gắn cái gì vào hạt cát đó cũng như đừng gắn hạt cát đó vào cái gì cả. Như vậy tôi được tự do và các bạn cũng luôn được tự do, trong đó có cả cái tự do không sợ sai.

Mạnh Cường Lotus 

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Một kỷ niệm về sự DẠY và HỌC ở vùng cao


Vào những năm 90 của thế kỷ trước, nhờ tham gia thực hiện một dự án để hỗ trợ các em bé dân tộc ít người ở miền núi, tôi có dịp được tới khá nhiều trường lớp của trẻ em miền núi (nói chính xác là tới những ngôi nơi được gọi là lớp học).

Một lần chúng tôi tới thăm một trường của học sinh dân tộc H’Mông (tức dân gian hay gọi là dân tộc Mèo) ở xã Sủng Thày, huyện Yên Minh tỉnh Hà Giang. “Sủng” tiếng H’Mông là “kéo” còn “Thày” có nghĩa là “đẩy”. Xã có tên là Sủng Thày có nghĩa là để lên đến đó thì cứ phải người sau đẩy lưng cho người trước trèo lên, xong người đó lại quay lại kéo người trèo sau. Nói như vậy để mọi người tưởng tượng ra việc lên được trường đó khó như thế nào. Chúng tôi có hai người từ Hà Nội đi nhưng phải kèm theo 3-4 dân địa phương vừa trèo vừa kéo và đẩy giúp thì chúng tôi mới lên được tới nơi.

Để kịp đến được lóp họp đó khi các em còn đang ở trong giờ học, chúng tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng và bắt đầu trèo. Cũng không còn nhớ là sau bao lâu chúng tôi trèo lên được đến đỉnh núi nơi có lớp học nữa.

Khoảng cách thì không xa, nhưng do đi lại khó như vậy nên Sủng Thày trở thành như một ốc đảo và cuộc sống ở đây được vận hành theo cách mà tôi tin là bất cứ ai cũng phải ngỡ ngàng:

Xã có một quỹ đặc biệt. Quỹ này do dân trong bản đóng góp, nhưng đóng góp không phải bằng tiền mà bằng ngô vì nhà nào cũng trồng ngô. Tất cả các hộ dân trong bản không phụ thuộc vào việc có hay không có con đi học đều phải đóng góp vào Quỹ này. Toàn bộ số ngô này được cất trong một nhà kho, và được gọi là Quỹ Khuyến học của xã.

Quỹ này được sử dụng như sau: Xã thuê 2-3 cô gái H’Mông trong bản hàng ngày đến xay ngô, xay xong thì nấu một nồi như cháo ngô (rất tiếc là lâu quá tôi quên tiếng H’Mông gọi món này là gì rồi). Và đến bữa cơm thì tất cả các trẻ em nào đến lớp học thì được ăn một bữa ở trường bằng món ngô bung này. Bữa ăn chỉ có ngô, nghĩa là “ngô chấm ngô” chứ không có thức ăn gì đi kèm cả. Nghe có vẻ đạm bạc, nhưng trong thực tế, bữa ăn đó đã là động lực rất lớn cho các gia đình cho con đến trường học (vì nếu đi học thì được ăn một bữa miễn phí).

Các cô gái cũng được trả tiền công bằng ngô lấy ra từ Quỹ này. Tóm lại là tất tần tân đều được tính bằng ngô cả.

Đó là ăn. Còn ở thì cũng đặc biệt không kém. Nơi đây quá cao và quá khó để có thể đưa xi măng,sắt thép hay gạch ngói gì lên đây. Thế nên nhà được làm bằng đất, gọi là “chình tường”, nghĩa là hoàn toàn bằng đất đắp lên thôi. Đắp xong mà tường nó nứt đến 5,7 phân thì là tốt lắm rồi, miễn là không đổ.

Còn mặc thì cũng đơn giản không kém: trẻ lớn đi học thì có áo và có quần, còn trẻ em chưa đến tuổi đi học thì trên người có mỗi cái áo thôi. Lúc chúng tôi lên thăm thì đúng vào tiết đông, nhiệt độ trên đỉnh núi hôm đó chỉ khoảng 10 độ C, nhưng quần áo các em cũng chỉ có vậy. Đó là điều tại sao ta thấy hai tay các em luôn khoanh ôm lấy ngực và nhảy lò cò để tự sưởi ấm cho mình.

Đấy, cuộc sống rất đơn giản – nó đơn giản đến nỗi nguyên sơ. Còn gọi xã hội này là xã hội gì thì tôi không dám đặt tên.

Và, ở giữa một cộng đồng nguyên sơ như vậy, tôi lại gặp mấy cô giáo người Kinh, tất cả còn rất trẻ, chỉ khoảng trên dưới 20 tuổi. Hỏi chuyện các cô, mới biết các cô quê ở Phú Thọ tự nguyện lên đây dạy học. Còn hỏi chuyện các cán bộ ở xã thì mới biết thêm rằng việc các cô giáo trẻ người Kinh lên đây dạy học là theo yêu cầu của người dân ở đây. Cái lý sự của ngườ H’Mông rất đơn giản: họ nói rằng họ chỉ cho con họ đi học nếu giáo viên là người Kinh (vì họ quan niệm là như vậy thì con họ mới học được cái “văn minh”), mà lại phải là cô giáo chứ không được là thầy giáo vì thầy giáo đến các bản vùng cao là hay uống rượu say.

Ngồi hỏi chuyện các cô thấy các cô đều rất hồn nhiên, yêu đời, không một chút kêu ca phàn nàn. Dân bản và trẻ em trong bản thì cũng hết mực yêu quý các cô vì đối với họ, các cô không chỉ là cô giáo, mà còn là một ai đó quan trọng hơn nhiều đối với cuộc sống của họ.

Đã gần 20 năm, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm Sủng Thày, tôi là thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cơ duyên đến được miền đất đặc biệt này. Nó đã làm cho tôi ngộ ra rất nhiều.

Không có gì cao siêu, to tát cả. Tất cả những gì nguyên sơ tôi nhìn thấy được ở Sủng Thày đã định nghĩa cho tôi rõ nhất về ý nghĩa của hai từ HỌC và DẠY ở trên đời này.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2012

Ba đại vấn đề của đất nước

Tôi sinh ra vốn không có khả năng làm việc nước, nhưng vì không biết làm việc nhà nên đành phải tìm chốn nương thân ở việc Nhà-Nước (tức trong giờ làm việc nước thì vẫn tranh thủ làm việc nhà như chạy đi đón con ở trường và đôi khi ở nhà vẫn tranh thủ làm việc nước như thức đêm viết bài). Hôm nay ngồi ở nhà mon men viết mấy dòng lạm bàn về việc nước.

An bình - đó là hai chữ mà ai cũng mong: Mong cho đất nước được bình an, mong cho gia đình được an bình, mong cho tâm mình luôn được an. Nhưng, tình hình đất nước như hiện nay thì khó có thể nói hai chữ bình an được. Chữ "lâm nguy" thì tôi chưa dám dùng, mà chỉ dám dùng chữ "đại vấn đề" thôi.

Tôi thấy đất nước mình đang đứng trước ba Đại vấn đề:

Một là Tàu khựa đang ngày càng hung hăng, quyết tâm chiếm, và thực sự đã và đang chiếm Biển Đông (tôi nói Biển Đông chứ không chỉ là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa);

Hai là nợ xấu của ngân hàng, cộng với sự đổ vỡ và nguy cơ đổ vỡ của một loạt các công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước cũng như phi nhà nước.

Ba là vấn đề tham nhũng và lợi ích nhóm.

Cái mà tôi, với tư cách là một người dân, lo không phải vì vấn đề nó quá lớn, quá quan trọng, mà lo là vì mình chưa tưởng tượng ra cách giải quyết 3 đại vấn đề kia như thế nào. Nôm na là nếu nói theo cách của Chính phủ Cụ Hồ ngày xưa gọi là các "giặc" thì không biết dùng cách gì để đánh "giặc chiếm Biển Đông", "giặc nợ xấu" và "giặc tham nhũng" đây.

Này nhé:

-         Đối phó với giặc chiếm Biển Đông: Đã là đánh nhau trên biển thì tối thiểu phải có tàu biển rồi. Phía bên kia thì suốt ngày thấy báo chí mình đưa tin là họ hạ thủy tàu hải giám "khủng", rồi tàu sân bay, rồi tàu tuần ngư, rồi siêu giàn khoan trên biển, rồi đoàn tàu đánh cá 30 chiếc đến Trường Sa như đi vào chỗ không người. Còn phía bên ta thì đã có Vinashin và Vinalines!

-         Đối phó với giặc Nợ xấu: Đối với nợ xấu và đổ vỡ của những tập đoàn lớn thì về lý thuyết phải có "tay to" là Nhà nước đứng ra để đỡ, ít nhất là trong giai đoạn critical cho nó không xảy ra đổ vỡ dây chuyền kiểu domino. Không dám bình luận thêm là cái "tay to" Nhà nước hiện nay đủ lực để đỡ không nhưng tôi chỉ muốn nói rằng kịch bản sẽ rất xấu khi phải dùng đến "tay to" khác từ bên ngoài như một số nước thời khủng hoảng 97-98 và khủng hoảng đợt vừa rồi phải nhờ đến. Mà trên thế giới bây giờ có một "tay" cực to, đang dư thừa rất nhiều tiền, to đến mức các "đại quốc gia" cũng đang phải nhờ tới. Việt Nam mình mà phải nhờ tới cái "tay to" này để giải cứu nợ xấu thì sẽ là đại hạn!

-         Đối phó với giặc tham nhũng: Đã có người dùng từ "quốc nạn" để nói tới tham nhũng. Sao bây giờ tham nhũng nó nhiều thế, nó có mặt ở khắp mọi nơi, ở mọi cấp, ở mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tham nhũng bây giờ lại gắn liền với các nhóm lợi ích, hình thành nên một cái thế bùng nhùng, càng khó gỡ. Nói vậy để thấy lực lượng tham nhũng thì thật là hùng hậu, còn lực lượng chống tham nhũng là ai? Cũng vừa thay đổi Ban chỉ đạo chống tham nhũng TW đấy. Liệu đó có phải là lực lượng chống tham nhũng hữu hiệu? (Thôi, không dám bàn thêm).

Nghĩ đến 3 đại vấn đề này mà hãi. Không phải là mình vô cảm trước những đại vấn đề của đất nước, mà chỉ đơn giản là thấy mình quá bé nhỏ, chẳng làm được gì cả nên tốt nhất là không nghĩ nhiều cho tâm nó an.

