Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Được và Mất ở đời


Một quy luật nghiệt ngã của tạo hóa là quá trình tạo ra một cái gì đó cũng chính là quá trình làm mất đi một cái khác. Ta có thể thấy quy luật này ở mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ: trong vật lý, trong hóa học, trong thiên nhiên, trong xã hội, trong kinh tế,..

Những điều xảy ra đối với con người cũng không nằm ngoài quy luật này. Thử điểm qua mấy thứ mà ai cũng có thể chiêm nghiệm:

-         Quá trình tiến tới hôn nhân cũng chính là quá trình mất dần sự lãng mạn của tình yêu ban đầu;

-         Quá trình nuôi con lớn khôn cũng chính là quá trình mất dần những năm tháng được hạnh phúc ôm ấp đứa con thơ; 

-         Quá trình dốc sức ra làm giàu cũng chính là quá trình mất dần sức khỏe và tuổi xuân; 

-         Quá trình trở thành người hiểu đời hơn cũng là quá trình làm cho mình mất dần đi sự vô tư lự;

-         Quá trình trở thành "sếp" lớn, thành "sao", thành "đại gia" cũng chính là quá trình mất đi những thú vui bình dị của một thường dân;

-         Quá trình...(mọi người tự điến thêm vào)

Vậy thì điều đó nói lên cái gì?

Đối với những quá trình tự nhiên như sinh ra, lớn lên, bệnh tật, già nua, gia đình, con cái.. thì đó là việc của Trời. Ta hiểu nó và vui vẻ sống theo quy luật của tạo hóa.

Còn cái điều tôi muốn nói tới ở đây là những toan tính, những cảm xúc của con người về những cái "được" và "mất" liên quan tới cái danh, cái lợi.

Ngoài đời, tôi thấy thường người ta hay nói nhiều đến chuyện ông này vừa chạy chọt "được" bổ nhiệm lên chức nọ chức kia oai lắm, rồi bà kia nhờ mối liên hệ này nọ vừa kiếm "được" bao nhiêu tiền, rồi chị nọ đi thi vừa "được" thêm danh hiệu siêu siêu hay sao sao gì đó,...Khi bàn về những cái đó, dường như thiên hạ chỉ nói về những cái "được" một cách ngưỡng mộ, thậm chí nhiều khi thèm thuồng, chứ ít khi thấy người ta nói về cái "mất" đi kèm với những cái "được" kia và coi những thứ "mất" đó không tồn tại hoặc là có nhưng không quan trọng.

Ấy vậy và sao ở chỗ riêng tư, những người mà thiên hạ mặc nhiên coi là "được" kia lại hay tâm sự về những nỗi khổ, về những mất mát, những thiệt thòi mà họ đang nếm trải, kể cả những người tưởng như đang ở đỉnh cao của sự tung hô.

Tôi thì luôn nhìn sự thăng tiến của con người theo hai cách nhìn với hai cảm xúc khác nhau:

Đối với những người tôi hiểu họ phải nhận những thứ gọi là "được" đó như một sứ mệnh thì tôi thầm cảm phục vì sự hi sinh họ;

Còn đối với những người cố bằng mọi cách để "được" cái chức nọ cái danh kia thì sao tôi lại thấy thương hại họ thế. Có thể tôi dở hơi quá chăng?

Mạnh Cường Lotus


Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Hai cái rùng mình đối với một lễ hội

Hai con trâu đang tử chiến trước sự hò reo của hàng chục ngàn người

Tôi suy nghĩ nhiều trước khi viết ra những tâm sự này, vì nó động chạm tới một hoạt động mang tính lâu năm ở một địa phương, mà dân gian nâng tầm lên gọi là lễ hội - đó là Lễ hội chọi trâu Đồ sơn, diễn ra vào ngày 9/8 âm lịch hàng năm.

"Lễ hội" theo tôi hiểu một cách nôm na là việc có rất nhiều người tập trung lại để làm "lễ" và vui "hội". "Lễ" nghĩa là làm một việc gì đó mang tính thủ tục, nhiều khi gắn liền với tâm linh. Còn "hội" là sự giao lưu, vui vẻ hân hoan mang của một đám đông.

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn nếu hiểu theo đúng nghĩa "lễ hội" thì hẳn là đối với một đám đông người, nó phải có một ý nghĩa gì đó sâu sắc lắm, và mọi người đến đó phải vui vẻ, hỉ hả lắm.

