Đồng tiền sạch
Trước cửa cơ quan tôi có một anh đánh giầy. Tôi gọi là
"anh" bởi anh ấy không phải là "trẻ đánh giầy" như ta
thường thấy ở ngoài đường. Điều đó cũng nói lên một điều là anh đã có
"thâm niên" ngồi đánh giầy ở đây lâu lắm rồi. Anh đánh đôi này tới
đôi khác, đánh ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác. Vậy mà mỗi khi
ngắm nhìn anh đánh giầy, tôi vẫn có cảm giác là anh đang đánh đôi đầu tiên và
duy nhất vậy, vì anh đánh một cách chăm chú, đầy trách nhiệm. Nó gợi lại trong
tôi câu chuyện "Hạnh phúc từ sự tận tâm" về anh vá săm ô tô mà tôi đã
từng kể cho các bạn nghe trong status trước.
Anh đánh cẩn thận, 'chất lượng cao" như vậy nhưng giá
thì rất bình dân. Thế nên không biết mọi người thế nào chứ cứ mỗi lần rút tiền
ra trả công cho anh, tôi luôn có cảm giác là tôi trả anh thiếu một cái gì đó.
Trả thêm tiền thì anh không lấy. Thôi thì chỉ biết bù vào cái sự "thiêu
thiếu" ấy một lời cảm ơn - cảm ơn một cách chân thành - để mong cho nó đầy
đặn. Tôi tin là nếu không quá vô tâm thì ai mà được anh đánh giầy cho thì cũng
có cảm giác như vậy.
Anh đánh giầy ơi, những đồng tiền anh mang về nhà để nuôi
các cháu ăn học không chỉ là tiền đâu, mà nó còn mang theo cả những lời cảm ơn
- những năng lượng tốt mà mọi người dành cho anh, dành cho các cháu đó. Tiền đó
là Phúc đấy anh ạ.
Đồng tiền bẩn
Hàng ngày đi làm tôi vẫn thấy mấy anh CSGT đứng ở ngã tư
điều khiển giao thông. Mọi người tham gia giao thông biết ơn các anh lắm vì các
anh phải đội nắng đội mưa, chịu bụi chịu khói để giúp giao thông được an toàn,
thông suốt.
Thế mà ở một ngã tư khác, có cái anh cũng có cái còi như các
anh. Thỉnh thoảng anh lại "tít" một người (mà không hiểu sao đến phân
nửa là xe biển ngoại tỉnh). Người nào được anh "tít" thì được anh tận
tình đưa vào một góc để "nói chuyện". Khi "nói chuyện",
người ta thấy mặt một người thì nghiêm lắm, còn mặt người kia thì cứ nghệt ra,
pha chút sợ sệt, bất lực. Chẳng biết cái còi của anh ta có thần lực gì mà có những
bác ở cái tuổi trung niên rồi vẫn gọi anh ấy (người có lẽ chỉ bằng tuổi con bác
ấy) là "anh" và xưng là "em". Sau mấy phút "nói
chuyện" ngắn gọn thì một vài tờ polyme được kín đáo chuyển từ túi người
này sang túi người khác. Sau cái "giao dịch" đó thì tự nhiên người ta
thấy mặt một người nở dãn ra, đầy vẻ thỏa mãn còn mặt người kia teo lại thêm một
chút, đầy vẻ đau khổ pha chút oán hận và khinh bỉ.
Cái anh cầm còi kia ơi, hi vọng anh chỉ là con sâu trong nồi
canh thôi. Cái lý đúng - sai, phải - trái phải có thêm chút tình nữa chứ, với
cái đích là giáo dục chứ đừng phũ phàng quá. Đặc biệt là đừng lấy cái còi ấy ra
để bắt nạt người khác kiếm lợi. Biết đâu trong những tờ polyme người ta phải
cắn răng đưa cho anh có cả những đồng tiền mà một ông bố vừa bán đàn gà ở quê
để vội đưa con ra Hà Nội chữa bệnh đấy. Bởi vậy cũng nên biết là nếu anh mang
những đồng polyme kia ra quán để nhậu nhẹt thì anh sẽ nuốt vào cả những lời oán
hận của người đời đấy, tức nạp vào người cái năng lượng xấu đấy. Tiền đó là Họa
đấy anh ạ.
Thế nên nhà thơ dân gian Bảo Sinh mới có thơ rằng:
"Khi mê tiền
chỉ là tiền;
Ngộ rồi mới biết
trong tiền có tâm"
Mọi người ơi, mỗi
khi nhận đồng tiền từ ai thì hãy để tâm mình soi xét nhé. Đồng tiền cũng có
đồng tiền Phúc - đồng tiền Họa đấy. Biết nói không với những đồng tiền Họa thì
cũng là một cách làm Phúc đấy.
Mạnh Cường Lotus
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét