Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bàn thờ Tổ quốc

Hôm nay, 25/8 là ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – một vị tưởng huyền thoại, nhưng không biết mọi người có biết lễ phong tướng cho Đại tướng diễn ra như thế nào không?

Theo ông Vũ Kỳ kể lại trong cuốn “Thư ký Bác Hồ kể chuyện” thì buổi lễ thiêng liêng đó diễn ra ngày 28.5.1948 trong một căn nhà bằng gỗ, phên nứa, lợp tranh, cạnh bờ một con suối lớn. Sát vách gian giữa là Bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm. Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn - Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên Bàn thờ, còn toàn thể thành viên Chính phủ đứng xếp hàng trước bàn thờ. 

Ông Vũ Kỳ kể:

“Không khí trang nghiêm, Bác bước ra trước Bàn thờ Tổ quốc, tay cầm bản sắc lệnh, gọi đồng chí Võ Nguyên Giáp ra đứng bên cạnh. Mọi người chờ đợi Bác cất tiếng, nhưng sao chẳng thấy Bác nói gì mà chỉ thấy Bác cầm khăn mùi soa lau nước mắt, cùng với những tiếng nấc nghẹn ngào. Ai nấy đều vô cùng xúc động. Một số đồng chí cũng rơm rớm nước mắt. Bên ngoài tiếng suối vẫn réo như tiếng vọng từ ngàn xưa dội về.

Những giây phút im lặng thiêng liêng.

Mãi sau, Bác mới cất tiếng, giọng trầm trầm: "Các cụ ta qua bao thế hệ chiến đấu cho độc lập mà không thành, nhắm mắt mà chưa thấy được dân tộc tự do. Chúng ta may mắn hơn. Nhưng còn phải bao nhiêu hy sinh cố gắng. Hôm nay việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác cũng là kết quả của bao nhiêu hy sinh, chiến đấu của đồng bào, đồng chí, chúng ta phải cố gắng, phải quyết giành được độc lập, tự do cho thoả lòng những người đã mất". 

Tiếp đó, Bác giao bản sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: "Nhân danh Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho".

Đồng chí Võ Nguyên Giáp tiến lên một bước, nhận tờ sắc lệnh trong tay Bác”

Đọc những điều ông Vũ Kỳ kể lại về buổi lễ, mình cảm thấy thật ấn tượng với những lời lẽ mộc mạc mà sao ý nghĩa thế, nó khác hẳn những gì mà chúng ta thường thấy ngày hôm nay đối với những buổi lễ tương tự: nào là diễn văn dài lê thê với những lời lẽ đao to búa lớn, nào là hoa chúc mừng, nào là khẩu hiệu lớn khẩu hiệu nhỏ.

Điều mình ấn tượng nhất là mọi việc diễn ra trước Bàn thờ Tổ quốc. Mình cũng không hiểu tại sao bây giờ không còn khái niệm Bàn thờ Tổ quốc nữa. Trong ký ức, mình vẫn còn nhớ ngày xưa trong những buổi lễ long trọng, người ta vẫn bày Bàn thờ Tổ quốc, chứ không phải một số thứ khác như bây giờ.

Phải chăng hình thức và nội dung của một buổi lễ ngày xưa nó khác, nên cũng góp phần tạo nên những con người khác chăng?

Lotus