"Bức xúc" có lẽ là từ mà tần suất sử dụng có xu
hướng gia tăng trong mấy năm gần đây. Hình như cuộc sống càng hiện đại, thông
tin càng tự do thì độ bức xúc của xã hội càng tăng chăng?
"Bức xúc" là gì? Thôi thì tôi cứ mạo muội đưa ra
một cái định nghĩa thế này: là cái cảm giác được bộc phát ra ngoài bằng hành
động hay lời nói để thể hiện việc người ta không hài lòng về một cái gì đó với
một ai đó.
Vậy thì người ta thường không hài lòng hay bức xúc về cái
gì? Trên đời này có ngàn lẻ một lý do để người ta không hài lòng, nhưng tựu
chung lại tôi thấy có 3 cái thứ sau:
Thứ nhất là không hài lòng vì những thứ không phải con người
gây ra, ví dụ như bức xúc vì trời oi bức quá hay lạnh quá, hay đang vội đi làm
mà trời mưa to quá.
Thứ hai là không hài lòng về những thứ do người khác gây ra,
ví dụ như than vãn về sự kém cỏi của ông Bộ trưởng nọ, bà thị trưởng kia, buộc
lỗi ông huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia về sự thất bại của đội tuyển,
hay bức xúc về việc ông chủ trả lương cho mình thấp, hay buồn bực vì con cái
không chịu nghe lời,..
Thứ ba là không hài lòng về những thứ mà bản thân mình gây
ra, ví dụ như tại sao mình lại đoảng quá đánh rơi làm hỏng cái điện thoại, hay
mình học thế nào mà lại phải thi lại,..
Cũng có lúc cả 3 thứ trộn vào nhau, nhưng nếu tách ra thì
vẫn là 3 cái thứ đó. Mà cũng lạ, có lẽ là bản năng chăng, đó là con người
thường có xu hướng đi tìm cái nguyên nhân của sự không hài lòng ở cái thứ nhất
và cái thứ hai chứ ít khi dám tự nhận là nguyên nhân nó nằm ở cái thứ ba, tức ở
trong chính con người mình. Và cũng như một phản xạ, bắt đầu "xả" cái
sự bức xúc đó vào những nguyên nhân nằm ở ngoài bản thân ta, tức là nằm ở cái
thứ nhất và cái thứ hai ấy.
Chẳng lẽ đời người lại cứ phải sống với một núi các bức xúc
đó hay sao? Hãy vứt bỏ bớt nó đi chừng nào có thể cho cuộc đời nhẹ nhàng hơn.
"Quẳng" nó đi như thế nào?
Đối với loại bức xúc thứ nhất, đừng đứng đó mà kêu Trời mà
hãy chấp nhận thực tế để rồi tìm cách giải quyết. Đừng cố hỏi tại sao trời lại
mưa mà hãy tự hỏi trời mưa thì phải làm gì. Hãy như người Nhật ấy, họ sẽ không
kêu Trời rằng tại sao lại có động đất, sóng thần mà chỉ tập trung vào việc động
đất, sóng thần song thì phải làm gì thôi.
Đối với loại thứ hai, đừng cố gắng trách móc mà cố gắng hiểu
người khác để có phép ứng xử thích hợp. Đừng đứng đó mà đồng thanh kêu người nọ
kém, cái kia yếu mãi. Dạo qua các blog, các báo mạng, các mạng xã hội thấy hình
như người nào càng "kêu" khỏe thì càng "đắt khách" tới thăm
hay sao ấy? Hay là tụ tập "ảo" để "xả" cũng là một nhu cầu?
Nếu "xả" như vậy mà thấy lòng mình thanh thản hơn, xã hội yên bình
hơn thì cũng tốt, còn nếu ngược lại thì không nên.
Còn đối với cái thứ ba, hãy cố gắng biết mình, hiểu mình để
biết mình muốn gì là làm được gì như tôi đã nói ở status trước.
Đã làm kiếp người không thể không bức xúc, nhưng có lẽ chỉ
nên giữ cái nỗi bức xúc ở một mức độ vừa đủ để tạo động lực hành động thôi.
Không nên biền mình thành một cái bồ đựng bức xúc hay gieo bức xúc vào người
khác. Còn phải để dành chỗ cho yêu thương, cho sự bao dung và cho những niềm
vui sống nữa chứ nhỉ.
Cầu mong cho mọi người một cuộc sống an vui.
Mạnh Cường Lotus
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét