Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Dấu ấn Vương Đình Huệ?!


Còn 21 ngày nữa, chúng ta sẽ kỷ niệm 1 năm ngày tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu những câu làm nức lòng hàng triệu người dân Việt Nam. Khi đó đã có người gọi đó là "hiện tượng Vương Đình Huệ".

Xin trích một số câu ông Huệ nói tại Hội thảo về điều hành giá xăng dầu ngày 20/9/2011 tại Hà Nội:

- Khi các doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ thì ông đập lại: "Tại sao các nước nhập giá thấp trong khi mình nhập giá cao hơn? Tại sao các doanh nghiệp cứ thi nhau kêu lỗ mà không doanh nghiệp nào dám từ bỏ kinh doanh mặt hàng này?"

- Ông trách các doanh nghiệp xăng dầu đã không để ý đến sự "hi sinh" của Nhà nước: “Năm 2008, Nhà nước đã trích hơn 4.600 tỷ đồng để bù lỗ cho các doanh nghiệp. Sự hy sinh của Nhà nước doanh nghiệp chẳng đề cập tới, trong khi chỉ biết kêu lỗ, mà không chịu sẻ chia với người tiêu dùng”.

- Khi có doanh nghiệp xăng dầu kêu nếu lỗ thì sẽ dừng kinh doanh, ông dọa lại: "Doanh nghiệp đừng có dọa Nhà nước" và ông còn bồi thêm: "Ngay cả Petrolimex nếu không thể tham gia thị trường thì cũng có thể lập tổng công ty khác"

- Ông tuyên bố về chính sách minh bạch trong điều hành giá xăng dầu: “Chúng ta kiên trì điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc giá theo thị trường, nhưng bao giờ cũng phải có sự quản lý của Nhà nước. Liều lượng và lộ trình tăng giảm phải thích hợp với các mục tiêu của kinh tế vĩ mô là kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội, trên cơ sở minh bạch về chính sách và minh bạch về thông tin. Minh bạch về chính sách là trách nhiệm của Nhà nước và minh bạch về thông tin là trách nhiệm của doanh nghiệp, ai vi phạm sẽ bị xử lý".

- Ông lớn tiếng cảnh báo 3 ông lớn về xăng dầu chớ có ý định câu kết với nhau để đẩy giá xăng dầu lên: “Thử hình dung khi thị trường hoàn toàn tự do thì sẽ ra sao nếu ba công ty xăng dầu lớn chiếm 90% thị phần trong nước là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro "đi đêm" với nhau?”.

- Khi một ông Vụ phó của Bộ Công Thương đứng ra kêu lỗ cho các doanh nghiệp xăng dầu, ông Bộ trưởng lớn tiếng mắng ngay tại Hội thảo: “Dù học nhiều nhưng cũng cần có kiến thức thực tế”.

- Và đây là câu kết của ông làm nức lòng hàng triệu người dân Việt Nam: “Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Chúng tôi làm việc và điều hành có trách nhiệm, không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 86 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”.

Còn đây là các tít được các báo in đậm ngày 28/8/2012: "Từ tối 28/8, giá xăng tăng tối đa 700 đồng/lít".

No comments!

Mạnh Cường Lotus

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Sinh ra, mỗi người một sứ mệnh


Cạnh nhà tôi có một hàng bánh cuốn nổi tiếng nhất nhì Hà Nội. Cái sự nổi tiếng đến mấy chục năm của quán bánh cuốn này gắn liền với chị chủ của quán bánh đó, mà nói đúng hơn là gắn liền với cái sự...ngồi lỳ đến độ đáng khâm phục của chị.

Dễ đến gần ba chục năm rồi, mỗi khi đi qua quán bánh cuốn đó, tôi luôn thấy chị chủ quán ngồi bên bếp tráng bánh. Hình ảnh đó tôi đã thấy từ khi chị còn là một người con gái trẻ trung. Tới nay, khi chị đã lên bà nội bà ngoại, tôi vẫn thấy chị ngồi đó, miệt mài tráng từng chiếc bánh cứ như nó luôn là chiếc bánh đầu tiên trong đời chị vậy.

Đã nhiều lúc tôi tự hỏi: làm thế nào mà chị có thể ngồi gần như một tư thế trong điều kiện không lấy gì làm dễ chịu như vậy đến mấy chục năm? Vì tiền ư? Có thể. Nhưng khi quán của chị đã nổi tiếng rồi thì sao chị không thuê người khác ngồi tráng thay chị để đỡ vất vả? Ngược lại, tôi vẫn thấy chị ngồi đó và vẫn luôn thấy một niềm vui trên khuôn mặt chị khi ngồi tráng bánh.

Rồi tôi tự giải thích: có lẽ, mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều mang theo một sứ mệnh nào đó và cả đời người ta sẽ thực hiện cái sứ mệnh đó. "Sứ mệnh" không có nghĩa phải là cái gì to tát, mà là bất cứ một cái gì, từ nhỏ như việc tráng cái bánh cuốn cho đến việc lớn như cai trị một đất nước.

Đến một ngày nào đó, khi chị về với tổ tiên thì người ta sẽ không tổng kết là trong mấy mươi năm ngồi tráng bánh cuốn chị đã kiếm được bao nhiêu tiền, mà người ta sẽ chỉ nhớ là mấy mươi năm chị ngồi đó để mang miếng bánh cuốn nóng đến cho bao người. Vậy thì phải chăng, tráng bánh cuốn phục vụ con người là Sứ Mệnh của chị, nghĩa là chị sinh ra trên đời này để thực hiện sứ mệnh đó?

Theo cách hiểu tương tự, ta sẽ thấy phải chăng sứ mệnh của Steve Jobs là mang cuộc cách mạng mang tên iPhone, iPad đến cho nhân loại? Sứ mệnh của Trịnh Công Sơn là cống hiến cho xã hội hàng trăm bài hát trữ tình bất hủ?

Từ đó, ta suy ra là từ ông vua, đến các vị tướng, các nhà làm chính trị, các nhà khoa học, các nhà thơ, nhà văn, rồi các vị sư, các vị linh mục,...dường như mỗi người đang thực hiện sứ mệnh của mình.

Đừng nghĩ là phải là "ai đó" thì mới gánh sứ mệnh, mà theo tôi, bất cứ ai sinh ra trên đời này đều có một sứ mệnh cả. Có người mang sứ mệnh rất giản dị, ví dụ như chăm sóc những đứa trè tật nguyền, hay chăm sóc cho một giống cây khỏi bị tuyệt giống. Hay có những người mang những sứ mệnh rất khó giải thích như là phải...phá cho hết những của cải (phần lớn là của cải bất chính) ở trong gia đình mình (điều này chắc có người đã nghe hay thấy trong đời khi có những đứa con hình như sinh ra chỉ để phá cho đến hết tài sản và thậm chí là cả danh dự của bố mẹ).

Tôi luôn tin vào cái thuyết sứ mệnh này (hơi lạm ngôn một chút, đó là tự tôi đặt ra cái "thuyết" này thôi). Khi mình tin như vậy thì thấy mọi thứ nó nhẹ nhàng, tự nhiên. Khi đó mình sẽ không giải thích các hành vi hay việc làm của mình cũng như của người khác dựa trên những động cơ cụ thể nào đó, mà coi đó như sứ mệnh của mỗi người.

Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp ta dể hiểu hơn rằng tại sao có những người đột nhiên giàu có, đột nhiên gánh vác những "việc lớn" - ta hiểu đó là sứ mệnh của họ. Và rồi ta cũng thấy có những ngôi sao tưởng như đang lên bỗng đột nhiên "tắt" như chúng ta vừa thấy xảy ra trong xã hội Việt Nam - ta hiểu nó "tắt" vì sứ mệnh của họ đến đó là "over".

Điều cuối cùng tôi muốn nói là nếu các bạn tin rằng mỗi người chúng ta sinh ra trên thế gian này đều có một sứ mệnh thì hãy cố gắng hiểu sứ mệnh của mình và hiểu sứ mệnh của những người xung quanh. Đó cũng là một cách để sống hài hòa với đất trời, với con người vậy.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

Thưa hoa hậu: Trẻ mồ côi đâu phải thỏi son


Như đã thành một công thức, trong chương trình của các cuộc thi hoa hậu dù  lớn hay nhỏ, BTC cuộc thi thế nào cũng đưa các thí sinh đến thăm một cơ sở nào đó để "làm từ thiện" như thăm một trung tâm chăm nuôi trẻ mồ côi, hay người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam,...

Câu hỏi đặt ra là: để làm gì nhỉ? Ai cần cái đó? Nói chính xác hơn: chuyến đi của các cô hoa hậu này đang phục vụ ai, phục vụ cái gì?

Chẳng nhẽ để chứng tỏ rằng các cô hoa hậu vừa đẹp người vừa đẹp nết ư? Liệu cái việc các cô hoa hậu trang điểm (hay hóa trang?) rồi xếp hàng để cố nắm lấy cái tay cái chân của mấy em bé nạn nhân chất độc da cam cho ra dáng thăm hỏi thế là chứng tỏ các cô đẹp nết ư? (Tôi nói "hóa trang" vì việc các cô mặc áo xanh thanh niên tình nguyện để đến thăm các em bé đấy thì cũng là cái áo để trang điểm hay hóa trang cho các cô chụp ảnh lên báo thôi. Tôi đố các cô tự nhiên mặc cái áo đó ra đường đấy!).

Hay để mang tính giáo dục? Nếu vậy thì giáo dục cho ai? Ôi, đâu phải phiền tới mấy cô hoa hậu để đi giáo dục tính tương thân tương ái cho người khác. Tôi thấy trên mạng vừa rồi có tấm ảnh một cụ già ăn xin gầy guộc tay run run bỏ mấy đồng tiền lẻ mới xin được vào thùng quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất và tôi dám chắc rằng bức ảnh đó có thể đánh thức lòng nhân ái của bất cứ ai nhìn thấy nó, chứ đâu cần đến một đội ngũ người đẹp, cầu kỳ hóa trang rồi xếp hàng đi như vậy.

Thế nên có lẽ ta cứ nói toạc ra với nhau rằng việc các cô thí sinh hoa hậu đi nơi này nơi nọ, nắm tay người nọ người kia ra dáng thăm hỏi và được gọi với cái tên mỹ miều "đi làm nhân đạo" thực ra là một hoạt động nhằm đánh bóng, quảng bá BTC cuộc thi cũng như đánh bóng cho các cô thí sinh hoa hậu mà thôi.

Thực ra tôi không có ý hạ thấp hay nói xấu lòng nhân ái của ai cả. Tôi luôn tin rằng "nhân tri sơ, tính bản thiện" - nghĩa là sinh ra trên cõi đời, trong mỗi chúng ta luôn có một tình thương yêu con người. Tôi nghĩ rằng mỗi cô hoa hậu, mỗi thành viên BTC cuộc thi cũng vậy, có thể ít nhiều, đậm nhạt khác nhau nhưng những cảm xúc thương cảm, xẻ chia trong họ là có thật. Đó là điều tôi luôn trân trọng.

Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là liệu có cần lắp ghép một cách khiên cưỡng những tình cảm mang tính trầm kín với một cuộc thi mang tính khoe trương về thân thể hay không? Cái sự lắp ghép "đẹp người - đẹp nết" kia không khéo lại phản tác dụng đấy. Hẳn nhiều người đã biết là cộng đồng mạng mới đây đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi nhìn bức ảnh chụp cuộc gặp mặt giữa một đoàn các cô chân dài với các bà các mẹ tại một miền quê Nam Bộ, khi mà các cô với khuôn mặt hớn hở tươi cười làm dáng trên những chiếc ghế cao, cái bàn trước mặt để chai nước, trong khi bên cạnh là các bà, các mẹ ăn mặc xuyềnh xoàng ngồi trên những chiếc ghế đẩu mặt đăm chiêu (hay vì chân các cô dài nên phải ngồi ghế cao?!).

Cuộc thi hoa hậu là cuộc thi sắc đẹp. Thôi thì các cô hoa hậu có thể đến đó mà khoe hết những gì có thể khoe trên cơ thể các cô. Các cô khoe như thế nào tôi cũng không có ý kiến gì cả, thế nhưng nếu lại coi đây cũng là nơi để "khoe" rằng tôi nhân đạo lắm, tôi thương người lắm thì không nên tí nào cả.

Sự cảm thương, lòng nhân đạo là những cảm xúc mang tính tự nhiên, mang tính bản năng của con người nên những hành động để thể hiện sự cảm thương đó luôn toát lên một cái gì đó chân thành, mộc mạc, rất Người. Cái tình cảm đó không cần phải đánh bóng vì nếu anh đánh bóng nó thì là anh đã xuyên tạc nó rồi. Còn nếu anh lấy cái tình cảm thiêng liêng đó để đi đánh bóng cái khác thì tuyệt nhiên không được phép rồi.

Nhìn những bức hình chụp các cô hoa hậu ngồi bên các em bé mồ côi, các nạn nhân chất độc da cam tự nhiên tôi lại rùng mình chợt nghĩ: ở cái mô ment chụp hình đưa lên báo thế này, các cô đang nghĩ gì? Liệu có bao nhiêu phần trăm suy nghĩ của các cô đang dành cho các phận đời thiệt thòi kia và bao nhiêu phần trăm suy nghĩ các cô dành cho việc tạo dáng để lên hình cho "chuẩn" để phục vụ cho cuộc thi sắc đẹp?

Thưa BTC cuộc thi hoa hậu, thưa các cô thí sinh hoa hậu cho phép tôi nói thật lòng thế này: Các vị hãy cứ tập trung vào việc thi thố sắc đẹp đi, còn thi xong thì muốn làm gì thì làm. Trước khi thi và sau khi thi, các thành viên BTC, các cô hoa hậu cứ thoải mái đi làm từ thiện theo sự mách bảo của lương tâm, của tình cảm chân thành trong mình. Thế mới quý, thế mới thực các vị ạ.

Còn những gì các vị quảng cáo là "đi làm nhân đạo" trước cuộc thi thì trong mắt tôi nó lại vô nhân đạo lắm. Các vị nên nhớ: Những phận đời thiệt thòi kia đâu phải là thỏi son để các cô hoa hậu trang điểm đâu. Nếu ứng xử như vậy là có tội đấy.

Mạnh Cường Lotus

Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Chỉ mong được làm Người tử tế


Từ bé đến giờ tôi được nghe, được dạy nhiều về những đức tính mà một con người phải rèn, thậm chí phải đạt được. Này nhé:

Hồi bé đi học thì được học 5 điều Bác Hồ dạy: yêu tổ quốc, yêu đồng bào; học tập tốt, lao động tốt; đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; giữ gìn vệ sinh thật tốt; khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Về câu chữ thì tôi học thuộc ngay, và thuộc đến tận bây giờ, nhưng nghĩ lại tự thấy mình chưa phải là người làm được tốt 5 điều ấy.

Rồi lớn lên lại được dạy về luận thuyết của Khổng Tử với Ngũ thường: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín. Rồi lớn lên nữa lại được học về 9 nấc thang hành động của người Quân tử: Cách vật - Trí tri - Thành ý - Chính tâm - Tu thân - Tề gia - Trị quốc - Bình thiên hạ.

Khi đi bộ đội lại được dạy về "Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Rồi khi vào làm cơ quan nhà nước lại được "quán triệt" khẩu hiệu "cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".

Ôi, tất cả những cái đó có lẽ đều đúng cả, có gì sai đâu, nó đúng, rất đúng, đúng đến mức vĩ đại, đúng đến mức cao siêu. Và, tôi tự thấy mình quá bé nhỏ đối với những tiêu chuẩn cao siêu này.

Ngậm ngùi, tôi chỉ tự dám nhủ mình: thằng tôi ơi, hãy cố gắng để làm Người Tử Tế nhé!

Tử tế - đó là một khái niệm mà tôi cũng không định nghĩa được và cũng không có ý định đi tìm định nghĩa. Tử tế có nghĩa là Tử tế, thế thôi. Nếu mỗi người đều nghĩ trong đầu là Tử tế thì tự nhiên ý nghĩ, lời nói và hành vi của họ sẽ tử tế.

Hãy tử tế trong quan hệ với những người trong gia đình, trong quan hệ với đồng nghiệp, với hàng xóm, với những người xung quanh; hãy tử tế trong ứng xử với với thiên nhiên, với môi trường quanh mình; hãy tử tế với thế giới tâm linh; hãy tử tế cả quá khứ và tương lai. Tôi có một ước mơ rằng mọi người trong xã hội này tử tế với nhau để có một Xã hội Tử tế.

Biết mình hèn kém nên không dám đặt mục tiêu cao xa. Cả đời, tôi chỉ mong được làm Người tử tế.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Hạnh phúc từ sự tận tâm


Trong một chuyến đi lên vùng Tây Bắc, xe ô tô của chúng tôi bị thủng săm. Sau khi thay lốp dự phòng xong thì việc đầu tiên của lái xe là phải đi tìm nơi vá săm. Tôi cứ tự nói với mình: vùng núi xa xôi hẻo lánh này, toàn rừng với cả núi thì lấy đâu ra người vá săm lốp ô tô. Ấy vậy mà cuối cùng cũng tìm được một quán vá săm lốp bên vệ đường. Chủ quán là một thanh niên, không biết có phải là dân tộc ít người không vì anh ấy hầu như không nói năng gì cả. Lúc đó quả thực là tôi cũng không tin lắm vào tay nghề của cái anh chàng này, nhưng mà vá cứ phải vá chứ không thể liều đi được. Với cái sự nghi ngờ đó, tôi ngồi bên cạnh chăm chú "soi" xem tay này làm như thế nào. Cậu ấy chăm chú thao tác những công đoạn, mặc dù là hết sức thủ công, nhưng là cần thiết cho việc vá một chiếc săm. Cái thời điểm mà chắc là cả cậu ấy và tôi đều hồi hộp chờ đợi là lúc cậu ấy rút cái săm xe ra khỏi cái bàn ép nhiệt để kiểm tra miếng vá bằng cách bơm và nhúng cái miếng vá đó vào nước.

Kết quả thật không ngờ: Miếng vá đó không những thành công, mà về thẩm mỹ còn có thể gọi là đẹp.

Tôi thốt lên: "Đẹp đấy", nhưng dường như cậu ấy không nghe thấy gì cả. Cậu ấy giơ cái săm xe lên ngắm nghía một lúc rồi nhoẻn miệng cười. Lúc đó tôi mới để ý ngắm khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, hơi ửng đỏ -  nó đỏ một phần do cái nóng của cái bàn ép nhiệt, nhưng có lẽ một phần vì sự tập trung cao độ của cậu ấy vào công việc. Và, tôi cảm nhận được một niềm vui, một cảm giác hạnh phúc toát ra từ khuôn mặt ấy, từ đôi mắt ấy, và từ nụ cười rất tươi ấy.

Trên đường vế, tôi cứ mung lung nghĩ về niềm vui của cậu thanh niên vá săm. Tôi không nghĩ là cậu ấy vui vì kiếm được mấy nghìn đồng của cái tay miền xuôi để mua mớ khoai hay cút rượu cho bữa tối, mà cậu ấy vui vì đã vá được một miếng vá tốt và đẹp. Có thể, đó chỉ là một miếng vá trên một cái săm thôi và cái săm lại nằm trong cái lốp thì làm gì có ai quan tâm đẹp hay xấu làm gì, nhưng rõ ràng đối với cậu ấy, đó là một Tác phẩm. Cậu ấy vui vì đã làm ra được một Tác phẩm - ít nhất là Tác phẩm đối với cậu ấy.

Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ lại kỷ niệm này, tôi vẫn thầm cảm ơn chàng thanh niên miền núi đó vì chàng đã dạy cho tôi một bài học rằng: Hãy cố gắng làm những việc có ích cho đời, dù là những công việc thật là nhỏ. Và khi đã làm thì dù bất cứ là việc gì thì hãy yêu lấy nó, hãy tận tâm với nó, hãy coi mỗi sản phẩm mình làm ra là một Tác phẩm. Khi đó, niềm vui, niềm hạnh phúc, thậm chí là cảm giác thăng hoa sẽ đến với ta.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2012

Ba điều khó khi đưa ra lời khuyên


Trong đời, ai rồi cũng sẽ ở vào cái tình thế là phải đưa ra một lời khuyên, một lời tư vấn gì đó cho người khác. "Người khác" ở đây có thể là con cái trong nhà, có thể là bạn bè, có thể là học trò, là đồng nghiệp và cũng có thể là cấp trên của mình.

Khi phải đưa ra lời khuyên thì theo lẽ thường, người nói sẽ cố gắng nói ra điều mà họ cho là đúng nhất. Muốn vậy thì ít nhiều người nói phải nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề để tin rằng điều mình nói ra là đúng.

Đó là cái khó thứ nhất.

Điều tiếp theo là liệu lời khuyên đó người nghe có muốn nghe hay không, hay là họ bị nghe. Có thể thời điểm nào đó hay bối cảnh nào đó không phải là lúc, là nơi thích hợp để người ta nhận lời khuyên nên họ có thể có cảm giác là họ bị nghe. Mà khi đã ở vào tình trạng bị nghe rồi thì yếu tố đúng - sai của lời khuyên đã không còn quan trọng nữa. Quan trọng là họ không muốn nghe.

Đó là cái khó thứ hai.

Nhưng cũng có trường hợp xảy ra là lời khuyên thì rất hay, người nghe cũng cảm thấy muốn nghe, nhưng rồi nghe xong người ta mới phát hiện ra là người ta không làm được. Thế là có khi người ta lại có phản ứng ngược lại vì người ta không muốn để lộ ra là mình bất lực (hay bất tài).

Đó là cái khó thứ ba.

Cái lỗi của nhiều người là cứ say sưa, cố gắng nói hết những điều mình tìm hiểu và mình cho là đúng mà không để ý đến việc người nghe có muốn nghe không và người nghe có làm được không.

Vậy nên ở đời hóa ra là nghiên cứu để hiểu một vấn đề đã khó, nhưng lại chưa chắc đã khó bằng việc nói ra cái điều đó khi nào và nói cho ai nghe.

Mạnh Cường Lotus