Thứ Bảy, 1 tháng 9, 2012

Sự "mù chữ" về văn hóa của một cơ quan hàng đầu về giáo dục

Hôm qua là ngày Rằm tháng Bảy âm lịch. Tình cờ sáng nay lúc xé tờ lịch treo ở nhà, tôi đọc thấy có dòng chú thích sau viết trên tờ lịch (xin chép nguyên văn):

" Tết Trung Nguyên - Lễ Vu Lan: Theo quan niệm dân gian, ngày này những âm hồn tội lỗi được Diêm Vương xá tội. Các gia đình sắm vàng mã, lễ vật cúng tổ tiên. Họ nấu một nồi cháo hoa múc vào những chiếc lá đa bố thí cho các vong hồn không nơi nương tựa. Lễ Vu Lan thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và truyền thống nhân văn của người Việt Nam."

Tôi đọc đi đọc lại cái chú thích này trên tờ lịch mà thấy hoảng quá. Nó lộn xộn, ngu ngơ, khó hiểu. Các bạn cứ thử đọc và nói cách hiểu của mình xem:

Tiêu đề thì in đậm là Tết Trung Nguyên - Lễ Vu Lan rồi giải thích sự tích Lễ Vu Lan là theo quan niệm dân gian thì vào ngày này những âm hồn tội lỗi được Diêm Vương xá tội. Thế có chết không, xuyên tạc đến thế là cùng! Tại sao lại dám giải thích sự tích của Lễ Vu Lan như vậy.

Tiếp theo, câu đó lại giải thích là các gia đình sắm vàng mã, lễ vật để cúng tổ tiên. Đọc đến đây người ta sẽ băn khoăn: ơ sao Diêm Vương xá tội cho các âm hồn tội lỗi thì liên quan gì đến việc mình cúng tổ tiên nhà mình? Rồi tiếp theo lại nói: "họ" (tức các gia đình cúng tổ tiên) múc cháo vào những chiếc lá đa để bố thí cho các vong hồn không nơi nương tựa. Đọc đến đây người ta có thể hiểu thế nào bây giờ: như vậy là các gia đình cúng ai vậy? cúng tổ tiên nhà mình hay cúng các vong hồn không nơi nương tựa trong Lễ Vu Lan đây, hay là cả hai?

Còn cái câu kết sẽ khiến người ta băn khoăn: theo giải thích của tờ lịch thì đạo lý uống nước nhớ nguồn lại gắn với việc dâng lễ cúng âm hồn tội lỗi được Diêm vương xá tội và các vong hồn không nơi nương tựa à?

Xuyên tạc đến thế là cùng!

Cái sai chết người của Nhà xuất bản khi in tờ lịch này là đã không phân biệt được hai lễ mang tính chất tín ngưỡng dân gian diễn ra cùng trong ngày Rằm tháng Bảy, đó là Lễ Vu Lan (hay có nơi gọi là Lễ Vu lan bồn) và Lễ cúng cô hồn. Đây là hai lễ khác nhau, với hai sự tích khác nhau, việc hành lễ khác nhau và đặc biệt là ý nghĩa khác nhau.

Lễ Vu Lan là lễ báo hiếu cha mẹ, tổ tiên. Lễ này có nguồn gốc gắn liền với Phật giáo. Tích Vu lan bắt nguồn từ việc báo hiếu của Tôn giả Mục Kiều Liên. Đây là một tích vô cùng cảm động trong kinh nhà Phật.

Còn việc cúng cô hồn cũng là hoạt động tín ngưỡng trong Phật giáo, nhưng gắn với tích khác. Theo sách nhà Phật thì tích này nói về cuộc gặp giũa ngài A Nan Đà và con quỷ đói. Con quỷ có nói rằng nếu ngài A Nan Đà bố thí cho nó một hộc thức ăn thì ông sẽ được tăng thọ, còn con quỷ sẽ được siêu thoát về cõi âm. Như vậy, ý nghĩa của lễ "xá tội vong nhân" là để dành cho những vong hồn còn lang bạt nơi trần gian để họ về được với cõi âm. Lễ này không liên quan gì đến tổ tiên nhà mình, không liên quan gì đến ý nghĩa báo hiếu cả. Cũng vì là lễ dành cho các vong hồn phiêu bạt nên nó rất đạm bạc, chỉ là cháo loãng với bỏng ngô, gạo muối, quần áo các màu,..

Theo tôi, khi in lịch ngày Rằm tháng Bảy âm lịch, hoặc là nói cả hai lễ với hai tích và hai ý nghĩa, hai cách hành lễ khác nhau, hoặc chỉ chọn một trong hai lễ.

Sự lắp ghép theo kiểu đầu Ngô mình Sở như in trên tờ lịch là một sự quá cẩu thả. Xét về khía cạnh tâm linh thì đây là một lỗi nặng khi xuyên tạc ý nghĩa thiêng liêng của một Lễ như Lễ Vu Lan.

Rất tiếc, sự ngu ngơ về văn hóa này lại được in trên tờ lịch được phát hành bởi Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh - một cơ quan giáo dục hàng đầu của Việt Nam.

Mạnh Cường Lotus 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét