Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Đọc MÁI NHÀ của Trịnh Công Sơn


Nói tới Trịnh Công Sơn, người ta thường liên tưởng tới hàng trăm bài hát để đời của Ông. Mỗi bài hát của Ông là một lời tâm sự về cõi đời, về thân phận con người. Những lời tâm sự của Ông rất mộc mạc, rất đời nhưng người ta vẫn thấy đó là những lời được chưng cất từ xúc cảm của một trái tim nhân hậu và một khối óc tường minh. Những tâm sự đó của Ông không phải chỉ được thể hiện trong những bài hát, mà đôi khi Ông cũng viết nó ra đâu đó, dường như chỉ để cho Ông.

Tôi đã nhiều lần đọc đoạn tâm sự mang tên "Mái nhà" Ông viết cuối năm 1991. Càng đọc, càng nghiền ngẫm càng thấy cảm phục một Trái tim nhân hậu. Càng đọc, càng nghiền ngẫm càng thấy trân trọng hơn những giá trị của một mái ấm theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Một điều cảm động nữa là khi đọc đoạn cuối tâm sự này của Ông, mới giật mình nhận ra là ngay từ 1991, ông đã hẹn với mẹ Ông là năm 2000 ông sẽ về với mẹ. Vậy mà đúng 10 năm sau, dường như là định mệnh, ngày 1/4/2001 Ông đã mãi mãi về với mẹ.

Xin chia sẻ với mọi người nguyên văn bài "Mái nhà" của Trịnh Công Sơn để chúng ta cùng ngẫm.

MÁI NHÀ

Hình như chữ "quê nhà" phải được hiểu là ở quê hương đó có một mái nhà của mình. Vì có một mái nhà nên dù lưu lạc ở nơi đất khách quê người thường vẫn có một nỗi hoài hương. Muốn về để được đặt bàn chân lên thềm, để ngắm nhìn lại những kỷ niệm đã trở thành linh hồn của mỗi nơi nằm, ngồi, đi, đứng.

Căn nhà có thể nhỏ, lớn, rộng, hẹp nhưng những kích thước ấy phải mang đầy đủ linh hồn của mỗi đời người mới khiến mình tìm được đầy đủ sự yên lành khi trở về.

Mỗi căn nhà, khi có điều kiện, thường phải là một phản ánh gần như trung thực tâm hồn của con người cư ngụ trong nó.

Có người khách lạ đến nhà chỉ cần nhìn kiến trúc và cách bày biện, sắp xếp trong nhà - architecture et décor intérieur, có thể biết ngay chủ nhân của nó là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội.

Trong những ngày bão giông, nắng cháy, mưa dầm, không thể nào không thấy gợn lên trong lòng một nỗi biết ơn thầm kín dành cho người đã nghĩ ra một nơi cư trú cho con người.

Không có bất cứ một sinh vật nào trên mặt đất này mà không có một nơi chốn cư ngụ riêng. Từ loài có cánh cho đến loài đi trên mặt đất rồi loài bơi lội dưới biển sông.

Con người vì một sự thông minh thiên phú đã biết biến nơi cõi tạm này thành một chốn cư trú đầy huyễn hoặc. Nhà cửa, đền đài trên mặt đất cứ theo thời gian mà lung linh, biến hóa, thay hình đổi dạng theo sự sáng tạo của con người.

Mái nhà là một tiếng có một âm vang tình cảm sâu kín trong lòng mỗi con người. Chỉ có ở đó mình mới tìm thấy được mình đầy đủ nhất. Ðó là cái nôi thứ hai ru mỗi đời người khi lớn lên. Vì vậy mỗi người phải cố gắng đừng bao giờ để dưới mái nhà ấy có một địa ngục. Vẫn có những kẻ đã rời bỏ mái nhà đi không một chút tiếc thương nhưng kể từ đó trong tâm hồn người ấy sẽ không bao giờ còn sự bình an nữa.

Rứt bỏ mái nhà để ra đi cũng như phụ rẫy một tình yêu. Mái nhà ở lại hoàn toàn vô tội. Mái nhà vẫn chờ cửa để đón người trở về nhưng người ra đi thì không bao giờ kéo được mái nhà về với mình nữa.

Có được một mái nhà riêng trong lúc sống là một hạnh phúc. Nhất là mái nhà ấy là hình ảnh của chính mình.

Trong những ngày cuối năm này tôi cùng mấy người em suốt ngày đứng trông coi những người thợ xây mộ cho mẹ tôi. Mộ cũng là một thứ kiến trúc dùng làm nơi cư ngụ cho một người không còn sống.

Thường ở các nghĩa trang, mộ được xây theo một kiểu mẫu đồng dạng. Ðó là một loại nhà tập thể cho những người đã khuất. Nhìn vào thấy buồn, ngậm ngùi và sự vô nghĩa của cái chết càng vô nghĩa hơn.

Có một kiến trúc sư tôi không còn nhớ tên, cũng vì sự buồn bã trên, đã tự mình biến tất cả các ngôi mộ trong nghĩa trang mà anh có người thân đã mất thành những tảng màu đá ghép - mosaique. Và từ đó nghĩa trang trở thành một vườn chơi cho trẻ em. Người sống và người chết đã có một sự giao lưu mới và cuộc đời bỗng nhân ái hơn.

Tôi mong là mẹ tôi cũng vậy. Nhờ những người bạn kiến trúc giúp thể hiện trên bản vẽ những ý nghĩ của tôi và cũng là tâm hồn của chính mẹ tôi, chúng tôi đã có được một giường nằm cho mẹ thật nhàn nhã, nhẹ nhàng và thanh thoát. Ðó không phải là một ngôi mộ mà chỉ là nơi yên nghỉ của một con người. Ở đó không có dấu vết u ám của cái chết mà chỉ là lời từ biệt của một con người đã có lời hứa với riêng tôi sẽ còn gặp nhau ở năm 2000.

Kiến trúc không chỉ là cái đẹp mà phải mang trong nó lòng nhân ái nữa. Nghĩa là một cái đẹp có tâm hồn.

Trịnh Công Sơn
Tháng 12 . 1991

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét