Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Ba điều cần có để thành công

Có lẽ hiếm có ai trong đời lại chưa từng tự đặt cho mình câu hỏi: làm thế nào để thành công? Thành công ở đây không nhất thiết phải là một cái gì to tát như làm thế nào để trở thành "đại gia", mà nhiều khi chỉ là một việc "nhỏ như con thỏ", ví dụ như làm thế nào để nấu được một nồi cơm (tức là làm thế nào để thành công trong việc nấu được một nồi cơm ngon).

Có nhiều cách trả lời cho câu hỏi này. Nhiều người cho rằng cứ cố gắng, cứ kiên trì là được. Có người lại bảo thành công là do "số Trời".

Tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi, tự trải nghiệm, rồi quan sát thành công của người khác, đúc kết và rồi chiêm nghiệm. Cuối cùng tôi rút ra rằng: muốn thành công phải hội tụ đủ ba điều kiện:

-         Thứ nhất là KHẢ NĂNG làm việc đó;
-         Thứ hai là MONG MUỐN làm việc đó;
-         Thứ ba là ĐIỀU KIỆN ngoại cảnh để làm việc đó (kể cả cái "duyên" tôi cũng coi là điều kiện).

Trong ba cái trên thì cái thứ nhất và cái thứ hai là chủ quan, còn cái thứ ba là khách quan.

Tôi đã cố tìm để xem có điều kiện thứ tư gì không thì chưa thấy. Và tôi cũng thử quan sát trong cuộc sống thì cũng chưa thấy một trường hợp nào thiếu một, thậm chí một nửa trong số ba điều kiện trên mà thành công cả.

Nếu ai chỉ cho tôi một trường hợp nào trong đời thành công mà thiếu một, thậm chí một nửa trong số ba điều kiện trên thì tôi xin tôn làm sư phụ. Còn nếu ai chỉ ra cho tôi rằng cần một điều kiện thứ tư nào đó thì mới thành công thì tôi cũng xin cắp sách theo học cho sáng dạ thêm.

Hãy thử nhìn những thành công và thất bại quanh ta xem có đúng không nhé:

-         Tại sao Bill Gates và Steve Jobs thành công? Bởi vì thứ nhất, hai con người này có một niềm đam mê cháy bỏng về việc thay đổi thế giới bằng công nghệ tin học (yếu tố Muốn làm); Thứ hai, đây là hai con người giỏi kiệt xuất. Họ không chỉ là những thiên tài về công nghệ thông tin, mà còn ở khả năng thu hút các nhân tài cùng làm việc với họ (yếu tố Khả năng); Thứ ba, cả hai cá nhân và hai công ty của họ đều hoạt động tại Mỹ, nơi có đầy đủ các điều kiện về khoa học, tài chính, nhân lực, thị trường để hỗ trợ cho những ý tưởng sáng tạo của họ (yếu tố Điều kiện).

-         Tại sao Vinashin lại thất bại? Thứ nhất, thật khó phân biệt đâu là khát vọng xây dựng một "quả đấm thép" về kinh tế và đâu là sự ham hố bòn rút của công, vun vén lợi ích cá nhân. Khi những cái "muốn" chung và cái "muốn" riêng nó đồng sàng dị mộng thì cái yếu tố "Muốn" đầu tiên đã bị trục trặc rồi. Thứ hai, có sự thổi phồng thái quá về năng lực trên tất cả các mặt: từ năng lực khoa học-kỹ thuật, tới năng lực quản lý, năng lực kinh tế và nói gọn lại là năng lực con người. Theo tôi, yếu tố "Khả năng" đã bị thiếu một cách trầm trọng. Thứ ba, Vinashin xét về tất cả các mặt thì là một tập đoàn kinh tế khổng lồ, nhưng phải hoạt động trong một môi trường đầy rủi ro về chính sách. Đặc biệt, khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 như một cú nốc ao đối với tập đoàn này. Như vậy, yếu tố "Môi trường" là đầy bất lợi. Than ôi, thiếu một nửa điều kiện thì thành công đã là khó lắm rồi, mà đây lại thiếu một cách "trọn bộ" cả ba thì không thất bại mới là lạ.

-         Tại sao Giáo sư Ngô Bảo Châu thành công? Thứ nhất, GS Châu là một tài năng toán học bẩm sinh (yếu tố Khả năng). Thứ hai, GS Châu là một người yêu toán và nghiên cứu toán đến mức đam mê (yếu tố Muốn). Thứ ba, GS được hưởng môi trường nghiên cứu tuyệt vời của trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp (yếu tố Môi trường). Tôi không phải là người sính ngoại, nhưng tôi chủ quan cho rằng nếu GS Châu chỉ nghiên cứu ở Việt Nam không thôi thì khả năng đạt được Huy chương Fields về toán học là khó. Cả ba điều kiện hội tụ ở GS Châu có thể nói đều ở "đỉnh" cả nên GS đạt được "đỉnh" là điều dễ hiểu.

-         Tại sao một người X thường thường bậc trung lại có thể dễ dàng "thành công" trong việc lấy được bằng cấp này nọ, thậm chí danh hiệu khoa học sáng giá tại Việt Nam? Bởi vì thứ nhất, họ rất cần cái bằng đó, vì cái bằng hay cái danh hiệu dù là "hão" đi chăng nữa sẽ rất cần để họ thăng tiến (yếu tố Muốn). Thứ hai, họ có đủ tiền, thậm chí là thừa tiền và rất nhiều mối quan hệ để có thể "chạy" được cái bằng hay cái danh hão (yếu tố Khả năng). Thứ ba, một xã hội vẫn luôn cổ súy, thậm chí tôn sùng cái bằng cấp và danh hão, một xã hội mà khắp nơi có thể tìm thấy những người sẵn sàng "bán" những cái bằng cấp và danh hão thì đó là một môi trường tuyệt vời cho sự sinh sôi, nảy nở những bằng cấp và danh hão (yếu tố Môi trường). Nhiều người có thể thấy đây là một sự thất bại của xã hội trên con đường phát triển, nhưng đối với bản thân người X thì việc mua được một bằng cấp hay một danh hão thì đó là thành công của người X đó rồi.

Thế nhé, cứ như vậy, mọi người có thể cứ chiếu vào ba điều kiện tôi nêu lần trước mà phân tích thì sẽ rút ra rất nhiều điều thú vị từ những thành công và thất bại quanh ta.

Nhưng cái thông điệp tôi muốn chuyển tải ở bài này không phải là kêu gọi các bạn đi sưu tầm thành công và thất bại, mà là chỉ thử phân tích để biết thành công tại sao và thất bại cũng tại sao. Hãy đừng bắt đầu từ cái gì to tát, hãy bắt đầu từ những cái nhỏ nhất như: Tại sao mình nấu nồi cơm chưa chín nhỉ? Tại sao bài kiểm tra mình chưa đạt điểm cao nhỉ? Tại sao cô ấy lại không yêu mình nhỉ? Mình định chung với bạn mở một cửa hiệu bán quần áo thời trang, thử đánh giá khả năng thành công xem sao?...

Mình phân tích nhiều rồi thì nó sẽ trở thành một phản xạ trong mình để mỗi khi cần hoạch định một việc gì đó, chỉ cần thoáng qua, các bạn đã có thể đánh giá được gần đúng rằng cái mình định hoạch định sẽ thành công hay thất bại. Đó là một kỹ năng tôi nghĩ là hữu ích nếu mình sở hữu nó.

Thế nên, mỗi khi không hay chưa thành công một cái gì đó, hãy tự chiếu vào ba điều kiện trên để tự biết đó là do đâu. Hiểu được điều đó thì con đường phía trước sẽ sáng hơn.

Mạnh Cường Lotus

2 nhận xét:

  1. Em cám ơn thầy về điều này. Đây chính là thứ thực sự cần thiết cho em bây giờ.
    Học trò của thầy. hi2

    Trả lờiXóa
  2. Cháu rất thích ý nghĩa của bài này!

    Trả lờiXóa