Lần trước tôi có nói về tình thế của người nhận lời khuyên. Còn bài này tôi nói lên mấy cái khó của người đưa ra lời khuyên.
Trong đời, ai rồi cũng sẽ ở vào cái tình thế là phải đưa
ra một lời khuyên, một lời tư vấn gì đó cho người khác. "Người khác"
ở đây có thể là con cái trong nhà, có thể là bạn bè, có thể là học trò, là đồng
nghiệp và cũng có thể là cấp trên của mình.
Khi phải đưa ra lời khuyên thì theo lẽ thường, người nói
sẽ cố gắng nói ra điều mà họ cho là đúng nhất. Muốn vậy thì ít nhiều người nói
phải nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề để tin rằng điều mình nói ra là đúng. Đó là
cái khó thứ nhất.
Điều tiếp theo là liệu lời khuyên đó người nghe có muốn
nghe hay không, hay là họ bị nghe. Có thể thời điểm nào đó hay bối cảnh nào đó
không phải là lúc, là nơi thích hợp để người ta nhận lời khuyên nên họ có thể
có cảm giác là họ bị nghe. Mà khi đã ở vào tình trạng bị nghe rồi thì yếu tố
đúng - sai của lời khuyên đã không còn quan trọng nữa. Quan trọng là họ không
muốn nghe. Đó là cái khó thứ hai.
Nhưng cũng có trường hợp xảy ra là lời khuyên thì rất
hay, người nghe cũng cảm thấy muốn nghe, nhưng rồi nghe xong người ta mới phát
hiện ra là người ta không làm được. Thế là có khi người ta lại có phản ứng
ngược lại vì người ta không muốn để lộ ra là mình bất lực (hay bất tài). Đó là
cái khó thứ ba.
Cái lỗi của nhiều người là cứ say sưa, cố gắng nói hết
những điều mình tìm hiểu và mình cho là đúng mà không để ý đến việc người nghe
có muốn nghe không và người nghe có làm được không.
Vậy nên ở đời hóa ra là nghiên cứu để hiểu một vấn đề đã
khó, nhưng lại chưa chắc đã khó bằng việc nói ra cái điều đó khi nào và nói cho
ai nghe.
Mạnh Cường Lotus
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét