Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Cây đa đại thụ chùa Trấn Quốc đã hóa thân về với đất trời cùng với Đại tướng


Một buổi sáng sớm cách đây khoảng 20 ngày (vào thời gian có cơn bão số 8), khi mình đạp xe qua cổng chùa Trấn Quốc thì thấy toàn bộ phần trên của một cây đa đại thụ trước chùa đổ ụp xuống từ đêm trước, vắt ngang đường. Lá trên cây không còn nhiều nhưng vẫn xanh, còn lõi cây thì đã khô kiệt.

Mình xuống xe dắt bộ qua, rồi chỉ nghĩ thầm: lạ thật, đa là loại cây ít khi chết thế này lắm.

Thế rồi hôm nay ngồi tự nhiên nhớ lại, bỗng thốt lên: “Thôi đúng rồi, phải chăng đây là…!”.

Chùa Trấn Quốc, nguyên trước đây gọi là chùa Khai Quốc được dựng lên từ thời Tiền Lý, tức đời vua Lý Nam Đế cách đây 1500 năm (541-547)  là một trong những ngôi chùa cổ nhất Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên chùa được đặt tên là Khai Quốc, rồi sau này là Trấn Quốc. Chùa nằm trên một hòn đảo nhỏ, phía Đông Hồ Tây, là nơi được coi là mạch linh khí của quốc gia Đại Việt. Bởi vậy, người ta tin rằng sự an hay nguy của quốc gia Đại Việt là gắn liền với linh mạch ở đây. Vua của các triều đại Lê – Lý - Trần, mà gần đây nhất là các vua Minh Mạng, Thiệu Trị của nhà Nguyễn đều đến đây công đức tu sửa và làm lễ với nguyện cầu bảo vệ sơn hà xã tắc khỏi ngoại xâm.  

Trải qua năm tháng, chùa nay đã được nối với đất liền bằng một dải đất, với nơi tiếp giáp là đường Cổ Ngư, nay gọi là đường Thanh Niên.

Ở đúng vị trí cửa chùa Trấn Quốc, trên đường Cổ Ngư vào một chiều tháng 5/1940, chàng trai Võ Nguyên Giáp đã chia tay người vợ trẻ Quang Thái và con gái đầu lòng Hồng Anh khi đó chưa đầy 1 tuổi để lên đường sang Trung Quốc gặp Hồ Chí Minh, bắt đầu những năm tháng thoát ly hoạt động cách mạng. Chàng trai Võ Nguyên Giáp cũng không ngờ rằng buổi chia tay hôm đó lại là buổi chia tay vĩnh biệt người vợ yêu, bởi Quang Thái sau đó bị quân Pháp bắt, giam ở Hỏa Lò và mất năm 1944 mà Võ Nguyên Giáp mãi sau này mới được tin.

Và ngày hôm nay, cây đa cổ thụ ở cửa chùa Trấn Quốc - ở chính nơi diễn ra cuộc chia tay biệt ly đó đã hóa thân.

Cây đa đại thụ chùa Trấn Quốc đã hóa thân về với đất trời. Cây đa đại thụ của quân đội Việt Nam cũng đã hoàn thành sứ mệnh Khai quốc và Trấn quốc để về với liệt vị tổ tiên, về với những người thân yêu sau bao năm cách biệt.

Kính cầu cho Ông yên giấc ngàn thu vĩnh hằng.

Lotus

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Hãy tiễn biệt Đại tướng bằng bản Đại hùng ca đoàn kết dân tộc

Hôm nay, 10/10, hàng chục ngàn người vẫn tiếp tục đổ về Hà Nội và hướng đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu.

Ngày hôm qua chỉ khoảng 25 ngàn người có may mắn vào được ngôi nhà đó để tiễn biệt Ông. Nhưng ngày hôm nay, tôi đồ rằng phải đến trên trăm ngàn người sẽ đổ về đây. Sáng sớm nay, lúc 5.30 đạp xe qua đã thấy mọi người xếp hàng đến đường Độc Lập, trước cửa Lăng Bác rồi. Trong số những người đứng đó, thấy rất nhiều bà con từ các tỉnh về. Nếu như vậy thì đến chiều tối nay, khi mà cánh cổng 30 Hoàng Diệu sẽ chính thức khép lại để chuẩn bị cho Quốc Tang thì sẽ có hàng vài chục ngàn người thổn thức đứng bên ngoài để vái vọng Ông.

Lúc đạp xe về đến nhà thì thấy ngôi chùa trước cửa nhà tổ chức Đại lễ cầu siêu cho Đại tướng. Ừ nhỉ, một sáng kiến rất hay, rất Nhân dân. Như vậy là bao người không đến được ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để tiễn biệt Ông sẽ có cơ hội để kính dâng lên hương hồn Ông tấm lòng thành kính của mình.

Và tôi xin có lời thỉnh cầu gửi tới các vị chức sắc tôn giáo rằng: vào ngày Chủ nhật, 13/10 này, khi 21 phát đại bác sẽ vang lên tiễn biệt Ông theo nghi thức Quốc Tang thì cũng vào thời khắc đó chuông từ hàng vạn ngôi chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và các đến thờ của các tôn giáo khác trên khắp mọi miền của đất nước sẽ cùng đồng thanh vang lên, hòa âm để tạo nên một bản đại hùng ca của đất nước - một bản đại hùng ca đầy tính nhân văn và tâm linh sâu sắc.

Nếu được như vậy, tôi tưởng tượng ra rằng đó sẽ không chỉ là tiếng pháo hay tiếng chuông tang tiễn biệt Đại tướng, mà sẽ là âm hưởng của non sông gắn kết dân tộc này như nguyện ước của Ông.

Lotus

Nhân dân Tang

Không phòng bì, không vòng hoa, không chen lấn xô đẩy, chỉ có dòng người tự giác xếp hàng lặng lẽ vào viếng trước di ảnh của người đi xa. Tôi xin gọi một lễ tang như vậy là Nhân dân Tang.

Quốc Tang là do Nhà nước tổ chức theo nghi lễ chính thức, còn Nhân dân Tang là do nhân dân tự tổ chức theo những nghi lễ mà tâm họ mách bảo.

Nhìn vào Quốc tang, người ta biết được người mất đi là ai trong bộ máy nhà nước. Còn nhìn vào Nhân dân Tang, người ta biết được người mất đi là ai trong lòng người dân.

Ông Trời đã khéo sắp đặt để Nhân dân Tang đi trước (6-11/10), còn Quốc tang sẽ đi sau (12-13/10) để Ông được tiếp đón các cụ già, các em nhỏ, các cháu thanh thiếu niên, các chiến sỹ và đồng đội của Ông ở nhà trước, rồi Ông đón tiếp các vị lãnh đạo chức sắc ở “công đường” sau. 

Tấm lòng của Ông bao giờ cũng vậy mà, Ông nhỉ.

Lotus

Không chỉ là sự ra đi của một con người

Sự ra đi của Đại tướng đã làm hàng triệu con tim thổn thức, khóc thương. Khi mình khóc thương thì trong tâm mình cứ nghĩ là mình đang dâng lên hương hồn người đi xa tình cảm tiếc thương, kính trọng của mình, nhưng thực ra Đại tướng đã không còn nhìn thấy những đóa hoa, những giọt lệ, không còn nghe thấy những tiếng thút thít, không còn cảm nhận được những tình cảm thương kính của triệu người dành cho Ông nữa, mà chính hàng triệu người còn sống đang hướng về Ông mới là người đang cảm nhận được những tình cảm đang trào dâng trong mình.

Cái chết của Đại tướng đang chạm tới trái tim của hàng triệu người, đang làm thức tỉnh trong họ một cái gì đó rất thiêng liêng, rất con người, rất nhân văn và rất dân tộc.

Tôi đồ rằng có đến 99% những người đến viếng Đại tướng chưa một lần được gặp Ông ở ngoài đời. Bởi vậy, tôi không nghĩ rằng họ đến đây để viếng một người thân quen. Tôi cũng đồ rằng có đến 80% những người đến viếng Đại tướng là những người không có mối liên hệ trực tiếp nào đối với quân đội hay quân sự . Bởi vậy, tôi cũng nghĩ rằng họ đến đây trước hết không phải để viếng Ông như một vị Đại tướng tài ba, mà là để cúi đầu bày tỏ lòng thành kính trước một Nhân cách lớn.

Và, phải chăng có rất nhiều người đến viếng Đại tướng như một hành động để nói rằng: Ông ơi, Ông là biểu tượng cuối cùng của một thế hệ mà chúng con còn có thể gửi gắm niềm tin của mình.

Đối với hàng triệu người, sự ra đi của Ông không chỉ là sự ra đi của một con người.

Lotus

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Singapore - đất nước của các thiết chế ba bên (Phần 2)

Tiếp theo phần 1: "Singapore - đất nước không có đình công", hôm nay tôi xin chia sẻ tiếp với các bạn phần 2 bài về quan hệ lao động của Singapore

3.     Các thiết chế ba bên về quan hệ lao động

Để thực hiện cơ chế ba bên, Singapore đã thành lập các thiết chế mang tính chất ba bên quan trọng. Trước hết phải kể đến Tòa án trọng tài lao động (Industrial Arbitration Court). Các bạn chú ý đến tên gọi, không phải là tòa án mà cũng không phải chỉ là trọng tài, mà là tòa án trọng tài. Đây là một thiết chế với chức năng rất đặc biệt trong hệ thống quan hệ lao động của Singapore). Tiếp theo là Uỷ ban năng suất quốc gia (National Productivity Board), Hội đồng quốc gia về tiền lương (National Wages Council). Các cơ quan này có chức năng giải quyết, xây dựng và thực hiện các chính sách được xem xét theo quan điểm và sự quan tâm của ba bên. Trên cơ sở sự tham gia và nhất trí của ba bên, các biện pháp và chính sách được hình thành bởi những bên liên quan sẽ nhận được sự chấp nhận cao hơn và như vậy có thể được thực hịên nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngòai các cơ chế “cứng” nói trên, nguyên tắc ba bên còn được áp dụng trong việc hình thành một loạt các Uỷ ban (hội đồng) hay nhóm làm việc theo cơ chế “mềm”. Có thể nói, Singapore là nước dẫn đầu thế giới về số lượng các hội đồng, ủy ban, nhóm công tác theo cơ chế ba bên.

Có thể kể ra các thiết chế mang tính ba bên như: Uỷ ban ba bên về cải cách tiền lương (Wage Reform) thành lập năm 1986 để nghiên cứu làm thế nào để hệ thống tiền lương của Singapore trở nên linh họat hơn; Uỷ ban ba bên về xem xét lại hệ thống lương linh họat, năm 1993; Uỷ ban ba bên về đánh giá đạo luật việc làm (Employment Act Review) thành lập năm 1995 để đánh giá các điều khỏan của luật về việc làm để đưa ra những khuyến nghị về chính sách việc làm đáp ứng được những thay đổi của nền kinh tế và của lực lượng lao động; Uỷ ban ba bên về tăng tuổi hưu (Extension of Retirement Age) thành lập năm 1996 để giúp giải quyết các vấn đề về lực lựơng lao động cao tuổi; Nhóm ba bên về về giãn công (Panel On Retrenchment) được thành lập cuối 1997 trong bối cảnh khủng hỏang kinh tế tài chính trong khu vực để giúp các công ty và người lao động hợp tác vượt qua khủng hỏang; Uỷ ban ba bên về tính đại dịên trong Hội đồng quản trị, thành lập năm 2000; Uỷ ban ba bên về tái cơ cấu lương, thành lập năm 2003; Uỷ ban ba bên về cân bằng công việc và cụôc sống, thành lập năm 2004; Uỷ ban ba bên về Trách nhiệm xã hội của doanh nghịêp, thành lập năm 2004; Uỷ ban ba bên về việc làm cho người lao động lớn tuổi, thành lập năm 2005 để đưa ra những khuyến nghị về chính sách thu hút và sử dụng lại lao động đã đến tuổi nghỉ hưu; Uỷ ban ba bên về thực thi việc làm công bằng, thành lập năm 2006; Nhóm làm việc ba bên về khuyến khích sự lựa chọn việc làm cho phụ nữ, thành lập năm 2007.

Ngòai ra, còn có các cơ chế ba bên được thành lập để giải quyết các vấn đề cụ thể khác như  Uỷ ban ba bên về các quảng cáo việc làm không phân biệt, Uỷ ban ba bên thúc đẩy vấn đề bảo vệ sức khỏe tại nơi làm việc (Workplace Health Promotion), Uỷ ban ba bên về tính cạnh tranh của Singapore (Singapre’s Competitiveness), Uỷ ban ba bên về các chế độ bảo hiểm y tế linh hoạt (Portable Medical Benefits),..

Các bạn có thể thấy là hầu như cứ động đến vấn đề gì liên quan tới quyền lợi của hai bên và của đất nước là Singapore có ngay một hình thức thiết chế ba bên nào đó (thiết chế “cứng” hoặc thiết chế “mềm”) để xử lý, tức ra quyết định. Những quyết định của các thiết chế này được coi là kết quả của sự đồng thuận xã hội, và như vậy được mặc nhiên thừa nhận là đừng có ai, đừng có doanh nghiệp nào, đừng có tổ chức nào “cãi” nữa mà chỉ có thực hiện thôi.

Một điều cần biết là tuy hình thức là ba bên, nhưng hai bên chủ và thợ phải luôn “thấm nhuần” một nguyên tắc là lợi ích của quốc gia là tối thượng và không lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp hay của nhóm quyền lợi nào được đặt cao hơn lợi ích quốc gia. Đó là nguyên tắc cao nhất để các thiết chế ba bên làm căn cứ để đưa ra quyết định hay khuyến nghị.

4.     Vai trò của Hội đồng tiền lương quốc gia trong quá trình tạo dựng quan hệ lao động ổn định ở Singapore

Trong các thiết chế ba bên của Singapore, Hội đồng tiền lương quốc gia là một trong những thiết chế họat động hữu hiệu nhất. Sau những năm tháng đối mặt với khó khăn về kinh tế và những bất ổn trên thị trường lao động, Chính phủ Singapore nhận thấy việc các doanh nghiệp tự thu xếp về lương có thể dẫn đến việc tăng lương bừa bãi, không kiểm sóat được và có thể dẫn đến tranh chấp lao động gia tăng. Năm 1972, Chính phủ đã lập ra Hội đồng quốc gia về lương (NWC) như một cơ quan tư vấn cho Chính phủ về lương và các vấn đề liên quan tới tiền lương. Hội đồng bao gồm 30 thành viên đại diện đều cho ba bên. Hội đồng này sẽ xem xét các yếu tố kinh tế vĩ mô như mức độ và triển vọng tăng trưởng kinh tế quốc nội và năng suất, yếu tố cạnh tranh quốc tế của Singapore, tình hình việc làm trong nước, lạm phát, triển vọng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới, tỷ giá hối đóai và tỷ lệ tiết kiệm dân cư,…và trên cơ sở đó đưa ra những hướng dẫn (định hướng) về việc thực hiện lương hàng năm, đặc biệt là mức tăng tiền lương. Những hướng dẫn về tiền lương của NWC được áp dụng cho cả doanh nghịêp có công đòan hoặc không có công đòan, cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước, áp dụng cho mọi người lao động, bao gồm cả lao động quản lý và điều hành. Mặc dù việc thực hiện những hướng dẫn này là không bắt buộc, nhưng những hướng dẫn này đều được áp dụng một cách rộng rãi. Chính tính chất không ràng bụôc về mặt pháp lý của những hướng dẫn này sẽ tạo điều kịên cho hai bên trong quan hệ lao động tại doanh nghịêp thương lựơng, điều chỉnh mức lương ở doanh nghịêp mình một cách linh họat, phù hợp với hòan cảnh riêng của họ, nhưng cũng không tách rời mặt bằng hay xu hướng tiền lương chung của thị trường. Việc điều chỉnh tiền lương có thời hạn, dựa trên những hướng dẫn về tiền lương của NWC hàng năm đã làm giảm một cách đáng kể những tranh chấp về tiền lương. Thực tế là từ năm 1978 đến nay, ở Singapore không còn xảy ra đình công có nguyên nhân tranh chấp về tiền lương. Tính lôgích của hướng dẫn lương của NWC ở chỗ nó đảm bảo tính khoa học và bền vững của việc điều chỉnh tiền lương, đó là luôn gắn với tình hình kinh tế vĩ mô và năng suất lao động nên việc tăng lương không làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Singapore. Do mức tăng lương có thể được thỏa thuận hợp lý giữa công đòan và người sử dụng lao động và những bất đồng có thể giải quyết hòa bình với sự hỗ trợ của cơ quan hòa giải và trọng tài nên quan hệ lao động của Singapore đã đạt được mức độ ổn định trong hơn 3 thập kỷ qua.

Thông qua những nỗ lực chung của ba bên, đặc biệt là với vai trò tích cực, chủ động của Chính phủ, Sigapore đã chuyển đổi thành công quan hệ lao động từ trạng thái đối nghịch vốn rất phổ biến trong những thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ trước, trở thành một quan hệ hài hòa và hợp tác. Từ năm 1978 đến nay, Singapore đã không còn đình công, trừ một cuộc diến ra trong 2 ngày vào năm 1986, có 62 người tham gia.

Nhân tố chủ đạo xây dựng nên quan hệ lao động hài hòa, ổn định ngày nay ở Singapore là sự nhận thức về sự hợp tác ba bên và cùng nhau hành động vì lợi ích của các bên và lợi ích quốc gia. Đây là một trong những yếu tố làm cho Singapore, một đất nước không có tài nguyên thiên nhiên, đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao và ổn định trong một thời gian dài, biến nền kinh tế nước này thành một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh vào hàng đầu thế giới, trong khi vẫn tạo đựơc nhiều cơ hội việc làm tốt và quyền lợi của người lao động đựơc bảo đảm.

Trên đây là toàn bộ những hiểu biết hạn hẹp của tôi về hệ thống quan hệ lao động của quốc đảo Singapore – một quốc đảo hình như đang “miễn nhiễm” với mưa bão, gió mùa?

Nguyễn Mạnh Cường