Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Phải chăng dân tộc ta là một dân tộc "Du kích"?


Thuở sinh viên bên Liên Xô, trường tôi học có rất nhiều sinh viên nước ngoài, đến từ khoảng hơn 40 quốc gia trên thế giới. Giờ ra chơi, sinh viên các nước thường túm năm tụm ba buôn chuyện. Và, trong khi buôn chuyện thì không thể không nói đến sinh viên nước nọ, nước kia - thói đời là như vậy. Để tiện cho việc nói về sinh viên nước khác ngay trước mặt họ mà họ không biết thì người ta thường lấy một đặc trưng nào đó dùng làm từ lóng bằng ngôn ngữ của nước mình để ám chỉ nhóm sinh viên nước nọ, nước kia, ví dụ như “Đen” để chỉ sinh viên châu Phi, “Nhọ” để chỉ sinh viên A rập, “Ngố” để chỉ sinh viên Nga,…

Một lần tôi có hỏi một người bạn cùng lớp người châu Phi: “Thế khi các bạn nói về sinh viên Việt Nam thì thường dùng từ lóng gì?”. Câu trả lời: “Du kích”.

Lúc đó, tôi cũng chỉ nghĩ là mấy anh bạn đó chắc là biết về chiến tranh Việt Nam nên muốn ví những sinh viên Việt Nam chúng tôi như những du kích của Việt Cộng trong chiến tranh. Thế nhưng được một thời gian thì tôi bắt đầu ngờ ngợ và hiểu ra rằng người ta gọi mình như vậy là có hàm ý sâu xa hơn nhiều.

“Du kích” nếu hiểu theo một cách tích cực thì đó là cách đánh sáng tạo trong chiến tranh để lấy ít chọi nhiều, lấy yếu chọi mạnh. Còn nếu hiểu theo cách tiêu cực thì đấy người ta gọi là đánh lén, đánh trộm.

Trong chiến tranh thì nó có nghĩa như vậy, còn trong thời bình thì cái từ “du kích” có lẽ nó mang nghĩa tiêu cực nhiều hơn. Nếu nhẹ thì nó gợi cho người ta một cái gì đó mang tính khôn vặt, khôn lỏi, còn nếu nặng hơn thì nó có nghĩa một hành động không đàng hoàng, vụng trộm.

Từ ngày đó đến nay, quan sát và chiêm nghiệm, tôi thầm thốt lên “Ái chà, mấy thằng cha ‘Đen” ngày xưa thế mà thâm, nó gọi mình thế mà đúng thật!”.

Này nhé, mọi người cứ thử chiêm nghiệm ở Việt Nam bây giờ mà xem:

Về thu nhập, tôi đố ai bây giờ biết được cơ cấu thu nhập thực sự của người dân Việt Nam là như thế nào, kể từ thu nhập của những đại gia chủ những tập đoàn, của những chính trị gia và quan chức to ơi là to đến mấy viên chức quèn, của những bà bán hàng rong, cho đến tận người ăn xin ăn mày. Thu nhập của tất cả họ đều là con số mập mờ và hầu như không ăn nhập gì với con số người ta công bố cả. Thế thì có phải là thu nhập ở Việt nam bây giờ hoàn toàn mang tính “du kích” không?

Về thương mại, nhìn vào hàng hóa từ siêu thị đàng hoàng cho đến các mẹt hàng bán rong bán lẻ, tôi đồ rằng phải có đến trên 90% hàng hóa là không rõ xuất xứ, hoặc nếu có công bố thì cũng chỉ “hơi hơi rõ” thôi. Thế thì có phải là thương mại của Việt Nam mang đậm tính “du kích” không?

Về kinh doanh, khu vực không chính thức (informal sector) thì đích thị là “du kích” rồi, còn khu vực chính thức, tức là các doanh nghiệp lớn làm ăn có vẻ đàng hoàng ấy thì cũng “du kích” nốt. Không tin cứ thử kiểm tra sổ sách, hồ sơ các doanh nghiệp lớn nhỏ, kể cả doanh nghiệp nhà nước mà xem thì sẽ phải đánh dấu hỏi vào rất nhiều ô. Ví dụ rõ nhất có lẽ lại là ở cái ngành mà cần sự minh bạch nhất, đó là ngân hàng. Không “du kích” thì làm sao có thể xảy ra Vinashin, Vinalines, làm sao có thể có những “bầu Kiên” được, làm sao có thể có được sai phạm về ngân hàng mang tính “cả cụm” được.

Nói rộng ra các lĩnh vực khác thì đều như vậy cả, từ giáo dục, y tế, khoa học, thể thao thấy hình như tất thảy những lĩnh vực này đều vận hành theo kiểu “du kích” cả. Rồi ngay cả đến công tác bổ nhiệm cán bộ, phong học hàm học vị, danh hiệu này nọ cũng theo kiểu “du kích” nốt.

Và, quan trọng hơn (hay đáng ngại hơn) là để có thể sống một cách "đàng hoàng" (theo cái nghĩa là sống hòa đồng, đừng để ai nhìn bạn như người ngoài hành tinh) trong cái xã hội "du kích" đó thì bạn lại buộc phải trở thành "du kích" và ứng xử một cách cũng rất "du kích".

Ôi, thế hóa ra tất cả các lĩnh vực của đời sống của đất nước chúng mình bây giờ đều bị “du kích hóa” hết rồi à? Chẳng nhẽ “Du kích” đã trở thành một thương hiệu của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam chúng ta à? Và liệu "du kích" có là con đường mà dân tộc này đi đến tương lai không?

Bây giờ suốt ngày thấy nói Việt Nam hội nhập quốc tế. Ấy nhưng cái quốc tế mà Việt Nam đang muốn hội nhập ấy thì nó lại đang ngày càng hướng tới minh bạch hóa (đàng hoàng hóa!). Thế thì liệu một đất nước “du kích” có đủ sức (tôi không dám dùng từ đủ tư cách) để tham gia vào cái cộng đồng minh bạch kia không?

Tôi cứ lan man nghĩ đến khi con tôi, cháu tôi mà có đi ra nước ngoài học thì không biết mấy đứa bạn của chúng nó có gọi chúng nó là “du kích” như gọi thế hệ cha ông chúng nó không?

Mạnh Cường Lotus

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét