Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Đọc MÁI NHÀ của Trịnh Công Sơn


Nói tới Trịnh Công Sơn, người ta thường liên tưởng tới hàng trăm bài hát để đời của Ông. Mỗi bài hát của Ông là một lời tâm sự về cõi đời, về thân phận con người. Những lời tâm sự của Ông rất mộc mạc, rất đời nhưng người ta vẫn thấy đó là những lời được chưng cất từ xúc cảm của một trái tim nhân hậu và một khối óc tường minh. Những tâm sự đó của Ông không phải chỉ được thể hiện trong những bài hát, mà đôi khi Ông cũng viết nó ra đâu đó, dường như chỉ để cho Ông.

Tôi đã nhiều lần đọc đoạn tâm sự mang tên "Mái nhà" Ông viết cuối năm 1991. Càng đọc, càng nghiền ngẫm càng thấy cảm phục một Trái tim nhân hậu. Càng đọc, càng nghiền ngẫm càng thấy trân trọng hơn những giá trị của một mái ấm theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Một điều cảm động nữa là khi đọc đoạn cuối tâm sự này của Ông, mới giật mình nhận ra là ngay từ 1991, ông đã hẹn với mẹ Ông là năm 2000 ông sẽ về với mẹ. Vậy mà đúng 10 năm sau, dường như là định mệnh, ngày 1/4/2001 Ông đã mãi mãi về với mẹ.

Xin chia sẻ với mọi người nguyên văn bài "Mái nhà" của Trịnh Công Sơn để chúng ta cùng ngẫm.

MÁI NHÀ

Hình như chữ "quê nhà" phải được hiểu là ở quê hương đó có một mái nhà của mình. Vì có một mái nhà nên dù lưu lạc ở nơi đất khách quê người thường vẫn có một nỗi hoài hương. Muốn về để được đặt bàn chân lên thềm, để ngắm nhìn lại những kỷ niệm đã trở thành linh hồn của mỗi nơi nằm, ngồi, đi, đứng.

Căn nhà có thể nhỏ, lớn, rộng, hẹp nhưng những kích thước ấy phải mang đầy đủ linh hồn của mỗi đời người mới khiến mình tìm được đầy đủ sự yên lành khi trở về.

Mỗi căn nhà, khi có điều kiện, thường phải là một phản ánh gần như trung thực tâm hồn của con người cư ngụ trong nó.

Có người khách lạ đến nhà chỉ cần nhìn kiến trúc và cách bày biện, sắp xếp trong nhà - architecture et décor intérieur, có thể biết ngay chủ nhân của nó là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội.

Trong những ngày bão giông, nắng cháy, mưa dầm, không thể nào không thấy gợn lên trong lòng một nỗi biết ơn thầm kín dành cho người đã nghĩ ra một nơi cư trú cho con người.

Không có bất cứ một sinh vật nào trên mặt đất này mà không có một nơi chốn cư ngụ riêng. Từ loài có cánh cho đến loài đi trên mặt đất rồi loài bơi lội dưới biển sông.

Con người vì một sự thông minh thiên phú đã biết biến nơi cõi tạm này thành một chốn cư trú đầy huyễn hoặc. Nhà cửa, đền đài trên mặt đất cứ theo thời gian mà lung linh, biến hóa, thay hình đổi dạng theo sự sáng tạo của con người.

Mái nhà là một tiếng có một âm vang tình cảm sâu kín trong lòng mỗi con người. Chỉ có ở đó mình mới tìm thấy được mình đầy đủ nhất. Ðó là cái nôi thứ hai ru mỗi đời người khi lớn lên. Vì vậy mỗi người phải cố gắng đừng bao giờ để dưới mái nhà ấy có một địa ngục. Vẫn có những kẻ đã rời bỏ mái nhà đi không một chút tiếc thương nhưng kể từ đó trong tâm hồn người ấy sẽ không bao giờ còn sự bình an nữa.

Rứt bỏ mái nhà để ra đi cũng như phụ rẫy một tình yêu. Mái nhà ở lại hoàn toàn vô tội. Mái nhà vẫn chờ cửa để đón người trở về nhưng người ra đi thì không bao giờ kéo được mái nhà về với mình nữa.

Có được một mái nhà riêng trong lúc sống là một hạnh phúc. Nhất là mái nhà ấy là hình ảnh của chính mình.

Trong những ngày cuối năm này tôi cùng mấy người em suốt ngày đứng trông coi những người thợ xây mộ cho mẹ tôi. Mộ cũng là một thứ kiến trúc dùng làm nơi cư ngụ cho một người không còn sống.