Hàng ngày, con vẫn vui đến trường, chim vẫn hót líu lo trên hàng cây ngoài ngõ, bà bán xôi đầu phố tay vẫn thoăn thoắt gói xôi cho khách, anh đánh giày cửa cơ quan tay vẫn đánh đều từ sáng đến chiều,...Thôi, hãy cứ ngắm cuộc đời như vậy để hưởng sự an bình.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

Tiền có quan trọng không?


Tôi viết status này không phải để đặt câu hỏi rằng tiền có quan trọng không, mà là để nói rằng tại sao tôi không bao giờ muốn hỏi hay trả lời câu hỏi này.

Lý do là vì tôi thấy không thể có MỘT câu trả lời duy nhất cho nó. Trong cuộc đời, tôi thấy rất nhiều tình huống (hay hoàn cảnh) khác nhau và thấy mức độ quan trọng của đồng tiền đối với từng con người trong từng hoàn cảnh cụ thể là khác nhau. Này nhé:

-         Giữa không có tiền (chết đói) và có chút tiền đủ sống là một khoảng cách Vô cùng lớn;

-         Giữa có ít tiền (thiếu thốn) và có nhiều tiền hơn (tạm đủ sống) là một khoảng cách Rất lớn;

-         Giữa có tiền tạm đủ sống và có nhiều tiền hơn để có cuộc sống đàng hoàng hơn là một khoảng cách Lớn.

-         Giữa có nhiều tiền và có nhiều tiền hơn nữa là một khoảng cách Nhỏ.

-         Giữa có rất nhiều tiền và có rất rất nhiều tiền thì khoảng cách Vô cùng nhỏ.

Thêm một đồng đối với người đang có rất nhiều tiền sẽ chẳng có ý nghĩa gì (xét về mặt vật chất), nhưng có lẽ là một cái gì đó rất quý đối với một người nghèo đói.

Thế nên, theo tôi, không nên tồn tại câu hỏi “Tiền có quan trọng không?”.

Nhưng, mỗi người lại phải luôn tự hỏi: “Nhân cách của mình có bị tác động bởi đồng tiền không?”. Đó mới là câu hỏi mà mỗi người nên luôn tự hỏi để tự răn mình.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

Niềm vui nằm ở Quá trình hay Kết quả?


(Tiếp câu chuyện "Cuộc sống - Cuộcchơi")

Cái điều thứ tư tôi muốn nói về Cuộc sống - Cuộc chơi là: Nếu đã coi cuộc sống là một cuộc chơi lớn thì niềm vui của nó nằm ở quá trình chơi hay nằm ở kết quả chơi?

Theo tôi, cái đẹp, cái thú vị của cuộc chơi là nằm ở quá trình chứ không phải là kết quả của cuộc chơi. Cái hay của bóng đá là ở 90 phút của trận đấu hay ở kết quả trận đấu? Nếu ai nói rằng bóng đá chỉ hay ở kết quả trận đấu thì tôi có thể đoán rằng người đó chơi cuộc chơi cá độ chứ không phải chơi (hay xem) cuộc chơi bóng đá nữa.

Có lẽ tôi còn quá bé nhỏ để hiểu hết câu "Khôn dại cùng chung ba tấc đất. Giàu sang chưa chín một nồi kê". Ý nghĩa câu này có thể là khuyên con người đừng quá ham hố, đừng quá tranh giành nhau trong cuộc sống vì cuối cùng tất cả đều trở về cát bụi, trở về với thân tứ đại thôi chứ nó không miêu tả niềm vui của cuộc sống trần gian của con người.

Mục đích của mỗi cuộc chơi thường chỉ tạo cho người ta động lực chơi, tạo ra sự "máu lửa" trong mỗi cuộc chơi. Còn cuộc sống đích thực của mỗi con người lại nằm ở quá trình chơi với đầy đủ những sắc thái cảm xúc hỉ - nộ - ái - ố -  ai - lạc - dục (cụ). Khi cuộc chơi over thì các cảm xúc đó cũng over với một độ trễ nào đó thôi.

Không tin các bạn cứ hỏi các bạn sinh viên là các bạn ấy thấy vui hơn khi đang học hay khi đã tốt nghiệp rồi? Rồi lại hỏi các bác về hưu là thấy vui hơn khi đang đi làm hay là lúc đã về hưu? Chi tiết hơn, cứ thử hỏi các bác đã từng chạy đua một chức vụ nào đó rằng họ cảm thấy hồi hộp (và những người xung quanh thì tò mò) khi đang chạy đua, đang lobby, đang bầu bán hay khi "ván đã đóng thuyền"?

Mấy lời tản mạn. Chúc các bạn tận hưởng niềm vui sống.

Mạnh Cường Lotus



Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Life is games? Cuộc đời - cuôc chơi?


Trên võ đài đấm bốc, khi vào cuộc đấu thì có cảm giác hai võ sỹ coi nhau như kẻ thù, mặc sức mà đấm cho đối thủ đến bất tỉnh thì thôi (knock-out). Đến ngày hôm sau, tức là khi mà cái game ấy đã over thì có thể người ta lại thấy hai đối thủ ấy ngồi uống bia với nhau, thậm chí lại có thể đang bàn một phi vụ làm ăn cùng với nhau, nghĩa là lại có thể là partner của nhau rồi. Tại sao vậy? Vì cái đấm bốc hôm qua chỉ là một game. Cái game ấy over rồi. Hôm nay họ ngồi uống bia với nhau cũng là một cái game. Rồi họ lại cùng nhau tham gia vào một phi vụ làm ăn nào đó thì đó cũng lại là một cái game nữa.

Suy rộng ra, phải chăng cuộc sống của mỗi chúng ta là một chuỗi các games? Và khi cộng các games của mỗi cá nhân lại thì ta lại có một tổng (sum) các games của toàn xã hội?

Một cách mặc định, chúng ta thường cứ hay chia mọi việc trên đời này thành những việc có nghĩa và những việc vô nghĩa và thường thì hay cho rằng những việc vô nghĩa hay vô thưởng vô phạt mới gọi là game, còn những cái mà mình cho là ý nghĩa, là nghiêm túc thì không phải là game. Thế nếu không gọi là game thì gọi những thứ "nghiêm túc" kia là cái gì?

Tôi thấy ai cũng đang CHƠI cả thôi. Những cái thứ mà ta hay cho đó là nghiêm túc hay có ý nghĩa ấy phải chăng đó chính là những cuộc chơi chính trị, cuộc chơi kinh doanh, cuộc chơi nghệ thuật, cuộc chơi công nghệ,..Ý tôi nói cái nghĩa CHƠI ở đây là cái cảm giác của người trong cuộc ấy và ở cách mà mỗi thứ nó được run ấy (sorry chỗ này dùng từ run vì chưa kịp nghĩ từ tiếng Việt cho nó thoát được ý).

Nếu xét theo cái lý sự đó thì dường như là ai cũng đang chơi. Đang sống tức là đang chơi - đang chơi tức là đang sống. Khi mà mọi cuộc chơi đều đã over thì cuộc sống này cũng over!

Thế cho nên:

- Điều 1: Ở đời, hãy cố gắng chọn những cuộc chơi mà chơi. Nếu may mắn mà chọn được cuộc chơi mà nó gắn với niềm đam mê trong mình và khả năng của mình thì đó là cuộc chơi làm cho mình SỐNG nhất rồi, tức là sướng nhất rồi.

- Điều 2: Vì là chơi nên đã chơi thì phải chơi hết mình thì nó mới vui. Nhưng khi cuộc chơi đã over rồi thì dù thắng cũng đừng vui lâu quá và thua cũng đừng buồn lâu quá vì tất cả lúc đó là over rồi. Dù thắng hay thua thì cũng đừng sống với quá khứ nữa mà hãy mau mau chơi một cuộc chơi mới. Hãy luôn làm mới cuộc sống của mình, đừng sống quá nhiều bằng quá khứ.

- Điều 3: Đã là chơi thì luôn có luật chơi và luôn có người phá luật chơi (mà mình hay gọi là ăn gian). Thế nên hãy nhìn cuộc sống một cách bình thản khi ta phải làm cái này làm cái nọ vì nên hiểu rằng đó là luật chơi của game cuộc đời. Còn khi nhìn thấy những điều chướng tai gai mắt thì cũng phải coi đó là chuyện bình thường vì đó là những hiện tượng ăn gian trong cuộc chơi thôi mà. Cứ tập trung vào chơi cho nó vui.

Điều 4....Điều 5....Điều 6...: thôi không nói nữa.

Today's game is over here.

Phải về nhà thôi. Game Gia đình is the best one!

Mạnh Cường Lotus

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Sung sướng biết bao khi được làm người bình thường



Từ khi ngộ ra rằng mình là một người hết sức bình thường trên đời này, tự nhiên thấy cuộc đời an vui hơn, trong lòng luôn cảm thấy nhẹ nhõm, hân hoan hơn.

Tại sao ư? Vì khi ý thức được rằng mình là người bình thường thì tự nhiên mình được hưởng nhiều cảm giác sung sướng:

-         Cái sướng thứ nhất là được hưởng niềm vui học hỏi, tu rèn: Vì ý thức được rằng mình là người bình thường nên luôn tự nhủ rằng mình phải thường xuyên học hỏi, tu rèn để vươn lên. Mà học hỏi, khám phá luôn là một niềm vui bất tận.

-         Cái sướng thứ hai là cái cảm giác được miễn nhiễm với ham hố danh lợi: Vì ý thức được rằng mình là người bình thường nên trong công việc không tồn tại ý nghĩ như: tại sao mình làm thế này mà chỉ được hưởng thế này hay tại sao mình như thế này mà lại không được cái chức này chức nọ. Chỉ nghĩ đơn giản xã hội cho mình cái gì thì mình nhận với sự trân trọng và biết ơn, thế thôi. Nghĩ thế tự nhiên thấy mình được miễn nhiễm với những ham hố về danh và lợi - những thứ vốn khiến ối người đau khổ.

-         Cái sướng thứ ba là được sống trong thế giới đông vui: Vì biết mình là người bình thường nên tự nhiên thấy mình đứng cạnh nhiều người lắm, chứ chẳng đứng trên ai cả, hay nói đúng hơn chẳng có ai phải đứng dưới chân mình cả. Nghĩ thế thì tự nhiên cảm thấy một thế giới thân thiện, đông vui quanh mình.

-         Cái sướng thứ tư là không bị vương vào cái cảm giác "chấp": Vì biết mình là người bình thường chứ không phải thánh nhân nên chẳng bao giờ nghĩ là mọi thứ mình làm hay mình nói ra đều là đúng. Cảm thấy thật nhẹ nhõm khi ai đó nói mình sai. Và kể cả khi mình tin là mình đúng mà người ta không nghe thì cũng thấy nó nhẹ nhõm vì nghĩ tại sao họ lại phải nghe một người bình thường.

-         Cái sướng thứ năm là được hưởng trọn vẹn những niềm vui giản dị của người bình thường: ăn mặc casual ra đường cũng được, ngồi vỉa hè ăn bát phở dân dã cũng chẳng sao. Tóm lại là ra đường chẳng có ai "soi" mình.

-         Cái sướng thứ sáu là được hưởng sự an nhàn (cái này thì nghe có vẻ hơi lười nhác, ích kỷ đây!): vì là người bình thường nên mình không phải (bị) gánh vác những trọng trách to, thế là tha hồ ăn ngon ngủ yên, vui thú với gia đình và dành thời gian làm những việc...bình thường.

-         Cái sướng thứ bảy là nhanh thoát ra khỏi buồn bực, khổ đau: Vì biết thân phận mình là người bình thường nên nếu ở đời có ai định làm mình đau (theo nhiều nghĩa) thì tự nhiên có cảm giác mình chỉ như hạt cát thôi. Nghĩ vậy thì tự nhiên nỗi đau nó trôi tuột đi không đọng lại hoặc không ngấm sâu, ngấm lâu vào mình.

Có lẽ một con người bình thường còn được hưởng nhiều cảm giác sung sướng nữa mà mình cũng chưa kịp thống kê ra hết. Ôi, thật là may mắn biết bao khi có được thân phận là người bình thường trên cõi đời này.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Có nên tin tuyệt đối rằng "Yes, I can"?

Có một lý luận cho rằng phải luôn tự tin rằng mình sẽ làm được bất cứ điều gì "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí sẽ làm nên". Hay trong tiếng Anh thì người ta hay rót vào tai rằng "Yes, I can". Tôi thì tôi không tin lắm vào cái này và cũng không khuyên ai như vậy cả.

Mỗi người sinh ra trên thế gian này được tạo hóa ban cho một hay một số khả năng nào đó và đồng thời tạo hóa cũng không ban cho hoặc chỉ ban cho ở mức...dưới trung bình một số khả năng nào đó.

Khi người ta làm những việc mà họ có khả năng thì họ làm được và khi đó họ vui, họ hạnh phúc. Còn một số việc họ không có khả năng, nhưng họ lại muốn làm. Đến khi cố mãi mà vẫn không thành công thì họ buồn, thậm chí đau khổ.

Thế nên nếu sống mà cứ tin rằng cái gì mình cũng làm được, miễn là có quyết tâm thì cũng đáng khen lắm, nhưng mà khen bởi vì người ta muốn khen thôi, chứ còn tốt với nhau thì phải biết cái gì khích lệ và cái gì can ngăn chứ đừng tự rót vào tai mình "Yes, I can" và tai người khác rằng "Yes, you can".

Những người nào tự huyễn hoặc về khả năng của mình thì họ chỉ mắc lỗi với họ thôi, lại còn có những người đi huyễn hoặc người khác về một khả năng mà người ta không có thì theo tôi là có tội rồi. Một bà mẹ mà cứ gieo vào đầu đứa con gái yêu bé bỏng rằng cô bé đó là con Sơn Ca của thế gian này để rồi con bé tự coi mình là con sơn ca cho đến khi nhân gian bảo là em chỉ là con chim Ca chứ không phải là Sơn Ca thì em đau khổ lắm.

"Sống trên đời phải biết mình là ai" - Đức Khuê bảo thế. Và người ta cũng bảo rằng con người ta hạnh phúc là khi họ được là chính mình. Vậy thì tại sao mình lại cứ đi chạy trốn chính mình để tưởng tượng mình là một ai đó cao siêu, tài ba, xinh đẹp, thành công, vân vân và vân vân và rằng mình sẽ làm được cái nọ cái kia hoành tráng, vĩ đại lắm, "kêu" lắm,..

Thôi thì mình cứ nghĩ mình là bé nhỏ, bình thường, chỉ sở hữu một vài khả năng nho nhỏ và rồi cứ làm thật tốt những cái khả năng nho nhỏ đó. Còn những thứ biết mười mươi là không làm được thì thôi đừng có cố làm. Như vậy thì bên ngoài dù mình có sang hay hèn, giàu hay nghèo, giỏi hay kém thì mình vẫn luôn được là mình và khi đó mình được hưởng trọn vẹn cái hạnh phúc được là mình rồi.

Nếu ai cũng nghĩ và làm như vậy thì từ những bậc siêu nhân, đại nhân cho tới những kẻ ăn mày ai cũng có thể hưởng một kiếp sống an lạc trên cõi đời này.

Bởi vậy, tôi chẳng bao giờ đi khuyên ai rằng "Yes, you can" và bảo họ làm cái này cái nọ, mà tôi chỉ luôn khuyên mọi người rằng hãy tĩnh tâm lắng nghe để biết bạn là ai, bạn muốn gì, bạn làm được cái gì và hành động.

Khi đó niềm hạnh phúc, sự an lạc sẽ đến với bạn.
Mạnh Cường Lotus

Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Những ông bố đường lối

Các con nghe ý kiến chỉ đạo đây..

Đầu năm học, Uẩn tổ chức cuộc họp gia đình để quán triệt tinh thần học tập cho các con. Uẩn "nổ" rất to: "Bố chỉ đạo các con là phải ngoan, phải học thật tốt vào nhé". Các con cũng "nổ" lại: "Dạ, vâng, chúng con xin hứa! chúng con quyết tâm!".

Quán triệt xong, hứa quyết tâm xong thì cả nhà tổ chức liên hoan ăn mừng linh đình kèm theo "dzô, dzô" vang cả nhà. Ai cũng hể hả: bố thì hể hả là đã quán triệt con tới nơi tới chốn; con thì hể hả vì đã được bố khen là hứa to, quyết tâm lớn. Vui quá, thành công quá, thế là lại "dzô, dzô".

Đến cuối năm, các con Uẩn đứa thì bị đúp, đứa thì bị kỷ luật. Bố Uẩn (tức ông của các cháu học sinh) gọi Uẩn đến, mắng Uẩn là không biết chăm sóc dạy dỗ con nên để ra nông nỗi này.

Uẩn ấm ức báo cáo với ông: "Dạ, ngay từ đầu năm con đã tổ chức hội nghị gia đình để quán triệt chủ trương là phải học tốt rồi đấy ạ. Bố thấy đấy, chủ trương là đúng quá rồi. Lỗi đấy là phần thực hiện, là do mấy đứa nó không chịu thực hiện sự chỉ đạo của con là phải ngoan, phải học giỏi đấy ạ!".

Mấy đứa con nghe thấy bấm nhau: "Lo gì, mấy năm nữa chúng mình lại lên chức bố tới nơi rồi, lại sắp được chỉ đạo, quán triệt người khác về chủ trương tới nơi rồi!"

Còn ông thì quay sang Uẩn hạ giọng: "Khá lắm, mày giống y hệt bố ngày xưa".

Mạnh Cường Lotus 

Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Thanh quan


Nguyên Thủ tướng Trung quốc Chu Dung Cơ được biết đến như một "thanh quan" - một Thủ tướng liêm khiết, công tâm và luôn vì công việc. Khi còn tại chức, ông thường nhắc đến một câu châm ngôn được khắc trên tấm bia đá ở Tây An từ thời nhà Thanh để tự răn mình và cộng sự.

Nguyên văn câu châm ngôn ấy là:
"Lại bất úy ngô nghiêm, nhi úy ngô liêm;
Dân bất phục ngô năng, nhi phục ngô công;
Công bất tắc bất cảm mạn, liêm tắc lại bất cảm khi.
Công sinh minh, liêm sinh uy”.


Tạm dịch là:
"Quan lại không sợ ta nghiêm mà sợ ta liêm khiết;
Dân không phục ta vì có năng lực mà phục ta công tâm.
Công tâm dân sẽ không dám chậm chạp lười nhác, liêm khiết thì quan lại không dám ức hiếp dân.
Công tâm sẽ sinh ra sáng suốt, liêm chính sẽ sinh ra uy nghiêm"

Xin chép ra đây để mọi người tự luận.

Mạnh Cường Lotus






Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Được và Mất ở đời


Một quy luật nghiệt ngã của tạo hóa là quá trình tạo ra một cái gì đó cũng chính là quá trình làm mất đi một cái khác. Ta có thể thấy quy luật này ở mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ: trong vật lý, trong hóa học, trong thiên nhiên, trong xã hội, trong kinh tế,..

Những điều xảy ra đối với con người cũng không nằm ngoài quy luật này. Thử điểm qua mấy thứ mà ai cũng có thể chiêm nghiệm:

-         Quá trình tiến tới hôn nhân cũng chính là quá trình mất dần sự lãng mạn của tình yêu ban đầu;

-         Quá trình nuôi con lớn khôn cũng chính là quá trình mất dần những năm tháng được hạnh phúc ôm ấp đứa con thơ; 

-         Quá trình dốc sức ra làm giàu cũng chính là quá trình mất dần sức khỏe và tuổi xuân; 

-         Quá trình trở thành người hiểu đời hơn cũng là quá trình làm cho mình mất dần đi sự vô tư lự;

-         Quá trình trở thành "sếp" lớn, thành "sao", thành "đại gia" cũng chính là quá trình mất đi những thú vui bình dị của một thường dân;

-         Quá trình...(mọi người tự điến thêm vào)

Vậy thì điều đó nói lên cái gì?

Đối với những quá trình tự nhiên như sinh ra, lớn lên, bệnh tật, già nua, gia đình, con cái.. thì đó là việc của Trời. Ta hiểu nó và vui vẻ sống theo quy luật của tạo hóa.

Còn cái điều tôi muốn nói tới ở đây là những toan tính, những cảm xúc của con người về những cái "được" và "mất" liên quan tới cái danh, cái lợi.

Ngoài đời, tôi thấy thường người ta hay nói nhiều đến chuyện ông này vừa chạy chọt "được" bổ nhiệm lên chức nọ chức kia oai lắm, rồi bà kia nhờ mối liên hệ này nọ vừa kiếm "được" bao nhiêu tiền, rồi chị nọ đi thi vừa "được" thêm danh hiệu siêu siêu hay sao sao gì đó,...Khi bàn về những cái đó, dường như thiên hạ chỉ nói về những cái "được" một cách ngưỡng mộ, thậm chí nhiều khi thèm thuồng, chứ ít khi thấy người ta nói về cái "mất" đi kèm với những cái "được" kia và coi những thứ "mất" đó không tồn tại hoặc là có nhưng không quan trọng.

Ấy vậy và sao ở chỗ riêng tư, những người mà thiên hạ mặc nhiên coi là "được" kia lại hay tâm sự về những nỗi khổ, về những mất mát, những thiệt thòi mà họ đang nếm trải, kể cả những người tưởng như đang ở đỉnh cao của sự tung hô.

Tôi thì luôn nhìn sự thăng tiến của con người theo hai cách nhìn với hai cảm xúc khác nhau:

Đối với những người tôi hiểu họ phải nhận những thứ gọi là "được" đó như một sứ mệnh thì tôi thầm cảm phục vì sự hi sinh họ;

Còn đối với những người cố bằng mọi cách để "được" cái chức nọ cái danh kia thì sao tôi lại thấy thương hại họ thế. Có thể tôi dở hơi quá chăng?

Mạnh Cường Lotus


Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Hai cái rùng mình đối với một lễ hội

Hai con trâu đang tử chiến trước sự hò reo của hàng chục ngàn người

Tôi suy nghĩ nhiều trước khi viết ra những tâm sự này, vì nó động chạm tới một hoạt động mang tính lâu năm ở một địa phương, mà dân gian nâng tầm lên gọi là lễ hội - đó là Lễ hội chọi trâu Đồ sơn, diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.

"Lễ hội" theo tôi hiểu một cách nôm na là việc có rất nhiều người tập trung lại để làm "lễ" và vui "hội". "Lễ" nghĩa là làm một việc gì đó mang tính thủ tục, nhiều khi gắn liền với tâm linh. Còn "hội" là sự giao lưu, vui vẻ hân hoan mang của một đám đông.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nếu hiểu theo đúng nghĩa "lễ hội" thì hẳn là đối với một đám đông người, nó phải có một ý nghĩa gì đó sâu sắc lắm, và mọi người đến đó phải vui vẻ, hỉ hả lắm.

Tôi thì chưa dự lễ hội này một lần nào, và lạy Trời, cũng may cho tôi là chưa phải đến dự lễ hội này một lần nào, nhưng chỉ qua những gì tôi nghe và thấy trên các phương tiện truyền thông thì tôi đã cảm thấy rùng mình rồi.

Mà tôi rùng mình tới hai lần.

Rùng mình lần thứ nhất là nhìn cái cảnh đôi trâu lao vào nhau quyết chiến đúng theo nghĩa đen của "trâu điên", rồi máu me, rồi bị thương hay bị chết. Tất cả những cái đó diễn ra trong tiếng hò reo của đám đông đứng xem. Ôi, những con trâu trong mắt tôi, và tôi chắc là trong mắt của hàng triệu người Việt Nam, là một người bạn hiền lành, gần gũi, chăm chỉ của nhà nông, là biểu tượng của hòa bình, của lòng nhẫn nại, của tính cần cù, vậy mà nay nó bắt buộc phải trở thành những con vật hung dữ, lao vào tử chiến với nhau. Tôi cứ tưởng tượng ra rằng nếu tôi dẫn con tôi đi xem cái cảnh đó thì tôi sẽ giảng giải cho con tôi về ý nghĩa của hành động đó thế nào đây? Có lẽ tôi chưa đủ trình độ để hiểu nổi tính giáo dục hay tính văn hóa của hành động này, mà tôi chỉ cảm thấy rùng mình vì tính dã man của nó. Mà nói cho chính xác hơn, rùng mình vì hành động dã man mà con người bắt những con vật hiền lành phải thực hiện vì mục đích tiêu khiển của con người.

Giết thịt những con trâu vừa tham gia chọi để bán
Rùng mình lần thứ hai là tất cả những con trâu tham gia thi đấu đều bị giết thịt ngay lập tức. Đặc biệt là con trâu vô địch thì lại càng phải chết sớm vì nó sẽ được dâng lên tế thần và đặc biệt là có rất nhiều người mong được ăn thịt nó với một ý nghĩ rằng máu và thịt của nó sẽ đem lại cho người ta sức khỏe hay một sự may mắn nào đó.

Ôi, sao lại thế nhỉ? Theo quy luật tiến hóa thì phải có một sự đào thải tự nhiên, nghĩa là những gì xấu, yếu phải mất đi để những gì tốt nhất, khỏe nhất sẽ tồn tại, sinh sôi, phát triển chứ. Còn lễ hội này thì được coi là nơi hội tụ của những con trâu tốt nhất, khỏe nhất trong thiên hạ và rồi cuối cùng tất cả chúng đều sẽ bị giết sạch.

Triết học có nói rằng "Cái gì hợp lý thì tồn tại - Cái gì tồn tại thì hợp lý". Thế nên nếu thực sự cái lễ hội này đã tồn tại hàng nhiều năm nay thì chắc nó có cái lý của nó mà tôi ngu, chưa đủ trình độ để hiểu.

Tôi ngu nên chưa hiểu mà chỉ biết rùng mình, mà rùng mình đến hai lần.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Cái gì là của ta? Cái gì không phải là của ta?


Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: một người sống trên thế gian này cũng giống như một hành khách đi tàu vậy: Anh lên tàu để đi đến một nơi nào đó, và khi đến nơi thì anh xuống và mang theo hành lý của anh. Hành lý đó là của anh, còn con tàu mà anh vừa đi là phương tiện để anh đi và nó không phải của anh.