Tôi thì chưa dự lễ hội này một lần nào, và lạy Trời, cũng may cho tôi là chưa phải đến dự lễ hội này một lần nào, nhưng chỉ qua những gì tôi nghe và thấy trên các phương tiện truyền thông thì tôi đã cảm thấy rùng mình rồi.

Mà tôi rùng mình tới hai lần.

Rùng mình lần thứ nhất là nhìn cái cảnh đôi trâu lao vào nhau quyết chiến đúng theo nghĩa đen của "trâu điên", rồi máu me, rồi bị thương hay bị chết. Tất cả những cái đó diễn ra trong tiếng hò reo của đám đông đứng xem. Ôi, những con trâu trong mắt tôi, và tôi chắc là trong mắt của hàng triệu người Việt Nam, là một người bạn hiền lành, gần gũi, chăm chỉ của nhà nông, là biểu tượng của hòa bình, của lòng nhẫn nại, của tính cần cù, vậy mà nay nó bắt buộc phải trở thành những con vật hung dữ, lao vào tử chiến với nhau. Tôi cứ tưởng tượng ra rằng nếu tôi dẫn con tôi đi xem cái cảnh đó thì tôi sẽ giảng giải cho con tôi về ý nghĩa của hành động đó thế nào đây? Có lẽ tôi chưa đủ trình độ để hiểu nổi tính giáo dục hay tính văn hóa của hành động này, mà tôi chỉ cảm thấy rùng mình vì tính dã man của nó. Mà nói cho chính xác hơn, rùng mình vì hành động dã man mà con người bắt những con vật hiền lành phải thực hiện vì mục đích tiêu khiển của con người.

Giết thịt những con trâu vừa tham gia chọi để bán
Rùng mình lần thứ hai là tất cả những con trâu tham gia thi đấu đều bị giết thịt ngay lập tức. Đặc biệt là con trâu vô địch thì lại càng phải chết sớm vì nó sẽ được dâng lên tế thần và đặc biệt là có rất nhiều người mong được ăn thịt nó với một ý nghĩ rằng máu và thịt của nó sẽ đem lại cho người ta sức khỏe hay một sự may mắn nào đó.

Ôi, sao lại thế nhỉ? Theo quy luật tiến hóa thì phải có một sự đào thải tự nhiên, nghĩa là những gì xấu, yếu phải mất đi để những gì tốt nhất, khỏe nhất sẽ tồn tại, sinh sôi, phát triển chứ. Còn lễ hội này thì được coi là nơi hội tụ của những con trâu tốt nhất, khỏe nhất trong thiên hạ và rồi cuối cùng tất cả chúng đều sẽ bị giết sạch.

Triết học có nói rằng "Cái gì hợp lý thì tồn tại - Cái gì tồn tại thì hợp lý". Thế nên nếu thực sự cái lễ hội này đã tồn tại hàng nhiều năm nay thì chắc nó có cái lý của nó mà tôi ngu, chưa đủ trình độ để hiểu.

Tôi ngu nên chưa hiểu mà chỉ biết rùng mình, mà rùng mình đến hai lần.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

Cái gì là của ta? Cái gì không phải là của ta?


Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: một người sống trên thế gian này cũng giống như một hành khách đi tàu vậy: Anh lên tàu để đi đến một nơi nào đó, và khi đến nơi thì anh xuống và mang theo hành lý của anh. Hành lý đó là của anh, còn con tàu mà anh vừa đi là phương tiện để anh đi và nó không phải của anh.

Trong một status trước, tôi có nói là sinh ra mỗi người có một sứ mệnh, và bởi vậy, cuộc sống thế nào cũng sẽ trang bị cho anh phương tiện để anh thực hiện sứ mệnh đó, cũng tương tự con tàu để đưa anh đến nơi cần đến.

Ví dụ như sinh ra, nếu sứ mệnh của anh là làm quản lý doanh nghiệp chẳng hạn thì cuộc sống sẽ trao cho anh cái chức Tổng giám đốc một công ty cùng với quyền quản lý và điều hành một khối tài sản lớn đến hàng ngàn hay chục ngàn tỷ đồng. Hay nếu sứ mệnh của anh là quản lý hành chính (xưa gọi là cai trị) thì anh sẽ được trao cho một chức quan nào đó, với những cái quyền mặc nhiên được gắn với chức quan đó. Khi đó, nên hiểu là cái quyền hay cái tiền gắn với chức vụ của anh không hề là sở hữu của riêng anh, mà xin nhắc lại, nó chỉ là phương tiện để anh thực hiện sứ mệnh của anh. Tóm lại, mặc dù anh có thể tạm giữ nó, nhưng nó không phải là của anh.

Ấy vậy mà cái xan tham và cái si mê trong con người nhiều khi khiến anh không nhận ra cái điều đơn giản đó. Khi người ta đã ngồi vào cái ghế giám đốc hay ghế quan rồi thì rất ít người nghĩ cái ghế đó là phương tiện mà đa phần người ta cứ nghĩ là Trời ban cho họ cái ghế đó, nghĩa là họ sở hữu cái ghế đó và họ ứng xử với quyền và với tiền - tức những thứ gắn với cái ghế đó - cứ như là của riêng họ vậy.

Cái sự "nhận vơ" đó chính là nguồn gốc của bao nhiêu thứ trớ trêu, bao nhiêu bi kịch trong đời mà tôi đã quan sát và chiêm nghiệm thấy. Chỉ kể ra đôi ba việc nho nhỏ:

Khi đã ngồi vào cái ghế "sếp" thì có thể anh được khối người "ạ". Có nhiều nguyên nhân và nguyên cớ để mà người ta "ạ" anh, mà trong đó những cái "ạ" để xu nịnh thì cũng nhiều lắm. Người anh minh là người phải phân biệt được khi nào người ta "ạ" anh, khi nào người ta "ạ" cái ghế của anh. Ấy nhưng trong đời, phần đông các ngài quan cứ mặc nhiên coi rằng thiên hạ đang "ạ" mình, rồi tưởng tượng ra mình là đại nhân, là vĩ nhân, là bề trên của thiên hạ.

Có người lại được ngồi vào cái ghế "đặc biệt" - nó đặc biệt đến nỗi mà những người ngồi trên đó cứ mỗi khi đi đến đâu nói cái gì cũng được người khác coi đấy là những lời "chỉ đạo" sáng suốt và rồi người ta mở sổ ra chép lấy chép để. Thế là anh cứ ảo tưởng rằng anh giỏi thật, giỏi đến mức những lời anh nói là chân lý, là lời của núi sông.

Đến khi anh phải bước xuống khỏi các ghế đó thì chẳng còn thấy người ta "ạ" anh nữa, thậm chí có thể có người còn chửi rủa anh nếu trong thời gian ngồi ghế đó anh làm điều gì đó không phải với người khác. Lời anh nói ra cũng chẳng ai thèm để ý nữa. Thế là anh bị sốc nặng.

Ô hay, tại sao con người lại phải sốc, lại phải khổ đau vì cái cảm giác mất đi một thứ không phải của mình nhỉ?

Hay một dạng bi kịch phổ biến khác, đó là khi ngồi ở cái ghế "sếp", khối người mặc sức "khai thác" cái quyền và cái tiền gắn với cái ghế đó để tư lợi cho mình mà từ ngữ hiện đại người ta gọi là "tham nhũng", là "lạm dụng chức quyền" ấy.

Quy luật cuộc đời là sòng phẳng: có vay có trả. Cái gì không phải của anh mà anh giữ thì sớm muộn anh sẽ phải trả. Không trả bằng hình thức này thì anh cũng phải trả bằng hình thức khác. Anh không trả hôm nay thì anh cũng phải trả ngày mai. Đời nay không trả hết thì đời sau trả tiếp.

Xã hội dạo này đang rúng động, ồn ào về việc "đại gia" nọ, "bầu" kia xộ khám, rồi tham quan nọ tham quan kia bị sờ gáy. Nghe mà thấy kinh! Nghĩ cho cùng, tất cả cũng vì cái sự ngộ nhận, không phân biệt được đâu là cái của mình và đâu là cái không phải của mình của những vị đó.

Thế nên, trong muôn vàn thứ cần Biết trên đời thì việc biết cái gì là của ta và cái gì không phải của ta cũng là một thứ cần biết lắm thay. Sống ở đời, hãy vui hưởng những gì của ta. Còn những gì không phải của ta thì hãy ứng xử cho phải lẽ, đừng có tham lấy nó rồi dính nợ, tạo khổ. Biết được điều đó để sống thanh thản, biết được điều đó để sống cho phải đạo.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Tính cách người Việt Nam qua con mắt người nước ngoài


Nhiều khi để hiểu mình thì cũng cần tham khảo xem người khác nói về mình như thế nào. Mấy nhận xét sau về người Việt chúng mình nghe nói là của người nước ngoài. Nguồn thì mình không rõ, nhưng mà thấy cũng có nhiều thứ đáng để suy ngẫm.

Để dễ nhớ, họ tổng kết lại thành 10 cái gạch đầu dòng sau:

1.     Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.

2.     Thông minh, sáng tạo song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.

3.     Khéo léo, song không duy trì đến cùng, ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm.

4.     Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.

5.     Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học đến đầu đến đuôi nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam.

6.      Xởi lởi, chiều khách, song không bền.

7.     Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ.

8.      Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này ít xuất hiện.

9.     Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.

10.  Thích tụ tập, song lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

Để mà nịnh nhau, nhất là để đưa lên báo chí, sách vở "chính thống" thì người ta thường chỉ đưa những tính cách đầu tiên, nghĩa là đứng trước cái từ "SONG". Nhưng tôi nghĩ để hiểu con người Việt chúng mình một cách chân thực thì cần có đủ dũng cảm để nói cả những cái sau cái từ "SONG" ấy. Không phải không nói ra tức là không có, mà nên tự biết rằng chúng ta có những tính cách đó để biết và sống chung với con người thật của chúng ta, để khi trong cuộc sống mà gặp biểu hiện của những tính cách đó thì thấy nó cũng bình thường, vì đó chính là chúng ta mà.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Cụ Đào Duy Anh nói về tính cách người Việt chúng mình


"Biết mình, hiểu mình" cần được hiểu theo nghĩa rộng. Nếu là một cá thể con người thì đó là hiểu chính bản thân mình. Đối với một công ty, một đơn vị thì là biết và hiểu được chính công ty, đơn vị đó. Còn đối với một đất nước, một dân tộc thì hiểu chính đất nước, dân tộc đó.

Tôi không dám tự bình luận về người Việt chúng mình, bởi nếu như nói ra toàn cái hay thì sẽ có người khen tôi là có tinh thần tự hào dân tộc, nhưng cũng có người sẽ bảo tôi bốc phét. Nếu mà nói những cái dở của người Việt mình thì có người sẽ bảo tôi thế này thế nọ. Không nói ra, nhưng trong sâu thẳm, tôi luôn tự nhủ là mình không những phải hiểu bản thân mình mà còn phải hiểu cả tính cách của người Việt - hiểu những con người của xã hội mà mình sinh ra và đang sống nữa. Hiểu để trở về đúng với những giá trị của mình, hiểu để định vị mình trong cuộc sống và hiểu còn để có cách nhìn cảm thông hơn, bao dung hơn và dẹp bớt đi những đòi hỏi, những kỳ vọng không nên có.

Tôi xin viết ra đây những gì cụ Đào Duy Anh đã viết về người Việt chúng mình (Trích từ "Việt Nam văn hóa sử cương"-NXB Bốn Phương, Sài gòn, năm 1951, trang 23) để chúng ta cùng suy ngẫm:

-         Về trí tuệ thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít thấy có người trí tuệ lỗi lạc phi thường;

-         Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, thích văn chương phù hoa hơn là thực học;

-         Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hòa hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm;

-         Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp;

-         Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn cực khổ và hay nhẫn nhục;

-         Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng;

-         Hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa thích hư danh;

-         Thích chơi bời cờ bạc;

-         Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa;

-         Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hòa thì rất tài;

-         Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo"

Mọi người thử ngẫm xem cụ Đào Duy Anh nói về người Việt chúng mình có đúng không nhé. Tôi thì đã đọc không biết bao nhiêu lần rồi, đúng hơn là ngẫm không biết bao nhiêu lần về từng từ Cụ nói rồi.

Ngẫm, chiêm nghiệm và hiểu ra nhiều.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Sự "mù chữ" về văn hóa của một cơ quan hàng đầu về giáo dục

Hôm qua là ngày Rằm tháng Bảy âm lịch. Tình cờ sáng nay lúc xé tờ lịch treo ở nhà, tôi đọc thấy có dòng chú thích sau viết trên tờ lịch (xin chép nguyên văn):

" Tết Trung Nguyên - Lễ Vu Lan: Theo quan niệm dân gian, ngày này những âm hồn tội lỗi được Diêm Vương xá tội. Các gia đình sắm vàng mã, lễ vật cúng tổ tiên. Họ nấu một nồi cháo hoa múc vào những chiếc lá đa bố thí cho các vong hồn không nơi nương tựa. Lễ Vu Lan thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và truyền thống nhân văn của người Việt Nam."

Tôi đọc đi đọc lại cái chú thích này trên tờ lịch mà thấy hoảng quá. Nó lộn xộn, ngu ngơ, khó hiểu. Các bạn cứ thử đọc và nói cách hiểu của mình xem:

Tiêu đề thì in đậm là Tết Trung Nguyên - Lễ Vu Lan rồi giải thích sự tích Lễ Vu Lan là theo quan niệm dân gian thì vào ngày này những âm hồn tội lỗi được Diêm Vương xá tội. Thế có chết không, xuyên tạc đến thế là cùng! Tại sao lại dám giải thích sự tích của Lễ Vu Lan như vậy.

Tiếp theo, câu đó lại giải thích là các gia đình sắm vàng mã, lễ vật để cúng tổ tiên. Đọc đến đây người ta sẽ băn khoăn: ơ sao Diêm Vương xá tội cho các âm hồn tội lỗi thì liên quan gì đến việc mình cúng tổ tiên nhà mình? Rồi tiếp theo lại nói: "họ" (tức các gia đình cúng tổ tiên) múc cháo vào những chiếc lá đa để bố thí cho các vong hồn không nơi nương tựa. Đọc đến đây người ta có thể hiểu thế nào bây giờ: như vậy là các gia đình cúng ai vậy? cúng tổ tiên nhà mình hay cúng các vong hồn không nơi nương tựa trong Lễ Vu Lan đây, hay là cả hai?

Còn cái câu kết sẽ khiến người ta băn khoăn: theo giải thích của tờ lịch thì đạo lý uống nước nhớ nguồn lại gắn với việc dâng lễ cúng âm hồn tội lỗi được Diêm vương xá tội và các vong hồn không nơi nương tựa à?

Xuyên tạc đến thế là cùng!

Cái sai chết người của Nhà xuất bản khi in tờ lịch này là đã không phân biệt được hai lễ mang tính chất tín ngưỡng dân gian diễn ra cùng trong ngày Rằm tháng Bảy, đó là Lễ Vu Lan (hay có nơi gọi là Lễ Vu lan bồn) và Lễ cúng cô hồn. Đây là hai lễ khác nhau, với hai sự tích khác nhau, việc hành lễ khác nhau và đặc biệt là ý nghĩa khác nhau.

Lễ Vu Lan là lễ báo hiếu cha mẹ, tổ tiên. Lễ này có nguồn gốc gắn liền với Phật giáo. Tích Vu lan bắt nguồn từ việc báo hiếu của Tôn giả Mục Kiều Liên. Đây là một tích vô cùng cảm động trong kinh nhà Phật.

Còn việc cúng cô hồn cũng là hoạt động tín ngưỡng trong Phật giáo, nhưng gắn với tích khác. Theo sách nhà Phật thì tích này nói về cuộc gặp giũa ngài A Nan Đà và con quỷ đói. Con quỷ có nói rằng nếu ngài A Nan Đà bố thí cho nó một hộc thức ăn thì ông sẽ được tăng thọ, còn con quỷ sẽ được siêu thoát về cõi âm. Như vậy, ý nghĩa của lễ "xá tội vong nhân" là để dành cho những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian để họ về được với cõi âm. Lễ này không liên quan gì đến tổ tiên nhà mình, không liên quan gì đến ý nghĩa báo hiếu cả. Cũng vì là lễ dành cho các vong hồn phiêu bạt nên nó rất đạm bạc, chỉ là cháo loãng với bỏng ngô, gạo muối, quần áo các màu,..

Theo tôi, khi in lịch ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, hoặc là nói cả hai lễ với hai tích và hai ý nghĩa, hai cách hành lễ khác nhau, hoặc chỉ chọn một trong hai lễ.

Sự lắp ghép theo kiểu đầu Ngô mình Sở như in trên tờ lịch là một sự quá cẩu thả. Xét về khía cạnh tâm linh thì đây là một lỗi nặng khi xuyên tạc ý nghĩa thiêng liêng của một Lễ như Lễ Vu Lan.

Rất tiếc, sự ngu ngơ về văn hóa này lại được in trên tờ lịch được phát hành bởi Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - một cơ quan giáo dục hàng đầu của Việt Nam.

Mạnh Cường Lotus