Thường ở các nghĩa trang, mộ được xây theo một kiểu mẫu đồng dạng. Ðó là một loại nhà tập thể cho những người đã khuất. Nhìn vào thấy buồn, ngậm ngùi và sự vô nghĩa của cái chết càng vô nghĩa hơn.

Có một kiến trúc sư tôi không còn nhớ tên, cũng vì sự buồn bã trên, đã tự mình biến tất cả các ngôi mộ trong nghĩa trang mà anh có người thân đã mất thành những tảng màu đá ghép - mosaique. Và từ đó nghĩa trang trở thành một vườn chơi cho trẻ em. Người sống và người chết đã có một sự giao lưu mới và cuộc đời bỗng nhân ái hơn.

Tôi mong là mẹ tôi cũng vậy. Nhờ những người bạn kiến trúc giúp thể hiện trên bản vẽ những ý nghĩ của tôi và cũng là tâm hồn của chính mẹ tôi, chúng tôi đã có được một giường nằm cho mẹ thật nhàn nhã, nhẹ nhàng và thanh thoát. Ðó không phải là một ngôi mộ mà chỉ là nơi yên nghỉ của một con người. Ở đó không có dấu vết u ám của cái chết mà chỉ là lời từ biệt của một con người đã có lời hứa với riêng tôi sẽ còn gặp nhau ở năm 2000.

Kiến trúc không chỉ là cái đẹp mà phải mang trong nó lòng nhân ái nữa. Nghĩa là một cái đẹp có tâm hồn.

Trịnh Công Sơn
Tháng 12 . 1991

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Ba loại thông tin và văn minh thông tin của một xã hội


Nhiều khi tôi cứ tự hỏi: chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng (hoặc là gần phẳng) về mặt thông tin, nhưng liệu con người có Phẳng về văn minh thông tin?

Tôi cứ tạm chia thông tin thành ba loại:

-         Loại thứ nhất là những thứ mà khi ta nạp vào ta cảm thấy mình "nhớn lên", nghĩa là làm cho mình trí tuệ hơn, nhân văn hơn, Người hơn.

-         Loại thứ hai là những thông tin thuần túy chỉ để truyền tải thông tin như tin thời sự, thời tiết, thể thao, thị trường giá cả,..

-         Loại thứ ba là những thông tin mang tính giải trí, thậm chí đôi khi là để giết thời gian hay phung phí thời gian.

Từ đó, tôi cứ mường tượng ra thế này:

-         Xã hội nào mà người ta có xu hướng nạp vào người chủ yếu là loại thứ nhất, nghĩa là xã hội mà ở đó họ tôn vinh những cuốn sách quý chứa đựng trí tuệ của nhân loại, những tác phẩm văn học làm lay động lòng người, những sản phẩm nghệ thuật làm tăng tính nhân văn thì đó là một xã hội phát triển, văn minh.

-         Xã hội nào mà người ta chỉ chú trọng tới loại thông tin thứ hai, tức là những thông tin khô không khốc về cuộc sống quanh mình, về công việc thì đó là một xã hội khô cằn.

-         Xã hội nào mà xu hướng thông tin được ưa chuộng lại là loại thông tin thứ ba, là những thứ thông tin đánh vào bản năng "thấp" của con người như cướp - hiếp - giết, hay những trò giải trí chỉ nhằm phung phí thời gian thì đó là một xã hội suy đồi.

Nếu nhìn vào xu hướng thông tin của Việt Nam thì xã hội Việt Nam chúng mình đang ở dạng nào đây?

Mạnh Cường Lotus

Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2012

Ba dạng "tối" của con người


Con người có 3 dạng bị coi là "tối":

Thứ nhất là không biết những thứ cần phải biết;

Thứ hai là biết những thứ cần biết, nhưng lại biết sai;

Thứ ba là biết những thứ không nên biết (thậm chí không được phép biết).

Nếu chẳng may mà rơi vào trạng thái thứ nhất, thôi thì cứ ngậm miệng lại và nhận là mình "tối". Biết được mình như vậy chính là "sáng".

Nếu chẳng may rơi vào trạng thái thứ hai, đừng cố bảo thủ, hãy tự nhận mình là sai mà lắng nghe người khác. Tự chiến thắng được mình như vậy chính là "sáng".

Nếu chẳng may mà rơi vào trạng thái thứ ba. Tốt nhất là giả câm, giả điếc, giả mù. Điều khiển được mình như vậy chính là "sáng".

Nói vậy thôi, chứ tự thấy mình còn "tối" lắm.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Ba nguồn năng lượng nuôi con người


Có ba nguồn năng lượng nuôi sự sống của con người:

-         Thứ nhất là năng lượng vũ trụ, tức là năng lượng được tạo ra từ trái đất, mặt trời, mặt trăng và những tinh tú trong vũ trụ. Không chỉ cỏ cây mới thụ hưởng những năng lượng này mà bản thân con người cũng nhận được nó qua 7 luân xa trên cơ thể của con người. Đây là nguồn năng lượng mà ai cũng nạp - tuy ít nhiều có khác nhau - nhưng không phải ai cũng để ý.

-         Thứ hai là năng lượng vật chất, tức là năng lượng được chuyển hóa từ thức ăn, nước uống, không khí hít thở - tóm lại là tất cả những thứ được đưa vào con người qua miệng và mũi của chúng ta. Đây là nguồn năng lượng mà ai cũng biết và ai cũng phải "nạp" để sống.

-         Thứ ba là năng lượng tinh thần, tức là năng lượng được phát ra từ cái tâm của người này và tác động vào người khác. Cũng có người gọi đây là cái vía. Cái tâm của con người như cột ăng ten để phát và thu cái năng lượng này.

Nếu chỉ sống bằng nguồn năng lượng thứ nhất, ta sẽ thành cỏ cây. Nếu thêm nguồn năng lượng thứ hai ta sẽ...tồn tại. Còn chính nguồn năng lượng thứ ba sẽ là nguồn tạo nên cái Hồn của con người.

Một em bé từ khi nằm trong bụng mẹ đến khi chào đời đâu phải chỉ sống qua nhau thai hay từ nguồn sữa mẹ, mà em đã được nuôi dưỡng bằng sự yêu thương của mẹ - một thứ năng lượng tinh khiết đến tuyệt vời.

Đến khi lớn lên, con người bắt đầu chịu sự va đập và nhiễu loạn của các nguồn năng lượng phát ra từ những con người khác nhau: Những tình cảm yêu thương, biết ơn sẽ tạo nên những năng lượng "sạch", còn những tình cảm thù ghét, đố kị sẽ tạo nên những năng lượng "bẩn".

Thời đại ngày nay, người ta đã để ý hơn đến cái "sạch" của nguồn năng lượng đến từ đồ ăn, thức uống và không khí hít thở, nhưng không nhiều người để ý đến cái "sạch" của nguồn năng lượng tinh thần.

Tôi luôn tin rằng nguồn năng lượng "sạch" được phát ra từ tình yêu thương và biết ơn mới là nguồn năng lượng quý giá nhất để nuôi dưỡng Con Người.

Đây là sự chiêm nghiệm của tôi trong cuộc sống. Chân thành mong những ai đọc những dòng này hãy cùng nhau tạo nên một trường năng lượng "sạch" cho mình và cho mọi người để cuộc sống trường tồn và Người hơn.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

Bi kịch của một "Người thành công"




Tôi biết anh từ khi ở phổ thông. Cho đến khi vào học ở Đại học kinh tế quốc dân, với bản chất chăm chỉ, cộng thêm chút thông minh nên kết quả học tập của anh khá tốt. Bởi vậy, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã được một ngân hàng thương mại nằm trong top 5 của Việt Nam nhận vào làm việc. Trong bối cảnh nhân lực ngành ngân hàng đang thiếu trầm trọng, anh được đề bạt rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh sinh viên thuở nọ đã trở thành một trưởng phòng nghiệp vụ của ngân hàng nơi anh làm việc. Rồi những năm 2006 - 2007 khi chứng khoán của Việt Nam bùng nổ, anh được giao quản lý một cái quỹ nho nhỏ của ngân hàng để tham gia thị trường chứng khoán.

Anh đã sống trong ánh hào quang của chiến thắng khi quỹ anh quản lý ăn nên làm ra khi mà tính trên sổ sách thì số tiền lãi cũng kha khá. Rồi bạn bè, người thân, họ hàng mê tín anh, gửi anh tiền để nhờ anh đầu tư hộ hoặc tìm đến anh xin anh cho "lời vàng ý ngọc" về mua gì bán gì trên sàn chứng khoán. Trong mắt mọi người, anh như một thiên tài về kinh doanh chứng khoán. Cái sự ngưỡng mộ của mọi người đã bốc anh lên mấy xanh để rồi một ngày kia, anh nghĩ anh là thiên tài thật. Anh bắt đầu đi đứng, nói năng như một nhà đầu tư tài ba và thành đạt. Không những vậy, anh thường dạy người này thế này, giảng cho người kia thế kia. Nói chung là có dịp "nổ" là anh "nổ", có dịp "show" là anh "show".