Trong một status trước, tôi có nói là sinh ra mỗi người có một sứ mệnh, và bởi vậy, cuộc sống thế nào cũng sẽ trang bị cho anh phương tiện để anh thực hiện sứ mệnh đó, cũng tương tự con tàu để đưa anh đến nơi cần đến.

Ví dụ như sinh ra, nếu sứ mệnh của anh là làm quản lý doanh nghiệp chẳng hạn thì cuộc sống sẽ trao cho anh cái chức Tổng giám đốc một công ty cùng với quyền quản lý và điều hành một khối tài sản lớn đến hàng ngàn hay chục ngàn tỷ đồng. Hay nếu sứ mệnh của anh là quản lý hành chính (xưa gọi là cai trị) thì anh sẽ được trao cho một chức quan nào đó, với những cái quyền mặc nhiên được gắn với chức quan đó. Khi đó, nên hiểu là cái quyền hay cái tiền gắn với chức vụ của anh không hề là sở hữu của riêng anh, mà xin nhắc lại, nó chỉ là phương tiện để anh thực hiện sứ mệnh của anh. Tóm lại, mặc dù anh có thể tạm giữ nó, nhưng nó không phải là của anh.

Ấy vậy mà cái xan tham và cái si mê trong con người nhiều khi khiến anh không nhận ra cái điều đơn giản đó. Khi người ta đã ngồi vào cái ghế giám đốc hay ghế quan rồi thì rất ít người nghĩ cái ghế đó là phương tiện mà đa phần người ta cứ nghĩ là Trời ban cho họ cái ghế đó, nghĩa là họ sở hữu cái ghế đó và họ ứng xử với quyền và với tiền - tức những thứ gắn với cái ghế đó - cứ như là của riêng họ vậy.

Cái sự "nhận vơ" đó chính là nguồn gốc của bao nhiêu thứ trớ trêu, bao nhiêu bi kịch trong đời mà tôi đã quan sát và chiêm nghiệm thấy. Chỉ kể ra đôi ba việc nho nhỏ:

Khi đã ngồi vào cái ghế "sếp" thì có thể anh được khối người "ạ". Có nhiều nguyên nhân và nguyên cớ để mà người ta "ạ" anh, mà trong đó những cái "ạ" để xu nịnh thì cũng nhiều lắm. Người anh minh là người phải phân biệt được khi nào người ta "ạ" anh, khi nào người ta "ạ" cái ghế của anh. Ấy nhưng trong đời, phần đông các ngài quan cứ mặc nhiên coi rằng thiên hạ đang "ạ" mình, rồi tưởng tượng ra mình là đại nhân, là vĩ nhân, là bề trên của thiên hạ.

Có người lại được ngồi vào cái ghế "đặc biệt" - nó đặc biệt đến nỗi mà những người ngồi trên đó cứ mỗi khi đi đến đâu nói cái gì cũng được người khác coi đấy là những lời "chỉ đạo" sáng suốt và rồi người ta mở sổ ra chép lấy chép để. Thế là anh cứ ảo tưởng rằng anh giỏi thật, giỏi đến mức những lời anh nói là chân lý, là lời của núi sông.

Đến khi anh phải bước xuống khỏi các ghế đó thì chẳng còn thấy người ta "ạ" anh nữa, thậm chí có thể có người còn chửi rủa anh nếu trong thời gian ngồi ghế đó anh làm điều gì đó không phải với người khác. Lời anh nói ra cũng chẳng ai thèm để ý nữa. Thế là anh bị sốc nặng.

Ô hay, tại sao con người lại phải sốc, lại phải khổ đau vì cái cảm giác mất đi một thứ không phải của mình nhỉ?

Hay một dạng bi kịch phổ biến khác, đó là khi ngồi ở cái ghế "sếp", khối người mặc sức "khai thác" cái quyền và cái tiền gắn với cái ghế đó để tư lợi cho mình mà từ ngữ hiện đại người ta gọi là "tham nhũng", là "lạm dụng chức quyền" ấy.

Quy luật cuộc đời là sòng phẳng: có vay có trả. Cái gì không phải của anh mà anh giữ thì sớm muộn anh sẽ phải trả. Không trả bằng hình thức này thì anh cũng phải trả bằng hình thức khác. Anh không trả hôm nay thì anh cũng phải trả ngày mai. Đời nay không trả hết thì đời sau trả tiếp.

Xã hội dạo này đang rúng động, ồn ào về việc "đại gia" nọ, "bầu" kia xộ khám, rồi tham quan nọ tham quan kia bị sờ gáy. Nghe mà thấy kinh! Nghĩ cho cùng, tất cả cũng vì cái sự ngộ nhận, không phân biệt được đâu là cái của mình và đâu là cái không phải của mình của những vị đó.

Thế nên, trong muôn vàn thứ cần Biết trên đời thì việc biết cái gì là của ta và cái gì không phải của ta cũng là một thứ cần biết lắm thay. Sống ở đời, hãy vui hưởng những gì của ta. Còn những gì không phải của ta thì hãy ứng xử cho phải lẽ, đừng có tham lấy nó rồi dính nợ, tạo khổ. Biết được điều đó để sống thanh thản, biết được điều đó để sống cho phải đạo.

Mạnh Cường Lotus