Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Hiệp định FTA thế hệ mới là gì?

Thời gian gần đây, chúng ta thường nghe tới một thuật ngữ mới là “Các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới”. Vậy FTA thế hệ mới là FTA như thế nào?

Khá nhiều người bị nhầm lẫn khái niệm “mới” và “thế hệ mới”. “Thế hệ mới” thì chắc là phải là “mới” rồi, nhưng “mới” chưa chắc đã là “thế hệ mới”. Ví dụ, xe ô tô Toyota Camry mới sản xuất năm 2018 có đôi chút thay đổi về mẫu mã hay cải tiến một vài chi tiết so với Camry sản xuất năm 2015 nhưng đó chỉ là phiên bản mới (phiên bản 2018) của một Camry truyền thống chứ không phải là ô tô thế hệ mới. Còn một chiếc xe ô tô được sản xuất năm 2018 mà là loại tự điều khiển không có người lái thì đó đích thị là xe ô tô thế hệ mới.

Đối với các FTA thì tiêu chí đánh giá cũng tương tự như vậy.

Theo tôi thì FTA thế hệ mới có 4 đặc trưng cơ bản sau: thứ nhất là mức độ cam kết rộng nhất, bao gồm gần như toàn bộ hàng hóa và dịch vụ mà không có loại trừ; thứ hai là mức độ cam kết sâu nhất, cắt giảm thuế gần như về 0% hết mà không có loại trừ (tất nhiên có thể có lộ trình); thứ ba là cơ chế thực thi cực kỳ chặt chẽ; và thứ tư là nó bao gồm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như lao động, môi trường, doanh ghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa,..Trong 4 đặc trưng trên thì 3 đặc trưng 1,2 và 3 chỉ là việc “nâng cấp” các FTA truyền thống, còn riêng đặc trưng thứ tư thì đúng là cái mà nó làm nên sự khác biệt của một thế hệ FTA (cũng tương tự như chuyển từ thế hệ ô tô có người lái sang ô tô không có người lái vậy).

Nếu căn cứ vào những đặc trưng trên để xác định một FTA thế hệ mới thì trong số 17 FTA mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia (10 cái đã phê chuẩn và đang thực hiện, 4 cái đã kết thúc đàm phán đang đợi ký và phê chuẩn và 3 cái đang đàm phán) thì chỉ có 3 FTA được coi là thế hệ mới là TPP, CPTPP và FTA với EU (EVFTA). Có FTA có vẻ cũng cực kỳ “đồ sộ”, “hoành tráng” như Hiệp định RCEP (Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) gồm 16 nước (10 nước ASEAN và 6 nước đối tác) nhưng nếu căn cứ vào nội hàm của nó thì FTA này mặc dù là sẽ được “sinh ra” sau TPP và EVFTA nhưng cũng chưa được coi là FTA “thế hệ mới”, thậm chí nếu hiệp định này đạt được mức độ “tiên tiến” của FTA thế hệ cũ thì cũng đã là một tham vọng lớn rồi.

Về mặt học thuật, nếu ta đã nói “thế hệ mới” thì sẽ có người hỏi vậy thế hệ mới này là thế hệ thứ mấy và trước đó là những thế hệ nào?

Tôi thì chưa thấy ai đưa ra một định nghĩa phân định rạch ròi về các thế hệ FTA, nhưng tôi chỉ đề cập ở đây sự phát triển của FTA qua các thời kỳ.

FTA nguyên thủy ban đầu chỉ là cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa (thương mại hàng hóa). Sau đó nâng lên là thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ. Rồi sau đó các FTA lại được nâng cấp lên tiếp bằng cách bổ sung thêm cấu phần bảo hộ đầu tư và sau này thì bổ sung thêm sở hữu trí tuệ. Mô hình FTA gồm 3 - 4 cấu phần như trên được coi là khá phổ biến cho tới khi xuất hiện FTA thế hệ mới như đã nói ở phần trên.

Cũng có thể có một cách định nghĩa khác đơn giản hơn, đó là những FTA nào mà cao hơn và rộng hơn hẳn WTO (tôi nhấn mạnh là hơn hẳn chứ không chỉ là hơn một chút) thì đó là FTA thế hệ mới.

Tóm lại, trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, khi chúng ta nói tới FTA thế hệ mới thì đó chính là nói tới 2 FTA là CPTPP (mà tiền thân của nó là TPP) và FTA với EU.

Nói như vậy thì chúng ta mới cảm nhận được việc Quốc hội sắp bấm nút thông qua CPTPP nó có ý nghĩa lớn như thế nào.


Mạnh Cường

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Ý nghĩa của ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực: 30-12-2018

Có người thắc mắc là tại sao ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực lại là ngày 30-12-2018 mà không phải là ngày 1-1-2019 vì ngày 30-12 nghe nó cứ "lửng lơ" thế nào ấy. Sao không tính toán để nó có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 thì có vẻ "đẹp" hơn không.

Đồng ý là theo thỏa thuận thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày tính từ ngày mà nước thứ sáu thông báo việc hoàn tất thủ tục phê chuẩn với nước được phân công đăng ký lưu chiểu là New Zealand. Thế nên Australia thông báo với New Zealand vào ngày 31/10 thì cứ cộng 60 ngày thì ra 30/12/2018. Nhưng về nguyên tắc thì Australia hoàn toàn có thể thông báo với NZ chậm hơn 2 ngày, tức thông báo vào ngày 2/11 thì khi đó CPTPP sẽ có hiệu lực chính xác là vào ngày 1-1-2019.

Thực ra vấn đề ở đây không phải là chọn ngày "đẹp" theo nghĩa của con số, mà Australia (cũng như New Zealand và Ca na da trước đó) đã chọn ngày 31-10-2018 là ngày quá "đẹp"

Lý do là thế này:

Việc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa trong CPTPP sẽ được thực hiện theo lộ trình từng năm, mà lộ trình này được tính theo năm của lịch, bắt đầu từ 1/1 hàng năm và kết thúc vào 31/12 hàng năm.

Thế nên bằng việc có hiệu lực vào ngày 30/12/2018, Hiệp định CPTPP đã chính thức thực hiện gói giảm thuế đầu tiên vào năm 2018 và gói giảm thuế này sẽ được thực hiện trong đúng một ngày, đó là ngày 31/12/2018.

Ngay ngày tiếp theo, tức ngày 1/1/2019 thì Hiệp định CPTPP sẽ bước sang năm thứ hai và từ ngày 1/1/2019 gói giảm thuế thứ hai chính thức có hiệu lực.

Như vậy là nếu Australia thông báo với New Zealand muôn hơn chỉ 2 ngày thôi thì lộ trình cắt giảm thuế của toàn bộ CPTPP sẽ bị chậm hơn 1 năm.

Với ý nghĩa như vậy thì mới thấy là ngày Australia thông báo với New Zealnd vừa qua là ngày "quá đẹp" xét từ góc độ thúc đẩy tự do thương mại.

Nhân đây thì nói rõ thêm chuyện có liên quan: không phải nội dung nào cũng áp dụng cách tính năm là theo năm của lịch, mà có những nội dung cam kết lại được tính theo năm chính xác đến ngày. Ví dụ: ngày có hiệu lực đối với nước A là ngày 15/11/2018 thì phải đến 15/11/2019 thì mới được tính là hết năm thứ nhất. Trong trường hợp đó, lời văn của Hiệp định sẽ dùng là "kê từ ngày kỷ niệm tròn năm ngày có HĐ có hiệu lực lần thứ nhất đến ngày kỷ niệm tròn năm lần thứ hai..." (after the first anniversary....).

Nôm na cách tính năm cắt gảim thuế tương tự như cách tính tuổi để trẻ đi học. Còn cách tính năm để áp dụng cho một số cam kết cụ thể thì tính theo năm để mừng sinh nhật nếu trong cam kết nói rõ cách tính như vậy. Nói vậy cho dễ hiểu.

Đôi lời phục vụ bạn nào quan tâm.

Chúc các bạn một ngày vui và cũng nhau đón chờ ngày Quốc hội bấm nút phê chuẩn CPTP


Mạnh Cường