Thời điểm đó không biết anh có nghe thấy không chứ hàng ngày đi làm tôi vẫn nghe thấy bà bán nước chè chén ở trước cửa nhà tôi cũng "nổ" về chứng khoán ghê lắm, cứ như là chuyên gia đại tài ấy. Và nghe đâu cái anh xe ôm đầu phố cũng kiếm được một "con xe Tàu" từ mấy cái mã chứng khoán mà anh mua mua bán bán theo đám đông ấy.

Anh bắt đầu học cách làm "đại gia": anh tậu một cái ô tô nghe nói xịn lắm (nó có cái mác gì nghe khó phát âm lắm chứ không phải là Toyota đâu). Rồi anh cũng vứt bỏ cái môn cầu lông anh chơi hàng chục năm nay để vác gậy lên sân golf cùng với mấy "đại gia".

Thế rồi sóng gió chứng khoán bắt đầu nổi lên. Nghe nói là bà bán nước và anh xe ôm đều kịp chạy hết "hàng" cả nên vẫn cười phe phé. Trong khi đó, anh vẫn thức thâu đêm để giở hết sách nọ sách kia ra, rồi chạy các chương trình tính toán nghe nói hiện đại lắm để xem phải làm gì. Kết quả là hầu như anh chẳng kịp xử lý gì cả, "hàng" của anh cũng như của Quỹ bị "kẹt" nhiều lắm. Quỹ mà anh được giao quản lý nghe nói đâu mất đến hơn một nửa vốn. Chưa hết, cũng khoảng tỷ lệ như vậy là khoản mất đi của tiền đầu tư mà bao người đã giao cho anh quản hộ.

Ngân hàng buộc anh thôi việc. Cũng may mà họ không bắt đền anh về cái khoản lỗ quá lớn của cái quỹ mà anh được giao quản lý.

"Nghỉ thì nghỉ, không thèm, mình là nhà đầu tư tài ba cơ mà! Cái quả mất vừa rồi chẳng qua là do thị trường thôi". Anh nghĩ như vậy và lại dồn bao nhiêu tiền còn lại lao vào đầu tư những bussiness mới. Nhưng rồi lại thất bại nối tiếp thất bại. Số phận chưa thấy mỉm cười với anh lần thứ hai.

Trong lần gặp anh gần đây ở một quán cafe, tôi thấy anh đầu vẫn vuốt keo hất lên, mặc bộ comple sẫm màu đắt tiền mà anh mua từ cái hồi anh còn là quản lý quỹ ấy, nghĩa là vẫn cố gắng giữ hình ảnh của một "đại gia", nhưng mắt thì thâm quầng, khuôn mặt lộ rõ vể hốc hác. Anh nói say sưa về ý tưởng mới, vẽ ra viễn cảnh một bussiness thành công. Anh không quên dùng lý thuyết nọ, sách vở kia để bảo vệ ý tưởng của mình và khi trình bày lại thỉnh thoảng chêm thêm mấy câu tiếng Tây. Tôi liếc nhìn sang bàn bên cạnh thấy mấy cô cậu trông có vẻ như sinh viên mới ra trường cứ vểnh tai lên nghe trộm lời anh nói với vẻ mặt và ánh mắt đầy thán phục. Chắc anh cũng nhận ra điều đó nên thấy giọng anh có vẻ ngày càng "máu" hơn.

Tôi buộc phải ngắt lời anh: "Thế cậu có nghĩ cậu thực sự là doanh nhân tài ba không?". Im lặng. "Thế cậu có nghĩ là cậu có đủ khả năng và đủ điều kiện để đưa những ý tưởng và kế hoạch của cậu tới thành công không?". Im lặng. “Cậu có tin cậu là, phải là, hay xứng tầm là một đại gia không?”. Im lặng. Câu hỏi cuối cùng: "Bây giờ, cậu có dám ngồi lên cái xe máy cà tàng của tôi đi làm không?". Im lặng. Hỏi thêm: “Vợ con độ này thế nào?”. Anh khóc.

Thôi, khỏi cần kể tiếp. Tôi chỉ cố gắng đưa anh ấy ra khỏi cơn say. Tiếc cho anh ấy. Giá mà anh ấy cứ tiếp tục làm cái công việc ngày xưa thì tôi tin là với bản chất chăm chỉ, cần cù và trí tuệ, kiến thức không đến nỗi tồi, anh ấy sẽ thành công hơn và hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Hai chữ "thành công" đến một cách bỗng dưng đã giết chết cái con người thật trong anh mà tôi từng biết.

Đôi lời bình:

-      Điều một: ở đời khi thấy "bỗng dưng thành công" thì hãy tỉnh táo để nhận biết đâu là phần do "lộc Trời" mang lại, đâu là phần do khả năng của ta làm nên.

-      Điều hai: ở đời khi thấy "bỗng dưng mình thành thần tượng" thì hãy tỉnh táo để nhận biết đâu là ảo giác, đâu là con người thật của mình.

-      Điều ba: nếu chẳng may đã bị rơi vào cạm bẫy của ảo giác rằng mình là thiên tài (hay là một danh hão nào đó) thì phải dũng cảm tẩy khỏi não trạng của mình cái ảo giác đó và hãy tự nói với mình rằng mình không phải là người đó và cố gắng trở lại với con người thật của mình. 

Và, khi đã trở lại thật với mình rồi thì cuộc sống sẽ lại yên ả hơn, bền vững hơn và hạnh phúc hơn.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Ba điều cần có để thành công

Có lẽ hiếm có ai trong đời lại chưa từng tự đặt cho mình câu hỏi: làm thế nào để thành công? Thành công ở đây không nhất thiết phải là một cái gì to tát như làm thế nào để trở thành "đại gia", mà nhiều khi chỉ là một việc "nhỏ như con thỏ", ví dụ như làm thế nào để nấu được một nồi cơm (tức là làm thế nào để thành công trong việc nấu được một nồi cơm ngon).

Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi này. Nhiều người cho rằng cứ cố gắng, cứ kiên trì là được. Có người lại bảo thành công là do "số Trời".

Tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi, tự trải nghiệm, rồi quan sát thành công của người khác, đúc kết và rồi chiêm nghiệm. Cuối cùng tôi rút ra rằng: muốn thành công phải hội tụ đủ ba điều kiện:

-         Thứ nhất là KHẢ NĂNG làm việc đó;
-         Thứ hai là MONG MUỐN làm việc đó;
-         Thứ ba là ĐIỀU KIỆN ngoại cảnh để làm việc đó (kể cả cái "duyên" tôi cũng coi là điều kiện).

Trong ba cái trên thì cái thứ nhất và cái thứ hai là chủ quan, còn cái thứ ba là khách quan.

Tôi đã cố tìm để xem có điều kiện thứ tư gì không thì chưa thấy. Và tôi cũng thử quan sát trong cuộc sống thì cũng chưa thấy một trường hợp nào thiếu một, thậm chí một nửa trong số ba điều kiện trên mà thành công cả.

Nếu ai chỉ cho tôi một trường hợp nào trong đời thành công mà thiếu một, thậm chí một nửa trong số ba điều kiện trên thì tôi xin tôn làm sư phụ. Còn nếu ai chỉ ra cho tôi rằng cần một điều kiện thứ tư nào đó thì mới thành công thì tôi cũng xin cắp sách theo học cho sáng dạ thêm.

Hãy thử nhìn những thành công và thất bại quanh ta xem có đúng không nhé:

-         Tại sao Bill Gates và Steve Jobs thành công? Bởi vì thứ nhất, hai con người này có một niềm đam mê cháy bỏng về việc thay đổi thế giới bằng công nghệ tin học (yếu tố Muốn làm); Thứ hai, đây là hai con người giỏi kiệt xuất. Họ không chỉ là những thiên tài về công nghệ thông tin, mà còn ở khả năng thu hút các nhân tài cùng làm việc với họ (yếu tố Khả năng); Thứ ba, cả hai cá nhân và hai công ty của họ đều hoạt động tại Mỹ, nơi có đầy đủ các điều kiện về khoa học, tài chính, nhân lực, thị trường để hỗ trợ cho những ý tưởng sáng tạo của họ (yếu tố Điều kiện).

