Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Ôi kìa - Chơi luôn - Biết thế - Vô thường


Từ khi sinh ra, lớn lên và cho tới khi về với tổ tiên, thế giới trong mắt của một con người có những thay đổi. Cái thay đổi tôi nói đến ở đây không phải là sự thay đổi của bản thân thế giới, mà là sự thay đổi trong cách nhìn và cảm nhận thế giới của một con người.

Tôi tạm chia đời người làm 4 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất tính từ khi sinh ra đến trước khi bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành - cái tuổi mà ta cứ gọi là trẻ con ấy. Cái tuổi này là cái tuổi vô lo vô nghĩ. Mỗi ngày, cô hay cậu bé lại khám phá ra một điều mới lạ trong cái thế giới quanh mình, từ cái xúc xắc tại sao nó lại phát ra tiếng kêu, đến con chó tại sao lại đi bằng bốn chân; từ việc học một cộng một bằng hai cho tới việc tìm hiểu tại sao Bắc cực tại sao lại đóng băng quanh năm; từ chỗ thấy thế giới trên đời này chỉ có mẹ, đến lúc bắt đầu thấy có cả cô bạn cùng lớp hay mặc cái váy đỏ;...Ôi, thế giới là bao la, con người là thú vị, bao nhiêu thứ để khám phá, bao nhiêu thứ để tò mò.

Cái tầm tuổi này, tôi gọi là tầm tuổi “ Ôi, kìa!".

Giai đoạn thứ hai là khi con người bắt đầu ý thức được về cái suy nghĩ và hành động độc lập của mình. Bắt đầu xuất hiện những ước mơ, những ham muốn, đam mê cũng như những suy nghĩ tìm cách để đạt được ước mơ, ham muốn đó. Cuộc đời là phơi phới. Đây cũng là thời kỳ con người thường hay thích dùng cái món doping của thời đại, đó là "Yes, I can" - cái gì tôi cũng có thể làm được. Đây là lúc con người thấy thế giới là nhỏ bé, sức người là vô địch. Họ dám nghĩ, dám làm, và dám liều, dám cả điên.

Cái tầm tuổi này tôi gọi là tầm tuổi "Chơi luôn!".

Giai đoạn thứ ba là khi con người đã nếm trải cả quả ngọt và trái đắng của đời. Họ bắt đầu ngẫm về những ước mơ ngày hôm qua của mình. Trong họ có những tiếng cười sâu lắng xen vào là những nốt lặng và những tiếng thở dài. Họ bắt đầu nhận thấy chữ "hữu hạn" trong đời: vũ trụ là bao la, nhưng sức người là hữu hạn, đời người là hữu hạn. Con người đã Biết thêm nhiều thứ trong đời, trong đó có cả những thứ mà nếu được sống lại quá khứ thì họ sẽ làm hoặc không làm.

Cái tuổi này tôi gọi là tuổi "Biết thế!".

Giai đoạn thứ tư là khi con người bắt đầu bước vào tuổi xế chiều. Ở cái tuổi này, con người đi tìm sự bình yên chứ không phải sự náo nhiệt. Họ có xu hướng nhìn vào trong hơn là hướng ra ngoài. Những chủ đề về cao huyết áp, đường trong máu, men gan cao, xương khớp đau,... chiếm tỷ trọng khá lớn trong câu chuyện hàng ngày của họ. Và, điều đặc biệt là ở cái tuổi này, con người bắt đầu ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống. Có rất nhiều ước mơ, khát vọng, rồi kể cả những đấu đá xưa kia đối với họ bây giờ sao mà nó vô nghĩa thế. Họ bắt đầu nghĩ nhiều về sự kết thúc, về cõi hư vô.

Cái tuổi này tôi gọi là tuổi "Vô thường".

Bốn thời kỳ “Ôi, kìa – Chơi luôn – Biết thế - Vô thường” không chỉ thể hiện sự thay đổi suy nghĩ và hành vi của một con người trong cuộc đời của họ, mà tôi thấy nó còn vận vào một khoảng thời gian từ khi bắt đầu đến khi tàn cuộc của một công việc hay một sự nghiệp của một con người nữa.

Thường thì trước khi bắt tay vào làm một việc gì mới, ta thấy hào hứng, khám phá như một đứa trẻ, cái gì cũng mới, cũng thú vị và luôn thấy “Ôi, kìa.

Những ngày đầu bắt tay vào việc thì thường máu lắm và nghĩ mình làm được rất nhiều việc và thường cũng vẽ ra rất nhiều việc, thậm chí nhiều người còn liên tục chém gió nữa. Đó là lúc mà con người hừng hực một cơn say “Chơi luôn”.

Sau một hồi thử sức, và nhất là sau khi đã nếm mùi thất bại, thấy những điều mình nói ra, mình hứa không thành hiện thực thì mới thấy ngậm ngùi mà than “Biết thế”.

Và cuối cùng, khi tất cả mọi việc lại đâu vào đấy như một sự sắp xếp tự nhiên, người ta sẽ lặng lẽ đi vào cõi “Vô thường”, để lại đằng sau những lời khen-chê của thiên hạ.

Cứ quan sát, chiêm nghiệm một loạt các vị đăng đàn “chém gió” vừa qua thì thấy cái này đúng lắm. Không tin các bạn cứ thử kiểm lại mà xem.

Mạnh Cường Lotus 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét