Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Có thật con người coi sức khỏe là quan trọng nhất?


"Sức khỏe là quý nhất", "Sức khỏe là quan trọng nhất" - Đó là những câu mà hầu như ai ai cũng nói. Nếu không tin thì ngày Tết bạn cứ thử lắng nghe người ta chúc nhau mà xem, sẽ thấy người ta (tức là người nhớn ấy, không tính trẻ con chíp hôi) chúc nhau gì thì chúc, cũng thường chêm vào câu chúc sức khỏe. Rồi người lớn lâu ngày mà gặp nhau thì thế nào cũng hỏi thăm nhau về sức khỏe, rồi lại cùng đi đến kết luận: "Sức khỏe là quan trọng nhất, là quý nhất đấy bác ạ". Cái đó nghe có vẻ như một chân lý.

Nhưng, trong cuộc sống hàng ngày, có thật là con người luôn coi sức khỏe là quan trọng nhất, là quý nhất không?

-       Bạn cứ thử khuyên một người bạn là làm ít hơn đi, kẻo quá sức đấy. Bạn đó có thể sẽ trả lời: nhưng mà tớ cần làm nhiều hơn để kiếm tiền mua sữa cho con. À, hóa ra con cái quan trọng hơn sức khỏe của mình đấy.

-       Bạn thử khuyên một người bớt lo lắng, mưu mô đấu đá về quyền chức đi kẻo hại tâm. Người ấy có thể sẽ trả lời là nếu không quyết chiến đấu thì sẽ không lên được cái chức trưởng lần này. À, hóa ra là quyền chức quan trọng hơn sức khỏe cơ đấy.

-       Bạn thử khuyên một chủ doanh nghiệp lớn phanh bớt lại tham vọng mở rộng doanh nghiệp vì sẽ phải quá lao tâm khổ tứ vì nó. Chủ doanh nghiệp đó có thể trả lời là nếu dừng lại thì sẽ có kẻ cạnh tranh đánh bật mình ra khỏi thị trường. À, hóa ra cơ đồ sự nghiệp, hoặc cũng có thể là đồng tiền, hoặc cũng có thể là một niềm đam mê hay tự ái nghề nghiệp, hoặc là tất cả những cái đó đều quan trọng hơn sức khỏe cơ đấy.

-       Bạn có thể khuyên một người kìm lại và từ bỏ những cuộc ăn chơi ngập ngụa tửu, sắc, hút hít để giữ gìn sức khỏe (về thể xác cũng như tinh thần), nhưng có thể sẽ nhận được cái cười khẩy kèm theo một câu không nói ra: "hâm à". Hoặc ở mức nhẹ hơn, bạn khuyên một người hãy đừng thức đêm triền miên để xem bóng đá quốc tế nữa, hoặc là bỏ hút thuốc lá đi thì có thể bạn sẽ nhận được một cái gật đầu miễn cưỡng, sau đó là...lắc đầu. À, hóa ra theo đuổi hay thỏa mãn những dục vọng, những đam mê hay sở thích còn quan trọng hơn sức khỏe cơ đấy.

-       Bạn có thể khuyên một người hãy dành thời gian để tập thể dục hay chơi thể thao thì có thể lập tức nhận được hàng tá lý do, từ việc bận việc nọ việc kia, tới việc ngại dậy sớm, tới việc không có chỗ tập,...tóm lại là cái lý do sức khỏe không thể chiến thắng được hàng tá lý do này.

Tôi cứ thử tạm hình dung mấy kịch bản thôi chứ kể hết ra thì nhiều lắm. Bạn cứ thử kiểm chứng lại chính mình và kiểm chứng lại với những người xung quanh thì sẽ thấy rằng: hóa ra, trong rất nhiều trường hợp, sức khỏe lại luôn đứng sau các ưu tiên khác của con người chứ không phải là luôn là thứ quý nhất, quan trọng nhất như mọi người vẫn thường nói.

Có lẽ chỉ đến khi con người đã bước vào cái thời kỳ "Vô thường" nghĩa là khi mọi mối quan tâm và đam mê trước đây đã bỏ lại phía sau thì lúc đó có thể người ta mới thực sự coi sức khỏe là quan trọng nhất. Trong số họ, có nhiều người trước kia bỏ hết sức khỏe ra để kiếm tiền thì bây giờ sẽ sẵn sàng bỏ hết tiền đã kiếm được ra để mua sức khỏe!

Hãy thử nghe một con người khi ở vào thời kỳ "Vô thường" tâm sự về sự ứng xử đối với sức khỏe: "Người ngu gây bệnh; người dốt chờ bệnh; người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống". Đây là lời của cựu Thủ tướng Trung quốc Chu Dung Cơ sau khi ông về hưu.

Từ những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống, tôi thấy có lẽ cái câu "sức khỏe là quan trọng nhất" cần phải được sửa lại và hiểu lại là: ai cũng coi sức khỏe là quan trọng nhất, bởi vì họ cần nó để thực hiện những cái mà theo họ là quan trọng hơn! Tuy nói là quan trọng, nhưng thực tế nhiều người chỉ nhận ra sức khỏe thực sự là quan trọng khi người ta đã gần mất hết nó hoặc mất nó gần hết.

Nói vậy thì biết vậy thôi chứ không dám khuyên ai nên coi cái gì là quan trọng nhất cả, kể cả sức khỏe. Tôi nhận ra một điều rằng: ở đời, quan trọng là người ta coi cái gì là quan trọng. Còn cái "quan trọng" đó có phải là sức khỏe hay không thì tôi cũng không dám khẳng định, mà hãy để mỗi người tự quyết định.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Bánh chưng ngày Tết của trẻ con


Bao năm nay cứ tự bằng lòng với một công thức được coi là hiển nhiên rằng “Tết thì có bánh chưng – có bánh chưng tức là Tết”. Thế nên đến Tết thì mua mấy cái bánh chưng về để thắp hương rồi để ăn, và cũng yên chí như vậy là các con đang được hưởng cái Tết Việt nam rồi.

Nhưng rồi giật mình nhận ra rằng bây giờ bánh chưng có thể ăn 365 ngày trong một năm. Nên nếu cứ bảo với con rằng bánh chưng nghĩa là Tết thì sợ sau này mấy đứa trẻ con nó sẽ bảo là cái bác bán bánh chưng rán ngoài cổng trường nó ngày nào cũng đem Tết đến cho bọn nó, và rằng Tết mua rẻ lắm, chỉ chưa bằng bát phở thôi!.

À, hóa ra tiền có thể mua được bánh chưng, nhưng tiền không mua được Tết. Tết không phải chỉ là cái bánh chưng.

Nghĩ lại cái cảm giác hồi còn bé, mỗi khi đến dịp này là được ngồi xem mẹ rửa lá dong, chuẩn bị gạo, đỗ, rồi ngồi xem mẹ gói. Và năm nào cũng vậy, mẹ lại gói cho mấy chị em mỗi đứa một cái bánh bé tí, xong rồi mấy đứa ngồi đợi bên bếp để chờ lấy cái bánh ra ăn trước. Ôi, cái Tết của tuổi thơ, cái Tết Việt Nam trong ký ức mới đẹp làm sao.

Thằng lớn thì đã đi học xa nhà rồi. Nó đã được (đôi khi bị) ăn bánh chưng nhiều rồi, thế nhưng chưa một lần được ngồi xem mẹ nó gói bánh, chưa một lần được ngửi cái mùi bánh trộn lẫn mùi củi cháy bốc lên từ cái nồi luộc bánh, chưa một lần được hưởng cái cảm giác thấp thỏm chờ đợi cái bánh chưng bé “của mình” chín trước và được ăn trước cả nhà. Vậy mà lúc nào cũng mong các con nhớ đến quê hương, nhớ đến gia đình, nhớ đến hai chữ Việt nam mà lại chưa hề cho chúng nó nếm trải những cái rất Việt Nam này.

Nghĩ thấy thương con và thấy mình có lỗi quá. Năm nay bà xã quyết định nghỉ phép ở nhà để tự gói bánh và luộc bánh để “khao” mấy đứa em nó cảm xúc Tết của trẻ con Việt Nam. Mấy hôm nay đã thấy bà xã lo lá, lạt, gạo, thịt lợn mỡ rồi. Cả nhà đang hồi hộp chờ đây.

Bánh chưa gói mà đã tưởng tượng ra nụ cười của con và niềm vui của mẹ. Chờ mẹ các con nhé, mẹ sẽ mang Tết về nhà cho các con.

Mạnh Cường Lotus