-         Tại sao Vinashin lại thất bại? Thứ nhất, thật khó phân biệt đâu là khát vọng xây dựng một "quả đấm thép" về kinh tế và đâu là sự ham hố bòn rút của công, vun vén lợi ích cá nhân. Khi những cái "muốn" chung và cái "muốn" riêng nó đồng sàng dị mộng thì cái yếu tố "Muốn" đầu tiên đã bị trục trặc rồi. Thứ hai, có sự thổi phồng thái quá về năng lực trên tất cả các mặt: từ năng lực khoa học-kỹ thuật, tới năng lực quản lý, năng lực kinh tế và nói gọn lại là năng lực con người. Theo tôi, yếu tố "Khả năng" đã bị thiếu một cách trầm trọng. Thứ ba, Vinashin xét về tất cả các mặt thì là một tập đoàn kinh tế khổng lồ, nhưng phải hoạt động trong một môi trường đầy rủi ro về chính sách. Đặc biệt, khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 như một cú nốc ao đối với tập đoàn này. Như vậy, yếu tố "Môi trường" là đầy bất lợi. Than ôi, thiếu một nửa điều kiện thì thành công đã là khó lắm rồi, mà đây lại thiếu một cách "trọn bộ" cả ba thì không thất bại mới là lạ.

-         Tại sao Giáo sư Ngô Bảo Châu thành công? Thứ nhất, GS Châu là một tài năng toán học bẩm sinh (yếu tố Khả năng). Thứ hai, GS Châu là một người yêu toán và nghiên cứu toán đến mức đam mê (yếu tố Muốn). Thứ ba, GS được hưởng môi trường nghiên cứu tuyệt vời của trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp (yếu tố Môi trường). Tôi không phải là người sính ngoại, nhưng tôi chủ quan cho rằng nếu GS Châu chỉ nghiên cứu ở Việt Nam không thôi thì khả năng đạt được Huy chương Fields về toán học là khó. Cả ba điều kiện hội tụ ở GS Châu có thể nói đều ở "đỉnh" cả nên GS đạt được "đỉnh" là điều dễ hiểu.

-         Tại sao một người X thường thường bậc trung lại có thể dễ dàng "thành công" trong việc lấy được bằng cấp này nọ, thậm chí danh hiệu khoa học sáng giá tại Việt Nam? Bởi vì thứ nhất, họ rất cần cái bằng đó, vì cái bằng hay cái danh hiệu dù là "hão" đi chăng nữa sẽ rất cần để họ thăng tiến (yếu tố Muốn). Thứ hai, họ có đủ tiền, thậm chí là thừa tiền và rất nhiều mối quan hệ để có thể "chạy" được cái bằng hay cái danh hão (yếu tố Khả năng). Thứ ba, một xã hội vẫn luôn cổ súy, thậm chí tôn sùng cái bằng cấp và danh hão, một xã hội mà khắp nơi có thể tìm thấy những người sẵn sàng "bán" những cái bằng cấp và danh hão thì đó là một môi trường tuyệt vời cho sự sinh sôi, nảy nở những bằng cấp và danh hão (yếu tố Môi trường). Nhiều người có thể thấy đây là một sự thất bại của xã hội trên con đường phát triển, nhưng đối với bản thân người X thì việc mua được một bằng cấp hay một danh hão thì đó là thành công của người X đó rồi.

Thế nhé, cứ như vậy, mọi người có thể cứ chiếu vào ba điều kiện tôi nêu lần trước mà phân tích thì sẽ rút ra rất nhiều điều thú vị từ những thành công và thất bại quanh ta.

Nhưng cái thông điệp tôi muốn chuyển tải ở bài này không phải là kêu gọi các bạn đi sưu tầm thành công và thất bại, mà là chỉ thử phân tích để biết thành công tại sao và thất bại cũng tại sao. Hãy đừng bắt đầu từ cái gì to tát, hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhất như: Tại sao mình nấu nồi cơm chưa chín nhỉ? Tại sao bài kiểm tra mình chưa đạt điểm cao nhỉ? Tại sao cô ấy lại không yêu mình nhỉ? Mình định chung với bạn mở một cửa hiệu bán quần áo thời trang, thử đánh giá khả năng thành công xem sao?...

Mình phân tích nhiều rồi thì nó sẽ trở thành một phản xạ trong mình để mỗi khi cần hoạch định một việc gì đó, chỉ cần thoáng qua, các bạn đã có thể đánh giá được gần đúng rằng cái mình định hoạch định sẽ thành công hay thất bại. Đó là một kỹ năng tôi nghĩ là hữu ích nếu mình sở hữu nó.

Thế nên, mỗi khi không hay chưa thành công một cái gì đó, hãy tự chiếu vào ba điều kiện trên để tự biết đó là do đâu. Hiểu được điều đó thì con đường phía trước sẽ sáng hơn.

Mạnh Cường Lotus