Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Một lời sám hối gửi những người khuyết tật


Hôm nay, 3/12 – Ngày Người khuyết tật quốc tế, tôi có đôi dòng tâm sự với các bạn về một kỷ niệm mà khiến tôi mỗi khi nhớ đến lại muốn gửi lời xin lỗi tới những người khuyết tật.

Cách đây đúng 10 năm, tôi tham gia đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị quốc tế được tổ chức ở một nước lớn trong khu vực để tổng kết Thập kỷ Châu á - Thái bình dương vì người tàn tật.

Do số lượng đại biểu rất đông, đến cả mấy ngàn người nên BTC buộc phải tổ chức ăn uống kiểu đơn giản, gọn nhẹ: buổi trưa mỗi người được phát một hộp cơm hộp kiểu Nhật. Nhiều đại biểu không ăn được do không quen.

Thế nên đến tối, khi Ban tổ chức tổ chức reception thì ai nấy đều mệt rũ ra và đói, khát. Khi thức ăn vừa được bày ra (ăn kiểu buffet) thì cả đám đông lao tới tranh giành nhau. Các cán bộ đi theo đoàn – những người lành lặn có nhiệm vụ đi để giúp người khuyết tật, cũng lao vào lấy thức ăn. Thế nhưng, họ lấy không phải để phục vụ những người khuyết tật vốn không đủ sức để chen, mà như một thói quen (hay bản năng?), họ lấy thức ăn để phục vụ bản thân mình và phục vụ những VIP, những người đi để “lãnh đạo” và “chỉ đạo” đoàn.

Tối hôm đó, khi tiệc đã tàn, thức ăn đã hết, tôi chợt nhận ra hàng đoàn xe lăn hối hả lăn dọc theo các bàn bày thức ăn đã sạch bong để mong kiếm được một cái gì đó còn sót lại. Tôi bỗng nhìn thấy một người tàn tật đã không thể kìm được cơn đói, phóng đến một bàn mà mọi người đã ăn xong, lặng lẽ với lấy một đĩa thức ăn ai đó không ăn hết.

Chao ôi, đó là moment mà cả đời tôi không thể nào quên! Tôi thực sự bị sốc nặng.

Đâu rồi những lời lẽ bóng bẩy “tất cả vì người khuyết tật”, đâu rồi những “chính sách, giải pháp nâng cao vị thế người khuyết tật” mà tôi đã nghe ra rả cả ngày hôm đó? Tối hôm đó, tôi đã được chứng kiến cảnh người lành lặn tranh cái ăn của người khuyết tật theo đúng nghĩa đen của nó. Có lẽ chỉ khi cái đói bản năng trỗi dậy thì người ta mới đo được cái tâm của một con người chăng?

Đêm đó về khách sạn tôi đã không ngủ được. Cảm giác vừa xót xa, vừa xấu hổ. Tôi đã ngồi dậy viết ra mấy dòng để giải tỏa lòng mình. Gọi đây là một truyện ngắn cũng được, hay gọi là mấy dòng ghi chép cũng được. Tôi viết ra mấy dòng này như một tiếng thở dài cho sự trớ trêu của cuộc đời, như một giọt lệ cho những cuộc đời kém may mắn, và, đối với riêng tôi, đây như một lời sám hối gửi tới những người khuyết tật.

Có lẽ, cuộc sống cần một sự cảm thông. Còn tôi cần một sự tha thứ.

--------------

Đây là truyện ngắn tôi đã viết ra đêm đó như một lời sám hối.

SỰ TÀN TẬT CỦA CUỘC SỐNG
(The disability of the life)

1.     Sáng: Lễ khai mạc
Sân khấu trang hoàng rực rỡ với đủ các khẩu hiệu xanh - đỏ – tím – vàng với chủ đề “Cả xã hội vì người tàn tật”. Các VIP – từ những nhà chính trị đến những đại diện của các tổ chức quốc tế, các chính phủ, rồi đại diện các tổ chức của người tàn tật và vì người tàn tật lần lượt phát biểu. Tất cả đều hùng hồn kêu gọi bảo vệ quyền của người tàn tật. Nhiều VIP phê phán gay gắt các chính phủ, các tổ chức quốc tế, và cả xã hội nữa là còn phân biệt, kỳ thị người tàn tật. Họ kêu gọi phải thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của người tàn tật vào cuộc sống chung của xã hội.

Trên sân khấu, các VIP hùng hồn, hể hả.

Dưới hội trường, những chiếc xe lăn ngồi im phăng phắc, rồi thỉnh thoảng lại ào lên vỗ tay. Trông họ rạo rực, rưng rưng.

2.     Chiều: Tiệc chiêu đãi

Lại thêm một bài phát biểu hùng hồn của nước chủ nhà. Nhưng hình như không ai nghe. Mà nghe thì cũng không hiểu vì các cái bụng đói cồn cào đều đang hướng vào hai dãy bàn dài đầy ắp thức ăn xanh - đỏ – tím – vàng. Bài phát biểu vừa kết thúc, những VIP còn lành lặn đã phát huy ngay lợi thế của mình lao ngay tới dãy bàn ăn và tranh nhau gắp đầy đĩa thức ăn. Khổ, họ đói!. Sao lại để cho VIP đói đến thế bao giờ.

Chỉ một loáng, quanh những chiếc bàn đầy vỏ bia, khuôn mặt của các VIP đã hồng hào trở lại và đầy ắp một sự thoả thê.

Còn ở đằng kia, những chiếc xe lăn vẫn lăn đi lăn lại dọc theo những khay thức ăn trống trơn, sạch bong. Trên xe là những khuôn mặt buồn. Không biết họ buồn vì đói, hay là…?

3.     Tối: Biểu diễn văn nghệ của người tàn tật

Trên sân khấu, người tàn tật thuộc các dân tộc khác nhau, các loại hình tàn tật khác nhau trong những bộ quần áo xanh - đỏ – tím – vàng đang nắm tay nhau hát bài hát của người câm và nhảy điệu nhảy của người què. Trong số họ, không biết có bao nhiêu người may mắn vét được một mẩu thức ăn gì đó cho vào bụng. Nhưng có một điều chắc chắn là tất cả họ, tâm hồn đều đầy ắp niềm hân hoan, hạnh phúc.

Dưới hội trường là những khuôn mặt dài thượt của các VIP. Khổ, họ mệt! Thật là vớ vẩn, tại sao lại bắt các VIP phải ở lại nghe những bài hát ọ ẹ và xem những điệu nhảy vẹo xiên? Họ cần được nghỉ ngơi để còn chuẩn bị cho những bài phát biểu quan trọng vì người tàn tật vào ngày mai!

4.     Đêm: Sám hối

Một mình tôi trong căn phòng khách sạn. Không có màu xanh - đỏ – tím – vàng nào cả. Tất cả chỉ còn lại một màu đen của màn đêm.

Ngày hôm nay tôi đã được xem một cuốn phim của cuộc đời - được xem những sắc màu của cuộc sống: đó là cái màu mè của sự giả dối, sự phong phú của cuộc sống đời thường và sự rực rỡ của những khát vọng sống.

À không, hình như tôi cũng là một diễn viên trong cuốn phim này với những sắc màu…

Osaka, đêm 22/10/2002.

Mạnh Cường Lotus

1 nhận xét: