Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Cây đa đại thụ chùa Trấn Quốc đã hóa thân về với đất trời cùng với Đại tướng


Một buổi sáng sớm cách đây khoảng 20 ngày (vào thời gian có cơn bão số 8), khi mình đạp xe qua cổng chùa Trấn Quốc thì thấy toàn bộ phần trên của một cây đa đại thụ trước chùa đổ ụp xuống từ đêm trước, vắt ngang đường. Lá trên cây không còn nhiều nhưng vẫn xanh, còn lõi cây thì đã khô kiệt.

Mình xuống xe dắt bộ qua, rồi chỉ nghĩ thầm: lạ thật, đa là loại cây ít khi chết thế này lắm.

Thế rồi hôm nay ngồi tự nhiên nhớ lại, bỗng thốt lên: “Thôi đúng rồi, phải chăng đây là…!”.

Chùa Trấn Quốc, nguyên trước đây gọi là chùa Khai Quốc được dựng lên từ thời Tiền Lý, tức đời vua Lý Nam Đế cách đây 1500 năm (541-547)  là một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên chùa được đặt tên là Khai Quốc, rồi sau này là Trấn Quốc. Chùa nằm trên một hòn đảo nhỏ, phía Đông Hồ Tây, là nơi được coi là mạch linh khí của quốc gia Đại Việt. Bởi vậy, người ta tin rằng sự an hay nguy của quốc gia Đại Việt là gắn liền với linh mạch ở đây. Vua của các triều đại Lê – Lý - Trần, mà gần đây nhất là các vua Minh Mạng, Thiệu Trị của nhà Nguyễn đều đến đây công đức tu sửa và làm lễ với nguyện cầu bảo vệ sơn hà xã tắc khỏi ngoại xâm.  

Trải qua năm tháng, chùa nay đã được nối với đất liền bằng một dải đất, với nơi tiếp giáp là đường Cổ Ngư, nay gọi là đường Thanh Niên.

Ở đúng vị trí cửa chùa Trấn Quốc, trên đường Cổ Ngư vào một chiều tháng 5/1940, chàng trai Võ Nguyên Giáp đã chia tay người vợ trẻ Quang Thái và con gái đầu lòng Hồng Anh khi đó chưa đầy 1 tuổi để lên đường sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh, bắt đầu những năm tháng thoát ly hoạt động cách mạng. Chàng trai Võ Nguyên Giáp cũng không ngờ rằng buổi chia tay hôm đó lại là buổi chia tay vĩnh biệt người vợ yêu, bởi Quang Thái sau đó bị quân Pháp bắt, giam ở Hỏa Lò và mất năm 1944 mà Võ Nguyên Giáp mãi sau này mới được tin.

Và ngày hôm nay, cây đa cổ thụ ở cửa chùa Trấn Quốc - ở chính nơi diễn ra cuộc chia tay biệt ly đó đã hóa thân.

Cây đa đại thụ chùa Trấn Quốc đã hóa thân về với đất trời. Cây đa đại thụ của quân đội Việt Nam cũng đã hoàn thành sứ mệnh Khai quốc và Trấn quốc để về với liệt vị tổ tiên, về với những người thân yêu sau bao năm cách biệt.

Kính cầu cho Ông yên giấc ngàn thu vĩnh hằng.

Lotus

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Hãy tiễn biệt Đại tướng bằng bản Đại hùng ca đoàn kết dân tộc

Hôm nay, 10/10, hàng chục ngàn người vẫn tiếp tục đổ về Hà Nội và hướng đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu.

Ngày hôm qua chỉ khoảng 25 ngàn người có may mắn vào được ngôi nhà đó để tiễn biệt Ông. Nhưng ngày hôm nay, tôi đồ rằng phải đến trên trăm ngàn người sẽ đổ về đây. Sáng sớm nay, lúc 5.30 đạp xe qua đã thấy mọi người xếp hàng đến đường Độc Lập, trước cửa Lăng Bác rồi. Trong số những người đứng đó, thấy rất nhiều bà con từ các tỉnh về. Nếu như vậy thì đến chiều tối nay, khi mà cánh cổng 30 Hoàng Diệu sẽ chính thức khép lại để chuẩn bị cho Quốc Tang thì sẽ có hàng vài chục ngàn người thổn thức đứng bên ngoài để vái vọng Ông.

Lúc đạp xe về đến nhà thì thấy ngôi chùa trước cửa nhà tổ chức Đại lễ cầu siêu cho Đại tướng. Ừ nhỉ, một sáng kiến rất hay, rất Nhân dân. Như vậy là bao người không đến được ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để tiễn biệt Ông sẽ có cơ hội để kính dâng lên hương hồn Ông tấm lòng thành kính của mình.

Và tôi xin có lời thỉnh cầu gửi tới các vị chức sắc tôn giáo rằng: vào ngày Chủ nhật, 13/10 này, khi 21 phát đại bác sẽ vang lên tiễn biệt Ông theo nghi thức Quốc Tang thì cũng vào thời khắc đó chuông từ hàng vạn ngôi chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và các đến thờ của các tôn giáo khác trên khắp mọi miền của đất nước sẽ cùng đồng thanh vang lên, hòa âm để tạo nên một bản đại hùng ca của đất nước - một bản đại hùng ca đầy tính nhân văn và tâm linh sâu sắc.

Nếu được như vậy, tôi tưởng tượng ra rằng đó sẽ không chỉ là tiếng pháo hay tiếng chuông tang tiễn biệt Đại tướng, mà sẽ là âm hưởng của non sông gắn kết dân tộc này như nguyện ước của Ông.

Lotus

Nhân dân Tang

Không phòng bì, không vòng hoa, không chen lấn xô đẩy, chỉ có dòng người tự giác xếp hàng lặng lẽ vào viếng trước di ảnh của người đi xa. Tôi xin gọi một lễ tang như vậy là Nhân dân Tang.

Quốc Tang là do Nhà nước tổ chức theo nghi lễ chính thức, còn Nhân dân Tang là do nhân dân tự tổ chức theo những nghi lễ mà tâm họ mách bảo.

Nhìn vào Quốc tang, người ta biết được người mất đi là ai trong bộ máy nhà nước. Còn nhìn vào Nhân dân Tang, người ta biết được người mất đi là ai trong lòng người dân.

Ông Trời đã khéo sắp đặt để Nhân dân Tang đi trước (6-11/10), còn Quốc tang sẽ đi sau (12-13/10) để Ông được tiếp đón các cụ già, các em nhỏ, các cháu thanh thiếu niên, các chiến sỹ và đồng đội của Ông ở nhà trước, rồi Ông đón tiếp các vị lãnh đạo chức sắc ở “công đường” sau. 

Tấm lòng của Ông bao giờ cũng vậy mà, Ông nhỉ.

Lotus

Không chỉ là sự ra đi của một con người

Sự ra đi của Đại tướng đã làm hàng triệu con tim thổn thức, khóc thương. Khi mình khóc thương thì trong tâm mình cứ nghĩ là mình đang dâng lên hương hồn người đi xa tình cảm tiếc thương, kính trọng của mình, nhưng thực ra Đại tướng đã không còn nhìn thấy những đóa hoa, những giọt lệ, không còn nghe thấy những tiếng thút thít, không còn cảm nhận được những tình cảm thương kính của triệu người dành cho Ông nữa, mà chính hàng triệu người còn sống đang hướng về Ông mới là người đang cảm nhận được những tình cảm đang trào dâng trong mình.

Cái chết của Đại tướng đang chạm tới trái tim của hàng triệu người, đang làm thức tỉnh trong họ một cái gì đó rất thiêng liêng, rất con người, rất nhân văn và rất dân tộc.

Tôi đồ rằng có đến 99% những người đến viếng Đại tướng chưa một lần được gặp Ông ở ngoài đời. Bởi vậy, tôi không nghĩ rằng họ đến đây để viếng một người thân quen. Tôi cũng đồ rằng có đến 80% những người đến viếng Đại tướng là những người không có mối liên hệ trực tiếp nào đối với quân đội hay quân sự . Bởi vậy, tôi cũng nghĩ rằng họ đến đây trước hết không phải để viếng Ông như một vị Đại tướng tài ba, mà là để cúi đầu bày tỏ lòng thành kính trước một Nhân cách lớn.

Và, phải chăng có rất nhiều người đến viếng Đại tướng như một hành động để nói rằng: Ông ơi, Ông là biểu tượng cuối cùng của một thế hệ mà chúng con còn có thể gửi gắm niềm tin của mình.

Đối với hàng triệu người, sự ra đi của Ông không chỉ là sự ra đi của một con người.

Lotus

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Singapore - đất nước của các thiết chế ba bên (Phần 2)

Tiếp theo phần 1: "Singapore - đất nước không có đình công", hôm nay tôi xin chia sẻ tiếp với các bạn phần 2 bài về quan hệ lao động của Singapore

3.     Các thiết chế ba bên về quan hệ lao động

Để thực hiện cơ chế ba bên, Singapore đã thành lập các thiết chế mang tính chất ba bên quan trọng. Trước hết phải kể đến Tòa án trọng tài lao động (Industrial Arbitration Court). Các bạn chú ý đến tên gọi, không phải là tòa án mà cũng không phải chỉ là trọng tài, mà là tòa án trọng tài. Đây là một thiết chế với chức năng rất đặc biệt trong hệ thống quan hệ lao động của Singapore). Tiếp theo là Uỷ ban năng suất quốc gia (National Productivity Board), Hội đồng quốc gia về tiền lương (National Wages Council). Các cơ quan này có chức năng giải quyết, xây dựng và thực hiện các chính sách được xem xét theo quan điểm và sự quan tâm của ba bên. Trên cơ sở sự tham gia và nhất trí của ba bên, các biện pháp và chính sách được hình thành bởi những bên liên quan sẽ nhận được sự chấp nhận cao hơn và như vậy có thể được thực hịên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngòai các cơ chế “cứng” nói trên, nguyên tắc ba bên còn được áp dụng trong việc hình thành một loạt các Uỷ ban (hội đồng) hay nhóm làm việc theo cơ chế “mềm”. Có thể nói, Singapore là nước dẫn đầu thế giới về số lượng các hội đồng, ủy ban, nhóm công tác theo cơ chế ba bên.

Có thể kể ra các thiết chế mang tính ba bên như: Uỷ ban ba bên về cải cách tiền lương (Wage Reform) thành lập năm 1986 để nghiên cứu làm thế nào để hệ thống tiền lương của Singapore trở nên linh họat hơn; Uỷ ban ba bên về xem xét lại hệ thống lương linh họat, năm 1993; Uỷ ban ba bên về đánh giá đạo luật việc làm (Employment Act Review) thành lập năm 1995 để đánh giá các điều khỏan của luật về việc làm để đưa ra những khuyến nghị về chính sách việc làm đáp ứng được những thay đổi của nền kinh tế và của lực lượng lao động; Uỷ ban ba bên về tăng tuổi hưu (Extension of Retirement Age) thành lập năm 1996 để giúp giải quyết các vấn đề về lực lựơng lao động cao tuổi; Nhóm ba bên về về giãn công (Panel On Retrenchment) được thành lập cuối 1997 trong bối cảnh khủng hỏang kinh tế tài chính trong khu vực để giúp các công ty và người lao động hợp tác vượt qua khủng hỏang; Uỷ ban ba bên về tính đại dịên trong Hội đồng quản trị, thành lập năm 2000; Uỷ ban ba bên về tái cơ cấu lương, thành lập năm 2003; Uỷ ban ba bên về cân bằng công việc và cụôc sống, thành lập năm 2004; Uỷ ban ba bên về Trách nhiệm xã hội của doanh nghịêp, thành lập năm 2004; Uỷ ban ba bên về việc làm cho người lao động lớn tuổi, thành lập năm 2005 để đưa ra những khuyến nghị về chính sách thu hút và sử dụng lại lao động đã đến tuổi nghỉ hưu; Uỷ ban ba bên về thực thi việc làm công bằng, thành lập năm 2006; Nhóm làm việc ba bên về khuyến khích sự lựa chọn việc làm cho phụ nữ, thành lập năm 2007.

Ngòai ra, còn có các cơ chế ba bên được thành lập để giải quyết các vấn đề cụ thể khác như  Uỷ ban ba bên về các quảng cáo việc làm không phân biệt, Uỷ ban ba bên thúc đẩy vấn đề bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc (Workplace Health Promotion), Uỷ ban ba bên về tính cạnh tranh của Singapore (Singapre’s Competitiveness), Uỷ ban ba bên về các chế độ bảo hiểm y tế linh hoạt (Portable Medical Benefits),..

Các bạn có thể thấy là hầu như cứ động đến vấn đề gì liên quan tới quyền lợi của hai bên và của đất nước là Singapore có ngay một hình thức thiết chế ba bên nào đó (thiết chế “cứng” hoặc thiết chế “mềm”) để xử lý, tức ra quyết định. Những quyết định của các thiết chế này được coi là kết quả của sự đồng thuận xã hội, và như vậy được mặc nhiên thừa nhận là đừng có ai, đừng có doanh nghiệp nào, đừng có tổ chức nào “cãi” nữa mà chỉ có thực hiện thôi.

Một điều cần biết là tuy hình thức là ba bên, nhưng hai bên chủ và thợ phải luôn “thấm nhuần” một nguyên tắc là lợi ích của quốc gia là tối thượng và không lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp hay của nhóm quyền lợi nào được đặt cao hơn lợi ích quốc gia. Đó là nguyên tắc cao nhất để các thiết chế ba bên làm căn cứ để đưa ra quyết định hay khuyến nghị.

4.     Vai trò của Hội đồng tiền lương quốc gia trong quá trình tạo dựng quan hệ lao động ổn định ở Singapore

Trong các thiết chế ba bên của Singapore, Hội đồng tiền lương quốc gia là một trong những thiết chế họat động hữu hiệu nhất. Sau những năm tháng đối mặt với khó khăn về kinh tế và những bất ổn trên thị trường lao động, Chính phủ Singapore nhận thấy việc các doanh nghiệp tự thu xếp về lương có thể dẫn đến việc tăng lương bừa bãi, không kiểm sóat được và có thể dẫn đến tranh chấp lao động gia tăng. Năm 1972, Chính phủ đã lập ra Hội đồng quốc gia về lương (NWC) như một cơ quan tư vấn cho Chính phủ về lương và các vấn đề liên quan tới tiền lương. Hội đồng bao gồm 30 thành viên đại diện đều cho ba bên. Hội đồng này sẽ xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô như mức độ và triển vọng tăng trưởng kinh tế quốc nội và năng suất, yếu tố cạnh tranh quốc tế của Singapore, tình hình việc làm trong nước, lạm phát, triển vọng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới, tỷ giá hối đóai và tỷ lệ tiết kiệm dân cư,…và trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn (định hướng) về việc thực hiện lương hàng năm, đặc biệt là mức tăng tiền lương. Những hướng dẫn về tiền lương của NWC được áp dụng cho cả doanh nghịêp có công đòan hoặc không có công đòan, cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, áp dụng cho mọi người lao động, bao gồm cả lao động quản lý và điều hành. Mặc dù việc thực hiện những hướng dẫn này là không bắt buộc, nhưng những hướng dẫn này đều được áp dụng một cách rộng rãi. Chính tính chất không ràng bụôc về mặt pháp lý của những hướng dẫn này sẽ tạo điều kịên cho hai bên trong quan hệ lao động tại doanh nghịêp thương lựơng, điều chỉnh mức lương ở doanh nghịêp mình một cách linh họat, phù hợp với hòan cảnh riêng của họ, nhưng cũng không tách rời mặt bằng hay xu hướng tiền lương chung của thị trường. Việc điều chỉnh tiền lương có thời hạn, dựa trên những hướng dẫn về tiền lương của NWC hàng năm đã làm giảm một cách đáng kể những tranh chấp về tiền lương. Thực tế là từ năm 1978 đến nay, ở Singapore không còn xảy ra đình công có nguyên nhân tranh chấp về tiền lương. Tính lôgích của hướng dẫn lương của NWC ở chỗ nó đảm bảo tính khoa học và bền vững của việc điều chỉnh tiền lương, đó là luôn gắn với tình hình kinh tế vĩ mô và năng suất lao động nên việc tăng lương không làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Singapore. Do mức tăng lương có thể được thỏa thuận hợp lý giữa công đòan và người sử dụng lao động và những bất đồng có thể giải quyết hòa bình với sự hỗ trợ của cơ quan hòa giải và trọng tài nên quan hệ lao động của Singapore đã đạt được mức độ ổn định trong hơn 3 thập kỷ qua.

Thông qua những nỗ lực chung của ba bên, đặc biệt là với vai trò tích cực, chủ động của Chính phủ, Sigapore đã chuyển đổi thành công quan hệ lao động từ trạng thái đối nghịch vốn rất phổ biến trong những thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ trước, trở thành một quan hệ hài hòa và hợp tác. Từ năm 1978 đến nay, Singapore đã không còn đình công, trừ một cuộc diến ra trong 2 ngày vào năm 1986, có 62 người tham gia.

Nhân tố chủ đạo xây dựng nên quan hệ lao động hài hòa, ổn định ngày nay ở Singapore là sự nhận thức về sự hợp tác ba bên và cùng nhau hành động vì lợi ích của các bên và lợi ích quốc gia. Đây là một trong những yếu tố làm cho Singapore, một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong một thời gian dài, biến nền kinh tế nước này thành một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh vào hàng đầu thế giới, trong khi vẫn tạo đựơc nhiều cơ hội việc làm tốt và quyền lợi của người lao động đựơc bảo đảm.

Trên đây là toàn bộ những hiểu biết hạn hẹp của tôi về hệ thống quan hệ lao động của quốc đảo Singapore – một quốc đảo hình như đang “miễn nhiễm” với mưa bão, gió mùa?

Nguyễn Mạnh Cường

Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Singapore - đất nước không có đình công (phần 1)

PHẦN 1: Triết lý (hay cách tiếp cận) và luật pháp về quan hệ lao động của Singapore

Tôi nghe thấy nhiều người nói rằng đình công là hiện tượng tất nhiên của kinh tế thị trường, nói cách khác, đã có kinh tế thị trường thì khó tránh khỏi đình công. Lý luận này nó có lẽ cũng na ná như phàm đã là nước ở vùng nhiệt đới, gió mùa như Việt Nam thì mưa bão, rồi gió mùa đông bắc là chuyện tất nhiên. Cũng theo lý lẽ đó thì người ta bảo rằng đừng có quá để ý đến việc tại sao trong những năm gần đây đình công xảy ra nhiều ở Việt Nam mà hãy nhìn nhận đình công như một hiện tượng tất yếu khi nền kinh tế Việt Nam chuyển sang vận hành theo nguyên tắc thị trường - nó cũng tất yếu như những cơn bão hay gió mùa đông bắc vậy, dù ta không muốn.
Nghe vậy thì biết vậy, nhưng tôi lại cứ tự hỏi: ơ thế tại sao ở bên Singapre, từ năm 1978 đến nay, đã 33 năm rồi không có đình công (nói chính xác ra thì năm 1986 có xảy ra một cuộc đình công nhỏ có 62 người tham gia nhưng ngay lập tức bị Tòa tuyên là đình công bất hợp pháp). Thế chẳng nhẽ bên Singapore không có kinh tế thị trường à? Rồi lại tự trả lời rằng: đâu phải, nền kinh tế Singapore là nền kinh tế thị trường chính cống đấy chứ, bằng chứng là họ là một trong những thành viên đầu tiên của WTO cơ mà, rồi còn là "con rồng", "con hổ" về kinh tế nữa.

Vậy đâu là "bí quyết Singapore" trong việc giải quyết tốt đẹp giữa kinh tế thị trường với đình công? Đó là câu hỏi tôi tự đặt ra để thử đi tìm lời giải. Đến nay, chưa dám nói là đã giải mã được "bí quyết" này, mà chỉ dám nói là biết được một chút xíu xin chia sẻ với các bạn.

Tôi sẽ trình bày vấn đề thành 4 phần: đầu tiên phải hiểu được là Singapore xây dựng hệ thống quan hệ lao động của họ dựa trên một triết lý nào; tiếp theo là dựa trên triết lý đó thì họ xây dựng một hệ thống luật pháp như thế nào về quan hệ lao động; thứ ba là họ xây dựng một hệ thống các thiết chế về quan hệ lao động như thế nào để quản lý và vận hành hệ thống quan hệ lao động trong quốc gia này và cuối cùng là đánh giá, nhìn nhận thực tiễn quan hệ lao động tại quốc đảo này và xu hướng phát triển của nó.

1.     Cách tiếp cận của Singapore về quan hệ lao động

Nếu tìm hiểu ngược lại lịch sử phát triển quan hệ lao động của Singapore thì thấy trong những năm thập kỷ 50 và đầu 60 của thế kỷ trước, các công đòan của Singapore đã tham gia nhiều vào các phong trào chống thực dân (đặc điểm này chúng ta có thể thấy là có nét gì đó hơi tương đồng với lịch sử phát triển của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam trong những năm đầu cách mạng). Vào giai đoạn đó, quan hệ chủ - thợ tại Singapore mang tính chất đối đầu, đình công và bế xưởng diễn ra thường xuyên dẫn đến tình trạng bất ổn định về chính trị và xã hội, kinh tế bị trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn sau khi Singapore tách khỏi Malaysia năm 1965 và sau khi Anh rút khỏi Singapore năm 1968 thì nền kinh tế gặp khó khăn nghiêm trọng. Trước tình hình đó, Chính phủ Singapore đã đưa ra chương trình công nghiệp hóa để thu hút đầu tư nước ngòai, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ Singapore ý thức được rằng phải tạo đựơc một môi trường đầu tư thuận lợi, đặc biệt là phải xây dựng được quan hệ lao động lành mạnh, ổn định, đưa quan hệ chủ thợ từ đối đầu sang hợp tác.

Quan hệ lao động ở Singapore đựơc vận hành dựa trên quan nịêm rằng 3 bên cần phải hợp tác với nhau để nâng cao năng suất lao động, tăng cường khả năng cạnh tranh và đạt mức tăng trưởng kinh tế và kinh doanh mà họ cho rằng sẽ có lợi cho tất cả các bên có liên quan. Triết lý phát triển được các bên có liên quan thống nhất là để đạt được sự tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều cơ hội việc làm, ba bên phải hợp tác và hình thành mối quan hệ giữa quản lý và lao động một cách chặt chẽ để tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn đầu tư nước ngòai. Với triết lý này, công đòan và người lao động được khuyến khích cùng phối hợp với nhau với hình thức quản lý theo nhóm ở cấp công ty, rồi xuống tói cấp công ty.

Nghiên cứu chúng ta có thể thấy là cách tiếp cận của Singapore đối với quan hệ lao động có khác biệt nhiều so với các nước khác. Trong khi chính phủ nhiều nước chỉ hạn chế vai trò của mình trong quan hệ lao động là đưa ra khuôn khổ pháp lý cơ bản và áp dụng nguyên tắc “không can thiệp” vào quan hệ giữa hai bên trong quan hệ lao động thì Chính phủ Singapore lại chọn cách tiếp cận là Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong quan hệ lao động, đặc biệt trong việc thúc đẩy sự hợp tác ba bên giữa người lao động, người sử dụng lao động và Chính phủ.

2.     Về khuôn khổ luật pháp về quan hệ lao động

Ba văn bản luật pháp quan trọng liên quan tới quan hệ lao động tại Singapore là Luật việc làm, Luật Quan hệ lao động và Luật công đòan.

Thứ nhất là Luật về Việc làm quy định những điều kiện cơ bản về việc làm và nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Luật này cũng loại bỏ những điều khỏan lỗi thời trong các sắc lệnh về lao động trước đó, vốn vô tình khuyến khích phúc lợi quá mức và sự vô kỷ luật của người lao động và thay vào đó bằng các điều khỏan nhằm hạn chế sự lạm dụng của các bên trong quan hệ lao động và hướng tới việc tạo ra năng suất cao hơn. Luật việc làm cũng quy định quyền của người lao động được gia nhập tổ chức công đòan.

Thứ hai là Luật về Quan hệ lao động xây dựng một nền tảng hợp lý cho quan hệ lao động bằng cách đưa ra sự khác biệt giữa chức năng của người quản lý và công đòan, trong khi cân bằng quyền lợi của hai bên. Điều tôi thấy cần quan tâm trong luật này là quy định về những nội dung có thể đưa vào thương lượng tập thể. Theo quy định của Luật, tất cả các vấn đề như thăng tiến, chuyển công tác, thuê nhân công hay giãn công, đuổi việc và phân công công tác là những nội dung không thể thương lượng. Việc loại bỏ những nội dung này ra khỏi phạm vi thương lượng tập thể chủ yếu là do những vấn đề này thường là nguồn gốc của các tranh chấp là dẫn đến xung đột giữa quản lý và lao động tại doanh nghịêp. Nếu bạn nào làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế thì có thể quen với thuật ngữ "chọn bỏ" và "chọn cho" trong đàm phán thương mại quốc tế: nếu theo phương án "chọn bỏ" thì có nghĩa là một nước đồng ý mở cửa thị trường đối với tất cả các mặt hàng, trừ những mặt hàng a,b,c...; còn "chọn cho" thì có nghĩa là nước đó đóng cửa thị trường và chỉ đồng ý cho nước ngoài tiếp cận thị trường đối với một số mặt hàng x,y,z trong danh mục.

Khi nghiên cứu phần này, tôi luôn so sánh với luật hiện tại của Việt Nam (khoản 2, điều 46, Bộ luật Lao động 1994) quy định nội dung chủ yếu của thỏa ước tập thể gồm những cam kết về sáu nội dung gồm: việc làm và bảo đảm việc làm; thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương; định mức lao động; an toàn và vệ sinh lao động; và bảo hiểm xã hội. Như vậy, nếu chiểu theo ngôn ngữ thương mại thì luật pháp Việt Nam quy định theo nguyên tắc "chọn cho", còn của Singapore thì theo nguyên tắc "chọn bỏ". Theo nguyên tắc của Singapre thì hai bên có thể thỏa thuận bất cứ nội dung gì, trừ những điểm luật quy định không bên nào được yêu cầu đưa ra thương lượng. Quy định như vậy là khẳng định một số quyền "bất khả bàn" của riêng người sử dụng lao động.

Luật Quan hệ lao động cũng bao gồm những điều khỏan quan trọng là cấm người sử dụng lao động có những hành động cố tình cản trở người lao động tham gia công đoàn. Luật cũng quy định thủ tục đại dịên cho người lao động của tổ chức công đòan. Các điều khỏan bao gồm việc thông báo cho người sử dụng lao động và tiến hành bỏ phiếu kín của người lao động để khẳng định rằng công đòan thực sự đựơc lựa chọn và bầu ra để đại diện cho người lao động trong doanh nghịêp. Đây là nội dung tôi đặc biệt quan tâm khi nghiệm vào thực tiễn của Việt Nam.

Thứ ba là Luật về Công đòan của Singapore thể hịên triết lý về tính tương đồng trong mục đích và tính tương hỗ trong quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động. Luật này đưa ra những điều khỏan xác định phương thức tương tác công khai, minh bạch giữa hai bên trong quan hệ lao động để hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy việc xây dựng quan hệ hợp tác giữa người lao động và người sử dụng lao động, cải thiện điều kiện lao động, công nhận và tăng cường vị thế kinh tế – xã hội của người lao động, người lao động ủng hộ việc tăng năng suất lao động vì lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và vì lợi ích của nền kinh tế Singapore.

Tôi xin tạm dừng ở đây, xin hẹn các bạn ở Phần 2 với nội dung về hệ thống thiết chế và thực tiễn quan hệ lao động của Singapore.

Nguyễn Mạnh Cường

Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bàn thờ Tổ quốc

Hôm nay, 25/8 là ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một vị tưởng huyền thoại, nhưng không biết mọi người có biết lễ phong tướng cho Đại tướng diễn ra như thế nào không?

Theo ông Vũ Kỳ kể lại trong cuốn “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” thì buổi lễ thiêng liêng đó diễn ra ngày 28.5.1948 trong một căn nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Sát vách gian giữa là Bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên Bàn thờ, còn toàn thể thành viên Chính phủ đứng xếp hàng trước bàn thờ. 

Ông Vũ Kỳ kể:

“Không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước Bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng sao chẳng thấy Bác nói gì mà chỉ thấy Bác cầm khăn mùi soa lau nước mắt, cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào. Ai nấy đều vô cùng xúc động. Một số đồng chí cũng rơm rớm nước mắt. Bên ngoài tiếng suối vẫn réo như tiếng vọng từ ngàn xưa dội về.

Những giây phút im lặng thiêng liêng.

Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm trầm: "Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thoả lòng những người đã mất". 

Tiếp đó, Bác giao bản sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: "Nhân danh Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho".

Đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến lên một bước, nhận tờ sắc lệnh trong tay Bác”

Đọc những điều ông Vũ Kỳ kể lại về buổi lễ, mình cảm thấy thật ấn tượng với những lời lẽ mộc mạc mà sao ý nghĩa thế, nó khác hẳn những gì mà chúng ta thường thấy ngày hôm nay đối với những buổi lễ tương tự: nào là diễn văn dài lê thê với những lời lẽ đao to búa lớn, nào là hoa chúc mừng, nào là khẩu hiệu lớn khẩu hiệu nhỏ.

Điều mình ấn tượng nhất là mọi việc diễn ra trước Bàn thờ Tổ quốc. Mình cũng không hiểu tại sao bây giờ không còn khái niệm Bàn thờ Tổ quốc nữa. Trong ký ức, mình vẫn còn nhớ ngày xưa trong những buổi lễ long trọng, người ta vẫn bày Bàn thờ Tổ quốc, chứ không phải một số thứ khác như bây giờ.

Phải chăng hình thức và nội dung của một buổi lễ ngày xưa nó khác, nên cũng góp phần tạo nên những con người khác chăng?

Lotus

Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

YOUNGMO

Tôi vẫn luôn tin rằng mỗi người sinh ra trên cõi đời này đều mang một hay một vài sứ mệnh nào đó. Có sứ mệnh đến với ta và đi suốt cuộc đời ta, có sứ mệnh chỉ đến với ta trong một không gian và thời gian nhất định.

Bởi vậy, tôi tin là 4 năm qua, Sứ mệnh của anh là hỗ trợ quan hệ lao động ở Việt Nam. Sứ mệnh đó đã đưa anh đến đất nước này, đưa anh đến với chúng tôi, hòa vào chúng tôi để thành chúng ta, thành cái nhóm nhỏ gồm những người mang trong mình tâm huyết làm một cái gì đó cho việc phát triển quan hệ lao động ở một đất nước, nơi mà bản thân khái niệm quan hệ lao động còn được coi là một khái niệm mới – mới đến nỗi đối với nhiều người nó dường như chỉ mới xuất hiện trên thế gian này như cái iphone vậy.

Cách đây 4 năm anh đến Việt Nam bắt đầu làm việc và cũng là để bắt đầu Dự án. Ít người biết rằng đó là thời điểm khó khăn như thế nào đối với công việc chung cũng như đối với công việc của cá nhân tôi. Nhưng thôi, tôi sẽ không kể lại những khó khăn thuở đó, mà chỉ muốn nói rằng cái sự đến của anh cũng như của Dự án nó có ý nghĩa như thế nào.

Tôi cũng sẽ không kể ra đây rằng anh đã làm những gì trong 4 năm ở Việt Nam, bởi tôi không muốn biến mấy dòng tâm sự này thành một bản báo cáo thành tích của anh, mà tôi chỉ muốn nói rằng với tư cách là một người làm việc gần gũi với anh, tôi luôn cảm nhận được một cái Hồn trong những việc anh làm. Cái Hồn đó là cái gì tôi cũng không cắt nghĩa  được, có thể đó là sự đam mê, có thể đó là sự cống hiến, có thể đó là chút “máu” chuyên môn nghề nghiệp, có thể đó là tình cảm của anh dành cho những bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những người lao động Việt Nam mà tôi biết anh luôn có xu hướng muốn bênh vực cho họ. Chỉ biết rằng tất cả những cái đó đã làm nên một tác phong làm việc rất “Youngmo” trong con mắt bạn bè, đồng nghiệp Việt Nam.

Chính cái Hồn mà anh thể hiện trong công việc cũng như trong ứng xử hàng ngày đã xóa đi mọi ranh giới hữu hình cũng như vô hình để làm cho anh trở thành một người bạn gần gũi với tất cả mọi người, từ những vị quan chức đáng kính cho đến những nhân viên bình thường nhất.

Youngmo ơi, nếu như 4 năm qua, cái Hồn mà anh thổi vào công việc đã cuốn hút tất cả chúng tôi đắm mình vào công việc bao nhiêu thì hôm nay, chính cái Hồn đó sẽ làm cho tất cả chúng tôi cảm thấy khó khăn bấy nhiêu khi phải nói lời chia tay với anh. Mặc dù anh vẫn chưa rời Việt Nam, nhưng tôi đã cảm thấy một sự hẫng hụt – hẫng hụt trong công việc chung cũng như trong tình cảm riêng tư.

Nhưng, sự đến rồi đi có lẽ đó là quy luật của Tạo hóa. Sứ mệnh đã mang anh đến đây và nay có thể anh lại phải đến miền đất mới với một sứ mệnh mới. Tôi tin rằng với “Youngmo Style”, anh sẽ thành công trên cương vị mới.

Mãi mãi trân trọng và quý mến anh – một người bạn, một người đồng nghiệp nghĩa tình. Luôn cầu mong cho anh và gia đình được hạnh phúc, an lành.


Cường IR

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Phải chăng dân tộc ta là một dân tộc "Du kích"?


Thuở sinh viên bên Liên Xô, trường tôi học có rất nhiều sinh viên nước ngoài, đến từ khoảng hơn 40 quốc gia trên thế giới. Giờ ra chơi, sinh viên các nước thường túm năm tụm ba buôn chuyện. Và, trong khi buôn chuyện thì không thể không nói đến sinh viên nước nọ, nước kia - thói đời là như vậy. Để tiện cho việc nói về sinh viên nước khác ngay trước mặt họ mà họ không biết thì người ta thường lấy một đặc trưng nào đó dùng làm từ lóng bằng ngôn ngữ của nước mình để ám chỉ nhóm sinh viên nước nọ, nước kia, ví dụ như “Đen” để chỉ sinh viên châu Phi, “Nhọ” để chỉ sinh viên A rập, “Ngố” để chỉ sinh viên Nga,…

Một lần tôi có hỏi một người bạn cùng lớp người châu Phi: “Thế khi các bạn nói về sinh viên Việt Nam thì thường dùng từ lóng gì?”. Câu trả lời: “Du kích”.

Lúc đó, tôi cũng chỉ nghĩ là mấy anh bạn đó chắc là biết về chiến tranh Việt Nam nên muốn ví những sinh viên Việt Nam chúng tôi như những du kích của Việt Cộng trong chiến tranh. Thế nhưng được một thời gian thì tôi bắt đầu ngờ ngợ và hiểu ra rằng người ta gọi mình như vậy là có hàm ý sâu xa hơn nhiều.

“Du kích” nếu hiểu theo một cách tích cực thì đó là cách đánh sáng tạo trong chiến tranh để lấy ít chọi nhiều, lấy yếu chọi mạnh. Còn nếu hiểu theo cách tiêu cực thì đấy người ta gọi là đánh lén, đánh trộm.

Trong chiến tranh thì nó có nghĩa như vậy, còn trong thời bình thì cái từ “du kích” có lẽ nó mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Nếu nhẹ thì nó gợi cho người ta một cái gì đó mang tính khôn vặt, khôn lỏi, còn nếu nặng hơn thì nó có nghĩa một hành động không đàng hoàng, vụng trộm.

Từ ngày đó đến nay, quan sát và chiêm nghiệm, tôi thầm thốt lên “Ái chà, mấy thằng cha ‘Đen” ngày xưa thế mà thâm, nó gọi mình thế mà đúng thật!”.

Này nhé, mọi người cứ thử chiêm nghiệm ở Việt Nam bây giờ mà xem:

Về thu nhập, tôi đố ai bây giờ biết được cơ cấu thu nhập thực sự của người dân Việt Nam là như thế nào, kể từ thu nhập của những đại gia chủ những tập đoàn, của những chính trị gia và quan chức to ơi là to đến mấy viên chức quèn, của những bà bán hàng rong, cho đến tận người ăn xin ăn mày. Thu nhập của tất cả họ đều là con số mập mờ và hầu như không ăn nhập gì với con số người ta công bố cả. Thế thì có phải là thu nhập ở Việt nam bây giờ hoàn toàn mang tính “du kích” không?

Về thương mại, nhìn vào hàng hóa từ siêu thị đàng hoàng cho đến các mẹt hàng bán rong bán lẻ, tôi đồ rằng phải có đến trên 90% hàng hóa là không rõ xuất xứ, hoặc nếu có công bố thì cũng chỉ “hơi hơi rõ” thôi. Thế thì có phải là thương mại của Việt Nam mang đậm tính “du kích” không?

Về kinh doanh, khu vực không chính thức (informal sector) thì đích thị là “du kích” rồi, còn khu vực chính thức, tức là các doanh nghiệp lớn làm ăn có vẻ đàng hoàng ấy thì cũng “du kích” nốt. Không tin cứ thử kiểm tra sổ sách, hồ sơ các doanh nghiệp lớn nhỏ, kể cả doanh nghiệp nhà nước mà xem thì sẽ phải đánh dấu hỏi vào rất nhiều ô. Ví dụ rõ nhất có lẽ lại là ở cái ngành mà cần sự minh bạch nhất, đó là ngân hàng. Không “du kích” thì làm sao có thể xảy ra Vinashin, Vinalines, làm sao có thể có những “bầu Kiên” được, làm sao có thể có được sai phạm về ngân hàng mang tính “cả cụm” được.

Nói rộng ra các lĩnh vực khác thì đều như vậy cả, từ giáo dục, y tế, khoa học, thể thao thấy hình như tất thảy những lĩnh vực này đều vận hành theo kiểu “du kích” cả. Rồi ngay cả đến công tác bổ nhiệm cán bộ, phong học hàm học vị, danh hiệu này nọ cũng theo kiểu “du kích” nốt.

Và, quan trọng hơn (hay đáng ngại hơn) là để có thể sống một cách "đàng hoàng" (theo cái nghĩa là sống hòa đồng, đừng để ai nhìn bạn như người ngoài hành tinh) trong cái xã hội "du kích" đó thì bạn lại buộc phải trở thành "du kích" và ứng xử một cách cũng rất "du kích".

Ôi, thế hóa ra tất cả các lĩnh vực của đời sống của đất nước chúng mình bây giờ đều bị “du kích hóa” hết rồi à? Chẳng nhẽ “Du kích” đã trở thành một thương hiệu của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam chúng ta à? Và liệu "du kích" có là con đường mà dân tộc này đi đến tương lai không?

Bây giờ suốt ngày thấy nói Việt Nam hội nhập quốc tế. Ấy nhưng cái quốc tế mà Việt Nam đang muốn hội nhập ấy thì nó lại đang ngày càng hướng tới minh bạch hóa (đàng hoàng hóa!). Thế thì liệu một đất nước “du kích” có đủ sức (tôi không dám dùng từ đủ tư cách) để tham gia vào cái cộng đồng minh bạch kia không?

Tôi cứ lan man nghĩ đến khi con tôi, cháu tôi mà có đi ra nước ngoài học thì không biết mấy đứa bạn của chúng nó có gọi chúng nó là “du kích” như gọi thế hệ cha ông chúng nó không?

Mạnh Cường Lotus

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Ôi kìa - Chơi luôn - Biết thế - Vô thường


Từ khi sinh ra, lớn lên và cho tới khi về với tổ tiên, thế giới trong mắt của một con người có những thay đổi. Cái thay đổi tôi nói đến ở đây không phải là sự thay đổi của bản thân thế giới, mà là sự thay đổi trong cách nhìn và cảm nhận thế giới của một con người.

Tôi tạm chia đời người làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất tính từ khi sinh ra đến trước khi bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành - cái tuổi mà ta cứ gọi là trẻ con ấy. Cái tuổi này là cái tuổi vô lo vô nghĩ. Mỗi ngày, cô hay cậu bé lại khám phá ra một điều mới lạ trong cái thế giới quanh mình, từ cái xúc xắc tại sao nó lại phát ra tiếng kêu, đến con chó tại sao lại đi bằng bốn chân; từ việc học một cộng một bằng hai cho tới việc tìm hiểu tại sao Bắc cực tại sao lại đóng băng quanh năm; từ chỗ thấy thế giới trên đời này chỉ có mẹ, đến lúc bắt đầu thấy có cả cô bạn cùng lớp hay mặc cái váy đỏ;...Ôi, thế giới là bao la, con người là thú vị, bao nhiêu thứ để khám phá, bao nhiêu thứ để tò mò.

Cái tầm tuổi này, tôi gọi là tầm tuổi “ Ôi, kìa!".

Giai đoạn thứ hai là khi con người bắt đầu ý thức được về cái suy nghĩ và hành động độc lập của mình. Bắt đầu xuất hiện những ước mơ, những ham muốn, đam mê cũng như những suy nghĩ tìm cách để đạt được ước mơ, ham muốn đó. Cuộc đời là phơi phới. Đây cũng là thời kỳ con người thường hay thích dùng cái món doping của thời đại, đó là "Yes, I can" - cái gì tôi cũng có thể làm được. Đây là lúc con người thấy thế giới là nhỏ bé, sức người là vô địch. Họ dám nghĩ, dám làm, và dám liều, dám cả điên.

Cái tầm tuổi này tôi gọi là tầm tuổi "Chơi luôn!".

Giai đoạn thứ ba là khi con người đã nếm trải cả quả ngọt và trái đắng của đời. Họ bắt đầu ngẫm về những ước mơ ngày hôm qua của mình. Trong họ có những tiếng cười sâu lắng xen vào là những nốt lặng và những tiếng thở dài. Họ bắt đầu nhận thấy chữ "hữu hạn" trong đời: vũ trụ là bao la, nhưng sức người là hữu hạn, đời người là hữu hạn. Con người đã Biết thêm nhiều thứ trong đời, trong đó có cả những thứ mà nếu được sống lại quá khứ thì họ sẽ làm hoặc không làm.

Cái tuổi này tôi gọi là tuổi "Biết thế!".

Giai đoạn thứ tư là khi con người bắt đầu bước vào tuổi xế chiều. Ở cái tuổi này, con người đi tìm sự bình yên chứ không phải sự náo nhiệt. Họ có xu hướng nhìn vào trong hơn là hướng ra ngoài. Những chủ đề về cao huyết áp, đường trong máu, men gan cao, xương khớp đau,... chiếm tỷ trọng khá lớn trong câu chuyện hàng ngày của họ. Và, điều đặc biệt là ở cái tuổi này, con người bắt đầu ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống. Có rất nhiều ước mơ, khát vọng, rồi kể cả những đấu đá xưa kia đối với họ bây giờ sao mà nó vô nghĩa thế. Họ bắt đầu nghĩ nhiều về sự kết thúc, về cõi hư vô.

Cái tuổi này tôi gọi là tuổi "Vô thường".

Bốn thời kỳ “Ôi, kìa – Chơi luôn – Biết thế - Vô thường” không chỉ thể hiện sự thay đổi suy nghĩ và hành vi của một con người trong cuộc đời của họ, mà tôi thấy nó còn vận vào một khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến khi tàn cuộc của một công việc hay một sự nghiệp của một con người nữa.

Thường thì trước khi bắt tay vào làm một việc gì mới, ta thấy hào hứng, khám phá như một đứa trẻ, cái gì cũng mới, cũng thú vị và luôn thấy “Ôi, kìa.

Những ngày đầu bắt tay vào việc thì thường máu lắm và nghĩ mình làm được rất nhiều việc và thường cũng vẽ ra rất nhiều việc, thậm chí nhiều người còn liên tục chém gió nữa. Đó là lúc mà con người hừng hực một cơn say “Chơi luôn”.

Sau một hồi thử sức, và nhất là sau khi đã nếm mùi thất bại, thấy những điều mình nói ra, mình hứa không thành hiện thực thì mới thấy ngậm ngùi mà than “Biết thế”.

Và cuối cùng, khi tất cả mọi việc lại đâu vào đấy như một sự sắp xếp tự nhiên, người ta sẽ lặng lẽ đi vào cõi “Vô thường”, để lại đằng sau những lời khen-chê của thiên hạ.

Cứ quan sát, chiêm nghiệm một loạt các vị đăng đàn “chém gió” vừa qua thì thấy cái này đúng lắm. Không tin các bạn cứ thử kiểm lại mà xem.

Mạnh Cường Lotus 

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Có thật con người coi sức khỏe là quan trọng nhất?


"Sức khỏe là quý nhất", "Sức khỏe là quan trọng nhất" - Đó là những câu mà hầu như ai ai cũng nói. Nếu không tin thì ngày Tết bạn cứ thử lắng nghe người ta chúc nhau mà xem, sẽ thấy người ta (tức là người nhớn ấy, không tính trẻ con chíp hôi) chúc nhau gì thì chúc, cũng thường chêm vào câu chúc sức khỏe. Rồi người lớn lâu ngày mà gặp nhau thì thế nào cũng hỏi thăm nhau về sức khỏe, rồi lại cùng đi đến kết luận: "Sức khỏe là quan trọng nhất, là quý nhất đấy bác ạ". Cái đó nghe có vẻ như một chân lý.

Nhưng, trong cuộc sống hàng ngày, có thật là con người luôn coi sức khỏe là quan trọng nhất, là quý nhất không?

-       Bạn cứ thử khuyên một người bạn là làm ít hơn đi, kẻo quá sức đấy. Bạn đó có thể sẽ trả lời: nhưng mà tớ cần làm nhiều hơn để kiếm tiền mua sữa cho con. À, hóa ra con cái quan trọng hơn sức khỏe của mình đấy.

-       Bạn thử khuyên một người bớt lo lắng, mưu mô đấu đá về quyền chức đi kẻo hại tâm. Người ấy có thể sẽ trả lời là nếu không quyết chiến đấu thì sẽ không lên được cái chức trưởng lần này. À, hóa ra là quyền chức quan trọng hơn sức khỏe cơ đấy.

-       Bạn thử khuyên một chủ doanh nghiệp lớn phanh bớt lại tham vọng mở rộng doanh nghiệp vì sẽ phải quá lao tâm khổ tứ vì nó. Chủ doanh nghiệp đó có thể trả lời là nếu dừng lại thì sẽ có kẻ cạnh tranh đánh bật mình ra khỏi thị trường. À, hóa ra cơ đồ sự nghiệp, hoặc cũng có thể là đồng tiền, hoặc cũng có thể là một niềm đam mê hay tự ái nghề nghiệp, hoặc là tất cả những cái đó đều quan trọng hơn sức khỏe cơ đấy.

-       Bạn có thể khuyên một người kìm lại và từ bỏ những cuộc ăn chơi ngập ngụa tửu, sắc, hút hít để giữ gìn sức khỏe (về thể xác cũng như tinh thần), nhưng có thể sẽ nhận được cái cười khẩy kèm theo một câu không nói ra: "hâm à". Hoặc ở mức nhẹ hơn, bạn khuyên một người hãy đừng thức đêm triền miên để xem bóng đá quốc tế nữa, hoặc là bỏ hút thuốc lá đi thì có thể bạn sẽ nhận được một cái gật đầu miễn cưỡng, sau đó là...lắc đầu. À, hóa ra theo đuổi hay thỏa mãn những dục vọng, những đam mê hay sở thích còn quan trọng hơn sức khỏe cơ đấy.

-       Bạn có thể khuyên một người hãy dành thời gian để tập thể dục hay chơi thể thao thì có thể lập tức nhận được hàng tá lý do, từ việc bận việc nọ việc kia, tới việc ngại dậy sớm, tới việc không có chỗ tập,...tóm lại là cái lý do sức khỏe không thể chiến thắng được hàng tá lý do này.

Tôi cứ thử tạm hình dung mấy kịch bản thôi chứ kể hết ra thì nhiều lắm. Bạn cứ thử kiểm chứng lại chính mình và kiểm chứng lại với những người xung quanh thì sẽ thấy rằng: hóa ra, trong rất nhiều trường hợp, sức khỏe lại luôn đứng sau các ưu tiên khác của con người chứ không phải là luôn là thứ quý nhất, quan trọng nhất như mọi người vẫn thường nói.

Có lẽ chỉ đến khi con người đã bước vào cái thời kỳ "Vô thường" nghĩa là khi mọi mối quan tâm và đam mê trước đây đã bỏ lại phía sau thì lúc đó có thể người ta mới thực sự coi sức khỏe là quan trọng nhất. Trong số họ, có nhiều người trước kia bỏ hết sức khỏe ra để kiếm tiền thì bây giờ sẽ sẵn sàng bỏ hết tiền đã kiếm được ra để mua sức khỏe!

Hãy thử nghe một con người khi ở vào thời kỳ "Vô thường" tâm sự về sự ứng xử đối với sức khỏe: "Người ngu gây bệnh; người dốt chờ bệnh; người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống". Đây là lời của cựu Thủ tướng Trung quốc Chu Dung Cơ sau khi ông về hưu.

Từ những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống, tôi thấy có lẽ cái câu "sức khỏe là quan trọng nhất" cần phải được sửa lại và hiểu lại là: ai cũng coi sức khỏe là quan trọng nhất, bởi vì họ cần nó để thực hiện những cái mà theo họ là quan trọng hơn! Tuy nói là quan trọng, nhưng thực tế nhiều người chỉ nhận ra sức khỏe thực sự là quan trọng khi người ta đã gần mất hết nó hoặc mất nó gần hết.

Nói vậy thì biết vậy thôi chứ không dám khuyên ai nên coi cái gì là quan trọng nhất cả, kể cả sức khỏe. Tôi nhận ra một điều rằng: ở đời, quan trọng là người ta coi cái gì là quan trọng. Còn cái "quan trọng" đó có phải là sức khỏe hay không thì tôi cũng không dám khẳng định, mà hãy để mỗi người tự quyết định.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Bánh chưng ngày Tết của trẻ con


Bao năm nay cứ tự bằng lòng với một công thức được coi là hiển nhiên rằng “Tết thì có bánh chưng – có bánh chưng tức là Tết”. Thế nên đến Tết thì mua mấy cái bánh chưng về để thắp hương rồi để ăn, và cũng yên chí như vậy là các con đang được hưởng cái Tết Việt nam rồi.

Nhưng rồi giật mình nhận ra rằng bây giờ bánh chưng có thể ăn 365 ngày trong một năm. Nên nếu cứ bảo với con rằng bánh chưng nghĩa là Tết thì sợ sau này mấy đứa trẻ con nó sẽ bảo là cái bác bán bánh chưng rán ngoài cổng trường nó ngày nào cũng đem Tết đến cho bọn nó, và rằng Tết mua rẻ lắm, chỉ chưa bằng bát phở thôi!.

À, hóa ra tiền có thể mua được bánh chưng, nhưng tiền không mua được Tết. Tết không phải chỉ là cái bánh chưng.

Nghĩ lại cái cảm giác hồi còn bé, mỗi khi đến dịp này là được ngồi xem mẹ rửa lá dong, chuẩn bị gạo, đỗ, rồi ngồi xem mẹ gói. Và năm nào cũng vậy, mẹ lại gói cho mấy chị em mỗi đứa một cái bánh bé tí, xong rồi mấy đứa ngồi đợi bên bếp để chờ lấy cái bánh ra ăn trước. Ôi, cái Tết của tuổi thơ, cái Tết Việt Nam trong ký ức mới đẹp làm sao.

Thằng lớn thì đã đi học xa nhà rồi. Nó đã được (đôi khi bị) ăn bánh chưng nhiều rồi, thế nhưng chưa một lần được ngồi xem mẹ nó gói bánh, chưa một lần được ngửi cái mùi bánh trộn lẫn mùi củi cháy bốc lên từ cái nồi luộc bánh, chưa một lần được hưởng cái cảm giác thấp thỏm chờ đợi cái bánh chưng bé “của mình” chín trước và được ăn trước cả nhà. Vậy mà lúc nào cũng mong các con nhớ đến quê hương, nhớ đến gia đình, nhớ đến hai chữ Việt nam mà lại chưa hề cho chúng nó nếm trải những cái rất Việt Nam này.

Nghĩ thấy thương con và thấy mình có lỗi quá. Năm nay bà xã quyết định nghỉ phép ở nhà để tự gói bánh và luộc bánh để “khao” mấy đứa em nó cảm xúc Tết của trẻ con Việt Nam. Mấy hôm nay đã thấy bà xã lo lá, lạt, gạo, thịt lợn mỡ rồi. Cả nhà đang hồi hộp chờ đây.

Bánh chưa gói mà đã tưởng tượng ra nụ cười của con và niềm vui của mẹ. Chờ mẹ các con nhé, mẹ sẽ mang Tết về nhà cho các con.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Bản năng, Ý thức, Ngoại lực và Hành vi


Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trên đời có những điều mà mọi người khuyên nhau rằng nên (hay phải) làm cái này cái nọ, đặc biệt là những điều mang tính luân lý trong cuộc sống, ấy vậy mà trong thực tế thì rất nhiều người lại không làm. Tại sao vậy? Ngay cả đối với bản thân chúng ta, có nhiều điều mình đã nghĩ, đã hiểu rằng nên làm, ấy thế mà sao mình lại không làm, thậm chí đi làm cái ngược lại?

Có lẽ phải đi ngược lại vấn đề rằng cái gì điều khiển hành động của chúng ta. Ví dụ như cái gì khiến con người thực hiện các hành động như ăn, uống, làm việc, học hành, đi lại,..?

Suy nghĩ của tôi là thế này: Phải chăng hành động của chúng ta luôn được điều khiển bởi ba thứ, đó là Bản năng, Ý thức và Ngoại lực?

Mình cứ để ý mà xem, khi mới chào đời, em bé đã biết khóc, đã biết bú mẹ - đó bản năng. Lớn lên, biết cười, biết nó, biết yêu biết giận – đó cũng là bản năng. Rồi con người được dạy dỗ, được học hành, được trải nghiệm để hình thành dần ý thức trong mỗi con người.

Xét về bản năng thì tôi cứ tạm chia ra làm hai loại chính, đó là bản năng bậc cao như bản năng yêu thương, hướng thiện,... và bản năng bậc thấp như tham lam, sân hận…Còn giữa hai loại đó là loại bàn năng cơ bản như bản năng ăn, uống, cười, nói, khóc,…

Xét về ý thức cũng vậy, tôi chia ra loại ý thức tích cực như ý thức làm việc, học tập, đóng góp xã hội… và cả loại ý thức tiêu cực như hủy hoại, trộm cắp…Còn giữa hai loại đó là loại ý thức bình thường như sáng thì thức dậy đi làm, đi học,..

Giả sử xã hội loài người cứ tự do, ai sinh ra bản năng thế nào thì hành động thế ấy, rồi ý thức hiểu đến đâu, biết đến đâu thì làm đến đó thì xã hội sẽ ra sao nhỉ? Đó sẽ là một xã hội hỗn loạn, pha tạp đủ các thứ tốt xấu.

Thế nên loài người mới sinh ra mộtthứ lực thứ ba gọi nôm na là ngoại lực để khiến con người phát huy cái bản năng bậc cao, ý thức tích cực và kiềm chế, ngăn chặn những bản năng bậc thấp, ý thức tiêu cực. Cái gọi là ngoại lực bao gồm từ những thứ lớn như nhà nước, pháp luật, tôn giáo để điều chỉnh hành vi của toàn xã hội, cho đến những ngoại lực ở mức độ nhỏ để điều chỉnh hành vi của cá nhân như sự giáo dục, bảo ban của bố mẹ, thầy cô.

Mỗi con người sống trên thế gian này đều chịu sự tác động và điều khiển của cả ba loại lực này, với các mức độ mạnh nhẹ khác nhau như những véc-tơ lực tác động đa chiều, đa hướng, khiến cho con người có những hành vi mà xã hội coi là tích cực hay tiêu cực.

Trong một môi trường hướng thiện, khi người ta thảo luận hay khuyên nhau về những việc nên làm thì cả người nói và người nghe thường nói theo cái ý thức tích cực của mình. Thế nhưng khi hành động thì thật ra cái phần bản năng nó lớn lắm. Nhất là khi thiếu vắng ngoại lực thì cái bản năng càng có cơ hội trỗi dậy.

Tại sao tôi lại giở vấn đề này ra để nói?

Bởi nhiều khi thấy mung lung, thấy lo lo. Xã hội hiện đại ngày nay người ta có thừa thông tin để quảng bá, để khuyên nhủ nhau làm những điều tốt. Nghĩa là xét về ý thức thì thấy có vẻ là hiện đại hơn xưa nhiều. Ấy vậy mà sao xét trên nhiều góc độ thì thấy nó lại đang xuống cấp: từ vấn đề tội phạm xã hội, đạo đức học đường, vệ sinh thực phẩm đến những vấn đề lớn như tham ô tham nhũng, vơ vén tư lợi,..

Xét theo cái lý thuyết mà tôi đưa ra ở trên về ba loại lực đó thì ta kết luận về nguyên nhân của những vấn đề trên sao đây? Phải chăng do phần ý thức tích cực bị teo đi; do phần bản năng cấp thấp bị kích hoạt; hay do ngoại lực (nhà nước, pháp luật, áp lực xã hội) bị suy yếu? hay do cả ba cái cộng lại?

Tôi thì tôi thấy dường như xã hội Việt Nam ngày nay đang đi theo chiều hướng làm kích thích phần bản năng của con người, khiến phần bản năng cấp thấp trở nên sung mãn, chi phối hành vi của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Viết mấy dòng ra đây vừa để cắt nghĩa cho những điều hàng ngày mắt thấy tai nghe ngoài xã hội, vừa để tự răn mình phải luôn cảnh giác với phần bản năng trong chính mình.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Cái khổ của việc "nuôi" sự nổi tiếng


Có dịp tôi đã bộc bạch là mình cảm thấy sung sướng làm sao khi được làm người bình thường. Thực ra khi nói như vậy là mình đã ngầm so sánh cái sướng của mình - cái sướng của một người bình thường, với cái khổ của những người nổi tiếng. (Cũng phải nói trước là cái cảm giác "sướng" và "khổ" ở đây là cái cảm giác của riêng tôi thôi chứ chắc gì những người nổi tiếng thấy họ khổ.)

Trong mắt tôi thì một trong những cái "khổ" của những người nổi tiếng ấy là họ phải "nuôi" cái sự nổi tiếng ấy. Này nhé, bạn đang là một người bình thường thì bạn ra ngoài đường bạn ăn mặc, đi đứng nói năng thế nào có lẽ cũng chẳng ai để ý. Thế nhưng một khi bạn đã nổi tiếng thì bạn đi xe gì, mặc quần áo gì, nói cái gì, thậm chí là ăn cái gì cũng có thể trở thành chủ đề cho người đời bình luận. Thế nên phải "nắn nót" hơn. Mà cái "nắn nót" này nhiều khi cũng tốn kém lắm.

Có nhiều lý do để một con người trở thành nổi tiếng. Nếu cái lý do để làm bạn nổi tiếng gắn liền với phương tiện để bạn kiếm tiền, ví dụ như bạn là một ca sỹ có hạng thì có lẽ cái "khổ" nó cũng vừa vừa thôi, thậm chí có thể họ cảm thấy sung sướng để vung tiền nuôi cái sự nổi tiếng ấy. Bạn có thể sẽ hãnh diện khoe trước thiên hạ là tay bạn đang treo (à quên đang đeo) cái đồng hồ bạc tỷ, cưỡi 'con xe" triệu đô chẳng hạn. Như vậy là ông trời đã ban cho bạn một giọng ca để bạn trở thành nổi tiếng và cũng ban luôn cho bạn cái phương tiện để nuôi sự nổi tiếng đó. Trường hợp này thì coi như "no problem!"

Cái sự trớ trêu nó xảy ra khi mà cái lý do khiến một con người nổi tiếng lại không phải là cái phương tiện để người ta kiếm đủ tiến để nuôi cái sự nổi tiếng của họ. Ví dụ rõ nhất là trường hợp của khá nhiều các cô người mẫu, hoa hậu.

Tôi còn nhớ khi xem những clip quay các cô gái tham gia vòng sơ tuyển Vietnam Next Top Model, có những cô còn mặc cả những bộ quần áo vô cùng bình dị - bình dị đến mức khiến cô giám khảo khó tính kia phải mắng mỏ, vùng vằng đối với thí sinh nào dám cả gan mang cái sự bình dị đó để đến dự một cuộc thi "đẳng cấp" của cái đẹp và cái diện. Ấy vậy mà nếu đùng một cái mà cô ấy trở thành một ai đó trong cuộc thi - chẳng cần đến nỗi nhất hay nhì, chỉ cần lọt vào top 10 thôi thì tôi dám đoán chắc rằng ngày hôm sau ra đường cô ấy đã phải cố gắng làm đẹp mình tới mức có thể rồi. Nếu không lo được cái túi LV xịn mấy ngàn đô để vắt vai thì cũng phải là một cái LV Tàu dởm vài triệu đồng. Rồi nếu cô ấy được mời đến một vài event nào đó thì cũng không thể mặc một bộ để đến tất cả các event được, quê chết đi được. Sống chết thì cô cũng phải lo cho được cho mỗi event một bộ cánh. Event càng nổi thì bộ cánh lại phải càng đắt. Rồi cô ấy cũng không thể vè vè cái xe máy, dù là xe gì, để đến dự event được.

Đấy là tôi chỉ đơn cử một cái nhỏ thôi, còn nhiều chuẩn mực bất thành văn khác trong cái thế giới người đẹp mà một người đàn ông cục mịch như tôi chưa đủ trình độ để hiểu.

Thế thì một câu hỏi rất đơn giản đặt ra là: lấy đâu ra tiền để nuôi cái sự nổi tiếng ấy. Tôi không dám vơ đũa cả nắm vì biết rằng cũng có nhiều cô người mẫu, hoa hậu lao động nghệ thuật miệt mài, vất vả để kiếm tiền nuôi cái nổi tiếng của mình. Rồi lại có những cô may mắn "sắm" được cho mình một (hay một vài?) đại gia có thừa tiến để nuôi cái sự nổi tiếng hộ họ.

Nhưng thử hỏi có bao nhiều người trong số các cô hoa hậu, người mẫu có được cái may mắn đó? Thế thì họ phải làm gì để nuôi cái sự nổi tiếng mà họ đang phải mang vác nó? Quẳng nó đi à? Quẳng là quẳng thế nào, tinh hoa của xã hội đấy, khối kẻ đang phải ghen ty, khối kẻ mơ không có được đấy.

Thế nếu không quẳng nó đi thì lấy đâu ra tiền để nuôi "nó" đây?

Điều khiến tôi suy nghĩ về vấn đề này vì vừa qua lùm xùm trên báo chí cái vụ "đại xì căng đan" về cái nghi án cô người mẫu này, cô hoa khôi, hoa hậu kia bán dâm mỗi lần cả ngàn đô. Tôi không hề có ý định bảo vệ hay thanh minh cho các cô ấy. Tôi chỉ muốn nói lên cái suy nghĩ (hay suy luận) của tôi về nỗi khổ của các cô ấy. Mà bản năng của con người là luôn tìm cách vươn lên để thoát khổ.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Mỗi ngày tôi chọn một niềm...ngu


Trước hết xin nhạc sỹ Trịnh Công Sơn xá tội cho tôi vì tôi đã xuyên tạc lời bài hát của ông từ "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" thành "Mỗi ngày tôi chọn một niềm Ngu". Nhưng quả thực là đối với tôi, mỗi một khi tự ngộ ra là mình ngu là một lần tôi cảm thấy vui.

Con người ai chẳng có lúc khôn, lúc dại. Tôi cứ tạm cho là một nửa những thứ mình làm trên đời này là khôn, còn nửa còn lại là dại. Mà "dại" đấy là nói cho nó văn vẻ thôi, nhiều khi nghe nó có vẻ trẻ con lắm. Thế nên tôi cứ gọi là "ngu" cho nó dễ hiểu.

Tạo hóa ban cho con người cái khả năng để mà ngu, nhưng nhiều khi lại "quên" không ban cho người ta cái khả năng nhận ra cái ngu của mình. Thế nên nhiều người cứ bị chìm đắm mãi trong cái bể ngu. Nghĩ vậy nên khi nhận ra là mình ngu thì tôi đã thấy mình được may mắn lắm rồi.

Có những lời mình nói ra sao này nghĩ lại thấy mình không nên nói như vậy, hay là không nên nói lúc đó, hay là không nên nói ra đối với người đó. Tất cả những cái đó tôi gọi là cái ngu của mình trong lời nói.

Có những hành vi hay việc làm mà mình sau này ngẫm lại thấy không nên tý nào vì hoặc là việc làm đó là sai, hoặc là việc làm đó không sai nhưng không nên làm trong bối cảnh đó. Tất cả những cái đó tôi gọi là cái ngu của mình trong hành động.

Lại còn có cả những ý nghĩ (mới chỉ là ý nghĩ thôi) mà sau này nghĩ lại thấy mình nghĩ như vậy là không phải. Đó có thể là ý tưởng mà mình cho là tốt đẹp, nhưng xét cho cùng thì thấy nó viển vông, ảo tưởng. Có những ý nghĩ có vẻ như rất bình thường, sau này nghĩ lại thấy nó chứa đựng những cảm xúc tự ái, những cái "tôi" trong đó nhiều quá. Những suy nghĩ vớ vẩn thì nhiều lắm, kể ra không hết được. Tất cả những thứ đó tôi gọi là cái ngu của mình trong suy nghĩ.

Mỗi một lần ngộ ra là mình ngu, dù là ngu trong lời nói, trong hành động hay trong ý nghĩ, thì tự nhiên thấy vui lắm. Vui vì biết ngu để mà tránh, để mà tu rèn. Thế nên mỗi ngày chỉ mong có được một niềm...Ngu là như vậy.

Viết đến đây tự nhiên lại nghe văng vẳng sâu bên trong mình câu hát.."Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui"...Vâng, tôi đang vui biết bao vì mỗi ngày lại ngộ ra thêm là mình còn ngu nhiều lắm.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Đỉnh cao của sự giàu sang hay sự tột cùng của ngu dốt?


Thời tiết Hà Nội đang vào Đông, nhiệt độ ngoài trời có khi xuống đến 10-12 độ C. Ai nấy ra đường đều cố quấn cho kín người tới mức có thể để chống lại cái lạnh.

Ấy vậy mà hôm vừa rồi tôi lại thấy đôi vợ chồng trẻ lái một cái ô tô mới coong - cái loại mà có lỗ thoáng ở trên nóc ấy. Trời rét vậy mà họ mở cái cửa nóc ấy ra rồi cho hai đứa trẻ (tôi đoán là con hay cháu gì đấy) đứng thò mặt ra ngoài (nghĩa là cái cổ của hai đứa bé đúng vào tầm của nóc xe, chỉ cần phanh nhẹ một cái thì cái nóc xe đã cứa ngay vào cuống họng của hai đứa bé rồi). Tất nhiên là để phục vụ mục đích khoe thì họ trang điểm và ăn mặc cho hai đứa trẻ "sành điệu" như diễn viên phim ấy (tất nhiên là loại phim rẻ tiền rồi).

Hai vợ chồng lái xe qua những đường phố đông người (và tất nhiên là bụi bặm) của Hà Nội giữa cái lạnh của mùa đông thế này. Trông họ có vẻ đắc ý lắm. Ai cũng biết là họ đang khoe - họ muốn khoe với thiên hạ rằng họ giàu, rằng họ sang, rằng họ sành điệu, rằng họ có những đứa con đẹp như những thiên thần,...(và có thể khoe cả cái gì nữa mà tôi chưa đủ trình độ để cảm nhận hết).

Tôi đồ rằng họ vừa lái xe đi vừa nghĩ trong đầu rằng họ đang đứng trên đỉnh của sự giàu sang, sành điệu.

Còn tôi, tôi chỉ thấy họ đã đạt đến sự tột cùng của sự ngu dốt.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Ba điều khó khi đưa ra lời khuyên


 Lần trước tôi có nói về tình thế của người nhận lời khuyên. Còn bài này tôi nói lên mấy cái khó của người đưa ra lời khuyên.
Trong đời, ai rồi cũng sẽ ở vào cái tình thế là phải đưa ra một lời khuyên, một lời tư vấn gì đó cho người khác. "Người khác" ở đây có thể là con cái trong nhà, có thể là bạn bè, có thể là học trò, là đồng nghiệp và cũng có thể là cấp trên của mình.

Khi phải đưa ra lời khuyên thì theo lẽ thường, người nói sẽ cố gắng nói ra điều mà họ cho là đúng nhất. Muốn vậy thì ít nhiều người nói phải nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề để tin rằng điều mình nói ra là đúng. Đó là cái khó thứ nhất.

Điều tiếp theo là liệu lời khuyên đó người nghe có muốn nghe hay không, hay là họ bị nghe. Có thể thời điểm nào đó hay bối cảnh nào đó không phải là lúc, là nơi thích hợp để người ta nhận lời khuyên nên họ có thể có cảm giác là họ bị nghe. Mà khi đã ở vào tình trạng bị nghe rồi thì yếu tố đúng - sai của lời khuyên đã không còn quan trọng nữa. Quan trọng là họ không muốn nghe. Đó là cái khó thứ hai.

Nhưng cũng có trường hợp xảy ra là lời khuyên thì rất hay, người nghe cũng cảm thấy muốn nghe, nhưng rồi nghe xong người ta mới phát hiện ra là người ta không làm được. Thế là có khi người ta lại có phản ứng ngược lại vì người ta không muốn để lộ ra là mình bất lực (hay bất tài). Đó là cái khó thứ ba.

Cái lỗi của nhiều người là cứ say sưa, cố gắng nói hết những điều mình tìm hiểu và mình cho là đúng mà không để ý đến việc người nghe có muốn nghe không và người nghe có làm được không.

Vậy nên ở đời hóa ra là nghiên cứu để hiểu một vấn đề đã khó, nhưng lại chưa chắc đã khó bằng việc nói ra cái điều đó khi nào và nói cho ai nghe.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Người đàn bà Việt trên đất Angerie

Câu chuyện sau đây tôi viết về một người phụ nữ Việt Nam mà tôi tình cờ được gặp ở Angerie năm 2006. Câu chuyện làm cho tôi ngộ ra được một điều: Hạnh phúc thật đơn giản, đó là khi ta được là chính ta.
----------
Lúc còn trẻ, chị lấy một hàng binh Lê dương người Angerie. Năm 1964, chị về quê Angerie cùng chồng. Xã hội Hồi giáo Angerie không chấp nhận chị. Chính quyền Angerie không công nhận chị. Bốn mươi năm, chị sống trong nghèo khổ. Nhưng đau khổ hơn, bốn mươi năm chị không biết mình là ai. Bốn mươi năm trôi đi, chị chưa một ngày cảm thấy sự tồn tại của mình trong xã hội nơi mình đang sống.
Rồi một hôm, chị nghe nói Đại sứ quán Việt Nam đang quyên góp tiền ủng hộ người nghèo ở Việt nam. Chị lặng lẽ lấy từ trong đáy tủ ra 500 đô la Mỹ – khoản tiền chị đã dành dụm cho việc Hậu sự của mình – cái dành dụm như một bản năng của người Việt. Chị lặn lội hơn tám trăm cây số lên thủ đô để nhờ Đại sứ quán Việt nam chuyển về nước ủng hộ người nghèo. Chị tâm sự: cả đời chị đã nghèo, cả đời chị đã không là ai thì khi chị chết, 500 USD kia cũng không làm cho cái chết của chị giàu lên, không làm cho nấm mộ của chị trở thành nấm mộ của ai đó trong cái xã hội Hồi giáo lạ hoắc này. Chị mong là 500 USD này sẽ làm cho một ai đó ở quê hương chị đỡ nghèo hơn.
Cán bộ Đại sứ quán, người thay mặt cho hơn 80 triệu đồng bào của chị đã đón nhận 500 USD từ chị với những lời cảm ơn chân tình xen lẫn giọt nước mắt cảm động. Và, chị đã có được khoảnh khắc làm Người sau 40 năm. Sau 40 năm, chị đã lại thấy mình tồn tại. Sau 40 năm, chị đã tìm lại được mình – người con của đất Mẹ Việt Nam. Sau 40 năm, chị lại có được những giọt nước mắt Việt, chảy ra từ một tấm lòng Việt trong sự ấm áp Việt.
Nay, chị đã lại trở về cái xứ xa tít mù tắp của Angerie và lại tiếp tục cuộc đời lặng lẽ. Nhưng, ở sâu thẳm trong chị, hình như cái ngày Hậu thế đã không còn quan trọng nữa, vì chị đã cảm thấy cuối cùng thì cuộc đời chị đã có một ngày có Hậu rồi.
Mạnh Cường Lotus