Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Bản năng, Ý thức, Ngoại lực và Hành vi


Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao trên đời có những điều mà mọi người khuyên nhau rằng nên (hay phải) làm cái này cái nọ, đặc biệt là những điều mang tính luân lý trong cuộc sống, ấy vậy mà trong thực tế thì rất nhiều người lại không làm. Tại sao vậy? Ngay cả đối với bản thân chúng ta, có nhiều điều mình đã nghĩ, đã hiểu rằng nên làm, ấy thế mà sao mình lại không làm, thậm chí đi làm cái ngược lại?

Có lẽ phải đi ngược lại vấn đề rằng cái gì điều khiển hành động của chúng ta. Ví dụ như cái gì khiến con người thực hiện các hành động như ăn, uống, làm việc, học hành, đi lại,..?

Suy nghĩ của tôi là thế này: Phải chăng hành động của chúng ta luôn được điều khiển bởi ba thứ, đó là Bản năng, Ý thức và Ngoại lực?

Mình cứ để ý mà xem, khi mới chào đời, em bé đã biết khóc, đã biết bú mẹ - đó bản năng. Lớn lên, biết cười, biết nó, biết yêu biết giận – đó cũng là bản năng. Rồi con người được dạy dỗ, được học hành, được trải nghiệm để hình thành dần ý thức trong mỗi con người.

Xét về bản năng thì tôi cứ tạm chia ra làm hai loại chính, đó là bản năng bậc cao như bản năng yêu thương, hướng thiện,... và bản năng bậc thấp như tham lam, sân hận…Còn giữa hai loại đó là loại bàn năng cơ bản như bản năng ăn, uống, cười, nói, khóc,…

Xét về ý thức cũng vậy, tôi chia ra loại ý thức tích cực như ý thức làm việc, học tập, đóng góp xã hội… và cả loại ý thức tiêu cực như hủy hoại, trộm cắp…Còn giữa hai loại đó là loại ý thức bình thường như sáng thì thức dậy đi làm, đi học,..

Giả sử xã hội loài người cứ tự do, ai sinh ra bản năng thế nào thì hành động thế ấy, rồi ý thức hiểu đến đâu, biết đến đâu thì làm đến đó thì xã hội sẽ ra sao nhỉ? Đó sẽ là một xã hội hỗn loạn, pha tạp đủ các thứ tốt xấu.

Thế nên loài người mới sinh ra mộtthứ lực thứ ba gọi nôm na là ngoại lực để khiến con người phát huy cái bản năng bậc cao, ý thức tích cực và kiềm chế, ngăn chặn những bản năng bậc thấp, ý thức tiêu cực. Cái gọi là ngoại lực bao gồm từ những thứ lớn như nhà nước, pháp luật, tôn giáo để điều chỉnh hành vi của toàn xã hội, cho đến những ngoại lực ở mức độ nhỏ để điều chỉnh hành vi của cá nhân như sự giáo dục, bảo ban của bố mẹ, thầy cô.

Mỗi con người sống trên thế gian này đều chịu sự tác động và điều khiển của cả ba loại lực này, với các mức độ mạnh nhẹ khác nhau như những véc-tơ lực tác động đa chiều, đa hướng, khiến cho con người có những hành vi mà xã hội coi là tích cực hay tiêu cực.

Trong một môi trường hướng thiện, khi người ta thảo luận hay khuyên nhau về những việc nên làm thì cả người nói và người nghe thường nói theo cái ý thức tích cực của mình. Thế nhưng khi hành động thì thật ra cái phần bản năng nó lớn lắm. Nhất là khi thiếu vắng ngoại lực thì cái bản năng càng có cơ hội trỗi dậy.

Tại sao tôi lại giở vấn đề này ra để nói?

Bởi nhiều khi thấy mung lung, thấy lo lo. Xã hội hiện đại ngày nay người ta có thừa thông tin để quảng bá, để khuyên nhủ nhau làm những điều tốt. Nghĩa là xét về ý thức thì thấy có vẻ là hiện đại hơn xưa nhiều. Ấy vậy mà sao xét trên nhiều góc độ thì thấy nó lại đang xuống cấp: từ vấn đề tội phạm xã hội, đạo đức học đường, vệ sinh thực phẩm đến những vấn đề lớn như tham ô tham nhũng, vơ vén tư lợi,..

Xét theo cái lý thuyết mà tôi đưa ra ở trên về ba loại lực đó thì ta kết luận về nguyên nhân của những vấn đề trên sao đây? Phải chăng do phần ý thức tích cực bị teo đi; do phần bản năng cấp thấp bị kích hoạt; hay do ngoại lực (nhà nước, pháp luật, áp lực xã hội) bị suy yếu? hay do cả ba cái cộng lại?

Tôi thì tôi thấy dường như xã hội Việt Nam ngày nay đang đi theo chiều hướng làm kích thích phần bản năng của con người, khiến phần bản năng cấp thấp trở nên sung mãn, chi phối hành vi của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Viết mấy dòng ra đây vừa để cắt nghĩa cho những điều hàng ngày mắt thấy tai nghe ngoài xã hội, vừa để tự răn mình phải luôn cảnh giác với phần bản năng trong chính mình.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Cái khổ của việc "nuôi" sự nổi tiếng


Có dịp tôi đã bộc bạch là mình cảm thấy sung sướng làm sao khi được làm người bình thường. Thực ra khi nói như vậy là mình đã ngầm so sánh cái sướng của mình - cái sướng của một người bình thường, với cái khổ của những người nổi tiếng. (Cũng phải nói trước là cái cảm giác "sướng" và "khổ" ở đây là cái cảm giác của riêng tôi thôi chứ chắc gì những người nổi tiếng thấy họ khổ.)

Trong mắt tôi thì một trong những cái "khổ" của những người nổi tiếng ấy là họ phải "nuôi" cái sự nổi tiếng ấy. Này nhé, bạn đang là một người bình thường thì bạn ra ngoài đường bạn ăn mặc, đi đứng nói năng thế nào có lẽ cũng chẳng ai để ý. Thế nhưng một khi bạn đã nổi tiếng thì bạn đi xe gì, mặc quần áo gì, nói cái gì, thậm chí là ăn cái gì cũng có thể trở thành chủ đề cho người đời bình luận. Thế nên phải "nắn nót" hơn. Mà cái "nắn nót" này nhiều khi cũng tốn kém lắm.

Có nhiều lý do để một con người trở thành nổi tiếng. Nếu cái lý do để làm bạn nổi tiếng gắn liền với phương tiện để bạn kiếm tiền, ví dụ như bạn là một ca sỹ có hạng thì có lẽ cái "khổ" nó cũng vừa vừa thôi, thậm chí có thể họ cảm thấy sung sướng để vung tiền nuôi cái sự nổi tiếng ấy. Bạn có thể sẽ hãnh diện khoe trước thiên hạ là tay bạn đang treo (à quên đang đeo) cái đồng hồ bạc tỷ, cưỡi 'con xe" triệu đô chẳng hạn. Như vậy là ông trời đã ban cho bạn một giọng ca để bạn trở thành nổi tiếng và cũng ban luôn cho bạn cái phương tiện để nuôi sự nổi tiếng đó. Trường hợp này thì coi như "no problem!"

Cái sự trớ trêu nó xảy ra khi mà cái lý do khiến một con người nổi tiếng lại không phải là cái phương tiện để người ta kiếm đủ tiến để nuôi cái sự nổi tiếng của họ. Ví dụ rõ nhất là trường hợp của khá nhiều các cô người mẫu, hoa hậu.

Tôi còn nhớ khi xem những clip quay các cô gái tham gia vòng sơ tuyển Vietnam Next Top Model, có những cô còn mặc cả những bộ quần áo vô cùng bình dị - bình dị đến mức khiến cô giám khảo khó tính kia phải mắng mỏ, vùng vằng đối với thí sinh nào dám cả gan mang cái sự bình dị đó để đến dự một cuộc thi "đẳng cấp" của cái đẹp và cái diện. Ấy vậy mà nếu đùng một cái mà cô ấy trở thành một ai đó trong cuộc thi - chẳng cần đến nỗi nhất hay nhì, chỉ cần lọt vào top 10 thôi thì tôi dám đoán chắc rằng ngày hôm sau ra đường cô ấy đã phải cố gắng làm đẹp mình tới mức có thể rồi. Nếu không lo được cái túi LV xịn mấy ngàn đô để vắt vai thì cũng phải là một cái LV Tàu dởm vài triệu đồng. Rồi nếu cô ấy được mời đến một vài event nào đó thì cũng không thể mặc một bộ để đến tất cả các event được, quê chết đi được. Sống chết thì cô cũng phải lo cho được cho mỗi event một bộ cánh. Event càng nổi thì bộ cánh lại phải càng đắt. Rồi cô ấy cũng không thể vè vè cái xe máy, dù là xe gì, để đến dự event được.

Đấy là tôi chỉ đơn cử một cái nhỏ thôi, còn nhiều chuẩn mực bất thành văn khác trong cái thế giới người đẹp mà một người đàn ông cục mịch như tôi chưa đủ trình độ để hiểu.

Thế thì một câu hỏi rất đơn giản đặt ra là: lấy đâu ra tiền để nuôi cái sự nổi tiếng ấy. Tôi không dám vơ đũa cả nắm vì biết rằng cũng có nhiều cô người mẫu, hoa hậu lao động nghệ thuật miệt mài, vất vả để kiếm tiền nuôi cái nổi tiếng của mình. Rồi lại có những cô may mắn "sắm" được cho mình một (hay một vài?) đại gia có thừa tiến để nuôi cái sự nổi tiếng hộ họ.

Nhưng thử hỏi có bao nhiều người trong số các cô hoa hậu, người mẫu có được cái may mắn đó? Thế thì họ phải làm gì để nuôi cái sự nổi tiếng mà họ đang phải mang vác nó? Quẳng nó đi à? Quẳng là quẳng thế nào, tinh hoa của xã hội đấy, khối kẻ đang phải ghen ty, khối kẻ mơ không có được đấy.

Thế nếu không quẳng nó đi thì lấy đâu ra tiền để nuôi "nó" đây?

Điều khiến tôi suy nghĩ về vấn đề này vì vừa qua lùm xùm trên báo chí cái vụ "đại xì căng đan" về cái nghi án cô người mẫu này, cô hoa khôi, hoa hậu kia bán dâm mỗi lần cả ngàn đô. Tôi không hề có ý định bảo vệ hay thanh minh cho các cô ấy. Tôi chỉ muốn nói lên cái suy nghĩ (hay suy luận) của tôi về nỗi khổ của các cô ấy. Mà bản năng của con người là luôn tìm cách vươn lên để thoát khổ.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

Mỗi ngày tôi chọn một niềm...ngu


Trước hết xin nhạc sỹ Trịnh Công Sơn xá tội cho tôi vì tôi đã xuyên tạc lời bài hát của ông từ "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui" thành "Mỗi ngày tôi chọn một niềm Ngu". Nhưng quả thực là đối với tôi, mỗi một khi tự ngộ ra là mình ngu là một lần tôi cảm thấy vui.

Con người ai chẳng có lúc khôn, lúc dại. Tôi cứ tạm cho là một nửa những thứ mình làm trên đời này là khôn, còn nửa còn lại là dại. Mà "dại" đấy là nói cho nó văn vẻ thôi, nhiều khi nghe nó có vẻ trẻ con lắm. Thế nên tôi cứ gọi là "ngu" cho nó dễ hiểu.

Tạo hóa ban cho con người cái khả năng để mà ngu, nhưng nhiều khi lại "quên" không ban cho người ta cái khả năng nhận ra cái ngu của mình. Thế nên nhiều người cứ bị chìm đắm mãi trong cái bể ngu. Nghĩ vậy nên khi nhận ra là mình ngu thì tôi đã thấy mình được may mắn lắm rồi.

Có những lời mình nói ra sao này nghĩ lại thấy mình không nên nói như vậy, hay là không nên nói lúc đó, hay là không nên nói ra đối với người đó. Tất cả những cái đó tôi gọi là cái ngu của mình trong lời nói.

Có những hành vi hay việc làm mà mình sau này ngẫm lại thấy không nên tý nào vì hoặc là việc làm đó là sai, hoặc là việc làm đó không sai nhưng không nên làm trong bối cảnh đó. Tất cả những cái đó tôi gọi là cái ngu của mình trong hành động.

Lại còn có cả những ý nghĩ (mới chỉ là ý nghĩ thôi) mà sau này nghĩ lại thấy mình nghĩ như vậy là không phải. Đó có thể là ý tưởng mà mình cho là tốt đẹp, nhưng xét cho cùng thì thấy nó viển vông, ảo tưởng. Có những ý nghĩ có vẻ như rất bình thường, sau này nghĩ lại thấy nó chứa đựng những cảm xúc tự ái, những cái "tôi" trong đó nhiều quá. Những suy nghĩ vớ vẩn thì nhiều lắm, kể ra không hết được. Tất cả những thứ đó tôi gọi là cái ngu của mình trong suy nghĩ.

Mỗi một lần ngộ ra là mình ngu, dù là ngu trong lời nói, trong hành động hay trong ý nghĩ, thì tự nhiên thấy vui lắm. Vui vì biết ngu để mà tránh, để mà tu rèn. Thế nên mỗi ngày chỉ mong có được một niềm...Ngu là như vậy.

Viết đến đây tự nhiên lại nghe văng vẳng sâu bên trong mình câu hát.."Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui"...Vâng, tôi đang vui biết bao vì mỗi ngày lại ngộ ra thêm là mình còn ngu nhiều lắm.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Đỉnh cao của sự giàu sang hay sự tột cùng của ngu dốt?


Thời tiết Hà Nội đang vào Đông, nhiệt độ ngoài trời có khi xuống đến 10-12 độ C. Ai nấy ra đường đều cố quấn cho kín người tới mức có thể để chống lại cái lạnh.

Ấy vậy mà hôm vừa rồi tôi lại thấy đôi vợ chồng trẻ lái một cái ô tô mới coong - cái loại mà có lỗ thoáng ở trên nóc ấy. Trời rét vậy mà họ mở cái cửa nóc ấy ra rồi cho hai đứa trẻ (tôi đoán là con hay cháu gì đấy) đứng thò mặt ra ngoài (nghĩa là cái cổ của hai đứa bé đúng vào tầm của nóc xe, chỉ cần phanh nhẹ một cái thì cái nóc xe đã cứa ngay vào cuống họng của hai đứa bé rồi). Tất nhiên là để phục vụ mục đích khoe thì họ trang điểm và ăn mặc cho hai đứa trẻ "sành điệu" như diễn viên phim ấy (tất nhiên là loại phim rẻ tiền rồi).

Hai vợ chồng lái xe qua những đường phố đông người (và tất nhiên là bụi bặm) của Hà Nội giữa cái lạnh của mùa đông thế này. Trông họ có vẻ đắc ý lắm. Ai cũng biết là họ đang khoe - họ muốn khoe với thiên hạ rằng họ giàu, rằng họ sang, rằng họ sành điệu, rằng họ có những đứa con đẹp như những thiên thần,...(và có thể khoe cả cái gì nữa mà tôi chưa đủ trình độ để cảm nhận hết).

Tôi đồ rằng họ vừa lái xe đi vừa nghĩ trong đầu rằng họ đang đứng trên đỉnh của sự giàu sang, sành điệu.

Còn tôi, tôi chỉ thấy họ đã đạt đến sự tột cùng của sự ngu dốt.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Ba điều khó khi đưa ra lời khuyên


 Lần trước tôi có nói về tình thế của người nhận lời khuyên. Còn bài này tôi nói lên mấy cái khó của người đưa ra lời khuyên.
Trong đời, ai rồi cũng sẽ ở vào cái tình thế là phải đưa ra một lời khuyên, một lời tư vấn gì đó cho người khác. "Người khác" ở đây có thể là con cái trong nhà, có thể là bạn bè, có thể là học trò, là đồng nghiệp và cũng có thể là cấp trên của mình.

Khi phải đưa ra lời khuyên thì theo lẽ thường, người nói sẽ cố gắng nói ra điều mà họ cho là đúng nhất. Muốn vậy thì ít nhiều người nói phải nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề để tin rằng điều mình nói ra là đúng. Đó là cái khó thứ nhất.

Điều tiếp theo là liệu lời khuyên đó người nghe có muốn nghe hay không, hay là họ bị nghe. Có thể thời điểm nào đó hay bối cảnh nào đó không phải là lúc, là nơi thích hợp để người ta nhận lời khuyên nên họ có thể có cảm giác là họ bị nghe. Mà khi đã ở vào tình trạng bị nghe rồi thì yếu tố đúng - sai của lời khuyên đã không còn quan trọng nữa. Quan trọng là họ không muốn nghe. Đó là cái khó thứ hai.

Nhưng cũng có trường hợp xảy ra là lời khuyên thì rất hay, người nghe cũng cảm thấy muốn nghe, nhưng rồi nghe xong người ta mới phát hiện ra là người ta không làm được. Thế là có khi người ta lại có phản ứng ngược lại vì người ta không muốn để lộ ra là mình bất lực (hay bất tài). Đó là cái khó thứ ba.

Cái lỗi của nhiều người là cứ say sưa, cố gắng nói hết những điều mình tìm hiểu và mình cho là đúng mà không để ý đến việc người nghe có muốn nghe không và người nghe có làm được không.

Vậy nên ở đời hóa ra là nghiên cứu để hiểu một vấn đề đã khó, nhưng lại chưa chắc đã khó bằng việc nói ra cái điều đó khi nào và nói cho ai nghe.

Mạnh Cường Lotus

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Người đàn bà Việt trên đất Angerie

Câu chuyện sau đây tôi viết về một người phụ nữ Việt Nam mà tôi tình cờ được gặp ở Angerie năm 2006. Câu chuyện làm cho tôi ngộ ra được một điều: Hạnh phúc thật đơn giản, đó là khi ta được là chính ta.
----------
Lúc còn trẻ, chị lấy một hàng binh Lê dương người Angerie. Năm 1964, chị về quê Angerie cùng chồng. Xã hội Hồi giáo Angerie không chấp nhận chị. Chính quyền Angerie không công nhận chị. Bốn mươi năm, chị sống trong nghèo khổ. Nhưng đau khổ hơn, bốn mươi năm chị không biết mình là ai. Bốn mươi năm trôi đi, chị chưa một ngày cảm thấy sự tồn tại của mình trong xã hội nơi mình đang sống.
Rồi một hôm, chị nghe nói Đại sứ quán Việt Nam đang quyên góp tiền ủng hộ người nghèo ở Việt nam. Chị lặng lẽ lấy từ trong đáy tủ ra 500 đô la Mỹ – khoản tiền chị đã dành dụm cho việc Hậu sự của mình – cái dành dụm như một bản năng của người Việt. Chị lặn lội hơn tám trăm cây số lên thủ đô để nhờ Đại sứ quán Việt nam chuyển về nước ủng hộ người nghèo. Chị tâm sự: cả đời chị đã nghèo, cả đời chị đã không là ai thì khi chị chết, 500 USD kia cũng không làm cho cái chết của chị giàu lên, không làm cho nấm mộ của chị trở thành nấm mộ của ai đó trong cái xã hội Hồi giáo lạ hoắc này. Chị mong là 500 USD này sẽ làm cho một ai đó ở quê hương chị đỡ nghèo hơn.
Cán bộ Đại sứ quán, người thay mặt cho hơn 80 triệu đồng bào của chị đã đón nhận 500 USD từ chị với những lời cảm ơn chân tình xen lẫn giọt nước mắt cảm động. Và, chị đã có được khoảnh khắc làm Người sau 40 năm. Sau 40 năm, chị đã lại thấy mình tồn tại. Sau 40 năm, chị đã tìm lại được mình – người con của đất Mẹ Việt Nam. Sau 40 năm, chị lại có được những giọt nước mắt Việt, chảy ra từ một tấm lòng Việt trong sự ấm áp Việt.
Nay, chị đã lại trở về cái xứ xa tít mù tắp của Angerie và lại tiếp tục cuộc đời lặng lẽ. Nhưng, ở sâu thẳm trong chị, hình như cái ngày Hậu thế đã không còn quan trọng nữa, vì chị đã cảm thấy cuối cùng thì cuộc đời chị đã có một ngày có Hậu rồi.
Mạnh Cường Lotus